Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới

Tháng mười 28, 2024

Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới

(Xây dựng) – Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) đã đạt nhiều kết quả quan trọng. 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nhiều xã đang bứt tốc về đích nông thôn mới nâng cao. Với hệ thống hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục được nâng cấp, mở rộng, diện mạo và đời sống của người dân Lý Nhân đang được đổi mới từng ngày.

Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới
Huyện Lý Nhân khoác lên mình diện mạo mới nhờ những hiệu quả thiết thực của chương trình nông thôn mới.

Phát triển toàn diện

Nằm ở phía Đông của tỉnh Hà Nam, huyện Lý Nhân được bao bọc bởi sông Hồng và sông Châu Giang. Với Quốc lộ 38B chạy qua, cùng hệ thống đường dẫn cao tốc Hà Nội – Hải Phòng qua 02 cầu (Hưng Hà, Thái Hà), Lý nhân có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, giao thương…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.462 tỷ đồng chiếm 20,5%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng đạt 9.555 tỷ đồng chiếm 49,2%, thương mại, dịch vụ và tổng mức bán lẻ đạt 6.020 tỷ đồng chiếm 30,3%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 242,406 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện còn là 3,11%.

Đặt chân đến Lý Nhân hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi hệ thống đô thị, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, góp phần gắn kết giao thương, liên kết phát triển kinh tế – xã hội. Với nguồn lao động dồi dào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, huyện có nhiều làng nghề nông thôn như: Nghề dệt, bánh đa nem, đồ gỗ, tiểu thủ công nghiệp… góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Nhờ hệ thống giáo dục, y tế, môi trường trên địa bàn huyện được quan tâm, đầu tư phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người của dân Lý Nhân những năm qua được cải thiện, nếp sống văn minh nông thôn được nâng cao.

Với nhiều chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong những năm qua, việc đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp cho thấy những hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Đức Nhương, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân cho biết: Huyện Lý Nhân được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, tỉnh và sự giúp đỡ của các Sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã chủ động thực hiện, đặc biệt đã phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc đồng thuận, đoàn kết, chung sức, chung lòng, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ.

“Toàn huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên nhiều mặt như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn thôn mới kiểu mẫu…; tập trung chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo bộ tiêu chí 2021 – 2025”, ông Nguyễn Đức Nhương nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, đến nay Lý Nhân có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là: Xuân Khê, Nhân Bình, Nhân Chính, Đức Lý, hợp Lý; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Chính Lý, Trần Hưng Đạo, Nguyên Lý, Công Lý, Tiến Thắng. Hiện 05 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 là: Văn Lý, Phú Phúc, Nhân Nghĩa, Chân Lý, Nhân Mỹ đang tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu và hoàn thiện hồ sơ các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt trình các cấp thẩm tra, thẩm định để công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cũng nhờ sự quan tâm sát sao của Đảng bộ, chính quyền huyện, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đã được đầu tư xây mới, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn; chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì ổn định; hệ thống y tế khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố, tăng cường cả về vật chất và cán bộ đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm duy trì và phát triển nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện.

Duy trì mục tiêu, tập trung phát triển mô hình hợp tác xã

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 26/2024/QĐ-UBND ngày 19/6/2024 của UBND tỉnh Hà Nam về việc sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao…, trong năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị liên quan rà soát, đánh giá thực trạng thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu; duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện huyện nông thôn mới nâng cao.

Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới
Mô hình hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để đảm bảo duy trì, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện đã phân công trách nhiệm cho từng thành viên về địa bàn, theo đó các thành viên phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc duy trì đảm bảo các mục tiêu, tiêu chí nông thôn mới, việc phát triển mô hình hợp tác xã (HTX), nâng cao chất lượng các sản phẩm cũng luôn được chính quyền huyện quan tâm.

Theo tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện hiện có 16 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: Đông trùng hạ thảo của HTX Minh Đức, Rượu nếp Hợp Lý, Bánh đa nem làng Chều, Cá kho Nhân Hậu, Chuối ngự Đại hoàng, Dưa chuột thái lát ngâm giấm, Phở khô gia truyền, quả bưởi Chính Lý, hạt sen, tỏi đen Linh An, quả bưởi Xuân Khê, quả bưởi Chân Lý, Giò lụa, xúc xích, giăm bông…

Với lợi nhuận từ 3 đến 5 tỷ đồng mỗi năm, chị Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo Minh Đức cho biết: Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Hà Nam, các Sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, HTX của chúng tôi đã phát triển và có nguồn sản phẩm ổn định, tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Được công nhận là sản phẩm OCOOP 3 sao của địa phương, các sản phẩm của HTX chủ yếu là đông trùng hạ thảo tươi, khô, các chế phẩm như rượu đông trùng hạ thảo, rượu ngâm mật ong với nhiều mẫu mã được đóng gói sang trọng, phù hợp túi tiền.

Lý Nhân (Hà Nam): Sức sống mới từ chương trình nông thôn mới
Chị Đỗ Thị Phương, Giám đốc HTX Đông trùng hạ thảo Minh Đức chia sẻ về quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo.

“Đông trùng hạ thảo của HTX được nuôi cấy theo công nghệ Hàn Quốc, giống được nhập của Nhật. Nhờ có sự hỗ trợ của các Sở, ban, ngành, đến nay cơ sở của chúng tôi đã chủ động được nguồn giống và có phương pháp lưu giữ, cấy truyền tốt. Các sản phẩm thu hoạch được đều có màu vàng cam với hàm lượng dưỡng chất cao”, chị Phương cho hay.

Với mức lương từ 6 đến 12 triệu/tháng, tùy theo công việc, chị Phương mong muốn chính quyền địa phương và các Sở, ban, ngành tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ thêm nguồn vốn để HTX được mở rộng thêm mô hình, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con.

Trao đổi với PV Tin tức xây dựng mới nhất, bà Nguyễn Thị Hồng, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam) cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh Hà Nam có bố trí nguồn kinh phí để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của địa phương, trong đó các HTX có sản phẩm được hỗ trợ tham gia.

Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho địa phương như chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm…

Với những hiệu quả thiết thực từ chương trình nông thôn mới, diện mạo huyện Lý Nhân hôm nay đã có những thay đổi tích cực. Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục được nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao… Nhiều HTX trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho thành viên. Từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội; đảm bảo an ninh, chính trị địa phương.