MÌNH ĐƯỢC GÌ SAU NHỮNG MẤT MÁT ?

Tháng sáu 29, 2024

Hôm qua tình cờ xem được tập podcast ‘’ của Thảo Tâm với Vietcetera, đến đoạn Tâm nói về ông ngoại và bà nội – những người đã đi xa khỏi cuộc đời Tâm, mình đã phải kiềm lại để không khóc ngay giữa giờ nghỉ trưa ở văn phòng. Bởi bất giác mình lại nhớ đến bà nội và bà ngoại mình, những người đã tạm biệt mình để rời khỏi chốn “nhà trọ” trần gian này.

Mình nghĩ là ai cũng từng trải qua một mất mát nào đó. Lần đầu mình “được” nếm trải nỗi đau mất người thân là khi mình lên 8.
Mình vẫn nhớ như in ngày 17/11/2004, lúc mình đang tha thẩn chơi sau khi tan trường, thì bố đỗ xe trước mặt mình, đôi mắt đỏ hoe dù đã cố được che đậy bởi người đàn ông trụ cột của gia đình. Bố bình tĩnh bảo: “Lên xe nhanh con, bà nội mất rồi”
Mình hẫng một lúc, rồi lên xe. Chuyến xe im lặng và nặng nề. Mình nhớ lại, hồi trẻ bà đẹp lắm. Một tiểu thư tiểu tư sản với khuôn mặt sáng, nụ cười duyên lúc nào cũng giúp đỡ người khác. Nếu bà có 5 đồng, bà sẵn sàng cho người ta 4 đồng vì thương người ta nghèo khổ, đói rách.
Nhưng lúc này hình ảnh bà chỉ còn là một thân hình trơ xương nằm co quắp, với một cái lỗ đục ở cổ để truyền cháo ăn qua ngày. Bị tai biến, nên 5 năm trời, bà phải sống thực vật trên giường, mất gần như nhận thức. Nhưng có lẽ còn nhiều vấn vương, chờ người con trai thứ từ Sài Gòn bay ra, nên dù tay đã xuôi nhưng mắt bà chưa nhắm. Mình như hồn bay phách lạc, cứ thế òa lên khóc.
Đêm đó, mình thức muộn, rồi ngủ được vài tiếng đồng hồ. Trong cơn ngủ chập chờn, mình vẫn láng váng nghe tiếng người thân chạy đi chạy lại, gọi nhau để lo hậu sự. Sáng hôm sau, lần đầu tiên mình “được” đeo khăn trắng trên đầu, “được” nghe tiếng kèn đám ma rền rĩ rền rĩ. Mình thấy hàng đoàn người đến chào tạm biệt bà lần cuối qua ô kính vuông vức bé xíu trên đầu quan tài. 
Mình cùng mọi người đưa bà về mảnh đất ở quê. Lúc thấy quan tài của bà được hạ huyệt, rồi người ta dần lấp đất lại, mình lại òa lên khóc. Mình hiểu đó là lần cuối cùng mình được thấy bà rồi. Mình cứ thế nước mắt lưng tròng, và ủ dột như thế cả tháng trời đến nỗi cô giáo chủ nhiệm cũng lo lắng vì học hành sa sút. Mẹ thì an ủi, nhưng bố mình thì thắc mắc: “Con khóc vì buồn thật hay vì khóc vì thấy mọi người khóc?”
Mình cũng không hiểu vì sao bố lại hỏi mình thế. Có lẽ bố nghĩ rằng trẻ con thì không biết buồn, không biết mất mát. Cũng có thể nhiều bạn như thế, nhưng lúc đó dù mới chỉ lên lớp 3 nhưng mình cũng đã hiểu về cái chết. Mình biết bà đã không còn tồn tại hàng ngày theo cách mình vẫn quen thuộc nữa. Những năm tháng đầu đời của mình đều gắn với bà. Mình nhớ những buổi chiều bà mua cốm cho ăn. Những buổi thong dong xích lô chơi phố. Nhưng tất cả mọi thứ chỉ còn nằm lại trong ký ức.
Sau khi mất bà nội nhiều năm, thì ông nội cũng ra đi, rồi bà ngoại, rồi cả những người bạn bốn chân của mình. Và một vài người quan trọng khác trong đời mình cũng không còn chung đường với mình nữa. Có những đêm, mình tỉnh dậy mồ hôi đầm đìa khi thấy những cơn ác mộng về sự mất mát của người thân trong tương lai.
Nhưng lớn dần, mình bắt đầu hiểu được mất mát là một phần của cuộc sống, mình phải làm quen với nó. Nói thì dễ nhưng làm thì thật khó, vì lần mất mát nào chả đau như lần đầu tiên. Nhưng biết sao, khi tất cả chúng ta đều chỉ có một cuộc đời tạm bợ ở chốn này.
Trước đây, mình hay nghĩ, ước gì bà còn sống, chắc hẳn cuộc sống của mình sẽ dễ chịu nhiều lắm. Chắc hẳn mọi tủi hờn của mình đều sẽ được bà vỗ về. Chắc hẳn mọi khó khăn của mình đều có bà chở che. Thỉnh thoảng, bố cũng hay bảo: “Bà mà còn sống, thì mày được chiều phải biết”. Lúc nghe câu nói đó, tự dưng mình lại có một góc nhìn thật khác về sự mất mát.
Không có bà chiều chuộng nữa, mình tự biết phải cố gắng chứ không ỷ lại. Không có bà nữa, nên mình không còn đòi hỏi vòi vĩnh như hồi còn bé. Nếu muốn thứ gì, mình sẽ nỗ lực đạt được nó, chứ không phải trông đợi bà sẽ cho mình như những món quà mình hay đòi hỏi ngày thơ bé. Và mình biết, dù bà không còn nữa, máu của bà cũng vẫn chảy trong người mình. Có những thói quen, sở thích của bà cũng vẫn truyền lại vào gene mình. Mình, chính là sự sống tiếp theo của bà.
Và mình nhận ra, hóa ra mất chưa hẳn là mất. Đôi khi, trong cái mất, mình cũng được gì đó.
Như thầy Minh Niệm cũng nói: “Nếu khổ đau không đến kịp bây giờ thì hạnh phúc cũng sẽ tình cờ như mọi ngày lặng lẽ ra đi.” – Ts. Minh Niệm. 
Mình cũng càng thấm hơn điều này sau hành trình chữa lành từ rạn nứt với mối duyên tình cảm trước. Từ những ngày vô hồn lang thang trên đường, những ngày dài gặp gỡ therapist, những đêm nằm khóc đẫm gối, mà mình bắt đầu dần tìm thấy tự do của mình. Nếu bảo hành trình chữa lành của mình đã kết thúc rồi thì sẽ là nói dối. Đêm hôm qua, trước khi gõ những dòng này, mình vẫn khóc vì cô đơn. Nhưng sẽ có những khoảnh khắc, mình nhận ra rằng, nhờ không còn người này trong cuộc đời nữa, mình lại được một thứ gì đó, mình được là mình, mình được tự do, mình được độc lập, trưởng thành. Trong cái mất, chắc chắn luôn có cái được. 
Và chẳng cần ai bảo, mình biết mình sẽ còn đối diện nhiều mất mát khác nữa trong tương lai. Tất cả những gì mình cần, là ở đây, lúc này, là trân trọng những người thân của mình khi họ còn ở cạnh. Để lúc không còn bên nhau, mình cũng sẽ không phải hối tiếc bất kỳ điều gì.