Muốn du lịch xanh, phải đi cùng nhau
Muốn du lịch xanh, phải đi cùng nhau
Lữ hành Saigontourist vừa chính thức nhận danh hiệu Travelife Partner, ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của việc gia nhập tổ chức này?
Ông Nguyễn Hữu Y Yên: Từ cách đây 2 năm khi tham gia các hội chợ quốc tế, chúng tôi đã nhận thấy xu hướng các tập đoàn trên thế giới đều triển khai chiến lược phát triển bền vững ESG. Các tập đoàn tàu biển cũng như các tập đoàn lớn đến từ Mỹ và châu Âu cũng đặt vấn đề rằng Lữ hành Saigontourist muốn làm đối tác của họ thì phải triển khai các chương trình du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Vì thế, ngay từ lúc đó chúng tôi đã bắt đầu tìm hiểu về các tổ chức liên quan.
Trên thế giới có rất nhiều đơn vị chứng nhận về du lịch bền vững, du lịch xanh và du lịch trách nhiệm, nhưng chúng tôi nhận thấy Travelife là tiêu chuẩn được nhiều đơn vị, tổ chức hướng theo nhất. Hiện có hơn 35 hiệp hội du lịch các quốc gia đang cùng phối hợp triển khai chương trình này đến các thành viên. Vì thế, chúng tôi đã chọn gia nhập Travelife và đây là chiến lược lâu dài của Lữ hành Saigontourist.
Travelife yêu cầu những gì mà một “sếu đầu đàn” trong ngành du lịch Việt Nam như Saigontourist phải mất tới 2 năm, thưa ông?
Thật ra Travelife có nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu là đăng ký, tìm hiểu, nhập cuộc với họ. Đơn vị nào muốn gia nhập Travelife thì phải đáp ứng 141 tiêu chí nhưng ở giai đoạn 1 thì không cần đáp ứng hết, chỉ phải cam kết sẽ chuyển đổi, hướng đến mục tiêu đó trong tương lai. Giai đoạn 2 là trở thành “partner”, chính thức bước vào “sân chơi” với họ và triển khai khoảng 1/2 tổng số điều kiện, tiêu chí. Đây chính là giai đoạn mà chúng tôi vừa vượt qua và bây giờ đang bước sang giai đoạn 3, tiếp tục triển khai kế hoạch để đạt tới Travelife Certified, hiểu đơn giản là tốt nghiệp, được cấp chứng chỉ xanh toàn cầu.
Tôi còn nhớ từ những năm 2000, Lữ hành Saigontourist đã đầu tư nhiều sản phẩm du lịch xanh, cũng là một trong những đơn vị tiên phong theo xu hướng du lịch bền vững. Vậy xanh mà công ty theo đuổi có gì khác với tiêu chí của Travelife khiến không thể đặc cách thành Travelife Partner hoặc Travelife Certified sớm hơn?
Thật ra không phải tới những năm 2000 như cô nhớ đâu. Từ thập niên 1970, khi công ty bắt đầu khai thác, phục vụ những đoàn khách quốc tế đầu tiên đến Việt Nam thì thông điệp “không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” đã bén rễ trong mỗi chương trình tour phục vụ du khách. Thông điệp này cũng chính là nền tảng cốt lõi trong triết lý kinh doanh của Lữ hành Saigontourist nhiều thập niên qua.
Thế nhưng, chỉ tour xanh thôi là chưa đủ. Travelife có 2 nội dung lớn cần đáp ứng: thứ nhất là triển khai trong nội bộ công ty, thứ hai là tất cả đối tác anh lựa chọn cũng phải tuân thủ 141 tiêu chí này.
Trong nội bộ thì với công ty quy mô lớn, không hề dễ. Không phải chỉ trồng cây xanh hay giảm phát thải là xong. Đi vào chi tiết còn rất nhiều việc. Đơn cử trong tiêu chí về giấy in, trước đây mình sử dụng giấy dày định lượng khoảng 80 gr/m2 nhưng giờ phải giảm xuống còn khoảng 70 gr/m2; mực in cũng phải tiết kiệm; đèn phải thay bằng đèn cảm ứng để tiết kiệm điện… Để một đơn vị lữ hành lớn với hơn 1.000 nhân viên, 18 chi nhánh và 24 phòng giao dịch trên cả nước cùng triển khai hệ thống này như tôi vừa nói, không hề đơn giản. Dù vậy, việc này chúng tôi vẫn có thể kiểm soát, triển khai ngay được.
Nhưng còn các đối tác thì sao? Giả dụ chúng tôi có 10 nhà cung ứng là 10 khách sạn mà chỉ có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn của Travel Life, 8 khách sạn còn lại giá rẻ hơn họ có chịu không? Rồi có những đơn vị sợ ràng buộc. Họ suy nghĩ đơn giản, trước đây tôi và anh ký hợp đồng có qua có lại. Anh gửi khách cho tôi, tôi phục vụ khách cho anh. Giờ anh thêm một dãy phụ lục phía sau là những ký kết yêu cầu tuân thủ điều kiện này kia… họ cũng e ngại chứ. Triển khai, kêu gọi các đối tác trong hệ sinh thái đi cùng mình mới là bài toán khó.
Và lời giải cho bài toán là?
Tất nhiên, mình không thể bắt buộc họ phải thực hiện ngay nhưng định hướng, đưa ra những tiêu chí để từng bước tuân theo là điều cần thiết. Lúc đầu có thể họ sẽ e ngại. Tuy nhiên tôi tin rằng khi họ tìm hiểu kỹ cũng sẽ thấy những yêu cầu này không chỉ tốt cho khách của Lữ hành Saigontourist mà còn tốt cho chính khách hàng của họ. Quan trọng hơn, không chỉ doanh nghiệp muốn “chơi” với đối tác ngoại mới cần “giấy thông hành xanh”. Hiện nay, nhu cầu du lịch xanh, du lịch bền vững ngày càng lớn, đặc biệt ở giới trẻ. Họ muốn đóng góp vào môi trường sống, cuối tuần họ thường đi làm thiện nguyện… nên đòi hỏi những sản phẩm du lịch kết hợp trồng cây, du lịch dọn dẹp môi trường… Thế nên muốn tồn tại và phát triển, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Xanh không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu.
Tôi nghĩ có thể do trước giờ nhiều doanh nghiệp chưa biết đến khái niệm phát triển xanh, phát triển bền vững hoặc biết nhưng còn loay hoay trong cách ứng xử. Nhưng giờ có một đơn vị tìm hiểu trước, cùng đồng hành, cùng làm thì họ sẽ hiểu và sẽ mạnh dạn để chuyển đổi. Cả tôi và anh đều xác định không phải chọn lựa có hoặc không mà là cùng đồng hành để cùng phát triển. Ví dụ, một nhà hàng cùng doanh nghiệp lữ hành ký cam kết trong thực đơn không có thịt thú rừng, không xả thải; hoặc một khách sạn ký cam kết sử dụng hoàn toàn năng lượng điện tái tạo, không chặt cây, phá rừng để xây dựng khu lưu trú; hay một điểm đến cam kết phải giữ văn hóa trong cộng đồng cư dân… và cùng triển khai, thực hiện. Đó là cách đi cùng nhau mà chúng tôi đang thực hiện.
Theo ông, xu hướng du lịch tự túc cũng ngày càng gia tăng có ảnh hưởng gì đến chương trình liên kết để xanh hóa theo tiêu chuẩn thế giới của Lữ hành Saigontourist nói riêng và ngành du lịch Việt Nam nói chung không?
Nếu đi cá nhân, du khách chủ yếu chỉ lên tìm hiểu điểm đến khách sạn, nhà hàng… nhưng với đối tượng theo đuổi xu hướng du lịch xanh, giảm dấu chân carbon mà tự túc thì sẽ phải mất rất nhiều công sức để tìm hiểu chỗ nào đáp ứng hay chưa đáp ứng đủ những điều kiện, tiêu chuẩn xanh của cả chuỗi mắt xích du lịch. Trong khi đó, các công ty lữ hành với vai trò kết nối đã có sẵn hệ sinh thái, có đầu vào thông tin, có nhân lực được đào tạo bài bản và những bộ sản phẩm chất lượng. Chỉ cần khách đặt vấn đề là doanh nghiệp có thể xâu chuỗi được hết các yêu cầu để cho ra sản phẩm đáp ứng đầy đủ mong muốn của du khách. Đây cũng là lợi thế và cơ hội để định hình lại vai trò của lữ hành trong chuỗi sinh thái du lịch.
Trước mắt, Travelife Partner đã giúp Lữ hành Saigontourist đáp ứng đầy đủ yêu cầu để tham gia đấu thầu quốc tế đơn hàng từ các tập đoàn tàu biển lớn đến từ châu Âu, Mỹ cho những năm kế tiếp 2025 – 2027. Về lâu dài, ngoài chuyện có quy trình ISO 26000 quản lý chất lượng, chúng tôi còn có thêm các điều kiện, quy trình, bộ điều kiện để đánh giá được những nhà cung ứng, từ đó kiểm soát được các nhà cung ứng, làm nên một hệ sinh thái được kiểm soát chuyên nghiệp, bài bản từ đầu vào. Đó là lợi thế để Lữ hành Saigontourist hòa nhập vào cuộc chơi của các quốc gia, cũng như sẵn sàng đáp ứng bất kể yêu cầu nào từ các đối tác trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên