Một Hôm Ta Không Có Điện Thoại

Tháng mười 29, 2024

Ngày đó, dọc qua từng con phố, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đám bạn thân túm tụm, ngồi trên ghế đá công viên hay bên bờ hồ nếu là nơi thành thị, trước mái viên hè hay dưới một bóng cây râm thoáng đãng nếu là chốn thôn quê. Mặc dù ở đâu, nhưng vẫn chỉ là về hàn huyên về những câu chuyện vụn vặt của cuộc sống. Một câu chuyện buồn cười gặp thường ngày, một bí mật nho nhỏ được kể trong sự hồi hộp, hay chỉ đơn giản là một lời an ủi chân thành dành cho nhau trong những ngày khó khăn. Thời khắc ấy, từng tiếng cười rộn ràng như tan vào không khí, từng hồi hộp đập trong tim nồng cháy, từng nỗi buồn thấm đậm và san sẻ cùng nhau. Từng lời nói và biểu đạt vang lên và thốt ra mà không có bất kỳ “màn hình” nào xen vào. Những cảm xúc, những biểu đạt khi đó không đến từ những biểu tượng cảm xúc, mà đến từ đôi môi, ánh mắt, và cả trái tim.

Thỉnh thoảng ta sẽ có vài câu hỏi nông, những câu nói bâng quơ bất chợt với nhau, như đang cố tái xác nhận với bản thân rằng là việc dùng điện thoại ở nơi này khiến ta vẫn có niềm vui và hơi ấm cộng đồng, tốt hơn với việc ta nằm dài trên chiếc giường trong căn phòng cô đơn của mình. Nhưng thực tâm mỗi người dường như đều đã lạc vào vùng riêng của mình, một thế giới không cần phải đối diện với ai cả, chỉ là một mình với những thông tin vô tận. Không còn là những buổi gặp gỡ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn thực sự, mà thay vào đó là những khoảnh khắc lẻ loi được che giấu dưới sự “bận rộn” với màn hình. Đôi lúc, giữa một quán đông đúc, họ vẫn cảm thấy mình thật trống rỗng, như thể có một nỗi cô đơn vô hình nào đó đè nặng, dù xung quanh là vô số là những người bạn họ đã hẹn tới đây. Chỉ cần lỡ tay quên mang theo chiếc điện thoại – cái thế giới thu nhỏ của ta, một cảm giác bứt rứt sẽ ập tới, sự khó chịu sẽ len lỏi, ta bỗng không biết phải làm gì hay nói gì như một kẻ mất đi kỹ năng xã hội từ khi nào, như thể ta đã xao lãng đi một phần nào đó của chính mình.

Nhưng than thay, chiếc “phao cứu sinh” ấy lại không giải quyết được nỗi cô đơn, mà chỉ càng khiến nó ngấm sâu hơn vào lòng người. Càng lấp đầy khoảng trống bằng màn hình sáng lấp lánh, cảm giác cô độc càng tăng lên, như một vòng xoáy không lối thoát. Mỗi lần cảm thấy trống rỗng, ta lại tìm đến chiếc điện thoại để khỏa lấp, để tạm trốn thoát – như một vòng luẩn quẩn không hồi kết. Sự gắn bó vô thức ấy khiến chiếc điện thoại dần trở thành “màn hình” che đi thế giới thật, khiến ta dần dần xa cách chính mình và những người xung quanh. Không chỉ là phương tiện, điện thoại giờ đã trở thành một vỏ bọc, giúp ta tạo khoảng cách khi không biết phải mở lời như thế nào.

Chiếc điện thoại, tưởng như là “người đồng hành” xoa dịu, nhưng thực ra lại là một người bạn lạnh lẽo, chỉ mang đến cảm giác thoải mái tạm thời. Dù có cho ta những tiếng cười từ các câu chuyện thú vị, hay sự ngạc nhiên từ những thông tin mới mẻ, nhưng khi màn hình tắt đi, chính chiếc điện thoại đã khiến chúng ta trơ trọi hơn bao giờ hết. Nó nuôi dưỡng thói quen giả tạo một cuộc sống bận rộn, một vỏ bọc hoàn hảo để trốn tránh và không đối diện, để ta giật mình nhận ra từng ngày đã trôi qua trong một thế giới ngập tràn niềm vui ảo. Nhưng cuối cùng, nó chỉ là một lớp màng mỏng manh che lấp, còn lại là tâm hồn dần dần đã trở nên trơ lạnh trong thế giới thực tại.

Thế ta nên làm gì?

Ta đã luôn hằng biết nên phải làm gì!

“Người bạn” của ta cũng cần thời gian riêng tư, và ta cũng cần thời gian thực cho riêng mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan khác