MỘT MÙI “HÔI” THƠM …
“Mẹ ơi, nhà cô giáo con có mùi thơm lắm. Khi nào mẹ mua cái làm thơm nhà giống vậy đi”. Vừa đi học thêm về, em trai tôi liền thỏ thẻ câu nói đó với mẹ. Theo tôi đoán thì mùi mà em trai tôi bảo đó là mùi sáp thơm phòng. Nó miêu tả rằng đó là mùi của nhà giàu.
Nhà tôi không mấy khá giả, ở trong một xóm hầu như là dân lao động và dĩ nhiên, bố mẹ tôi cũng là dân lao động chân tay. Bố tôi làm cơ khí còn mẹ tôi thì chuyên nấu cỗ thuê. Vậy nên, thứ mùi mà chị em tôi quen thuộc nhất là mùi sắt thép và mùi dầu mỡ được quyện hòa cùng mùi mồ hôi và ti tỉ thứ khác trộn lẫn. Đó là mùi đặc trưng của nhà chúng tôi, là mùi mà khi ngửi thấy thì tự khắc hai đứa biết rằng sau đó bữa cơm sẽ có thịt, học phí sẽ được nộp và quần áo sẽ được thay mới. Mùi đó khó tả lắm. Với những người lạ, chắc chắn ai cũng sẽ chun ngay mặt vào nếu mùi đó vô tình quanh quẩn gần họ. Nhưng với chị em tôi thì mùi đó là mùi của sự đủ đầy, là một mùi “thơm” mà cả nhà sẽ rất lo lắng nếu không được ngửi thấy nó.
Ảnh bởi
trên
Rồi khi về nhà, tôi cũng làm đủ mọi cách để mình cũng được thơm như thế. Từ việc cố gắng để dầu gội đầu trên tóc lâu hơn một chút rồi cũng thử ngâm quần áo với bột giặt lâu lâu một xíu. Nhưng tất cả đều vô ích. Mùi của tôi vẫn không giống mùi của các bạn.
Nhưng sau tất cả những nỗ lực ấy của tôi, mùi mà sau cùng lưu lại trên người tôi vẫn là cái mùi nguyên bản từ gia đình. Là một mùi bình dân, mùi lao động, mùi của con nhà không có tiền. Mùi đó dậy lên vị của sự khao khát và cũng dậy lên vị của sự tự ti. Một mùi mà có nỗ lực đến mấy thì tôi cũng không thể xóa đi được, là mùi mà không thể bị át đi bởi bất cứ một thứ mùi nào khác. Nỗi ám ảnh về mùi hương “con nhà không có tiền” níu tôi lại trước ngưỡng cửa chạm đến sự tự tin và đồng thời cũng “thu nhỏ” tôi lại trước sự lấn át của một mùi hương “có tiền” nào đó. Tôi e sợ trước việc người ta sẽ biết được xuất thân của mình, biết được nghề nghiệp của bố mẹ mình. Tôi ngại việc phải chia sẻ với người ta về gia đình của mình. Và hơn hết, tôi không muốn ai ngửi được cái mùi “nghèo” từ người tôi tỏa ra.
Đến một giai đoạn tôi chẳng còn hứng thú gì với những mùi hương đó nữa. Tôi đã ngửi đủ nhiều thứ mùi thơm và tôi nhận ra rằng chúng cũng chẳng thơm như tôi tưởng. Tôi không thiết tha gì việc xịt những mùi hương trước kia tôi vẫn luôn mê lên người, cũng chẳng còn hứng thú gì với việc chăm chăm đi tìm kiếm những mùi hương khác hấp dẫn hơn. Tôi cũng chán ngấy việc đi ngửi những sample nước hoa tại các trung tâm thương mại – việc mà trước kia tôi cực kì thích. Về cơ bản, những mùi hương ấy cũng chẳng đủ lôi cuốn với tôi nữa.
Phải dùng bao nhiêu tiền để đổi được mùi nước hoa mang cảm giác trên nhỉ? Đối với tôi là “vô” giá và cũng là vô giá. Một mùi “nước hoa” không mất tiền để ngửi nhưng cũng chẳng thể dùng tiền để mua. Một mùi hương vô giá trị với bạn nhưng lại có giá trị với tôi. Một mùi hương khiến tôi tự ti mà cũng vừa mang lại sự tự tin chẳng đâu có thể cho được.