Mệt mỏi vì đi làm như ‘đi từ thiện’?
Mệt mỏi vì đi làm như ‘đi từ thiện’?
Lâu dần, họ mất đi động lực làm việc, thậm chí bị ảnh hưởng về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Trên các hội nhóm việc làm công khai trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho rằng: “đi làm không phải đi từ thiện”.
Với họ, công việc đòi hỏi sự công bằng, rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm; trong khi từ thiện là hành động xuất phát từ sự tự nguyện và lòng thương.
Bị lợi dụng khi đi làm
Bức xúc vì nhiều lần bị đồng nghiệp lợi dụng, chị Mỹ Trang (ở Q.Tân Bình, TP.HCM), nhân viên marketing tại một công ty truyền thông cho biết, bản thân luôn bị nhân viên cũ trong công ty thường xuyên “nhờ vả”. Thậm chí, đồng nghiệp còn nhờ chị Trang xử lý công việc ngoài giờ làm việc, in tài liệu, mua cà phê…
“Lúc mới vào công ty, tôi sợ mất lòng đồng nghiệp nên vui vẻ đồng ý. Nhưng càng làm lâu, tôi càng cảm thấy mệt mỏi vì những lời nhờ vả liên tục từ đồng nghiệp. Dường như với họ, sự giúp đỡ của tôi đã trở thành một điều hiển nhiên. Việc giúp đỡ đồng nghiệp là điều bình thường trong một môi trường làm việc nhưng khi sự giúp đỡ bị lạm dụng quá đà, nó lại trở thành “gánh nặng” và ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều cá nhân”, chị Trang nói.
Theo chị Trang, trong môi trường công sở, việc hỗ trợ lẫn nhau là điều nên có để xây dựng một tập thể đoàn kết, một môi trường làm việc lành mạnh. Tuy nhiên, sự giúp đỡ phải dựa trên tinh thần tự nguyện và có giới hạn.
“Về sau, tôi cũng đã học được cách nói lời từ chối, chỉ nhận giúp đỡ những công việc nằm trong khả năng của mình. Đừng để bản thân mình bị lợi dụng, thứ chúng ta cần khi đi làm là một môi trường làm việc tốt, tích cực, làm cho nhân viên có thêm nhiệt huyết làm việc chứ không phải bòn rút, cạn kiệt năng lượng”, chị Trang khẳng định.
Nhờ vả hay lợi dụng?
Thường xuyên tăng ca mà không hề có bất kỳ khoản phụ cấp hay quyền lợi nào thêm, chị Thái Hiền (34 tuổi, ở Q.12, TP.HCM), nhân viên chăm sóc khách hàng tại một công ty bảo hiểm cảm thấy chán nản với công việc hiện tại.
“Ban đầu, sếp nói với chúng tôi đây là giai đoạn đặc biệt, công ty cần sự hỗ trợ của tập thể để hoàn thành dự án đúng hạn. Nhưng dần dần, việc tăng ca đã trở thành điều bình thường, đến mức đúng giờ tan làm nhưng không ai ra về. Ai cũng tự hiểu mình phải ở lại làm thêm để tránh ảnh hưởng tới tiến độ chung,” chị Hiền ngán ngẩm kể.
Mặc dù được hứa hẹn sẽ thưởng thêm vào cuối năm, nhưng chị Hiền và nhiều đồng nghiệp khác không tránh khỏi cảm giác chán nản. “Công ty thường xuyên động viên nhân viên hãy cố gắng thêm, nghĩ đến tương lai mà phấn đấu. Nhưng chúng tôi đi làm ai cũng mong được có lương thưởng ổn định, còn không thì không bị đánh cắp thời gian cá nhân. Đi làm là mối quan hệ trao đổi giá trị nên tôi cũng mong công ty thấu hiểu. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, ai sẽ chịu trách nhiệm cho thời gian và sức khỏe mà chúng tôi đánh đổi?”, chị Hiền thổ lộ.
Nhân viên nên chủ động bày tỏ
Nhiều chuyên gia nhân sự cho rằng, người lao động cần phải thiết lập giới hạn rõ ràng trong công việc, đặc biệt là với những lời nhờ vả không hợp lý.
Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Phạm Thành Danh, quản lý nhân sự Công ty TNHH thương mại – dịch vụ Thép Khương Mai chia sẻ: “Chúng tôi rất khuyến khích tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong công ty. Việc này sẽ góp phần xây dựng một tập thể đoàn kết, phát triển. Tuy nhiên, nếu vấn đề này trở thành một hình thức lợi dụng công sức của người khác thì sẽ tạo ra mâu thuẫn, khiến nhân viên dần mất đi cảm hứng trong công việc”.
Từ góc độ quản lý, anh Danh khuyến khích nếu có bất kỳ khó khăn nào trong công việc, nhân viên nên cởi mở trao đổi với cấp trên.
“Nếu sếp không biết, họ sẽ không thể hỗ trợ. Đừng ngần ngại chia sẻ, vì đó là quyền lợi và cũng là trách nhiệm của người quản lý để tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh,” anh Danh nói.
Bên cạnh đó, ông Danh cũng đưa ra lời khuyên, cấp trên luôn âm thầm quan sát cách làm việc của nhân viên. Họ sẽ có những đánh giá, công nhận sự nỗ lực của nhân viên và đưa ra những chế độ hỗ trợ xứng đáng.