Mình đã làm chủ “FLOW” như thế nào?

Tháng năm 25, 2024

Trong cuộc sống, có những thời điểm mà chúng ta phải đối diện với nỗi cô đơn. Với mình, giai đoạn theo đuổi sự nghiệp freelancer là thời điểm mình trải qua cảm giác đơn độc nhiều nhất vì không có ai bên cạnh.
Ban đầu, mình cảm thấy buồn bã vì sự lẻ loi của bản thân. Nhưng mọi thứ dần thay đổi tích cực khi mình bắt đầu khám phá và áp dụng nguyên tắc của Flow trong cuộc sống hàng ngày. 
Không còn dành nhiều thời gian cho nỗi buồn mà học cách chuyển sự chú ý vào mục tiêu, hiện thực hóa ước mơ, mình dần cảm thấy phấn chấn hơn.
Cũng nhờ hiểu và ứng dụng Flow, công việc và cuộc sống của mình bắt đầu trở thành những dòng chảy nối tiếp, tựa như con suối nhỏ ở quê nhà, thầm lặng chảy róc rách bất kể đêm ngày.

Hiểu về trạng thái Flow 

Flow hay còn được gọi là trạng thái tập trung tuyệt đối, là trạng thái mà bạn tập trung tuyệt đối vào hoạt động đang diễn ra, không quan tâm đến thời gian, không gian, cả những yếu tố nhiễu bên ngoài như tiếng ồn, âm nhạc, tiếng xe cộ…
Hiểu một cách đơn giản, trong trạng thái Flow tức là bạn hòa làm một điều bạn đang làm, toàn bộ sự chú tâm bạn đặt vào giây phút hiện tại, bạn không bị bị quá khứ chi phối, không bị tương lai làm phiền. Flow chính là bạn – việc bạn làm – hòa làm một.
Trạng thái dòng chảy Flow được biết cách đây rất lâu, tuy nhiên nó chỉ bắt đầu được mở rộng và ứng dụng mạnh mẽ vào thực tế nhờ những nghiên cứu chuyên sâu của nhà tâm lý học nổi tiếng người Hungary – Mihaly Csikszentmihalyi.
Lĩnh vực nghệ thuật là minh chứng điển hình cho trải nghiệm dòng chảy, đó là trạng thái khi người nghệ sĩ thăng hoa khi họ đắm mình trên cây vĩ cầm, nữ ca sĩ thả hồn phiêu diêu theo giai điệu của bài hát, người họa sĩ để trái tim nương theo từng nét cọ trên giá đỡ.
Yiruma – một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Hàn Quốc đã từng chia sẻ về quá trình anh sáng tác bản River Flows in You vào khoảng thời gian ở London. Lúc ấy anh đang ngồi bên những phím đàn, chơi lướt một vài nốt nhạc đang tuôn ra từ tâm trí. Ti vi ở phòng khách vào khi đó đang mở và vang lên một đoạn quảng cáo cho chương trình khiêu vũ River Dance của Ireland.
Yiruma|Internet

Yiruma|Internet
Khi đó Yiruma thư thả để cho tay mình nhảy múa trên những phím đàn theo điệu nhạc. Một sự kết hợp ngẫu nhiên, lặp đi lặp lại bằng tay trái cùng một giai điệu độc đáo theo phong cách Ireland bằng tay phải. Đây cũng chính là cách mà bản nhạc được đặt tên, nguồn cảm hứng từ ‘River Dance’ tuôn chảy một cách tự nhiên trong lòng. Đây chính là trải nghiệm tối ưu khi người nghệ sĩ đạt được đỉnh điểm sáng tác khi thả hồn mình theo nguồn cảm hứng.
Tuy nhiên theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, Flow không nhất thiết bị giới hạn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật mà giờ đây con người hoàn toàn có thể trải nghiệm trạng thái dòng chảy trong hầu hết các lĩnh vực đời sống, bao gồm cả công việc nặng nhọc hay khô khan như lập trình, làm vườn, sửa chữa máy móc, ngoài ra Flow cũng được tìm thấy trong những hoạt động thư giãn như viết lách, đan lát, trồng cây, thể thao, trò chuyện với bạn bè. 
Nếu bạn là người thích quan sát, bạn sẽ bắt gặp Flow ngay trong những khoảnh khắc đời thường. Họ là những người đang dán chặt đôi mắt vào màn hình máy tính, họ cũng có thể là một cô gái, một chàng trai đang say sưa đọc sách. Đôi mắt họ dán chặt vào cuốn sách/ máy tính. Không gian xung quanh dù là tiếng ồn ào, tiếng nhạc, tiếng người ra vào, tiếng ly chén vỡ cũng không thể ảnh hưởng việc học chú tâm vào việc của mình. Những khoảnh khắc ấy, tất cả họ, đều đang ở trong trạng thái Flow.
Pinterest

Pinterest
Để có thể ứng dụng trạng thái dòng chảy trong cuộc sống, bạn cần hiểu được những yếu tố cấu thành nên Flow.

3 thành tố của quan trọng Flow:

Mục tiêu rõ ràng: Để trải nghiệm trạng thái Flow bạn cần có một mục tiêu cụ thể, một kết quả đang mong đợi, từ đó định hướng hành động của mình.
Ví dụ bạn có mục tiêu muốn trở thành một nhà văn, vậy thì bạn cần biết để trở thành nhà văn bạn sẽ cần những gì, ví dụ cần một chiếc máy tính để luyện viết, bạn cần đọc sách để mở rộng vốn từ, bạn cần trải nghiệm có thêm kinh nghiệm sống, bạn cần lên kế hoạch để rèn luyện khả năng viết lách của mình.
Phải có phản hồi (Feedback) cho công việc đang làm: Việc phản hồi sẽ giúp bạn đánh giá tiến độ của nhiệm vụ/ mục tiêu. Phản hồi giúp bạn biết được liệu bản thân đang tiến bộ, thụt lùi, hay phần nào đang cần bạn bỏ thêm nhiều thời gian và công sức.
Phản hồi rất quan trọng, bởi thiếu đi nó bạn sẽ mất kết nối điều bạn đang làm, hoặc bạn sẽ không biết được mình đang ở đâu trên hành trình chinh phục mục tiêu.
Phải có sự cân bằng giữa kỹ năng và độ khó của thử thách: Nếu bạn làm một việc quá dễ so với kỹ năng bạn có, thì rất dễ để bạn sinh buồn chán. Ngược lại, nếu bạn làm việc quá tầm so với khả năng của bạn thì sẽ cảm thấy căng thẳng và áp lực. Khả năng và độ khó của thử thách cần được cân bằng với nhau.
Để làm tốt phần này, theo mình, bạn cần phải dành thời gian phản hồi liên tục về tiến độ công việc và mục tiêu của bạn.
Từ trải nghiệm cá nhân, mình thấy rằng, việc cân bằng kỹ năng và độ khó thử thách là điều đặc biệt quan trọng bởi vì mình từng mắc sai lầm là đưa ra thử thách quá lớn so với khả năng. Vì thế mình để bản thân rơi vào căng thẳng cực độ, điều này khiến cho sức khỏe tinh thần và thể chất của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giai đoạn đó cực kỳ tồi tệ và để hồi phục lại mình mất một khoảng thời gian rất lâu, đến bây giờ sức khỏe của mình vẫn chưa ổn định lại.
Vậy nên, bạn cần đặc biệt lưu ý phần này. Đừng để mục tiêu bạn quá dễ so với khả năng, nhưng cũng đừng quá khó làm ảnh hưởng sức khỏe, mất đi động lực. Hiểu bản thân, cân bằng là chìa khóa để duy trì hiệu suất.

Một mình sẽ trở thành lợi thế nếu bạn biết học cách đưa cuộc sống vào trạng thái dòng chảy

Francis Bacon có nói một câu rất nổi tiếng: “Bất kỳ ai thích thú với sự cô độc thì đó là một con thú hoang hoặc một vị thần”. Theo Csíkszentmihályi, chúng ta không nhất thiết phải trở thành vị thần, nhưng nếu một người có thể học cách tận dụng khoảng thời gian một mình, biến chúng trở thành khoảng thời gian lợi thế, tận dụng cho việc học tập và phát triển một kỹ năng thì rất có thể về lâu dài người đó sẽ đạt được thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Nhà văn Haruki Murakami đích thị là một nhà văn vô cùng thông minh khi khéo léo tận dụng sở thích ở một mình để viết lách, phát triển những thói quen lành mạnh.
Nhà văn Haruki Murakami| Internet

Nhà văn Haruki Murakami| Internet
Haruki từng chia sẻ rằng ông có thói quen cố hữu thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, làm việc liên tục trong 5-6 tiếng đồng hồ buổi sáng. Buổi chiều, ông chạy 10 km hoặc bơi 1,5 km, đôi khi là cả hai. Thời gian cuối ngày ông thường dùng để đọc sách, nghe nhạc nhẹ và lên giường đi ngủ lúc 21h hàng ngày. Đó luôn luôn là những công việc lặp lại trong cuộc sống của ông. Nếu bạn biết số lượng các tác phẩm cũng như thành công lớn trong sự nghiệp tiểu thuyết gia Haruki ta có thể thấy việc đưa đời sống mình trạng thái dòng chảy sẽ mang lại lợi ích rất lớn lao như thế nào.
Nhà văn Harper Lee cũng thông qua việc ở một mình trong khoảng thời gian dài để sáng tác, ông đã đạt được thành công vang dội với cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại” (To Kill a Mockingbird) vào năm 1960.
Nhà khoa học Albert Einstein tận dụng lợi thế của trí tuệ và tư duy sáng tạo để đặt nền móng cho lý thuyết Tương Đối và Lý thuyết Cơ Học Lượng Tử cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
Nhà khoa học Stephen Hawking, mặc dù đối mặt với khó khăn về sức khỏe do bị bệnh ALS, những ông luôn kiên trì không ngừng nghỉ để nghiên cứu về nguyên lý vũ trụ và lý thuyết lỗ đen. Đóng góp của ông mang lại nhiều cải tiến cho xã hội.
Tất nhiên chúng ta không phải ai cũng trở thành nhà văn hay một nhà khoa học vĩ đại. Mỗi chúng ta đều là những cá thể riêng biệt, có sở thích, mục tiêu khác nhau. Bên cạnh đó, việc đối diện và vượt qua cảm giác cô đơn không hẳn dễ dàng. 
Nhưng hiện tại, nếu bạn đang có lợi thế về mặt thời gian, hãy tận dụng đúng cách để mang lại nhiều giá trị cho bạn về lâu dài.

Trải nghiệm cá nhân mình

Ban đầu, mình đã trải qua một khoảng thời gian dài, cảm thấy lạc lõng và cô đơn khi ở một mình. Mình cũng từng dành rất nhiều thời gian để oán trách, than vãn, đổ lỗi, tức giận về những điều đang diễn ra trong cuộc sống. Không ít lần mình nhìn ngang ngó dọc với sự đủ đầy của bạn bè xung quanh sinh buồn chán. Nhưng rồi sau quãng thời gian đắm chìm trong suy nghĩ bất mãn như vậy, mình thấy bản thân chỉ thụt lùi chứ chẳng có gì tiến bộ hơn.
Khi đọc và ngẫm nghĩ về Flow mình hiểu ra nếu mình tận dụng quãng thời gian một mình để phát triển sự nghiệp sẽ là một lựa chọn thông minh và sáng suốt. Và mình đã học theo nhà văn Haruki lên lịch viết lách vào buổi sáng, buổi chiều mình dành cho các hoạt động cá nhân và dạy học. Ban đầu thì mình không thành công bởi vì mình có lối sinh hoạt không lành mạnh, cạnh đó khả năng tập trung của mình rất kém, vì thế một nhiệm vụ mình làm thường rất lâu, hoàn thành khá trễ. 
Nhưng sau một khoảng thời gian dài nỗ lực rèn luyện sự tập trung cũng như học cách thiết lập kế hoạch phù hợp, hiện tại mình đã trải nghiệm trạng thái dòng chảy trong công việc viết lách, dạy học cũng như các hoạt động cá nhân khác như viết nhật ký, tập yoga, đọc sách, trò chuyện cùng bạn bè.
Tất nhiên không có gì tuyệt đối, mình cũng đang là một người học, đang tiếp tục thực hành. Đôi khi vẫn có những chuyện không hay xảy đến, điều đó làm xáo trộn cuộc sống mình khá nhiều. Như có thời điểm căng thẳng mà mình không thể giữ vững phong thái tập trung. Lúc ấy mình cũng cố ép bản thân làm việc cho bằng được, nhưng mọi thứ đều phản tác dụng. 
Vậy nên, có thêm bài học mình nhận ra rằng Flow không nhất thiết phải liên tục đạt được thành tựu hay sự tập trung hoàn hảo. Flow còn được ứng dụng vào việc lắng nghe nhu cầu và tiếng nói bên trong bản thân. Mệt mỏi thì chúng ta cần nghỉ ngơi, thỉnh thoảng cũng nên ra ngoài dạo chơi, gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động tích cực khác.
Chỉ khi bạn lắng nghe, thuận theo nhịp độ tự nhiên của cơ thể, thì hiệu suất công việc và cuộc sống mới có thể phát triển mạnh mẽ theo tiết tấu riêng của bạn.

Những điều cần lưu ý để hiểu về  Flow

Khi bàn về những lợi ích và giá trị của trạng thái Flow, một hiểu lầm phổ biến cho rằng Flow luôn đi kèm với trạng thái hào hứng, dễ chịu và thoải mái. Thực tế, đạt được trạng thái Flow không đơn giản như vậy. Dưới đây là một số thách thức từ trải nghiệm cá nhân, mình muốn chia sẻ để giúp bạn hiểu kỹ càng hơn về trạng thái Flow:
– Thách thức tập trung: Để đạt được trạng thái Flow, bạn cần tập trung tuyệt đối vào hoạt động đang làm. Trong thế giới hiện đại với sự phân tán bởi quá nhiều luồng thông tin, khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải đối diện là duy trì sự tập trung chú ý trong khoảng thời gian nhất định. 
Nên để đạt được trạng thái Flow bạn phải rèn luyện khả năng tập trung một nhiệm vụ/ ở một thời điểm, đồng thời loại bỏ những yếu tố gây xao nhãng như tắt điện thoại di động, email, thông báo từ mạng xã hội trong lúc làm việc. 
Điều này mình cũng đang luyện tập, vì mình người dễ bị xao nhãng và khá nghiện mạng xã hội. 
– Thách thức có được một mục tiêu rõ ràng: Để đạt được Flow, bạn cần đặt mục tiêu rõ ràng và có hướng đi của mình. Ở mỗi thời điểm bạn cần nhất quán chọn cho mình 1-2 mục tiêu lớn, sau đó chia chúng thành mục tiêu nhỏ để bắt tay vào hành động.
Ví dụ: Mục tiêu lớn 1
+ Hành động 1
+ Hành động 2
…..
Ví dụ mục tiêu mình trở thành người có kỹ năng viết lách rõ ràng [mục tiêu lớn]
=> Mục tiêu nhỏ của mình sẽ là:
+ Đọc sách mở rộng vốn từ
+ Đọc các bài viết tác giả yêu thích để học về cách viết
+ Bất cứ khi nào có thời gian sẽ luyện viết, chép văn, hoặc viết nhật ký
….
– Thách thức vượt qua cảm giác khó chịu: Trong quá trình theo đuổi trạng thái Flow, bạn sẽ trải qua sự chán nản và mất động lực. Nhất là khi bạn phải đối mặt với những thử thách lớn và nhiệm vụ khó khăn.
Hàng loạt cảm giác khó chịu, căng thẳng sẽ bủa vây tâm trí và cơ thể của bạn. Vậy nên bạn cần nhớ cảm giác khó chịu, mệt mỏi, gặp thách thức một phần tự nhiên trong quá trình thực hành để trải nghiệm trạng thái Flow. Nhận biết điều này sẽ giúp bạn đón nhận những khó khăn trên hành trình trải nghiệm với một tâm thế vô tư hơn.
– Thách thức vượt qua sự tự nhận thức: Một thách thức khác quan trọng không kém là để đạt được trạng thái dòng chảy, bạn cần có khả năng tự nhận lực về năng lực cũng như hiệu suất làm việc của mình.
Rất dễ để chúng ta so sánh khả năng và tiến độ làm việc của bản thân với những người xung quanh cùng ngành nghề. Nhưng đây là hành động gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Để vượt qua thách thức này, bạn cần học cách chấp nhận chính mình, có bao nhiêu thời gian hãy tập trung vào hoạt động hiện tại thay vì lo lắng về kết quả bạn nhé.

Cách thức đạt được trải nghiệm tối ưu:

Dưới đây mình sẽ tóm gọn 6 bước để đạt được trạng thái Flow:
– Xác định mục tiêu rõ ràng: Đặt ra mục tiêu cụ thể và rõ ràng cho hoạt động của bạn, điều này giúp bạn tập trung tối đa vào nhiệm vụ cần hoàn thành.
– Tìm sự thách thức và kỹ năng phù hợp: Đảm bảo hoạt động đòi hỏi một mức độ kỹ năng thích hợp để bạn không cảm thấy quá chán nản hoặc quá căng thẳng. Sự phù hợp giữa thách thức và kỹ năng sẽ tạo điều kiện cho trạng thái Flow.
– Tạo môi trường tập trung: Loại bỏ những yếu tố xao lạc và tạo ra một môi trường yên tĩnh nhất có thể, để giúp bạn hoàn toàn tập trung hoàn toàn vào công việc. Nhưng nếu phải làm việc môi trường ồn ào, hãy sắm cho mình taiphone bật bản nhạc yêu thích thật to, mình hay áp dụng cách này mỗi khi đến quán cafe ồn ào, nghe nhạc to hơn âm thanh bên ngoài cũng là cách giúp mình tập trung cao độ.
– Tập trung vào hiệu suất: Tập trung vào quá trình và kết quả của công việc, không để ý đến thời gian hay những suy nghĩ về những chuyện quá khứ hay những chuyện bạn không thể kiểm soát.
– Thực hành và rèn luyện: Trạng thái Flow cần được rèn luyện và thực hành thường xuyên. Bạn có thể thử những hoạt động mà bạn đam mê, cảm thấy thú vị để tăng khả năng đạt được trạng thái Flow.
– Tạo sự kết hợp giữa thú vị và mục tiêu: Khi công việc đòi hỏi sự tập trung cao, hãy tìm cách kết hợp với niềm vui và sự hứng thú của bạn để tạo ra một trạng thái Flow tốt nhất. Ví dụ mình là một người rất thích đi quán cafe, vậy nên thời điểm cần viết bài, mình sẽ đến quán cafe yêu thích để có thêm cảm hứng để viết lách hoặc sáng tạo.

Lời kết: 

Ban đầu, việc rèn luyện để đưa công việc và đời sống vào trạng thái dòng chảy là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng về lâu dài, nếu bạn kiên trì thực hành, bạn sẽ sớm có được thành tựu riêng, dù nhỏ bé nhưng cũng rất đáng để tự hào.
Việc “hòa vào dòng chảy” chắc chắn là điều đáng để phấn đấu. Tôi biết khi tôi ở đó. Tôi đang chạm vào thứ gì đó vượt xa khả năng của mình.
Aleta Pippin, nghệ sĩ trừu tượng
Mong chia sẻ của mình sẽ hữu ích với bạn, sau này bạn có ứng dụng thành công trạng thái Flow vào trong đời sống. Nếu có điều gì thú vị bạn hãy chia sẻ lại với mình nhé.
Bạn có đọc thêm bài tóm tắt cuốn sách Flow – Dòng chảy của mình