Mỗi ngày một bài viết. Ngày 2: Đi một vòng (nội thành) Hải Phòng

Mỗi ngày một bài viết. Ngày 2: Đi một vòng (nội thành) Hải Phòng

Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân.

Lưu ý 2: Đừng đọc phần ẩm thực khi đang đói

Dạo gần đây, từ khóa “Foodtour Hải Phòng” đã dần trở nên phổ biến hơn, chính điều này đã khiến lượng du khách đến Hải Phòng tăng đột biến, hãy ra ga Hải Phòng vào dịp thứ 7, Chủ nhật, chắc chắn sẽ thấy choáng ngợp bởi lượng du khách đến đây hàng tuần. Nhưng có thật là Hải Phòng chỉ nổi tiếng nhờ ẩm thực hay không, hãy cùng mình tìm hiểu thêm ngay bây giờ.

Cầu Hoàng Văn Thụ bắc qua sông Cấm – Biểu tượng mới của Hải Phòng

1. Vị trí địa lý

Thành phố Hải Phòng cũng với các huyện ngoại thành tạo thành một “tỉnh” ở góc đông bắc đồng bằng Bắc Bộ, giáp liền với vịnh Bắc Bộ. Hải Phòng là một thành phố hải cảng quan trọng nhất miền bắc nước ta, Phía Bắc, Hải Phòng giáp Quảng Ninh, tây giáp Hải Hưng, nam liền với Thái Bình, đông đến biển vịnh Bắc Bộ. Thành phố gồm một phần lớn là đất liền, và một phần là các hải đảo: Đảo Cát Bà, ngang 24km, dọc 18km, là đảo to nhất, có các đảo ở xung quanh; đông nam Cát Bà 12km là đảo Long Châu, có hải đăng, hướng đông nam 92km là đảo Bạch Long Vĩ, dài gần 3km, giữa biển khơi. Trước bán đảo là Đồ Sơn là đảo Hòn Dáu, cũng có hải đăng. Phần đất liền, dọc 28km, ngang 36km. Cách Hà Nội 104km, thành phố Hồ Chí Minh 1.840km. (Hoàng Đạo Thúy, 1989).

Bản đồ của Hải Phòng

Bản đồ của Hải Phòng

2. Những cái thú ở Hải Phòng

Mình nghĩ đây sẽ là bài viết 20+ phút đầu tiên của mình ở Spiderum, vì thật sự Hải Phòng đối với mình có quá nhiều thứ để khám phá, đặc biệt là mỗi khi mình đi xa trở về, Hải Phòng hiện lên trong mình luôn có những điều mới mẻ, những con đường mới, những ngõ ngách mới, và không lần nào Hải Phòng không làm mình bất ngờ.

Nói đến Hải Phòng là phải nói đến dải trung tâm nhà hát lớn đầu tiên. Được kẹp giữa hai con đường Trần Hưng Đạo và Trần Phú, ở giữa phủ bằng cây xanh khiến nơi đây trông giống như một lá phổi nhỏ của thành phố nếu nhìn qua Google maps. Có thể nói đây chính là nơi chứa những gì tinh túy nhất của Hải Phòng. Đi từ đường Điện Biên Phủ, rẽ vào đường Trần Phú và đi dọc theo đó, chúng ta đã có thể thấy cơ man nào là những ngõ ngách, những hàng quán đủ loại khác nhau cho bản thân tha hồ thăm thú, bạn muốn đi xa, rẽ vào Phạm Ngũ Lão, đi cuối đường sẽ thấy ga Hải Phòng, là một địa điểm luôn đông khách dịp gần đây với những food reviewer đến từ nhiều tỉnh thành khác đến. Và nếu không biết phải ăn món gì, ăn ở đâu ngon, hãy lấy ngay cho mình một tấm bản đồ đồ ăn được phát ở gần ga (mình cũng có bản đồ đồ ăn của riêng mình, ở phần cuối bài, ai cần có thể skip đến đó luôn).

Ga Hải Phòng

Ga Hải Phòng

Nếu không rẽ vào Phạm Ngũ Lão, đi dọc lên một chút sẽ đến biểu tượng – và cũng là Trung tâm của thành phố Hải Phòng – Nhà hát lớn. Được hoàn thành vào tháng 11 năm 1900, được thiết kế theo phong cách tân cổ điển, đặc biệt hơn cả, nhà hát lớn được dựng nên bằng những nguyên liệu được mang trực tiếp từ Pháp sang. Nơi đây luôn là điểm giao của tất cả tuyến đường trong thành phố, và cũng là nơi tổ chức những sự kiện lớn. Mặc dù là biểu tượng nhưng mình chưa bao giờ được vào trong để chiêm ngưỡng :))). Ai đến Hải Phòng cũng cần phải đến đây check-in đầu tiên.

Nhà hát lớn - Biểu tượng của Hải Phòng

Nhà hát lớn – Biểu tượng của Hải Phòng

Điều đặc biệt tiếp theo là ngay trước Nhà hát lớn có một quảng trường rộng, được trồng nhiều rất nhiều hoa đủ màu sắc, nếu có cơ hội đến đây vào dịp Tết, thì hãy nhớ mang theo một bộ áo dài, mang đến đây chụp thì hết nước chấm.

2.2. Những chỗ ngoài trung tâm thành phố (nhưng vẫn là nội thành).

Đi hết những gì bên trên là chắc cũng đi được hết khoảng 70% những điểm cần đến nếu đi du lịch nội thành Hải Phòng (Ngoại thành mình sẽ viết sau, tại dài quá). Tiếp theo là mạn gần nhà mình – Làng Hoa Hạ Lũng. Muốn đến đây thì phải quay ngược lại điểm bắt đầu, là ngã 6, và đi dọc lên ngã 5, sau đó đi dọc con đường Lê Hồng Phong tới ngã 4 Big C. Có thể nói Hải Phòng là thành phố của những cây cầu (khổng lồ), chứ cầu vượt thì không thể so với Hà Nội rồi. Đếm sơ sơ đã có cầu Hoàng Văn Thụ, cầu Bính, cầu vượt Big C, Cầu Đất, cầu Nguyễn Văn Linh, Cầu Rào 1, Cầu Rào 2,… Đến Big C rồi thì đi thẳng một đoạn nữa, ngang qua THPT Trần Phú sẽ thấy một cái biển ghi “Làng hoa Hạ Lũng”. Đến đây thì chắc các bạn sẽ thấy bớt đông đúc hơn thành phố, có gì đó thôn quê hơn, yên bình hơn. Điều đó là bởi vì trước đây Lũng vốn là một vùng ngoại thành, nhưng trong 10 năm gần đây đã được sát nhập thành 1 quận mới của thành phố Hải Phòng. Nhưng cái nét thôn quê làng xóm vẫn còn lại nhiều. Chính vì thế nó mới có một vẻ thôn quê yên ả mà mình rất yêu. Nói là chợ hoa nhưng theo trí nhớ của mình thì chợ chỉ bán hoa vào sáng sớm thì phải, hoặc vào những dịp đặc biệt như Tết. Nhưng nếu đã đến Hải Phòng trải nghiệm Foodtour, mình sẽ nhấn mạnh bạn nên đến Chợ Lũng để ăn thử đồ ăn ở đây (mình sẽ viết kĩ hơn ở phần đồ ăn).

Ngoài ra, ở đây còn có không khí rất riêng mà những chỗ khác ở Hải Phòng mình không thấy. Mình nhớ những buổi chiều đi học về, mình cùng đám bạn ghé vào quán đồ ăn rồi chém gió đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, nhớ đến hồi đó mình lại nhớ đến những làn khói xanh từ những bếp nướng thịt, hình ảnh mà mình đã quen từ khi còn nhỏ xíu, hay được bà hay mẹ dắt ra chợ, và nó đã vô tình in vào trong đầu mình đến mức tự dưng nhớ ra nó chẳng vì lí do gì, chỉ đơn giản là nhớ, vậy thôi. Lưu ý nếu muốn đến đây ăn thì nên đến vào buổi chiều nhé, buổi sáng ở đây cũng như những khu chợ phiên khác chủ yếu bán hoa quả, đồ sống chưa qua chế biến.

Đường đến chợ Cát Bi hơi khó miêu tả nên mọi người chịu khó tra Google maps. Ở đây được ví như là một thiên đường ăn vặt cho tụi học sinh, hay thậm chí còn được ghi trên Foodtour map được phát ở ga. Mình đã từng đến đây ăn nhưng thấy cũng không ấn tượng lắm, có nhiều đồ ăn vặt như gỏi cuốn, bánh bèo, chè, bánh đa cua,…. nhưng mình vẫn thích chợ Lũng hơn (không hề thiên vị nhé). Một lí do (nhỏ) nữa là do chợ Cát Bi phải ăn ở trong chợ, không gian kín, mình thích ngồi ở ngoài lề đường ở chợ Lũng hơn, mình yêu cái cảm giác được ngồi trên cái ghế nhựa lùn, vừa nhấm nháp bát cháo trai ấm nóng, tận hưởng cái không khí thoáng đãng của bầu trời, ngắm nhìn làn khói xanh thoát ra từ những chiếc bếp than đỏ hồng, nhìn mọi người xung quanh đi lại.

2.2.3 Cầu Rào

Lại một cây cầu nữa xuất hiện trong danh sách này, đây là cây cầu đầu tiên hình thành trong nhận thức của mình, kể từ khi mình còn bé xíu. Mình biết đến cầu Rào vì đây là đường dẫn ra biển Đồ Sơn (nơi mà mình sẽ viết trong một bài viết khác). Từ hồi nhỏ mình đã được bố mẹ cho ra Đồ Sơn, hồi đó chưa có cầu Rào 2, nên đường bộ duy nhất ra Đồ Sơn là qua cầu Rào 1. Hồi đó nó vẫn được làm bằng sắt, nhìn xập xệ, đi qua lúc nào cũng kêu lọc cọc. Nhưng đến năm 2022 (thì phải), cầu đã được xây dựng lại phỏng theo kiến trúc của cầu Hoàng Văn Thụ, có thể coi là cầu Hoàng Văn Thụ mini cũng được. Để đến được đây, các bạn đi dọc theo từ ngã 4 Big C đến 1 ngã sáu gần sân bay thì rẽ phải vào Ngô Gia Tự, sau đó đi đến cuối Ngô Gia Tự là sẽ đến cầu Rào. Đây là đường ra Đồ Sơn.

2.2.4. Aeon Mall

Dù mới được xây dựng gần đây nhưng Aeon đã là một điểm đến thường xuyên của mọi người. Aeon nằm ở gần chân cầu Rào 2. Để ra Aeon từ bảo tàng mỹ thuật, bạn rẽ vào Mê Linh, đi thẳng ra Tô Hiệu, đi tiếp vào Hồ Sen, qua cầu vượt Nguyễn Văn Linh một đoạn ngắn là tới. Aeon này (nếu mình nhớ không nhầm) thì to nhất miền bắc và cũng có nhiều góc sống ảo.

2.2.5 Khu Vinhomes

Hải Phòng có 3 khu Vinhomes, 1 khu ở chân cầu Rào 2 – Vin Marina, khu này nổi tiếng nhất vì có bãi cỏ, nhà vòm để sống ảo. Khu Vinhomes Imperia còn lại ở gần bến xe Thượng Lý và Vinhomes Vũ Yên. Vinhomes Vũ Yên thì có cả tuyến phố đi bộ riêng, còn có thể đi thuyền từ Hải Phòng qua nhưng đợt trước về Việt Nam mình đi thì có siêu bão Yagi nên đảo tu sửa chưa cho vào. Ý kiến chủ quan thì mình không thích mấy khu này lắm tại nó nhìn giống y hệt nhau và hơi “công nghiệp”.

– Ốc: món mình thích nhất, recommend 2 chỗ: top 1 ốc không tên ở đường Hàng Kênh. Đi từ Tô Hiệu vào, đi thẳng lên có một ngã 4 rẽ vào Chợ Con, đi thẳng qua và đến một quán ốc ven đường luôn kín người ăn thì dừng lại, tấp vào, gọi một đĩa hàu phô mai, ốc hương, ốc xào me, 20 quả cút lộn, ăn xong, quay lại đây comment post của mình để nhận được trải nghiệm ăn chắc chắn cần quay lại lần nữa. Đơn giản là siêu phẩm. Quán thứ 2 là Hoa Ốc ở gần ngã 5. Quán này ngày xưa mình hay ăn nhưng giờ cảm giác không như ngày trước nữa.

– Bánh tráng trộn: Đầu đường Điện Biên Phủ đi ra từ Trần Phú, cô hay bán buổi chiều và bán bên lề đường. Ăn ngon, hợp để ăn trước khi lên tàu về Hà Nội (nhanh, mang theo được, ngon, gần ga). Cô có bán món bánh tráng trộn nước mà mình rất ghiền, dù nghe khá độc lạ nhưng ăn dính vô cùng

– Bánh bèo: chắc do ăn ở đây quá lâu nên nó thành tiêu chuẩn của mình luôn, giờ ăn ở đâu cũng không thấy ngon bằng.

20k cho bé cháo ú ụ này

20k cho bé cháo ú ụ này

– Bánh mì hoa hướng dương: Bánh mì thịt nướng, được ép và phết sốt lên thơm nức mũi. Chắc nào về phải ra dò hỏi thông tin quả sốt thần thánh này mất. Quán này không cần tìm, cứ đi dọc chợ 1 vòng, quán nào tỏa ra mùi thơm nhất thì chính là nó đấy.

Ăn ở quá này nhé mọi người

Ăn ở quá này nhé mọi người

– Bánh tráng nướng: cạnh quán bánh mì, ăn giống bánh tráng nướng mấy chỗ khác nên mình cũng không review nữa.

4. Tạm kết

Mình xin phép kết lại bài viết du lịch nội thành Hải Phòng tại đây. Anh em nào thấy thiếu sót có thể giúp mình bổ sung ở dưới phần comment nhé ! Còn anh em nào chưa đến Hải Phòng thì hãy đến đi để tận hưởng không khí siu tuyệt vời ở đây, nhớ qua cầu Hoàng Văn Thụ, nhớ ăn thử mấy chỗ mình recommend ở trên. Cam kết không nhận booking từ bất cứ nhãn hàng nào, tin chuẩn.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *