Mỗi ngày một bài viết. Ngày 1: Tản mạn về sáng tạo
Đầu tiên, chúc mọi người Giáng Sinh vui vẻ.
Nói là tản mạn chứ mình viết bài này để nhắc bản thân quay lại vào guồng viết. Vừa ngồi lang thang Spiderum, đọc lại mấy bài mình viết, cụ thể là bài “Viết lách và cảm hứng”, có đoạn mình “chém gió” về việc biến “viết giống như thở”, giờ đọc lại mới thấy nếu mà thế chắc mình đã phá kỉ lục người nín thở lâu nhất thế giới cả nghìn lần rồi cũng nên. Chính vì thế, nên mình sẽ ép bản thân mình quay lại công cuộc biến viết lách thành hơi thở (lần thứ hai).
Chuyện là, mình mới vào kì nghỉ Giáng Sinh, mà điều độc lạ ở bên Đức là, được nghỉ đông 18 ngày, xong học 1 tháng nữa (để thi) và nghỉ đông thêm 1 tháng. Thà là cho nghỉ liền 1 mạch đi, hơn cả gấp rưỡi nhưng không, nước Đức không mấy thân yêu lắm này quyết định hành hạ mình bằng lịch nghỉ kì cục của mình. Và thêm nữa là mình đã đánh mất tấm thẻ thông hành (thẻ học sinh), bởi lẽ thẻ học sinh ở bên này được dùng như thẻ để dùng phương tiện công cộng, và mình chưa kịp làm lại thẻ thì trường đã nghỉ mất, điều đó đồng nghĩa với việc mình sẽ phải bó gối ở nhà trong 18 ngày liền (tại đi học lại thì cái chỗ làm lại thẻ mới mở). Nên mình nhận ra đã đến lúc lấy lại bản thân mình lúc trước, viết mỗi ngày. KPI mỗi ngày 1 bài bắt đầu.
Nhưng, có một loại sáng tạo mà mình chưa hiểu được, đó chính là nhà vật lý Albert Einstein. Có thể nói ông đã sáng tạo ra Thuyết tương đối, điều mà thay đổi hoàn toàn vật lý hiện đại. Như mình đã nói ở trên, sáng tạo là kết hợp những điều đã biết lại và hình thành nên một sản phẩm mới, không biết Einstein đã tư duy kiểu gì mà không chỉ hình thành nên một lý thuyết vĩ mô, trong khi ông chỉ ngồi làm việc trong trên bàn làm việc. Ông còn phải chống lại cây đại thụ Isaac Newton, đi ngược lại lý thuyết đã được coi là chân lý qua hàng trăm năm, mình thật sự tò mò không biết Einstein đã hình thành nên “sản phẩm” như thế nào. Mình rất tâm đắc một câu đã nghe ở đâu đó rằng Einstein chỉ cần ngồi ở bàn giấy làm việc và để người ta phải lặn lội lên một đỉnh núi chỉ để kiểm chứng được giả thuyết của ông.
Theo cách nhìn của mình, một trong những điều kiện cần của sáng tạo là đầu óc phải thoáng, phải hồn nhiên và không để quyết định, suy nghĩ của bản thân mình bị vướng vào định kiến (điều này cực khó, gần như là không tưởng vì nó đã được “xăm” vào mã gen, vào não bộ của con người). Như Nietzsche đã nói:
Linh hồn trở thành con lạc đà, con lạc đà thành con sư tử, và cuối cùng con sư tử trở thành đứa trẻ.
Và nếu không làm điều đó, con người phải đủ mạnh mẽ để đương đầu với số đông, ví dụ như Elon Musk, ai cũng nói về độ giàu có của ông, về việc ông thao túng Bitcoin, mà không ai nói về những nỗi khổ của ông. Có một lần mình thấy ông được phỏng vấn, mắt ông trong tình trạng đỏ hoe, không biết là do công việc hay do áp lực, nhưng mình dám chắc nó không “vui vẻ” như mọi người hay nghĩ. Trước mình đã nghĩ đơn giản, có nhiều tiền, muốn làm gì thì làm thì cuộc đời sẽ vui, nhưng giờ mới thấy, sức mạnh lớn đi đôi với trách nhiệm lớn. Như Sơn Tùng MTP đã từng nói
Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu được những cảm giác không ai chịu được.
Mình đã từng nghĩ mình muốn có nhiều tiền như Elon Musk, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến cảm giác cả vài công ty đều đang dựa vào mình, lần phóng tên lửa Falcon 4, mới nghĩ đến thôi mà đã rùng mình. Có khi chỉ có những “anh hùng” như thế mới có thể chịu được cái cảm giác mới nghĩ đến thôi mà đã không rét mà run. Để biết thêm về điều này, các bạn hãy tìm đọc bài “Tư duy sáng suốt đã hiếm, lòng can đảm còn hiếm hơn thiên tài” của tác giả Huskywannafly, một trong những bài viết hay nhất, truyền cảm hứng nhất mà mình từng đọc trên Spiderum.
Mình nghĩ vẫn còn những điều kiện cần khác nữa trong công cuộc sáng tạo nhưng do nội lực còn hèn kém nên cũng không biết viết gì thêm. Anh em có thể chia sẻ giúp mình ở phần bình luận.
Cảm ơn anh em đã dành thời gian đọc đến đây của bài viết, hẹn gặp lại vào ngày mai.