Một tình huống “ăn xin”

Tháng mười 8, 2024

“Ăn xin” có thể tinh tế đến mức nào?
I. TÌNH HUỐNG KHỞI NGUỒN
Mới đây, tôi tình cờ xem được một post Facebook của một tổ chức nọ. Tổ chức này tôi có biết vì bạn tôi đang làm tình nguyện viên tại đây. Họ là một tổ chức thành lập với mục đích tạo dựng một cộng đồng thực hiện các hoạt động như: thực hành thiền, chánh niệm, luyện tập yoga, sáng tạo nghệ thuật, kết nối với bản thân – con người – thiên nhiên, và sống một lối sống tinh gọn, sẻ chia, hòa điệu (những gì họ viết trên web của họ). Họ có một khu vực riêng gồm nhà cửa và các công trình kèm theo tại một huyện ngoại thành Hà Nội, kết cấu khá giống một homestay. 

Bài đăng được chụp lại lúc 11h00 ngày 8/10/2024 – chỉ khoảng 1-2h sau khi “Xứ” nọ hỏng điện thoại.
Theo như lời bạn tôi nói thì người tham gia không phải đóng một khoản phí cố định mà đóng theo kiểu “tùy tâm”, tức họ không hoạt động vì mục đích kinh doanh. Tuy nhiên thì họ cũng không phải một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ hay tổ chức từ thiện. Chính xác hơn thì họ là một tổ chức tự phát với các cá nhân thành lập ra với những mục đích thực nghiệm của riêng họ. Những người mà họ thu hút được để tham gia vào các khóa học, hoạt động của họ không phải là những người trong hoàn cảnh khó khăn (nghèo đói, bệnh tật,…) mà đơn giản là những người mong muốn tham gia vào hoạt động của họ mà thôi. 
Điều kì lạ là họ đang muốn xin một chiếc điện thoại thông minh từ cộng đồng để phục vụ cho các khoá học của họ do điện thoại của họ bị hỏng. 
Thoạt nhìn thì mọi thứ rất bình thường, họ đăng bài với câu từ lịch sự, và xin đồ người khác không dùng đến nữa vì lý do “tái sử dụng”. Nhưng với một người sân si như tôi, tôi lại thấy rất lấn cấn. Có thể là quá lời, nhưng hành động của tổ chức này chẳng khác nào “ăn xin” thời đại mới cả. 
“Ăn xin”, “xin ăn”, “ăn mày”, “hành khất”,… vốn là những từ có ý nghĩa miệt thị, chỉ hành động của người nghèo khổ cầu xin sự giúp đỡ, thường là lương thực, vật chất của người khác. Từ “mày” trong “ăn mày” vốn là danh từ chỉ lớp vỏ mỏng manh bên ngoài hạt gạo và các loại ngũ cốc sau khi xay xát xong. Chúng không phải trấu, không phải cám, không phải gạo tấm, mà chỉ đơn thuần là một thành phần bảo vệ của hạt lương thực, hầu như không dùng được vào việc gì. Vậy nên “ăn mày”, “ăn xin”, gắn liền với hành động “bố thí” của người cho, vì người ta không có ý giúp đỡ thực sự mà chỉ có ý trao đi phần không cần thiết, thậm chí vô dụng của họ. 
“Ăn xin” mà tôi đề cập đến ở bài viết này mang ý rộng hơn, hiện đại hơn. Xã hội thay đổi, “ăn xin” không nhất thiết phải mang hình hài khổ sở, rách rưới ngoài đường nữa, họ có thể đàng hoàng ngồi trong nhà, tay cầm chiếc điện thoại thông minh, hay thậm chí họ còn không đến nỗi đói khổ để thu hút sự tài trợ vật chất từ người khác. Tôi cũng chỉ nói đến khía cạnh “ăn xin” vật chất, chưa nói đến “ăn xin” tinh thần: ăn mày dĩ vàng, ăn xin/cầu xin/luỵ tình cảm, ăn xin cơ hội,…
Vậy “ăn xin” có các đặc điểm: 
(i) Người đi xin phải thiếu thốn về vật chất. 
(ii) Người ăn xin xin vì mục đích cá nhân, nhằm giảm thiểu hoàn cảnh thiếu thốn của họ. 
(iii) Thái độ ăn xin thường ở tư thế nhún nhường, có phần cam chịu, xin đơn giản vì họ đang cần đi xin chứ không phải vì lý do gì khác. 
Quay trở lại tình huống ở trên, tổ chức đó có thiếu thốn không? Đặt giả định, có hoặc không. Nếu có (khả năng thấp, vì họ có khả năng thuê/mua đất, xây nhà, mua lương thực, tổ chức mọi hoạt động… miễn phí, đóng góp tuỳ tâm từ người tham gia) thì việc họ đi xin một chiếc điện thoại chính xác là “ăn xin”. Nếu họ không thiếu thốn, thì việc “ăn xin” này thật trơ trẽn. Ngay cả việc cho rằng họ chỉ xin khi người dùng không dùng đến cũng là trơ trẽn, vì họ đang xin một chiếc điện thoại sử dụng tốt, 2 sim (có thể sử dụng lâu dài vì nhiều mục đích), đó là tài sản có giá trị nhất định của người khác. 
Họ xin vì mục đích gì? Phục vụ cho các hoạt động của họ, phục vụ trải nghiệm của riêng họ và những người tham gia các trải nghiệm đó, mà những người tham gia trải nghiệm lại chẳng phải là những người yếu thế cần được giúp đỡ trong xã hội. Vậy thì nó là một mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. 
Họ xin như thế nào? Rất tinh tế, họ đặt ra 2 lý do: 
(i) Điện thoại của họ đã cũ, hỏng. Việc nêu lý do này để khơi gợi lòng thương cảm của cộng đồng. Trong khi cộng đồng còn chẳng liên quan đến việc điện thoại của họ cũ, hỏng, vì cộng đồng được lợi ích gì đâu?
(ii) Họ xin điện thoại vì mục đích tái sử dụng. Lý do này rất hay, đánh vào xu hướng bảo vệ môi trường và tái chế đồ dùng. Người nghe sẽ thấy đó là một lý do hợp lý, và việc cho đi chiếc điện thoại cũ của mình là một việc làm cao cả vì môi trường. 
Vậy bạn có sẵn sàng cho đi một tài sản của mình cho một người không lấy gì làm khó khăn để phục vụ cho hoạt động của riêng họ và cộng đồng của họ không? Có người sẽ nói rằng, họ có thể xin những người quen biết, đã từng tham gia hoạt động, hoặc quan tâm đến hoạt động của họ, nhưng cách họ làm lại là đăng lên mạng xã hội và để chế độ công khai. Điều đó thể hiện họ mong muốn tất cả mọi người đều biết và đều có thể giúp đỡ họ. Hành động này khó coi hơn thoạt nhìn. Và bạn hãy nghĩ về nó, một người như thế nào mới có thể sẵn sàng cho đi như vậy? Họ không phải “ăn xin” nhưng họ còn tệ hơn cả “ăn xin”, vì họ không thiếu thốn mà vẫn muốn được tài trợ, tuy thế lại sử dụng cách thức rất tinh vi và xảo trá.  
II. TRẢI NGHIỆM CÁ NHÂN
Tôi từng là một người đi “xin”, tôi xin nhiều thứ, bằng nhiều cách và với nhiều lý do, nên tôi đủ hiểu bản chất của hành động “xin”. 
Ví dụ 1. Hồi năm 2021, tôi có muốn học Tarot, nhưng thay vì tự lấy tiền mua một bộ bài, tôi quyết định đi xin những người thân, bạn bè, mỗi người tối thiểu 10.000đ để mua. Tôi xin được đâu đó hơn 50 người, vừa đủ số tiền mà tôi dùng để mua bài, hầu hết mọi người đều cho tôi. Hành động của tôi là “ăn xin”, nhưng nó khác hành động trên ở chỗ nào? 
(i) Tôi chỉ xin người thân, bạn bè của mình, tôi không đăng lên mạng để xin.
(ii) Tôi hứa xem miễn phí 01 lần cho những ai “góp vốn” mua bài cho tôi. 
Tôi ghi chép đầy đủ những người cho tiền mình, không quên cảm ơn họ. Đó là một trải nghiệm cá nhân tôi chỉ làm một lần trong đời, vì nó cũng chả hay ho gì cả. 
(Anw, ai có nhu cầu xem Tarot thì nhắn tin cho tôi, tôi không tính phí qua Spiderum). 
Ví dụ 2. Năm 2022, tôi từng kêu gọi quyên góp cho trẻ em vùng cao tại Mù Cang Chải, Yên Bái một cách độc lập. Tôi đăng bài lên các hội nhóm mà tôi tham gia, nhận sách vở, đồ dùng học tập và tiền. Tôi có ghi chép lại các khoản thu – chi một cách chi tiết. “Xin” đó thực chất là xin hộ chứ không phải xin cho mình. Tôi làm không công, và vì mục đích cộng đồng, giúp đỡ những em nhỏ trong hoàn cảnh khó khăn. 
Đấy chắc cũng là lần cuối cùng tôi làm tình nguyện vùng cao, vì hành động đó có tính khá tự phát, lại thiếu hiệu quả.
III. XIN CHO “CHUẨN”
Thực tế thì chẳng có gì sai khi đi xin người khác. Nhiều người vẫn lăn ra đường hoặc đăng lên mạng xã hội để xin người khác, thậm chí chê bôi khi được cho ít. Họ có thể lấy lý do bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, con cái ốm đau,… để xin. Nhiều trong số đó là lừa đảo và lạm dụng. 
Tôi không cho rằng tổ chức ở trên lừa đảo hay lạm dụng. Họ xin cho chính họ nhưng cách làm lại rất tinh vi. Họ không phải người cần giúp đỡ nhưng vẫn xin, họ xin cho riêng mình nhưng lại ngụy trang bằng kiểu cách lý do và ngôn từ che đậy. Đấy không phải là hành động đẹp. Đấy cũng không hẳn là hành động đáng lên án, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đó là hành động mà chúng ta cần nhìn nhận bằng con mắt thận trọng. Đồng ý là sẽ có những người dễ dàng cho đi, chỉ vì họ thích được cho đi, họ thích tổ chức đó và những hoạt động của tổ chức. Điều đó không có gì sai. Nhưng một tổ chức thực nghiệm các hoạt động yoga, thiền, hướng về thiên nhiên lại sử dụng ngôn từ tinh vi để “xin” một tài sản vật chất của cộng đồng thì thật khó coi. 
Vậy xin khi nào và cho khi nào? Cho khi cái “xin” là chính đáng và có ý nghĩa. 
(i) Xin khi bản thân, người thân thực sự khó khăn và cần sự giúp đỡ. 
(ii) Xin khi xin hộ vì mục đích cộng đồng, qua đó những người khó khăn được hưởng lợi. 
Mikodmi.