một cách hiểu khác về trí thông minh
Nhiều người bạn đại học khi mới gặp mình, hay khen rằng mình có một đôi mắt thông minh.
Lần đầu nghe điều này, mình đã rất ngạc nhiên. Vì từ nhỏ tới lớn, mình chưa bao giờ tự thấy bản thân là một đứa thông minh cả.
Nỗi tự ti về việc kém thông minh đi theo mình suốt những ngày tháng đầu học đại học cho tới công việc thực tập đầu tiên. Hồi đó trong công ty mình có một anh tên S. Ổng rất giỏi, nhìn qua cũng biết thuộc tuýp người nhanh nhạy và tháo vát. Hồi đó, mình vừa nể, vừa sợ mà vừa ghét ổng. Lý do là vì dạo đó ổng hay lườm nguýt và bắt bẻ mình mỗi khi mình quay lại hỏi ngu ngơ một câu gì đấy, vì mình là đứa thích hỏi. Năm nhất là khoảng thời gian mình mong manh nhất vì chưa có gì bám víu để tin vào bản thân, nên mình đã tin rằng mấy câu hỏi của mình ngốc thật. Nhiều lần như thế, mình sợ không dám hỏi nữa, cái gì cũng ậm ừ tự cho là mình hiểu rồi rồi cúi đầu im lặng. Mình đã không biết thói quen giấu dốt này nó báo mình thế nào, cho tới một sự kiện khác sau này xảy ra.
Lúc biết điều đó thì mình chẳng biết làm gì ngoài gục đầu xuống bàn và….khóc. Nếu không phải ở công ty và có các anh chị khác xung quanh, chắc mình đã gào lên mà khóc rồi, khóc nấc cả lên, khóc cả bể nước mắt, khóc tới khi hồ Giảng Võ lúc đó phải nâng lên nửa lít mới thôi. Chị H (chị đì dai chính) ngồi cạnh mình lúc đó phải liên tục vỗ vỗ vào vai mình an ủi. Chị bảo là dự án thực tế thường khó hơn, nên lần đầu làm thất bại cũng là chuyện bình thường. Nhưng chẳng ích gì, vì trong đầu mình lúc đó chỉ có hàng loạt những suy nghĩ vừa hoài nghi nhân sinh, vừa tiêu cực về năng lực của chính mình mà thôi.
Vậy nên, thời gian sau này khi nghỉ việc, mình đã dành rất nhiều thời gian để đọc, nghe, quan sát, tranh luận, nói chung là làm tất cả mọi thứ để “bù đắp” cho sự thiếu hiểu biết của bản thân, để không ai còn có thể bắt bẻ hay nói rằng mình chậm hiểu nữa. Những nỗ lực này thực sự giúp mình xây dựng một hình tượng trông có vẻ “học thức” hơn, và cái tôi của mình thì khoái chí lắm khi ai đó bảo mình giỏi cãi hay suốt ngày lý luận (nuc cuoi chua :)) Kiến thức có thực sự giúp mình thông minh hơn không? – Có lẽ, nhưng là thông minh theo kiểu khôn ranh thì đúng hơn, khi mình nhận ra sự hiếu thắng của bản thân trong tranh luận đúng sai, hay thao thao bất tuyệt trích dẫn tư tưởng người này người kia chỉ để gây ấn tượng với người khác, mà có khi chẳng kiểm chứng lại xem nó có đúng với mình không. Ừ, mình chẳng khác nào một con vẹt với cái đầu đầy lý thuyết và cứ nghĩ mình thông minh lắm, nhưng thực ra chẳng hiểu gì về cuộc sống cho cam. Sâu bên trong, mình cực kì mỏng manh, nhạy cảm với những phán xét của người khác về mình và luôn tìm kiếm sự công nhận từ người khác. Mình sẽ là ai nếu không có những lớp vỏ bọc hoàn hảo mang tên kiến thức kia nào? Có lẽ chẳng là ai cả, mình trần trụi, xác xơ và rỗng tuếch, tới nỗi một cú chạm nhẹ cũng khiến mình sụp đổ. Kiến thức, xét cho cùng, cũng chỉ là cứu cánh để mình chạy trốn khỏi sự bất an về giá trị của bản thân mình, là vùng an toàn bị đóng vảy của mình mà thôi.
Đó cũng là lúc, mình đã ngừng thần tượng hoá việc tiếp thu tri thức như một con đường tối thượng để giúp mình trở nên thông minh hơn. Điều này càng được củng cố khi quan sát một số người được cho là “thông minh” xung quanh mình, những người rất nhanh nhạy với cơ hội, đạt được điều này điều kia hay đọc vị được tâm ý người khác như đi guốc trong bụng họ, nhưng lại dễ dàng bất mãn với một sự bất như ý nhỏ nhặt thường ngày hay nổi đoá lên khi ai đó không tôn trọng ý kiến của họ. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Chẳng phải những người thông minh thì nên hiểu rằng để tâm về những chuyện nhỏ nhặt như thế sẽ chỉ khiến họ thêm bận lòng và không hạnh phúc hay sao? Tại sao một số người, mà mình cho là kém thông minh hơn, mà xã hội cho rằng sẽ thiệt thòi hơn, thì vẫn tươi như hoa mặc kệ khi bị nói thách mấy đồng tiền ít ỏi khi đi chợ nhỉ? Nếu thông minh không thể giúp người ta hạnh phúc hơn, thì chẳng phải bớt thông minh một tẹo mới chính là đại trí hay sao? Rốt cuộc thì ai mới là người thông minh hơn ai nhỉ?
Sau này, khi tình cờ được tiếp cận tư tưởng của Krishnamurti về trí thông minh thì mình mới vỡ lẽ. Mình nhận ra, từ trước tới nay mình đã đâm đầu lao theo để tìm kiếm, để đạt được những phẩm chất của thông minh, mà chưa một lần tự vấn hay làm rõ về khái niệm thông minh thực sự là gì. Cái thông minh mà chúng ta vẫn thường hiểu lâu nay thuộc về trí thông minh xã hội, loại thông minh nhằm giúp chúng ta khẳng định giá trị bản thân và vượt lên trên người khác – hay nói cách khác, là một cách để cái tôi mở rộng sự bành chướng quyền lực của mình.
Hmm, thế bạn có thắc mắc liệu ai sẽ à những kẻ ngu xuẩn nhất không? Không phải những người trong đầu một chữ bẻ đôi cũng không biết hay đứa bạn ghét đâu, mà là những kẻ phạm tội, những kẻ cướp của giết người, những kẻ gây ra xung đột, chiến tranh và tội ác. Điểm chung của những người này là không có nhận thức về hành động của mình, mà hoàn toàn bị điều khiển bởi lòng tham, dục vọng và sự “thông minh” của chính hắn. Chúng ta đi trong đời như những kẻ mộng du mắt nhắm mắt mở, còn với những người này, hẳn rồi, mắt như mù chẳng thấy lối đi.
À, nếu bạn thắc mắc là giờ mình có còn tự ti vì cho rằng mình kém thông minh nữa không thì, bạn biết đấy, kẻ cho rằng mình thông minh thì có khi lại ngu ngốc nhất vì lại để bản thân rơi vào cái bẫy tự luyến :)) Thế nên mình sẽ không nói rằng mình thông minh đâu, mình chỉ đang cố gắng để nhận thức về bản thân tốt hơn mỗi ngày, và điều này thì bạn và mình, bất kì ai trong chúng ta cũng đều có thể làm được cả.
an.