Lồng tiếng – nghề tay trái của diễn viên sân khấu
Lồng tiếng – nghề tay trái của diễn viên sân khấu
Ưu thế của diễn viên sân khấu chính là giọng nói. Họ được học môn Tiếng nói sân khấu rất kỹ khi ngồi trên ghế nhà trường, hoặc nếu là “tay ngang” tham gia diễn kịch thì cũng được/bị các đạo diễn nhào nặn tới nơi tới chốn về giọng thoại. Nhờ vậy, diễn viên sân khấu thường có giọng thoại chất lượng, và họ không chỉ cống hiến cho sân khấu mà còn tham gia cả phim ảnh trong lĩnh vực lồng tiếng.
Người được mệnh danh “chất giọng vàng” không thể không nhắc đến là nghệ sĩ Tú Trinh, Khánh Hoàng. Khán giả thường nhớ hai người này với những vai diễn nặng ký trên sân khấu, và cũng nhớ luôn chất giọng tuyệt đẹp của họ trong rất nhiều bộ phim, thậm chí Tú Trinh còn đọc lời bình, quảng cáo, hoặc đọc sách nói kinh Phật… Âm lực khỏe khoắn của Tú Trinh có sức cuốn hút lạ kỳ. Còn Khánh Hoàng thì chất giọng trầm ấm, quyến rũ và cũng rất nghiêm cẩn, sang trọng, sau này anh trở thành “thầy” dạy cho nhiều diễn viên trẻ khi bước vào nghề lồng tiếng.
Thế hệ kế tiếp có NSƯT Hữu Châu nổi tiếng trong lĩnh vực hoạt hình, từng tham gia phim Khách sạn huyền bí, Lò đào tạo quái vật, Công chúa tóc xù… Có thể nói lồng tiếng cho phim hoạt hình là vất vả nhất, ngay cả những người chuyên nghiệp trong giới lồng tiếng có khi cũng kham không nổi, phải “cầu viện” nghệ sĩ sân khấu. Hữu Châu nói: “Phim hoạt hình cử động liên tục, tiết tấu cực nhanh, đòi hỏi người lồng tiếng phải “chạy” theo bở hơi tai. Mà nhân vật cũng đâu có nói bình thường, cứ trầm bổng, lên xuống, chuyển “màu” liên tục. Khi tôi lồng tiếng, tôi cũng phải “diễn” theo phim, phải lấy cảm xúc bằng cách quơ chân, múa tay, giậm đùng đùng… thì tiếng của mình mới tràn ngập xúc cảm khớp với màn ảnh. Lồng xong một tập mà kiệt sức bằng diễn 2 suất kịch dài”. Thật sự trong nghề này những nghệ sĩ gạo cội cỡ Hữu Châu mới có đủ “lực” mà “biến giọng” theo nhân vật, theo tiết tấu.
THEO NGHỀ MỘT CÁCH TÌNH CỜ
Thế hệ trẻ hơn có Quốc Thịnh, Tuyết Mai (sân khấu Hoàng Thái Thanh), Mai Phượng (sân khấu IDECAF) cũng theo nghề lồng tiếng mười mấy năm nay. Tuyết Mai lồng tiếng cho rất nhiều vai nữ chính trong vô số phim truyện và phim nhựa mà chị không tài nào nhớ nổi tên, chỉ nhớ mình “chuyên trị” cho các diễn viên Thanh Trúc, Thúy Diễm, Thùy Trang… vì chất giọng phù hợp với ngoại hình và tính chất của họ. Tuyết Mai kể: “Tôi tốt nghiệp Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM năm 2005, chưa có việc làm, bèn đi theo ông xã Quốc Thịnh vì ổng đang làm cho chị Mộng Vân (người cực kỳ nổi tiếng trong giới lồng tiếng). Chị Vân cho tôi lồng thử vai quần chúng, rồi từ đó phát triển luôn”. Sau này Tuyết Mai về sân khấu Hoàng Thái Thanh nhưng chị vẫn theo lồng tiếng, nghề tay trái bỗng thành nghề tay phải, có tháng đảm nhận 4 – 5 phim, ngồi trong phòng kín suốt sáng, trưa, chiều, tối, thu nhập vững vàng.
Mai Phượng cũng chia sẻ: “Tôi vào nghề rất tình cờ. Năm 2007, tốt nghiệp trường sân khấu mà chưa có nơi để diễn, tôi theo đạo diễn Lê Bảo Trung vào Đài truyền hình TP.HCM chơi, gặp chú Khánh trong đó, chú cần một người chỉ biết khóc, la cho một vai nhỏ xíu, tôi bèn nhận lời. Nhờ vậy mà tôi “quen” với HTV và được lồng cho nhiều vai quần chúng khác, sau đó lên vai chính luôn, rồi bước sang phim ảnh. Tôi cảm ơn nghề tay trái này vì nó nuôi tôi suốt nhiều năm dài khi chưa có sân khấu ổn định”. Mai Phượng còn nhớ vai chính đầu tiên chị lồng tiếng là cho diễn viên Kim Hiền (phim Dốc tình), sau đó là Nguyệt Ánh (Miền đất phúc, và phim về Hàn Mặc Tử), Như Phúc (Hướng nghiệp), Trương Quỳnh Anh… Sau này chị còn lồng cho phim Hàn, phim Thái, và một số vai phụ trong phim hoạt hình.
VẪN PHẢI HỌC RẤT NHIỀU
Nghề này có cái khó riêng, không phải người nào có chất giọng tốt cũng lồng tiếng được, mà đòi hỏi sự nhạy bén, khéo léo và những kỹ thuật đặc biệt. Mộng Vân và Khánh Hoàng là những người thầy được thế hệ trẻ nhắc tới, bởi truyền dạy nghề tận tâm, không giấu giếm bí quyết. Tuyết Mai nói: “Thầy Khánh Hoàng dạy tôi cách giữ hơi, giữ giọng vì ngồi lồng cả ngày cả tháng dễ bị bể giọng, hư giọng. Ngay cả thầy Thành Hội, cô Ái Như dạy học trò cực kỹ trên sân khấu cũng giúp tôi áp dụng vào lồng tiếng. Chị Mộng Vân thì dạy cách “làm màu” như hơi thở, tiếng khóc, tiếng nấc, liếc, thở ra, chép miệng… Tôi tri ân các thầy cô”.
Cái khó của người lồng tiếng là họ cũng phải “diễn” cùng với nhân vật trên màn ảnh, mà chỉ diễn bằng giọng nói thôi, làm sao phải đầy đủ cảm xúc y như nhân vật lại vừa phải khớp với khẩu hình, không được “lọt mặt”. Đó là thuật ngữ trong nghề, khi người lồng tiếng làm sai khẩu hình hoặc diễn quá nhiều mà nhân vật thì lại đơ, không hề khớp giữa “cái mặt” và “cái giọng”. Tuyết Mai là một trong những người thường “cứu” những “ca khó” là diễn viên bị đơ, chị phải bù lại bằng chất giọng biểu cảm của mình nhưng phải khéo léo sao cho không “quá lố”. Cái khó nữa, là người lồng tiếng ít khi có thời gian xem hết kịch bản, mà thường chỉ được nghe đạo diễn trình bày về nhân vật, tính cách, tâm lý, rồi cứ thế mà “nói – diễn” cùng với màn ảnh. Nhưng hầu hết nghệ sĩ sân khấu đều có sự nhạy bén nên họ vượt qua dễ dàng.
Mai Phượng còn có một lợi thế là chị không lồng tiếng cho phim bộ Hồng Kông TVB nên giọng chị được các hãng phim gọi là “còn mộc”, họ rất dễ sử dụng cho phim VN. Bởi nếu ai đã lồng cho phim Hồng Kông nhiều rồi thì khán giả sẽ “quen” và nhận ra dễ dàng, khi lên phim Việt sẽ gây tâm lý lấn cấn.
NSƯT Hữu Châu đúc kết: “Nghề lồng tiếng tuy ẩn mình phía sau diễn viên nhưng phải có trách nhiệm “đẩy” diễn viên lên. Vui nhất là có phim hoạt hình khán giả nhận ra giọng tôi, cứ reo lên “chú Hữu Châu” và yêu cầu phần 2 phải có “chú Hữu Châu”. Đôi khi cái tên của mình cũng thành ra… “quảng cáo” giùm cho phim, vì nhiều fan của mình kéo nhau đi xem. Bên nghề lồng tiếng có nhiều anh chị em giỏi lắm chứ, nhưng diễn viên sân khấu mình góp thêm nữa thì càng vui, thấy nghề tay trái mà hạnh phúc quá trời!”.
Bạn đang đọc Lồng tiếng – nghề tay trái của diễn viên sân khấu tại website hungday.com
Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.