Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng

Tháng sáu 21, 2024

Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng

(Xây dựng) – Cục Quản lý hoạt động xây dựng với vai trò là cơ quan nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu hoạch định chính sách, kiến tạo môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thông thoáng và tổ chức thực thi kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động xây dựng…

Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng
Ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng.

Phát huy vai trò đơn vị nòng cốt

Thời gian qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng luôn phát huy vai trò là cơ quan được Bộ Xây dựng giao chủ trì, tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Xây dựng. Cục xác định nhiệm vụ trọng tâm là công tác tham mưu hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi hiệu quả chính sách pháp luật về hoạt động xây dựng.

Trong năm 2024, bám sát chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ Xây dựng phân công, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Bộ Xây dựng xây dựng nhiều văn bản, nghị định có nội dung quan trọng như: Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng; tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi; tham gia góp ý Tiêu chuẩn Nhà ở riêng lẻ… Đặc biệt là việc đề xuất các nội dung sửa đổi Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

Thực hiện chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng giao, Cục đã chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy các thành phần kinh tế khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường phân cấp trong quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan ở Trung ương và địa phương; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Theo đó, Dự thảo Nghị định đã cơ bản hoàn thành và đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Các nội dung Dự thảo được rà soát sửa đổi, bổ sung theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở cho cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương, cắt giảm trường hợp phải thẩm định hoặc thẩm định lại với các dự án quy mô nhỏ. Đặc biệt, dự thảo Nghị định đã quy định bổ sung cơ sở lập dự án và cấp phép xây dựng liên quan đến quy hoạch, đất đai và chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện đầu tư xây dựng trong thời gian qua; quy định rõ các tiêu chí đánh giá sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch, quy chuẩn tiêu chuẩn, an toàn xây dựng để nâng cao chất lượng việc thực hiện của cơ quan chuyên môn về xây dựng…

Bên cạnh việc tham mưu xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục đã tham gia nhiều tổ giúp việc, đoàn công tác phối hợp các Bộ, ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm của ngành Giao thông, ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp… Cục cũng tích cực thực hiện tháo gỡ có hiệu quả nhiều dự án, công trình trọng điểm, điển hình là công trình Nhà Quốc hội Lào đã được nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng và được lãnh đạo Quốc hội hai nước đánh giá cao; tham gia tháo gỡ khó khăn đối với dự án Trụ sở Bộ Ngoại giao, dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, dự án sân bay Long Thành, các dự án cao tốc và đường dây 500 kV, 220 kV trọng điểm quốc gia.

Nâng cao chất lượng giải quyết công việc của cơ quan chuyên môn

Xác định việc nâng cao chất lượng công tác thẩm định để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng ở các địa phương, thúc đẩy việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, Cục đã quán triệt đến từng cán bộ, công chức không để chậm trễ trong xử lý hồ sơ do lỗi chủ quan, tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà cho cơ quan, DN và người dân; Có các biện pháp để ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng việc giải quyết thủ tục hành chính để tham nhũng, lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra là thời gian thực hiện thủ tục hành chính phải nhanh gọn song cần kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về đầu tư xây dựng trong bối cảnh pháp lý chưa đồng bộ, chất lượng tư vấn chưa cao, nhận thức của một số chủ đầu tư còn hạn chế. Trong thời gian vừa qua, thông qua công tác thẩm định đã phát hiện nhiều nội dung bất cập liên quan đến quy định về quy hoạch xây dựng; một số quy hoạch chi tiết quy hoạch phân khu của khu vực chưa phù hợp với định hướng tại quy hoạch chung; dự án đầu tư có thiết kế không đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là các yêu cầu về tiện ích cộng đồng như chỗ đỗ xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, diện tích cây xanh; một số thiết kế chưa đảm bảo an toàn xây dựng; ngoài ra vẫn còn hiện tượng chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục về thẩm định, cấp giấy phép xây dựng nhưng đã triển khai thi công xây dựng.

Cục đã phối hợp với Vụ Quy hoạch Kiến trúc tham mưu lãnh đạo Bộ đề xuất sửa đổi để giải quyết các nội dung bất cập tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đồng thời sửa đổi một số quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP để sớm có hiệu lực nhằm tháo gỡ kịp thời những bất cập liên quan đến quy hoạch như quy định về công trình ngầm, quy hoạch sử dụng làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung… nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…

Nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng
Cục Quản lý hoạt động xây dựng phát huy vai trò nòng cốt, là cơ quan chuyên môn góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.

Quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, đảm bảo trật tự đầu tư xây dựng

Cũng nhờ sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, thời gian qua, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng đã đi vào nề nếp. Ông Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng cho biết: Từ khi Luật Xây dựng 2014 đi vào thực tế, công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng từng bước đi vào nề nếp. Các thủ tục hành chính trong công tác cấp phép đã được công khai minh bạch, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan nên việc chấp hành các quy định của pháp luật đã được quan tâm thực hiện. Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 tiếp tục làm rõ điều kiện cấp phép, trình tự, hồ sơ cấp phép xây dựng và phân cấp toàn diện việc thực hiện cấp phép xây dựng cho địa phương.

Để tăng cường kiểm soát công tác cấp giấy phép xây dựng đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, Cục trưởng Hoàng Anh Tuấn cho biết: Cục đã tham mưu trình Bộ Xây dựng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn thực thi pháp luật, trong đó có Văn bản số 5400/BXD-HĐXD ngày 27/11/2023 gửi UBND các tỉnh yêu cầu quán triệt, kiểm tra, hướng dẫn chi tiết và thực hiện nghiêm công tác cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, đặc biệt là công tác rà soát các yêu cầu về PCCC đến các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, cơ quan quản lý trật tự xây dựng và các cơ quan chuyên môn về xây dựng trên địa bàn…

Đổi mới chính sách, ứng dụng công nghệ cao

Trước những yêu cầu mới của quá trình CNH, HĐH đất nước đã và đang đặt ra cho ngành Xây dựng, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền một cách phù hợp; cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ quản lý nhà nước; ứng dụng phương thức quản lý, công nghệ mới để tiết kiệm thời gian, tăng tính hiệu quả trong đầu tư xây dựng. Sắp tới, Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng được ban hành sẽ hỗ trợ việc quản lý đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ, thống nhất toàn quốc; đồng thời các quy định về ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) tại Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP sẽ cho phép ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, chuyển đổi số để quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.

Cùng với đó, trong 6 tháng cuối năm, Cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập trong quá trình quản lý hoạt động đầu tư xây dựng và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, chấn chỉnh một cách kịp thời.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com