Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không

Tháng sáu 12, 2024

Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), thời gian gần đây bệnh viện này tiếp nhận nhiều ca bị tổ đỉa ăn mòn lòng bàn tay, bàn chân do người bệnh tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, hóa chất mà không đeo găng tay bảo hộ.

Tổ đỉa ăn mòn lòng bàn tay, bàn chân

Sau khi nghỉ hưu, bà Q.T.D (56 tuổi, ngụ TP.HCM) ở nhà chăm sóc cháu ngoại và nội trợ. Cháu ngoại 9 tháng đang tập bò, tập đi nên bà lau nhà 2-3 lần mỗi ngày, thường xuyên sát khuẩn đồ chơi, giặt quần áo cho cháu bằng tay không. 

Mấy tháng nay, bà D. bị nổi mụn nước ở ngón giữa bàn tay phải, đã đi khám ở một số bệnh viện, tự điều trị bằng cách giã nát lá bằng lăng tươi, đun với phèn chua đắp lên chỗ mụn nước nhưng không khỏi. Mụn nước nổi nhiều thành mảng gây ngứa dữ dội. Ngón tay sưng nóng to gấp đôi so với bình thường, liên tục chảy mủ, rỉ dịch, đau không thể co duỗi.

Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không- Ảnh 1.

Bàn tay một người bệnh bị tổ đỉa trước (ảnh trái) và sau 1 tháng điều trị

BVCC

Ông D.Q. (65 tuổi, ở Đồng Nai) mắc viêm da cơ địa từ vài chục năm trước. Ông tái phát viêm da nhiều lần, từng điều trị ở nhiều nơi nhưng không dùng thuốc duy trì. Gần đây, ông sơn mới tường, tự trộn vữa xây mới hàng rào quanh nhà, tổng vệ sinh nhà cửa với các loại thuốc tẩy rửa mạnh. Ông cũng có thói quen đi chân đất làm vườn và hay dùng bàn chải và nước giặt quần áo chà chân. Sau đó, lòng bàn tay, chân nổi ban đỏ, đau rát, dày sừng, da bong tróc từng mảng lớn. 

Tổ đỉa là bệnh gì?

Theo tiến sĩ – bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, tổ đỉa (chàm tổ đỉa) là một thể của viêm da cơ địa, có tên khoa học Dyshidrotic Eczema hoặc Pompholyx. Đặc trưng của bệnh này là chỉ xuất hiện ở lòng và rìa ngón bàn tay, bàn chân. Một số ít trường hợp có thể xuất hiện ở mu bàn tay, bàn chân nhưng không bao giờ vượt quá cổ tay và cổ chân. Các mụn nước của tổ đỉa có đường kính 1-2 mm, thường nằm sâu trong da, dày cứng, khó vỡ, mọc rải rác hoặc tập trung thành từng cụm.

Bác sĩ Ngọc Bích cho biết nguyên nhân gây tổ đỉa phổ biến nhất là dị ứng, kích ứng với hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước giặt, xà bông, nước lau sàn, nước cọ bồn cầu); mỹ phẩm, sơn móng tay, thuốc nhuộm – uốn – tẩy tóc; hoặc hóa chất công nghiệp như sơn tường, xi măng, sơn gỗ; phân bón, thuốc trừ sâu… Các hóa chất này mài mòn, gây lở da. Da bị lở lâu ngày nhưng không được điều trị đúng cách, kịp thời dẫn đến tổ đỉa.

Ngoài ra, các yếu tố như lão hóa, sức đề kháng yếu, cơ địa nhạy cảm, di truyền, mắc các bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng, dị ứng thực phẩm, nhiễm nấm, nhiễm khuẩn… cũng là điều kiện thuận lợi cho chàm tổ đỉa xuất hiện.

Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không- Ảnh 2.

Ngón tay một nữ bệnh nhân dần phục hồi sau hơn 1 tháng điều trị tổ đỉa

BVCC

Để điều trị, người bệnh phải uống kháng sinh, kháng viêm trong 1-2 tuần để kiểm soát nhiễm trùng. Sau khi vết thương lành, người bệnh cần duy trì bôi thuốc chống ngứa, dưỡng ẩm để phục hồi hàng rào bảo vệ da. 

Bác sĩ cũng hướng dẫn bà D. và ông Q. đổi sữa tắm, dầu gội, nước rửa tay thành loại dành riêng cho người bị viêm da cơ địa và đeo găng bảo vệ tay khi dùng các loại hóa chất tẩy rửa khi vệ sinh nhà cửa hoặc khi làm vườn.

Tổ đỉa khó chữa khỏi, dễ tái phát

Bác sĩ Ngọc Bích cho biết chàm tổ đỉa khu trú ở tay, chân – các bộ phận có tần suất tiếp xúc thường xuyên nên các tổn thương da có nguy cơ bội nhiễm cao hơn so với các vị trí khác. Thêm vào đó, vì tổ đỉa thường không gây các triệu chứng nghiêm trọng, ít khi ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng nên dễ bị bỏ qua.

Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không- Ảnh 3.

Tiến sĩ – bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích thăm khám cho một người bệnh

BVCC

Nhiều người mắc bệnh nhưng không tới gặp bác sĩ mà tự điều trị, không kiêng tiếp xúc với hóa chất nên bệnh càng nặng. Các thành phần hóa chất trong hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa, phân bón, hóa chất trừ sâu… vừa là nguyên nhân phát bệnh, vừa là yếu tố khiến tổ đỉa dai dẳng.

Để phòng tránh chàm tổ đỉa, bác sĩ Ngọc Bích khuyên người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với tất cả các loại hóa chất. Nên đeo găng tay bảo hộ, găng tay cao su khi làm việc, dọn dẹp nhà cửa, nhất là người có cơ địa dị ứng, viêm da, công nhân nhà máy hóa chất, nhân viên y tế, người dọn vệ sinh công nghiệp… Với hóa mỹ phẩm sử dụng hằng ngày, nên tránh các loại có chứa hóa chất ăn da, nên ưu tiên loại có độ pH trung tính với da.


Bạn đang đọc Mang bệnh do tiếp xúc với chất tẩy rửa bằng tay không tại website hungday.com