Lừa đảo ‘đu’ theo nhu cầu thị trường
Lừa đảo ‘đu’ theo nhu cầu thị trường
“Mùa nào thức nấy”
Đang chuẩn bị cho chuyến du lịch tại Úc trong dịp hè, anh P.V.V, 45 tuổi, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, nhận được cuộc gọi điện thoại chào mời mua combo nghỉ dưỡng, có thể đặt khách sạn ở bất cứ đâu trong vòng 10 năm, giá ưu đãi từ 200 triệu đồng đã giảm còn 150 triệu đồng. Sợ lừa đảo, anh V. vội từ chối nhưng nhân viên telesales bên kia tiếp tục mời mọc, đề nghị anh chỉ cần đóng 30% là có thể trải nghiệm dịch vụ và sau đó tiếp tục thanh toán phần còn lại.
Nghe lời dụ dỗ hấp dẫn, anh V. đã chuyển tiền cọc và yêu cầu đặt khách sạn tại Úc. Nhân viên telesale sau đó nhắn tin đòi hỏi nhiều giấy tờ vô lý như visa của khách và cả những người đi cùng, anh V. đều cung cấp được.
Nhưng cuối cùng, đến sát ngày đi nhân viên này mới thừa nhận rằng không đặt được phòng cho anh V. vì anh mới chỉ đóng 30% gói combo. Anh V. chua chát nói: “Đến lúc này tôi nhận ra mình bị lừa. Các đối tượng lừa đảo rất tâm lý, khi nhu cầu du lịch vào dịp hè tăng lên thì các chiêu trò combo giá rẻ này rất hiệu quả. Bản thân tôi thường xuyên làm ăn, cẩn thận khi đàm phán hợp đồng, nhưng cũng bị dụ dỗ và sập bẫy”.
Mới đây, Trường Đại học Y Hà Nội cũng bị một số đối tượng lợi dụng danh tiếng để thực hiện hành vi giả mạo, đăng tin đăng ký vào ký túc xá trái phép trên các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể, các đối tượng tự nhận là cán bộ, giảng viên, tạo lập nhóm Facebook có tên “Đại học Y Hà Nội – HMU” để tiếp cận các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội. Các đối tượng chủ động liên hệ và tiếp cận, tư vấn nhiệt tình cũng như đưa ra các khoản tiền phải đóng nếu thí sinh muốn có chỗ ở sớm, yêu cầu gửi thông tin và chuyển tiền ngay lập tức, hứa hẹn nếu thí sinh không đỗ sẽ hoàn lại tiền.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), xu hướng lừa đảo theo mùa vụ còn đang hướng đến các nhu cầu sắp tới như mua sắm thiết bị trường học, đăng ký thuê ký túc xá sinh viên…
“Theo dõi các vụ lừa đảo trực tuyến trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy xu hướng lừa đảo đánh vào tâm lý và theo nhu cầu thời vụ rất rõ ràng. Ví dụ, khi thời điểm áp dụng công nghệ sinh trắc học khi chuyển khoản ngân hàng đến gần, lập tức số lượng cuộc gọi rác, cuộc gọi dẫn dụ hướng dẫn người dùng cài đặt sinh trắc học tăng lên đột biến, số vụ bị lừa cài đặt sinh trắc học mà chúng tôi ghi nhận qua các báo cáo cũng tăng lên. Hay như thời gian trước, khi học sinh vừa nghỉ hè, nhiều thủ đoạn lừa đảo lợi dụng vào khóa tu mùa hè hoặc học kỳ quân đội.
Gần đây, khi nhu cầu đi du lịch, đi chơi hè tăng lên, lập tức xuất hiện nhiều hội nhóm, nhiều đối tượng rao bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn, homestay với giá rẻ bất ngờ, yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc sau đó chiếm đoạt, nhiều người đã bị lừa lên tới cả chục triệu đồng. Đặc biệt, Công an tỉnh Quảng Ninh mới đây đã cảnh báo có trường hợp đối tượng sử dụng Fanpage “Review Cô Tô tất tần tật” để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng”, một chuyên gia Cục An toàn thông tin cho biết.
Mạo danh cả shipper để lừa tiền
Khi nhu cầu mua sắm qua mạng tăng lên, việc thanh toán đơn hàng thông qua shipper một cách dễ dàng cũng trở thành kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Chị Trương Hạ Huyền (34 tuổi), ngụ tại P.Cát Lái (TP.Thủ Đức, TP.HCM), kể lại: “Tôi thường mua hàng qua mạng nên anh shipper quen mặt, có khi tôi vắng nhà thì shipper chỉ cần bỏ món hàng vào trong sân, sau đó tôi sẽ chuyển khoản trả tiền hàng. Nhưng có lần tôi suýt chút nữa bị lừa vì nhận được cuộc gọi điện thoại của shipper giao hàng và nhắn số tài khoản để chuyển tiền. May mắn làm sao tôi kiểm tra lại thì thấy thời điểm đó tôi không đặt đơn hàng nào mua trả sau cả, mà chỉ có thanh toán trước. Sau khi tôi gặng hỏi thì shipper này tắt máy, rõ ràng đây là hình thức lừa đảo mới đánh vào thói quen mua hàng online và nếu người mua nào chủ quan thì sẽ mắc lừa ngay”.
Mới đây, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã chia sẻ việc bản thân bị lừa tiền, thủ đoạn mà nam nhạc sĩ gặp phải khá tinh vi. Cụ thể, nhạc sĩ Dương Khắc Linh kể: “Nãy có shipper gọi mình nói ship đồ của Sara Lưu mà mình nói không có nhà nên cứ gửi bảo vệ rồi đưa số tài khoản để mình chuyển tiền như mọi khi. Vì shipper đọc đúng số điện thoại và địa chỉ nên mình không nghi ngờ gì cả. Lúc sau nó gọi lại nói là đưa nhầm số tài khoản và nói mình gọi lên trung tâm để lấy lại tiền, vì nếu không chuyển đúng sẽ bị phạt 3 triệu rưỡi…”.
Sau khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường, nhạc sĩ Dương Khắc Linh đã kiểm tra và phát hiện nhiều bài cảnh báo lừa đảo, có số điện thoại tương tự. Dương Khắc Linh nhắn nhủ: “May mà mình chỉ mất số tiền nhỏ chứ khá nhiều người đã bị tụi này lừa mấy chục triệu rồi nên mình viết bài cảnh báo này tới mọi người. Nếu shipper gọi mà bạn không có nhà thì hãy hẹn shipper quay lại vào lúc khác, tránh chuyển tiền luôn nhé!”.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng trở thành nạn nhân của lừa đảo qua mạng. “Tôi vừa bị lừa đảo. Họ giả danh Công an Quận 10 gọi tôi hỗ trợ định danh. Họ yêu cầu phải sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android mới làm được vì hệ thống nhà nước đồng bộ như vậy. Sau đó, họ dùng chế độ quét mặt tôi qua một ứng dụng và sau đó tôi bị rút mất hơn 200 triệu đồng”, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ. Trước anh, ca sĩ Lương Gia Huy cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự và bị mất gần 500 triệu đồng.
Mới đây một phụ nữ tên H. (70 tuổi), trú tại Q.Long Biên (Hà Nội), nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an TP.Hà Nội, nói bà có liên quan đến vụ án mà cơ quan công an đang điều tra; yêu cầu bà chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Tin lời, bà H. đã đến ngân hàng chuyển 5 tỉ đồng cho các đối tượng.
Một trường hợp khác là bà L. (73 tuổi, trú tại Hà Nội) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu bà chuyển tiền để xác minh. Do lo sợ nên bà L. đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà L. kể lại với người thân trong gia đình thì mới biết mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Công an TP.Hà Nội khuyến cáo: Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Hiện nay chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện và quảng bá ứng dụng nTrust để giúp người dùng chống lừa đảo. Phần mềm sẽ giúp người dân kiểm tra dấu hiệu lừa đảo, tăng khả năng phát hiện và phòng tránh các nguy cơ bị chiếm đoạt tiền. Chúng tôi đặt mục tiêu cần xác định những điểm chốt chặn quan trọng, theo đó dù các đối tượng lừa người dân theo kịch bản nào thì cũng phải đi qua những chốt chặn này.
Ông Vũ Ngọc Sơn (Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc gia – NCS)
Bạn đang đọc Lừa đảo ‘đu’ theo nhu cầu thị trường tại website hungday.com
Dưới đây là nhà xưởng sản xuất giường gội đầu ac có thể liên hệ để nhận tư vấn nếu có nhu cầu setup giường gội đầu tại nhà nhé: https://hungiota.com/xuong-san-xuat-giuong-goi-dau-duong-sinh-tai-ha-noi/