Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được

Tháng mười một 9, 2024

Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được

(Xây dựng) – “Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được” – Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã nhấn mạnh như vậy trước thực trạng một số công chức làm việc ở Hà Nội nhưng lại đăng ký mua nhà ở xã hội ở Bình Định.

Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được
Nhà ở xã hội đã giúp người nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận nhà ở.

Đã là nhà ở xã hội, dứt khoát không được cho phép đầu cơ!

“Theo quy định mới nhất tại Luật Nhà ở 2023 (số 27/2023/QH15) có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 sẽ mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Thay vì như trước đây chỉ có người dân trên địa bàn tỉnh mới được đăng ký mua nhà ở xã hội thì nay luật mới không giới hạn nữa. Bất kỳ người dân ở đâu nhưng miễn đủ điều kiện thu nhập thấp thì có thể nộp đơn đăng ký mua nhà ở xã hội. Điều này đã gây ra bất cập và địa phương cũng chưa biết xử lý như thế nào” – Đây là vấn đề được Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định Trần Viết Bảo nêu lên tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định – kỳ họp chuyên đề thứ 19 diễn ra mới đây.

Theo người đứng đầu ngành Xây dựng tỉnh Bình Định, trước đây theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Luật Nhà ở năm 2014 (số 65/2014/QH13) thì đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội sẽ bị giới hạn bởi quy định về thuế thu nhập cá nhân (trước đây, luật quy định những người đóng thuế thu nhập cá nhân hàng tháng không thuộc đối tượng được mua NOXH). Tuy nhiên, lần này Luật sửa đổi đối tượng rộng hơn (hộ cá nhân có thu nhập đến 15 triệu và hộ vợ chồng có tổng thu nhập 2 người đến 30 triệu thì đủ điều kiện), cùng với đó, điều kiện xác minh cũng dễ hơn.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định, chính điều này đã gây ra một số bất cập, bởi chính sách thì địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để các dự án phát triển NOXH, mục tiêu đáp ứng cho người dân địa phương. Nhưng theo luật mới lại không có ràng buộc người dân đó ở đâu, cứ miễn đúng đối tượng thì họ được mua, cho nên vừa rồi cũng có một số đơn của những công chức, cán bộ xã, phường ở Hà Nội đã gửi đơn vào đăng ký mua dự án nhà ở xã hội ở Bình Định. Họ mua nhưng họ không ở, như vậy thì chỉ có đầu cơ.

Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được
Một dự án nhà ở xã hội ở Bình Định.

Ông Trần Viết Bảo cho hay, hiện nay số lượng căn hộ chủ đầu tư đăng ký bán với số lượng người dân thu nhập thấp đăng ký nộp đông, không còn quá thiếu như năm 2021 – 2022. “Năm 2021 – 2022 có khoảng 300 đơn đăng ký nhưng số lượng căn hộ chủ đầu tư đưa ra bán chỉ có 100, như vậy là phải xếp hàng bốc thăm. Tuy nhiên, từ năm 2023 – 2024 thì số lượng này là 50-50 (có nghĩa 50 căn nhà thì bà con đăng ký 50 đơn), như vậy đủ điều kiện để xét. Sắp tới thì theo Luật Nhà ở 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 thì đối tượng mở rộng hơn. Hy vọng số lượng người mua được giải quyết nhiều hơn và việc đầu tư của các chủ đầu tư thì cũng sẽ đẩy nhanh được tiến độ.

Trước vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho rằng: “Tỉnh mình còn nghèo, mình lo cho dân mình thôi”, còn người nào muốn vô đây ổn định, an cư, lập nghiệp lâu dài thì chúng ta mới xem xét, còn mở ra như thế thì rất phức tạp”.

“Đã là nhà ở xã hội, dứt khoát không được cho phép đầu cơ. Ai mà để cho các đối tượng lợi dụng chính sách để đầu cơ trục lợi, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chúng ta giải quyết nhân văn cho những người không có chỗ ở, chứ không phải đưa ra là chỗ để đầu cơ, lũng đoạn là không được. Chính sách gì chúng ta ban hành ra cũng phải nhân văn nhưng phải ngăn chặn việc đầu cơ, anh không có nhu cầu gì mà anh mua là không có thế chấp nhận được”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Hỗ trợ giải phóng mặt bằng 100% dự án nhà ở xã hội

Liên quan đến nhà ở xã hội, tại cuộc họp HĐND mới đây đã thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030.

Theo đó, đối với dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập, Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi diện tích khu đất xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Lợi dụng chính sách để đầu cơ, trục lợi nhà ở xã hội là không thể chấp nhận được
Dự án nhà ở xã hội Tân Đại Minh đang được xây dựng.

Mức hỗ trợ trên không bao gồm: Chi phí đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật bên trong tòa nhà; chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc diện tích đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước quản lý. Mức hỗ trợ tối đa không vượt quá 50% chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng công bố tại thời điểm phê duyệt dự án.

Đối với dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, Nghị quyết cũng quyết nghị đồng ý Nhà nước hỗ trợ 50% như trên nhưng không bao gồm các khoản chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã thực hiện trong phạm vi quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ về giải phóng mặt bằng. Cụ thể, Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án xây dựng nhà ở xã hội (không áp dụng đối với trường hợp quy định tại khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15).

Đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn.