Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á (P1): kinh tế và quyền lực

Tháng chín 18, 2024

Những hình dung ban đầu về tình hình kinh tế tại khu vực Đông Nam Á cho thấy Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, còn Mỹ là quốc gia đầu tư vốn hàng đầu. Kể từ năm 2018, cạnh tranh toàn diện và trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức công khai điểm nóng trên lĩnh vực kinh tế – thương mại. Nhờ có được vị trí địa chính trị then chốt trong chiến lược đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng cho nhu cầu gia tăng quyền lực kinh tế của họ. Mỹ và Trung Quốc cũng không hề kém cạnh trong cuộc đua tạo ảnh hưởng tại Đông Nam Á, và sẽ không có bên nào nhượng bộ cho đến khi đạt được vị thế lấn át đối phương trên cục diện khu vực. Do đó, Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để cân bằng quyền lực với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á là nhằm khẳng định lợi ích Mỹ một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, giới nghiên cứu nhận định việc Mỹ sẽ không dễ dàng đạt được mục đích khi “Trung Quốc là một đối thủ của Mỹ, ngang hàng, đáng gờm về quyền lực kinh tế, hơn rất nhiều so với Liên Xô thời trước”.
Từ những vấn đề đó dấy lên những câu hỏi then chốt như: Tại sao khía cạnh kinh tế – thương mại trở thành điểm nóng trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc? Và cuộc cạnh tranh quyền lực kinh tế của Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á có mối quan hệ như thế nào đối với quan hệ ngoại giao hai nước? Bài viết này đi sâu làm rõ về lợi ích kinh tế trong các chính sách của Mỹ và Trung Quốc nhằm giành vị thế quyền lực tại khu vực Đông Nam Á, qua đó góp phần nhận thức toàn diện cuộc cạnh tranh chiến lược rất quyết liệt này.

Lợi ích kinh tế trong con mắt của Mỹ và Trung Quốc

Vị thế địa chính trị Đông Nam Á đã thay đổi mạnh mẽ vào những năm 60 – 70 của thế kỷ XX khi khu vực này bắt đầu được giới chuyên gia chiến lược chú ý trong các nghiên cứu. Nơi này sở hữu vị trí địa lý thuận lợi về giao thương hàng hải, kinh tế biển và đất liền đan xen, vùng văn hóa – chính trị tương thông trong lợi ích kinh tế (Lương Ninh 2005). Tổng diện tích khu vực Đông Nam Á rộng hơn 4,5 triệu km2 với dân số khoảng 678,1 triệu người, là tuyến đường biển kết nối Châu Á, Châu Mỹ và Châu Phi cùng trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú cả về trên đất liền và biển đảo. Vùng biển Đông Nam Á là các tuyến vận tải biển quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Khoảng một phần ba thương mại hàng hải toàn cầu đi qua miền Nam Biển Trung Quốc, trị giá khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la; hai phần ba dầu của thế giới đi qua các vùng biển Đông Nam Á, với 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Eo biển Malacca; và hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu dầu cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vượt qua qua Biển Đông. Khu vực Đông Nam Á nói chung và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói riêng tạo tiền đề cho mở rộng đa phương phát triển kinh tế, thị trường tiêu thụ và cung cấp nhân lực vô cùng lớn của khu vực. Tổ chức ASEAN đứng đầu trong lĩnh vực thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nền kinh tế đang phát triển với mức kỷ lục 224 tỷ USD vào năm 2021 và chưa có dấu hiệu ngừng lại trong tương lai. Rõ ràng, tiềm năng về thế mạnh kinh tế của Đông Nam Á đang từng bước được khẳng định là trung tâm tương lai kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Điều này là nguyên nhân cho thấy Đông Nam Á đại diện cho một khu vực ngày càng quan trọng về kinh tế nhưng cũng có tầm quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ và Trung Quốc.
Hình 1: Mô hình cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á (nguồn: Đại học Hoa sen)

Hình 1: Mô hình cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế ở Đông Nam Á (nguồn: Đại học Hoa sen)

Đối với Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc và ASEAN luôn thúc đẩy nỗ lực chung nhằm tăng cường tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, góp phần tạo nên một khu vực phát triển nền kinh tế năng động. Hợp tác kinh tế đã được nhiều chuyên gia kinh tế chính trị chứng minh là “trái tim” và cũng là “động lực cốt lõi” cho quan hệ chiến lược này. Trong chiến lược phát triển quốc gia, Trung Quốc rất coi trọng vùng ngoại vi liên quan đến các khu vực láng giềng. Họ quan niệm vùng biên cương, láng giềng mạnh thì trung tâm vị thế quốc tế bền vững và phát triển. Trung Quốc luôn ưu tiên sự ổn định chính trị trong nước mà điều này được soi chiếu thông qua tính hiệu quả được phản ánh trong nội dung và đặc điểm của chính sách ngoại giao về phát triển kinh tế đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc xác định khu vực Đông Nam Á là “cộng đồng láng giềng cùng chung vận mệnh” và “ưu tiên trong ngoại giao láng giềng”, điều này được ghi vào trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong mục tiêu phát triển quốc gia.
Tầm nhìn của Trung Quốc mang lại nhiều sự thay đổi lớn trong cấu trúc quan hệ và trật tự kinh tế ở ASEAN trong thế kỷ XXI. Đối với Trung Quốc, tổ chức ASEAN là cộng đồng các quốc gia láng giềng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng biên giới và đảm bảo an ninh khu vực phía Nam. Sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc cần thiết phải lan toả các giá trị ra các hướng, đặc biệt là vai trò toàn diện và trung tâm ra khu vực Đông Nam Á với nhiều tiềm năng. Lĩnh vực kinh tế – thương mại cho phép Trung Quốc dễ dàng tạo vị thế ảnh hưởng mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế cốt lõi ở ASEAN vì thương mại nội vùng ở các quốc gia nhỏ và tầm trung ở khu vực Đông Nam Á là yếu tố chính để hình thành sự phụ thuộc lẫn nhau. Khu vực này thuộc “vùng ngoại vi” được Trung Quốc ưu tiên phát triển kinh tế đối ngoại, trao đổi thương mại hàng hóa trong đại chiến lược “Một vành đai, một con đường”. 
Đặc biệt hơn, Trung Quốc bắt đầu coi ASEAN là một đồng minh và đối tác thương mại tiềm năng. Do đó, giai đoạn từ 1990 đến 1997 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong thương mại Trung Quốc – ASEAN. Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được thành lập vào năm 2010, sau Hiệp định khung ban đầu được ký vào năm 2002. Đây được coi là bước cơ bản để tăng cường hoạt động thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc. Nhờ đó, ASEAN đã có được cơ hội sớm thâm nhập thị trường Trung Quốc với mức thuế ưu đãi giảm trước khi áp dụng mức thuế suất thấp hơn cho tất cả các thành viên WTO. Với ACFTA, có vẻ như Trung Quốc đã trở thành thị trường ưu tiên không chỉ của các đối tác cũ trong khối này mà còn của các thành viên mới hơn gia nhập vào ASEAN sau đó. Những mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia trong tổ chức ASEAN tiếp tục được tái thiết bằng những liên kết chuỗi sản xuất tình trạng thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã chuyển từ thâm hụt thương mại sang thặng dư thương mại. Vào tháng 9 năm 2023, hội nghị thượng đỉnh thương mại – đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20 báo cáo kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức kỷ lục mới 722 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 14 năm. Trao đổi thương mại với ASEAN chiếm tới 15,3% trong tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, phía Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của “mối quan hệ láng giềng tốt, đối tác tốt” và khẳng định “quan hệ Trung Quốc-ASEAN chưa bao giờ khăng khít như thời điểm hiện nay, đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích phát triển của cả Trung Quốc và các nước ASEAN”. Kể từ khi Trung Quốc tăng cường dòng hàng hóa trung gian trong ASEAN, Trung Quốc không chỉ thể hiện vai trò dẫn dắt trong cấu trúc kinh tế khu vực Đông Nam Á mà còn cho thấy lợi ích cốt lõi của quốc gia tại khu vực. Các ngành có mức độ hội nhập cao, đặc biệt là những ngành nằm trong chuỗi sản xuất máy móc và thiết bị điện tiếp xúc nhiều hơn với Trung Quốc khi quốc gia này có tư cách vừa là nhà cung cấp vừa là thị trường chủ đạo. Trung Quốc thực sự ưu tiên phát triển mối quan hệ tập thể với ASEAN bất chấp mối liên hệ phức tạp của nước này với từng quốc gia trong tổ chức. Hợp tác kinh tế khu vực phát triển từ cấp song phương đến cấp khu vực và hơn thế nữa, ASEAN + 1, ASEAN + 3, ASEAN + 6, Hội nghị cấp cao Đông Á và Vành đai và Con đường Sáng kiến (BRI). Do đó, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á thông qua các cấu trúc hợp tác đa tầng. 
Từ việc tiếp cận rất sớm trong hợp tác thương mại song phương với các quốc gia khu vực Đông Nam Á, đến khi tăng cường mạnh mẽ với tổ chức đại diện khu vực là ASEAN, Trung Quốc đều có ảnh hưởng sâu rộng và vai trò trọng tâm đối với kinh tế khu vực này. Hơn nữa, việc Trung Quốc tiếp cận các chiến lược chung, hợp tác đa tầng, đẩy mạnh liên kết, trao đổi lợi ích chéo, sử dụng vai trò cường quốc kinh tế trong sự dẫn dắt, điều phối kinh tế khiến quốc gia này ngày càng thể hiện vai trò chủ đạo về kinh tế – thương mại. Lợi ích kinh tế có được tại khu vực Đông Nam Á được Trung Quốc coi trọng, xem là có ý nghĩa trực tiếp đối với phát triển quyền lực tổng hợp và tạo hành lang thuận lợi để thực hiện các chiến lược trong quá trình trỗi dậy quốc gia.

Trong cái nhìn của Mỹ

Việc Mỹ tiếp cận lợi ích kinh tế tại khu vực Đông Nam Á trong chiến lược đối ngoại được xem là khá muộn màng. Từ sau năm 1975, Mỹ đã rời bỏ khu vực và chỉ duy trì quan hệ đối tác với mạng lưới đồng minh chính trị tại khu vực. Tuy nhiên, quá trình phát triển của chủ nghĩa đa phương và chủ trương hội nhập của các nước tại Đông Nam Á thúc đẩy mạnh mẽ vào những năm đầu thế kỷ XXI đã khiến Mỹ đẩy mạnh hơn vào khu vực. Vai trò của khu vực Đông Nam Á bắt đầu có chuyển biến lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi vào năm 2011, khi chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược Xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương với trụ cột then chốt là thúc đẩy kinh tế với khu vực Đông Nam Á và đẩy mạnh sáng kiến kinh tế mở rộng với ASEAN. Chiến lược này hướng đến sự chuyển đổi trọng tâm thông qua việc đầu tư quyền lực của Mỹ cho các liên minh quân sự và hình thành khuôn khổ pháp lý cho thương mại và can dự trực tiếp với khu vực thông qua việc tích cực thúc đẩy hợp tác sâu sắc trong quan hệ đối tác song phương đối với các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á. 
Những tiềm năng kinh tế của Đông Nam Á trở thành cơ sở hoạch định trong chính sách đối ngoại của Mỹ tiếp cận khu vực. Chính việc gia tăng thúc đẩy hợp tác kinh tế của Mỹ, và trước đó là Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á làm cho vai trò của các nước lớn trong việc định hình lợi ích chính trị tại đó cũng ngày càng gia tăng. Đối với Mỹ, khu vực này có ý nghĩa trong việc tiếp cận lợi ích kinh tế tiềm năng, có thể là cầu nối thúc đẩy các chính sách can dự nhằm kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Quan điểm này được bắt đầu từ thời kỳ tổng thống Obama, tiếp nối tới thời kỳ chính quyền thời Tổng thống Donald Trump khi đề cập tới vai trò trung tâm của ASEAN như một phần cốt lõi trong chiến lược khu vực và công nhận quan hệ Mỹ – ASEAN là đối tác chiến lược. Tiếp đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ lần thứ 10 vào năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: ASEAN giữ vị trí quan trọng, là “trái tim” trong chiến lược khu vực của Mỹ. Nhìn chung, Mỹ coi nền kinh tế ASEAN đóng vai trò tích cực trong quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đưa ra và thúc đẩy sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) với sự tham gia của hầu hết các nước ASEAN. Sự quan tâm của Mỹ thể hiện cụ thể qua các con số thống kê của Cơ quan Thống kê ASEAN vào tháng 6 năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều năm 2022 đạt 420,4 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ vào ASEAN đạt 36,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN.
Hơn nữa, tự do hàng hải là quan điểm đã được định hình trong tư duy đối ngoại Mỹ. Quan điểm này với mục đích chính là bảo vệ quyền lợi của tàu thuyền Mỹ được tự do mậu dịch, mở rộng thương mại, và khẳng định quyền chính đáng của các tàu quân sự Mỹ ở vùng biển nước ngoài. Do vậy, khi nhận thấy Biển Đông cùng với eo biển Malacca là hai vùng chiến lược có tiềm năng cả về kinh tế và chính trị, Mỹ mong muốn về lý thuyết có vai trò dẫn dắt tự do kinh tế biển. Điều này đã thể hiện rõ trong các điều khoản của Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( TPP), khi Mỹ có ý định tham gia hiệp định TPP với mục đích lan toả tư tưởng hợp tác kinh tế tự do của Mỹ, và là cơ hội để quốc gia này có thể viết ra các quy tắc mới ở Châu Á theo luật chơi của mình, Mỹ không chỉ tìm cách cắt giảm thuế quan mà còn tìm cách hài hòa hóa quy định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, lao động và môi trường – đòi hỏi phải có những cải cách đáng kể trong nước ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Mặc dù, sau đó, bằng cách tiếp cận thay thế của Chính quyền Donald Trump, Mỹ rút khỏi hiệp định TPP, thay vào đó là cạnh tranh kinh tế quyết liệt, nhưng quan điểm tự do của Mỹ vẫn không thay đổi. 
Rõ ràng, lợi ích kinh tế của Mỹ mang ý nghĩa quyền lực tiềm năng trong chiến lược phát triển vị thế đối với cục diện khu vực Đông Nam Á, nơi mà vai trò của Mỹ chưa cân bằng về quyền lực so với Trung Quốc. Vì thế, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu sắc và toàn diện trong quan hệ song phương và đa phương tại khu vực này giúp Mỹ có vai trò chính đáng nhằm can dự vào khu vực để cân bằng khoảng trống quyền lực với Trung Quốc. Điều đó có thể thấy bên cạnh hợp tác về an ninh, bao gồm an ninh hàng hải và an ninh phi truyền thống thì Mỹ xem trọng hợp tác, đầu tư về kinh tế với ASEAN như một động lực then chốt trong quan hệ Mỹ – ASEAN.

Kết luận

Từ việc xác định nhận thức về lợi ích kinh tế, ta sẽ tiếp cận được bối cảnh chiến lược, sau đó thấy được động cơ và mục đích của hành động. Lợi ích kinh tế mà Mỹ và Trung Quốc tập trung cạnh tranh ở Đông Nam Á sẽ là nguyên nhân của mọi vấn đề chính trị xung đột tại khu vực. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân về kinh tế, xác định rõ lợi ích của Mỹ và Trung Quốc hình thành bức tranh cạnh tranh quyết liệt tại khu vực Đông Nam Á. Ở đó, nước Mỹ tập trung vào việc đẩy mạnh các nguồn vốn không hoàn lại ở các kết cấu lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong nền tảng của các nước Đông Nam Á đang còn thiếu. Ngược lại, Trung Quốc sẽ duy trì mức độ hợp tác kinh tế quan trọng để tạo ra sự liên kết mang tính căn bản giữa các bên, để tạo ảnh hưởng rộng khắp tại khu vực Đông Nam Á. Sẽ không có bên nào nhượng bộ, cho đến khi mục đích giành vị thế quyền lực kinh tế của Mỹ hoặc Trung Quốc vượt trội hơn hẳn đối phương tại Đông Nam Á