Mục tiêu toàn cầu về năng lượng tái tạo cần đầu tư 1,5 nghìn tỷ USD/năm
Mục tiêu toàn cầu về năng lượng tái tạo cần đầu tư 1,5 nghìn tỷ USD/năm
(Xây dựng) – Việc tăng gấp ba công suất điện tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng vào năm 2030 là những yếu tố quan trọng để giữ mục tiêu nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5°C trong tầm tay.
Tiến độ phát triển năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chưa đạt đủ để tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. (Ảnh minh họa) |
Mặc dù đã có sự gia tăng chưa từng có trong việc triển khai năng lượng tái tạo vào năm 2023, nhưng tiến độ hiện nay vẫn chưa đạt đủ để tăng gấp ba lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Các kế hoạch và mục tiêu quốc gia hiện tại dự kiến chỉ đáp ứng một nửa tăng trưởng cần thiết về công suất vào năm 2030.
Theo báo cáo tiến độ chính thức đầu tiên về các mục tiêu năng lượng quan trọng được đặt ra bởi đồng thuận UAE tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu 2023 (COP28) ở Dubai, đầu tư hàng năm vào công suất năng lượng tái tạo cần tăng gấp ba lần, từ mức cao kỷ lục mới là 570 tỷ USD vào năm 2023 lên 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2024 – 2030.
Ngày 11/10/2024, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) phối hợp với COP28, nước chủ nhà COP30 là Brazil và Liên minh Năng lượng Tái tạo Toàn cầu công bố Báo cáo “Thực hiện đồng thuận UAE: Theo dõi tiến trình hướng tới việc tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng vào năm 2030” tại Hội nghị trước khi diễn ra COP (Pre-COP). Báo cáo cung cấp các dữ liệu và đánh giá kịp thời, chính xác cho các quyết định tại COP trong tương lai, bao gồm COP29 tại Baku (Azerbaijan).
Để đạt được các mục tiêu toàn cầu, công suất năng lượng tái tạo lắp đặt cần phải tăng từ 3,9 terawatt (TW) hiện tại lên 11,2 TW vào năm 2030, hay cần phải bổ sung thêm 7,3 TW trong chưa đầy 7 năm. Tuy nhiên, các kế hoạch quốc gia hiện tại dự kiến sẽ khiến cho 3,8 TW không được phát triển vào năm 2030, thiếu hụt 34% so với mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, tốc độ cải thiện cường độ năng lượng hàng năm phải tăng từ 2% vào năm 2022 lên 4% trong giai đoạn từ 2023 đến 2030. Điều này sẽ đòi hỏi tiến bộ nhanh hơn trong các biện pháp tăng hiệu quả và điện khí hóa trong nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông, xây dựng và công nghiệp. Vòng đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thứ ba theo Thỏa thuận Paris vào năm 2025 phải lấp đầy khoảng trống trong giai đoạn tới năm 2030.
Ông Francesco La Camera, Tổng Giám đốc IRENA cho biết: “Là đơn vị giám sát tiến trình đạt được các mục tiêu năng lượng đồng thuận UAE, chúng tôi phải nhấn mạnh những khoảng cách đáng kể. Các mục tiêu COP28 về việc tăng gấp ba năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả năng lượng là những yếu tố chính cho những nỗ lực toàn cầu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ dưới 1,5°C, nhưng chúng ta đang có nguy cơ không đạt được chúng. Các NDC tiếp theo phải đánh dấu một bước ngoặt và đưa thế giới trở lại đúng hướng”.
Các quốc gia cần có đồng thuận về một mục tiêu tập thể mới về Tài chính khí hậu (NCQG) mạnh mẽ hơn để tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hành động khí hậu. (Ảnh minh họa) |
Ông Sultan Al Jaber, Chủ tịch COP28 nói thêm: “Cơ hội đang ở đó, nhưng chúng ta cần nhiều quốc gia hơn tham gia bằng cách đưa ra các mục tiêu cụ thể về năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng trong NDC sắp tới của họ, khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân và làm cho việc triển khai các dự án trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta cần nghĩ lớn hơn, hành động táo bạo hơn và cùng nhau tiến nhanh hơn trên hành trình chuyển đổi năng lượng của chúng ta”.
Ông Mukhtar Babayev, Chủ tịch được chỉ định của COP29 chia sẻ: “Kế hoạch của chúng tôi là một số sáng kiến do Chủ tịch COP dẫn đầu, đóng góp vào hành động khí hậu toàn cầu tại COP29. Những sáng kiến này bao gồm thúc đẩy chương trình nghị sự thông qua việc tạo ra các khu năng lượng xanh và hành lang năng lượng xanh, củng cố lưới điện, tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng và phát triển hydro sạch”.
Báo cáo tiến độ kết luận rằng, để thực hiện các mục tiêu đồng thuận UAE, cần phải có những tiến bộ đáng kể trên các yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi năng lượng, cụ thể là cơ sở hạ tầng và vận hành hệ thống, chính sách và quy định, chuỗi cung ứng, kỹ năng và năng lực, tài chính và hợp tác quốc tế.
Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục đối mặt với khoảng cách tài chính, làm suy yếu khả năng tiếp cận các công nghệ chuyển đổi năng lượng cần nhiều vốn. Đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Phi đã giảm 47% từ năm 2022 đến năm 2023. Khu vực châu Phi cận Sahara nhận được đầu tư liên quan đến chuyển đổi ít hơn 40 lần so với mức trung bình của thế giới trên đầu người. Việc thu hẹp khoảng cách này đòi hỏi phải đảm bảo tài chính với điều kiện tốt hơn bằng cách giảm thiểu rủi ro quốc gia và tăng cường sự sẵn có của tài chính ưu đãi, chủ yếu từ các quỹ phát triển đa phương và song phương, các tổ chức tài chính và các quỹ từ thiện.
Hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng để điều hướng tốt hơn các nguồn tài chính nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu, phát triển và công nghiệp hóa cho một thế giới công bằng hơn.
Tại COP29, các quốc gia sẽ cần đồng thuận về một mục tiêu tập thể mới về Tài chính khí hậu (NCQG) mạnh mẽ hơn để tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hành động khí hậu, cũng như khuyến khích các mục tiêu tham vọng trong quá trình nộp NDC 3.0 vào năm 2025.