Một người xứ Annam – Iciệt – (1)

Một người xứ Annam – Iciệt – (1)

Chương 1: Vajra

Thì nơi đây, vùng cực Nam của Hoa Lục kết thúc tại cửa ải cuối cùng, cánh cửa duy nhất bước vào vùng Nam Á mà suốt ngàn năm họ lăm le vẫn chưa qua được. Đại Việt lúc này được trị vì dưới bàn tay của đám con cháu vua Lê Thái Tổ, một vị vua mà công lao đánh đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi Đại Việt vĩ đại đến mức, người ta không tìm ra nổi một lý do để lật đổ đám con cháu bất tài bạc nhược của ngài ra khỏi quyền cai trị quốc gia. Đó là thời đại mà người ta vẫn còn chưa có khái niệm về quốc gia như cách mà ngày nay người ta hiểu về quốc gia, một thứ quốc gia theo quan điểm người phương Tây và nền văn minh lý trí; còn lúc này, phương Đông, thế giới của những kẻ đại diện cho ý nguyện trời mà họ tự gọi là con trời, thì cương giới lãnh thổ một quốc gia được hiểu theo nghĩa là tài sản của một cá nhân, nếu cá nhân đó là ý nguyện chọn lựa từ trời cao. Do đó, thứ tài sản đó được truyền lại cho con cháu đời sau mà không ai được quyền tước đoạt.

Thật tội nghiệp cho đám người mải mê theo đuổi giấc mộng xem của cải người khác là của mình.

Kính thư ngài Thanh,

Một người AnNam.

Người ta nói cười cũng phải, bởi đám bán hàng bên bờ sông Hoài vẫn không mất đi tính khí hài hước của đám lưu dân đã theo Nguyễn Hoàng vào lập nghiệp vùng Thuận Hoá, người ta thừa hiểu một quan là 10 xâu tiền, mỗi xâu có 60 đồng, mỗi đồng ăn 10 đồng mẻ gọi là cắc; làm gì có chuyện mỗi bát mì chỉ hai cắc mà ba bát đã thành một quan tám tiền. Họ nói khống lên cho vui, họ thích làm quá những gì trong tưởng tượng, ngay cả đám vung sào đưa thức ăn cũng làm quá. Chúng đung đưa cây sào một hai bận rồi mới thả xuống đám thực khách trên thuyền. Đám thực khách muốn trả tiền cũng không yên, họ phải ném trúng đồng tiền lên thúng nhỏ mà tay cầm sào đong đưa. Ném trúng, thực khách cười và đám bán hàng cũng cười, nên bọn người Hoà Lan và Y Pha Nho luôn ném nhiều tiền hơn số tiền mà chúng phải trả, chủ yếu để vui.

Lúc này đây, cảng thị Hội An đủ mọi tầng lớp và sắc dân, có người Chàm đội khăn bán những bình gốm trải trên vải lanh, có người Thiên Trúc người Ba Tư đứng trên thuyền ngã giá về đống gia vị và những tấm thảm tinh xảo hiếm thấy, người Y Pha Nho ngã giá với người Tàu để trao đổi trà và đồ gốm, người Phù Tang thì muốn mua muối của người Annam. Mọi ngôn ngữ xa lạ lúc này trở thành một ngôn ngữ duy nhất, ngôn ngữ hình thể. Người ta cố gắng hiểu nhau qua mọi cử chỉ để ngã giá và cuộc mặc cả diễn ra rất chóng vánh, thuyền đến rồi đi chỉ trong một ngày nơi bến cảng. Đôi lúc, người ta thấy ngài quan thuế trong sắc phục của phủ Chúa Nguyễn phía sau là đám lính cầm lọng che, ngài đi trước tay mở tráp bạc và đám thương nhân nhũng nhặn bỏ tiền thuế của mình vào đó. Việc xuất hiện của ngài rất gián đoạn, chủ yếu chỉ mang tính hình thức, còn thực tế, ngoài kia, đám chiến thuyền của Chúa Nguyễn dọc ngang khắp biển Đông, họ lập trạm quan thuế để thu thuế của thuyền bè các nước tại những đảo lớn đảo nhỏ. Công việc chính của những chiến thuyền này là đảm bảo không có cướp bóc, uy khấu[1] tấn công thuyền buôn, tàu của ngư dân Đại Việt và mưu đồ quỷ quyệt của những kẻ muốn xâm lăng Đàng Trong.

Đám người Phù Tang lần này theo Thanh thuộc Mạc Phủ của tướng quân Tokugawa. Những tàu Nhật khác có thể nhận ra gia huy trên chiếc áo của đám người này, một biểu tượng hình tròn có hoa thục quỳ ba cánh màu vàng nghệ. Rõ ràng, đây là đám cận thần của dòng dõi tướng quân Tokugawa. Họ đến nước Đại Việt này để làm gì? Đám người Phù Tang trên những chiếc thuyền khác tự hỏi. Theo sau là một chiếc kiệu gỗ tám người khiêng, hai bên hông là bốn võ sĩ đạo và theo đuôi là mười sáu tuỳ tùng.

Với người dân cảng thị này, họ đã quá quen thuộc với đám người dị chủng với lối ăn mặc lạ lẫm xuất hiện mỗi ngày khi con nước lên. Nhưng với người Phù Tang trên bến sông này thì khác, vì đây là lần đầu họ nhìn thấy bóng dáng của tướng quân, những người cai trị thật sự nước Nhật đang ẩn hiện bên bờ biển Đông. Họ cũng hiểu, chính sách mới của tướng quân Tokugawa Iemitsu hiện nay không thân thiện với những người Nhật buôn bán phương xa, vị tướng quân này, Iemitsu muốn nối gót triều đình nhà Minh tạm ngưng giao thiệp với người Tây Phương và bắt đầu chính sách ngăn cản thuyền buôn ra khỏi Nhật Bản; nhưng chỉ là manh nha ý tưởng, chưa thật sự tướng quân này muốn ban hành thành sắc lệnh. Hơn nữa, Iemitsu nhận ra nhà Minh dưới thời trị vì của hoàng đế Hy Tông, một vị hoàng đế trẻ chỉ mới lên ngôi vài năm đã bị tên thái giám Nguỵ Trung Hiền tiếm quyền, quốc gia bên bờ sụp đổ. Bên ngoài cương thổ Hoa Lục, vùng Hắc Long Giang, tộc người mang họ Ái Tân Giác La đang trở nên hùng cường và muốn thâu tóm toàn bộ trung nguyên. Điều này sớm muộn gì cũng khiến đám người Minh sẽ chạy loạn ra khắp nơi, họ sẽ nương theo thuyền buôn nước Nhật và vào đến Nhật. Iemitsu không muốn đón tiếp những kẻ dị chủng dưới sự trị vì của mình. Nhưng tại sao, đám người Phù Tang tự hỏi, gia huy của tướng quân, dòng họ Tokugawa lại xuất hiện chốn này, một người vốn không khuyến khích việc xuất dương?

Một bàn tay nhẹ nhàng đưa ra nhận quạt. Thanh cúi người giữ nguyên tư thế lùi từng bước chân cho đến khi cửa mành tre của kiệu buông xuống. Bóng Thanh khuất ở phía xa, người ta lại nghe tiếng hô vang. Đám người Phù Tang này lại lững thững từng bước đi về phía trước, tiếng guốc gỗ của chúng gõ thành từng nhịp như một bài hát, ngặt nỗi chỉ thiếu tiếng đàn koto để hoà cùng. Lững thững là một thứ nhịp điệu của âm nhạc mà chỉ có người Nhật nghe thấy trong dáng đi của họ.

Chẳng mấy chốc, tiếng nhịp của guốc gỗ đã vang đến. Lão Tâm cùng Thanh bước nhanh ra cổng.

“Chỉ mỗi ông ra đón ta sao?”

“Người nhà ở đây đâu cả rồi?”

“Hừ!”

Một âm thanh hằn hộc không thành tiếng nhưng có thể cảm nhận được từ người trong kiệu. Một bàn tay nõn nà vén bức mành tre của kiệu sang một bên, một người vận trang phục quý tộc Phù Tang, mang mạng che mặt bằng loại vải đắt tiền từng bước đi vào trong sảnh. Dần dần lũ lượt đám hầu cận cũng vào theo.

“Sang!” Vị công tử đang cầm chiếc quạt phe phẩy gọi Thanh.

“Bao giờ thì bắt đầu?”

“Bao giờ thì bắt đầu?” Vị công tử như không nghe thấy tiếng lão Tâm.

“Còn chờ bao người?” Công tử hỏi.

“Còn chờ bao người?” Công tử lại hỏi như không nghe thấy tiếng lão Tâm.

Thoáng chút thay đổi trên nét mặt, lão Tâm nói, “Để lão vào nhà sau pha chút nước chè mời công tử.”

Khi nhìn lên không khỏi thất vọng, công tử không thấy lão Tâm ở đâu, người lắng nghe câu chuyện và phép uống mà hắn tự xem là tinh tế đến cao quý của mình, chỉ có đám tuỳ tùng của mình. Thật ra vốn liếng tiếng Phù Tang của lão Tâm có giới hạn, lão chỉ là con buôn, tiếng Phù Tang mà lão biết chỉ đủ để dùng mua bán với thuyền buôn người Nhật. Mọi hoạt động giao tiếp với công tử, chủ yếu qua sự phiên dịch của Thanh, một người khá sõi tiếng Annam. Lúc này, lão Tâm lúi cúi ở nhà sau, lão nói vợ chuẩn bị thức ăn đón tiếp đoàn khách lạ. Cánh cửa gỗ đùng đùng những tiếng gõ. Mạnh và thô bạo. Thứ âm thanh như đe doạ. Lão vội chạy ra phía nhà trước, lòng thầm nghĩ, lẽ nào là những người thu thuế? Nhưng trước cửa nhà đã treo môn bài rồi mà. Hay là nhóm khách đã mời? Nhưng những món hàng đấu giá tối nay đều đắt tiền, chỉ có những bậc quyền quý mới có tiền chi trả, những con người như vậy sao lại có kiểu gõ cửa thô lỗ như vậy? Thật ra lão Tâm cũng không rõ bao nhiêu khách được mời, lão chỉ biết người chủ thật sự những món đồ đấu giá tối nay thông báo vỏn vẹn, có năm nhóm khách. Chỉ năm. Đó là cái đêm kỳ lạ, khi nước lũ đổ về, dòng thu ba[2] nức nở trong cơn mưa, những lớp sóng từ biển thu mình lại ở phía xa nhường đường cho tiếng ầm ầm của những xoáy nước cuốn lớp đất đá đôi bờ tả ngạn Thu Bồn.

“Chủ cửa hiệu mở cửa!” Kèm theo tiếng gõ cửa inh ỏi.

“Ông Tâm?”

“Tôi mang đến cho ông một cơ hội làm giàu.”

Người đàn ông không đáp, vẫn hỏi lão Tâm, “Tôi vào được chứ?”

“Ngài tên gì?” Lão Tâm hỏi tay rót trà vào tách, ánh đèn dầu phấp phới một khuôn mặt tối bởi chiếc nón lá vẫn chưa tháo ra khỏi đầu.

Hơi rung động, nhưng cử chỉ lão Tâm vẫn hoà nhã, “Nào có. Ngài đã nghe lời đồn bậy.”

Phải chăng là tay chủ món hàng này trở lại? Tay lão nâng cánh khúc gỗ lên như cách đã từng đón tiếp người đàn ông kia. Không. Một mùi mồ hôi khó chịu xộc vào mặt, lớp nắng buổi chiều vẫn làm choá mắt lão, một kẻ khệ nệ nhưng cao lớn, hắn béo ú đến mức miếng vải nịt lấy bụng hắn như muốn bung ra. Hắn nói bằng thứ tiếng Annam ngọng ngịu, thiếu vắng sự lịch sự, “Tâm phải không? Đến đấu giá. Thư mời đây.” Hắn dụi vào tay lão như một thứ vé vào cổng phải trả cho tên soát vé, không cần sự trả lời, hắn lách người đi thẳng vào trong với hơi thở phì phò của lớp ngấn mỡ đè lên khí quản. Hắn lầm bầm, không ngừng lấy mảnh vải lau mồ hôi trên mặt. Lão Tâm nghe biết đó là tiếng nói của người Hoà Lan. Mảnh giấy trước mặt, thứ chữ của người Hoà Lan mà lão vẫn đọc được.

Nhũn nhặn dâng ngài một bảo vật xứ Đại Việt. Ngài sẽ bận tâm đến tay nghề điêu luyện đã gần đạt mức tinh xảo, là một thương nhân tinh tế, ngài sẽ tìm thấy món hời xứ này. Hãy đến căn nhà bên bờ phố Hoài, hỏi nhà lão Tâm. Tôi có thể cung cấp cho ngài nhiều hơn những gì ngài thấy.

Khệ nệ, không cần mời, Ojeda ngồi phẹt lên tấm phản cách không xa phía công tử ngồi. Ojeda cười hề hề nhìn đám người Phù Tang, đưa bàn tay tròn lẳn với đôi mắt ti hí nửa chào hỏi nửa chọc ghẹo. Lớp mồ hôi vẫn đua nhau chảy ra và thấm lên râu, Ojeda thở phì phò nhìn về phía công tử, trong khi bốn tên võ sĩ đạo tay bắt đầu nắm chặt vào kiếm của mình. Lão Tâm bước vào, lão vội thu xếp cho Ojeda ngồi ở phía mành tre nhìn ra giếng trời. Mành tre kéo lên, lớp không khí lùa vào phòng khách, đến lúc này người ta mới thấy sự thoải mái trên khuôn mặt Ojeda. Hắn đưa ngón tay cái lên trước mặt lão Tâm, cười hà hà, “Mát. Mát.” Thứ tiếng Annam cụt ngủn, nhưng đủ để mặc cả.

Chẳng bao lâu, căn phòng khách chỉ còn lại tiếng phì phò của Ojeda, người ta không biết hắn đã ngủ chưa vì mắt hắn lúc này nhắm hay mở cũng như nhau, nhưng tiếng phì phò rất đều đặn. Có lẽ đã ngủ. Mà cũng ngủ. Hơi thở phì phò lúc này rải đều trong nhà, phía trên lầu, căn buồng nhỏ phủ một tấm mùng để công tử nằm, nhắm mắt. Có lẽ đã ngủ. Xung quanh là đám tuỳ tùng, ngồi, lưng thẳng, nhưng nhắm mắt. Có lẽ cũng ngủ. Giấc ngủ rất ngắn, chỉ ngủ ở tinh thần, nhưng đôi tai vẫn lắng nghe động tịnh, mọi âm thanh nhỏ dù là tiếng chim gõ trên mái ngói cũng đủ làm đám võ sĩ này tay nắm chặt lấy chuôi kiếm. Người Phù Tang gọi lối ngủ này là Inemuri, lối ngủ rất ngắn, như cái chợp mắt rồi thức tỉnh, ngủ trong khoảnh khắc của tâm hồn, ngắn gọn như vần thơ mười bảy âm tiết của haiku. “I” trong tiếng Phù Tang nghĩa là có mặt, nemuri là ngủ. Ngủ để có mặt tức thì, ngủ để thức nhiều hơn và tỉnh táo hơn. Cái khoảnh khắc với người Phù Tang như tiếng thét của thiền sư  Lâm Tế.

Hữu thời đoạt nhân bất đoạt cảnhHữu thời đoạt cảnh bất đoạt nhânHữu thời nhân cảnh câu đoạtHữu thời nhân cảnh câu bất đoạt

Xung quanh đám người Phù Tang đã mở mắt từ trước, nhưng họ vẫn như pho tượng. Công tử vẫn trong chiếc mùng kia, thẳng người, im lặng. Không rõ ngủ hay thức.

Cánh cửa mở ra, một người phụ nữ tuổi ngoài trung niên, thật ra là đã già nhưng thật khó đoán tuổi người Tây. Nhưng số nếp nhăn trên khuôn mặt của người đàn bà luôn ngẩn cao, với cái đầm xoè quá khổ cùng chiếc dù nhỏ trên tay. Thật lạ. Bà ta nói khá sõi tiếng Annam. “Ông là Tâm? Ta được mời đến dự buổi đấu giá vật phẩm xứ Annam này.” Rồi bà ta chìa bàn tay ra, chiếc găng tay trắng muốt, lão Tâm sững người không hiểu. Môi bà ta rung động, những nếp nhăn trên khoé miệng đủ để một người tinh tế hiểu rằng, một câu nói đã hiện lên trong đầu người đối diện, “Lũ người thiếu văn minh.”

Tay mở chiếc túi trên khuỷu tay, bà đưa lá thư bằng thứ tiếng Anh cao quý, nét chữ thật mềm mại. Đọc sơ qua, lão Tâm đủ hiểu nó không khác gì lắm với những bức thư trước đó.

Nhũn nhặn dâng lệnh bà một bảo vật xứ Đại Việt. Lệnh bà sẽ bận tâm đến tay nghề điêu luyện đã gần đạt mức tinh xảo, là một quý bà tinh tế, bà sẽ tìm thấy món hời xứ này. Hãy đến căn nhà bên bờ phố Hoài, hỏi nhà lão Tâm. Tôi có thể cung cấp cho lệnh bà nhiều hơn những gì bà thấy.

“Cứ tưởng ai xa lạ, thì ra là bà bá tước, Sophia. Ngọn gió nào đưa bà đến vùng Viễn Đông này?” Người đàn ông phía sau nói bằng thứ tiếng Anh giọng Pháp.

Người đàn ông đi thẳng vào nhà, tay lão Tâm lại có một tấm thiệp. Không cần mở nó ra, bởi nét chữ bên ngoài giống hoàn toàn trong lá thư gửi bà bá tước Sophia.

Thì ra là người Phú Lang Sa, lão Tâm lại lẩm bẩm. Lão đưa tay mời bà Sophia vào. Miệng Sophia mỉm cười, ngẩn đầu đi vào trong. Lão Tâm cũng bật cười thầm, người Anh Cách Lan thật kỳ lạ.

Trên căn gác, dường như công tử đã thức dậy mà cũng có thể đã dừng cơn thức tỉnh, chẳng ai biết công tử suốt mấy canh giờ này ngủ hay thức. Vẫn trong chiếc mạng che mặt, bước nhẹ xuống cầu thang cùng lũ tuỳ tùng, bước qua cái giếng trời giữa nhà. Công tử dừng lại, “Sam!” Thanh bước đến cạnh. “Ngươi có cảm giác nơi đây rất quen thuộc không?” Thanh nhìn quanh khoản sân nhỏ, một cái bàn gỗ đóng sơ sài cùng bộ ấm chè của người Annam, đặt cạnh một cái lu nước để chứa nước mưa. Cạnh tường, mớ dây leo đã ăn vào trong phủ kín. Đến giờ Thanh mới để ý có một bức tượng Phật Amida bằng đá, một thứ đá bóng nhẫy với nhiều lớp gân màu cánh gián. Thanh buộc miệng, “Tượng Phật này…” Giọng công tử trầm lắng hẳn, “Trong ngôi biệt viện năm đó.” “Không thể nào.” Thanh nói người hơi rùng mình, chầm chậm bước đến bức tượng, điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo, cao bằng người thật được đặt trên một cái bệ đá xanh mà nước mưa đã bào mòn thành những vết lõm nhỏ, lũ rêu bám đầy. Thanh đưa tay sờ lên đầu bức tượng, hi vọng tìm thấy một dấu vết nào đó, thở phào nhẹ nhõm, không có. Thanh thấy buồn cười, tự nhắc mình thần hồn át thần tính[3]. Văng vẳng, Xứ tôi người ta tin rằng trong mỗi con người có hai vị thần cai quản, một người cai quản phần linh hồn và người còn lại cai quản tính tình, nhưng theo như những quyển sách ở đây mà tôi đọc được, nó còn có nghĩa là vị thần cai quản cảm xúc và lý trí. Khi cảm xúc được đặt lên khỏi lý trí, người ta xem là sự chiến thắng của vị thần cai quản linh hồn. Thanh nhìn lại phía công tử, có thể nhận ra bàn tay run rẩy của ngài đang che dấu qua lớp áo. Thanh lắc đầu, công tử như thở phào nhẹ nhõm. Lão Tâm lúc ấy đang đi đến, thấy đám người Phù Tang săm soi bức tượng Phật, lão nói, “Đây là tượng Phật có ở đây rất lâu, trước khi tôi xây căn nhà này lên.” Lão nhìn Thanh và tiếp, “Tôi xem thầy phong thuỷ, biết nó có vị trí trấn yểm quỷ của bờ sông này. Hơn nữa còn liên quan đến lời nguyền của dòng sông.” Thanh nhắc lại, “Quỷ bến sông này?” Công tử tuy không hiểu tiếng Annam như Thanh, nhưng bõm bẽm vài chữ thì vẫn nhận ra, bước đến lắng nghe. Ba người Tây phía phòng khách cũng bước ra như muốn nghe câu chuyện. Lão Tâm thấy vậy bèn sai mụ vợ mang ít ghế ra giữa sân ngồi nghe kể chuyện, vào vừa trình bày bằng tiếng Nhật đôi lúc lại chuyển sang tiếng Anh để đám người Tây có thể hiểu.

[2] Thu ba: sóng nước mùa Thu.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *