Mở ra giai đoạn phát triển mới cho Thủ đô
Mở ra giai đoạn phát triển mới cho Thủ đô
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua, cộng với hai đồ án quy hoạch chiến lược của Thủ đô sắp được ban hành, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây thực sự là “kim chỉ nam” để thành phố Hà Nội hiện thực hóa khát vọng, mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, mở ra giai đoạn phát triển mới cho Thủ đô.
Dưới đây là ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhà nghiên cứu về vấn đề này:
Ông Cấn Đỗ Hiệp, đảng viên 57 năm tuổi Đảng, Đảng bộ xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai): Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng sinh thái, bền vững
Tôi và nhiều đảng viên trong Đảng bộ rất quan tâm đến hai đồ án quy hoạch chiến lược của Hà Nội gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tôi thấy, hai quy hoạch này đã bám sát yêu cầu thực tiễn, các nghị quyết, chủ trương của Bộ Chính trị, của Trung ương về định hướng phát triển vùng, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội.
Các quy hoạch có nhiều đổi mới với tư duy đột phá. Không chỉ tập trung cho các đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, mà còn quan tâm hình thành mạng lưới trung tâm cụm xã tại các huyện, góp phần phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng nông nghiệp sinh thái, bền vững và hiện đại. Đặc biệt, các quy hoạch cũng chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân cũng như việc phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái…
Thành phố Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, nông thôn, do vậy, việc tìm ra phương án quy hoạch và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, gắn với không gian xanh, sinh thái và hiện đại là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, nhà sáng chế, đồng sáng lập Công ty cổ phần đầu tư DDA Việt Nam (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông): Kỳ vọng Hà Nội là nơi đến “làm tổ” của nhiều doanh nghiệp lớn
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm lo sức khỏe của người dân, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những quy định mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, điều khiến chúng tôi kỳ vọng là thành phố Hà Nội sẽ được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố. Hoạt động này sẽ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ, là đòn bẩy để lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng vui mừng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành riêng Điều 42 quy định về “Thu hút nhà đầu tư chiến lược” với những danh mục ngành, nghề ưu tiên… Đây là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp có thêm điểm tựa, thêm động lực khi dấn thân phát triển những lĩnh vực khó.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và kỳ vọng những quy định trên sẽ trở thành điểm đột phá để Hà Nội có thêm nguồn lực phát triển, xứng đáng là nơi đến “làm tổ” của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới.
Ông Vũ Hải Lưu, đảng viên 44 năm tuổi Đảng, Trưởng thôn Phú Yên, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức): Nỗ lực bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị riêng có của Thủ đô
Người dân xã Hương Sơn hãnh diện, tự hào khi trên mảnh đất của quê hương có Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương). Những năm gần đây, chúng tôi rất vui trước sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành để đưa quần thể Hương Sơn phát triển xứng tầm với những gì thiên nhiên ban tặng.
Đặc biệt, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ đô Hà Nội cần thực hiện. Trong đó, Hà Nội đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy hiệu quả những giá trị riêng có của Thủ đô, và tôi tin, trong đó có phần của chùa Hương.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; bảo đảm phát triển bền vững công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.
Chúng tôi mong muốn những định hướng này được triển khai mạnh mẽ, khẩn trương hơn nữa, để thắng cảnh Hương Sơn thật sự phát huy hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của du lịch Thủ đô.
Ông Lê Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thường Tín: Phát huy vai trò dẫn dắt của Hà Nội
Việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) là quyết định đúng đắn, mang ý nghĩa lịch sử với nhiều quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy phát triển Thủ đô. Là một công dân Thủ đô, tôi rất phấn khởi vì Hà Nội sẽ được tiếp cận những cơ chế, chính sách đặc thù, tới đây sẽ là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Một điểm đáng mừng là Luật Thủ đô đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Chúng tôi tin tưởng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy xây dựng Thủ đô phát triển, để Hà Nội vươn tầm đô thị đặc biệt, phát huy vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước.
Bà Đỗ Thúy Oanh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 11, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm): Mong Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống
Tôi tâm đắc nhất khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đã mở thông các điều kiện về cơ chế để tổ chức thực hiện các quy hoạch chiến lược, trong đó có quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống. Khi Luật đi vào cuộc sống, việc xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều và quy hoạch khác có liên quan để khai thác hiệu quả quỹ đất, khiến diện mạo thành phố sẽ thay đổi, văn minh và hiện đại hơn. Trên bãi sông được phép tồn tại một số khu vực dân cư hiện hữu và được phép xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và quy hoạch khác có liên quan.
Người dân rất phấn khởi khi khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng các công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm yêu cầu không làm cản trở dòng chảy. Hiện nay, tại một số tổ dân phố ở khu vực sông Hồng đã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, giúp người dân trong khu vực có chỗ tập thể dục, vui chơi, nâng cao đời sống tinh thần, làm cho người dân thực sự được cảm nhận và thụ hưởng những thành quả phát triển của Thủ đô và đất nước./.