Một thời tiếc nuối của bóng đá Việt Nam qua hồi ký Nguyễn Hồng Sơn
Một thời tiếc nuối của bóng đá Việt Nam qua hồi ký Nguyễn Hồng Sơn
Những vinh quang, tiếc nuối, ngọt ngào, đắng cay của giai đoạn đó được hé lộ trong cuốn hồi ký Hồng Sơn “công chúa”: Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính ra mắt chiều 9.10 tại TP.HCM.
NHỮNG HÀNH TRÌNH NUỐI TIẾC
Khoác áo đội tuyển quốc gia từ năm 1993, Hồng Sơn được coi là một “chứng nhân lịch sử” của giai đoạn thăng trầm bóng đá VN. Năm 1995, dưới sự dẫn dắt của HLV Karl H.Weigang, đội tuyển thi đấu thăng hoa, giành HCB SEA Games 1995 tại Thái Lan. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân cả nước xuống đường vì bóng đá, nhờ những màn trình diễn quá cảm xúc của các cầu thủ. Danh hiệu này cũng là điểm tựa để đội tuyển VN có những bước tiến bộ, qua đó chinh phục thêm 2 HCB, 1 HCĐ tại SEA Games và 1 lần á quân, 2 lần hạng ba AFF Cup (trước đây được gọi là Tiger Cup).
Thi đấu ấn tượng, chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ, lứa cầu thủ này được ưu ái đặt biệt danh là “thế hệ vàng”. Nhưng thật đáng tiếc, họ chưa một lần nào giành vàng. Bởi ở giai đoạn này, các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan mạnh hơn VN khá nhiều. Và thật tiếc nuối, đội tuyển VN cũng không có “thần may mắn” đồng hành. Ở Tiger Cup 1998 trên sân nhà, chúng ta đã phá dớp thất bại trước Thái Lan khi đánh bại “Voi chiến” 3-0 ở trận bán kết. Lúc này, chức vô địch đã ở rất gần khi đối thủ chỉ là Singapore, vốn không được đánh giá quá cao. Nhưng bàn thắng đầy may mắn từ cái lưng của Sasikumar đã khiến đội tuyển VN chìm sâu trong tiếc nuối.
Hồng Sơn đã nói rằng đó là khoảnh khắc “địa ngục” của các cầu thủ, chẳng ai nhớ nổi mình đã làm gì, nói gì ở thời điểm đó và đội tuyển VN như những người bước đi trên sa mạc, nhìn gì cũng thấy rất xa xăm và bất định. Trên bục nhận huy chương, những người đã có một giải đấu bùng nổ, thăng hoa nhưng thiếu may mắn lê bước chân nặng trĩu trong sự im lặng, xen kẽ là những tiếng thở dài. Đáng ra, Sơn “công chúa” đã có một năm hoàn hảo khi anh đã giành chức vô địch quốc gia 1998 cùng CLB Thể Công, ẵm hai danh hiệu cá nhân là Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup 1998 và Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á tháng 8.1998.
Nhưng khi may mắn không đồng hành, Hồng Sơn lại phải tiếc nuối: “Tôi sẵn sàng đánh đổi hai danh hiệu mơ ước này để chạm lấy một lần vinh quang cùng đội tuyển VN nhưng tiếc là nó không đến”.
“CÔNG CHÚA” NHƯNG CŨNG LÀ MỘT CHIẾN BINH
Hồng Sơn nói rằng thất bại trước Singapore năm 1998 khiến anh chạm đáy. Nhưng anh không bỏ cuộc và luôn nỗ lực vươn lên. Đó là tinh thần của một người lính quân đội, của một chiến binh. Điều này cũng được thể hiện trong giai đoạn anh vượt qua chấn thương dây chằng đầu gối vào năm 1996. Trong trận đấu với đội tuyển Indonesia tại Tiger Cup 1996, sau pha vào bóng cực kỳ nguy hiểm của Aples Tecuari, anh bị đứt dây chằng, vỡ xương chêm và bước lên bục nhận HCĐ với hai người dìu. Chấn thương này nặng đến mức anh phải sang Đức để phẫu thuật và mất một năm mới có thể trở lại sân cỏ.
Vượt lên mọi khó khăn để trở lại, dường như không còn gì có thể đánh gục Hồng Sơn. Hai năm sau ngày rời sân trên cáng, anh giành Quả bóng vàng VN 1998, vô địch quốc gia cùng CLB Thể Công và hai danh hiệu cá nhân kể trên. Thậm chí, Hồng Sơn còn chia sẻ đầy “ngạo nghễ” rằng: “Tôi không biết có nên cảm ơn Tecuari hay vẫn giữ nguyên sự ức chế với gã? Vì có gã, có sự đau đớn mà gã đã gây ra, tôi mới có những khoảnh khắc huy hoàng trong sự nghiệp… Nếu có vô tình gặp lại Tecuari, tôi sẽ ôm hôn gã, bắt tay gã, tán tụng gã và tìm mọi cách nói cho gã biết, tôi biết ơn gã đến nhường nào!”.
Cuốn hồi ký Hồng Sơn “công chúa”: Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính là những gì chân thật nhất, cảm xúc nhất mà anh muốn gửi gắm cho những con tim từng thổn thức vì mình.