Chuyển đổi năng lượng xanh: ‘Con đường tất yếu Việt Nam phải đi’
Chuyển đổi năng lượng xanh: ‘Con đường tất yếu Việt Nam phải đi’
Nên tập trung hỗ trợ xây dựng trạm sạc
Trước câu hỏi đến khi nào Việt Nam có thể chuyển sang sử dụng hoàn toàn xe điện, TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, cho rằng: hiện nay trong các dòng xe di chuyển trên phố, xe thuần điện vẫn chiếm con số khiêm tốn. Bởi vậy, việc chấm dứt xe chạy bằng năng lượng hóa thạch còn là thách thức lớn nếu không có sự chung tay.
“VinFast hiện nay đang đưa ra những lợi ích rất lớn, tuy nhiên nếu chỉ VinFast là chưa đủ. Chính phủ cần tạo hành lang hỗ trợ, đồng hành mạnh mẽ cùng các đơn vị sản xuất xe điện để nhanh chóng chuyển đổi. Việc chuyển đổi, cấm dần xe xăng cần phải có những chính sách cụ thể, đưa ra mục tiêu cắt giảm theo năm; kiểm soát chặt chẽ hơn việc phát thải của các dòng xe sử dụng năng lượng hóa thạch”, ông Tứ nhấn mạnh.
Nhìn nhận đến nay Chính phủ đã có những chủ trương mạnh mẽ, rõ ràng về chuyển đổi xe điện, song theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), chính sách hỗ trợ chỉ đang dừng ở việc phí tiêu thụ đặc biệt và thuế trước bạ. Thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm về chính sách để chuyển đổi thành công.
Bà Hiền phân tích: “Theo kinh nghiệm quốc tế, để chuyển đổi thành công, tiên quyết cần phải có hạ tầng trạm sạc, một đồng đầu tư cho trạm sạc mang lại lợi ích bằng 1,5 lần đầu tư cho phương tiện (xe điện – PV). Vì vậy, các nỗ lực, chính sách hỗ trợ chuyển đổi của Chính phủ nên tập trung hỗ trợ xây dựng trạm sạc”.
“Giờ đây, Chính phủ cần sớm có lộ trình dừng sản xuất, lưu hành các phương tiện dùng năng lượng hóa thạch; cần có chính sách khuyến khích đối với các nhà sản xuất phương tiện dùng điện, đặc biệt là các đơn vị trong nước”, bà Hiền nói.
Cần cú hích đặc biệt về tài chính
Đánh giá sự chung tay của người dân đóng vai trò quyết định trong quá trình chuyển đổi xanh, lãnh đạo Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng: “Thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền xã hội để mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn, ủng hộ chủ trương chuyển đổi của Chính phủ; sớm cung cấp cho người dân biết rõ hiệu quả, lợi ích sử dụng xe điện, từ đó có những quyết định sáng suốt trong sử dụng phương tiện cho tương lai”.
Đánh giá cao cách làm của doanh nghiệp khi đưa ra những biện pháp rất cụ thể giúp người tiêu dùng thấy được lợi ích, thực sự động viên người tiêu dùng đồng hành với doanh nghiệp để phát triển “xe xanh”, chuyển đổi xanh ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Tôi mong là Chính phủ nên học cách làm của doanh nghiệp”.
Ngoài ra, nữ chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm nên có những giải pháp hỗ trợ về mặt tài chính trong quá trình chuyển đổi xanh trong ngành GTVT, thúc đẩy phát triển “xe xanh”.
“Hiện nay mới ở chủ trương chung thôi, còn giải pháp cụ thể chưa có. Nếu có, để thực hiện thì không phải việc của riêng Bộ GTVT, rất cần chính sách của Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT về tiêu dùng công hoặc đầu tư công cho lĩnh vực này. Với ngân sách, tôi tin là không thiếu”, bà Lan gợi mở.
Theo bà Chi Lan, có những cái đề ra cần ngân sách rất lớn nhưng không hẳn đã cấp thiết như so với vấn đề về môi trường, so với chuyện sức khỏe của người dân.
Nhìn từ câu chuyện Hà Nội đang có những động thái quyết liệt nhằm phát triển hệ thống GTVT công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, chia sẻ: “Với chuyển đổi năng lượng xanh, trước đây mọi người có lo ngại về điều kiện hạ tầng, phương tiện kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay tôi cho rằng điều đó không quá quan trọng, quan trọng nhất chính là nguồn lực của của của Nhà nước dành cho việc chuyển đổi.
Một chiếc xe buýt điện, giá đầu tư ban đầu cao hơn so với xe buýt diesel. Các doanh nghiệp rất cần cơ chế của Nhà nước để làm sao tạo ra một cú hích đặc biệt về mặt tài chính, nhất là các điều kiện về hỗ trợ chính sách lãi vay và chính sách trợ giá. Tôi cho rằng đây là các điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất”.
Khẳng định chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà Việt Nam phải đi, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, dẫn ví dụ: trên thế giới có nhiều thành phố, điển hình như Bắc Kinh (Trung Quốc) đã từng là tâm điểm của ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, nhờ những quyết tâm của lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao nhất và những chính sách, chương trình hành động đúng, cộng với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, chất lượng không khí đã từng bước cải thiện.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, ngoài các chính sách mạnh tay đối với các cơ sở sản xuất, đáng chú ý nhất là các chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông như: sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cũng như hệ thống xe buýt và sân bay công cộng.
Đưa ra chính sách bắt thăm xổ số cho những người muốn dùng xe xăng/dầu. Đối với những ai muốn mua xe điện thì dễ dàng hơn nhằm khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông sạch.
Ngoài ra, yêu cầu những xe cũ, gây ô nhiễm không được sử dụng và phải bị thu hồi, hủy bỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra khí thải các phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch trên đường; thắt chặt tiêu chuẩn phát thải đối với xe tải chạy dầu.
(Còn tiếp)
Bạn đang đọc Chuyển đổi năng lượng xanh: ‘Con đường tất yếu Việt Nam phải đi’ tại website hungday.com
Anh chị chuẩn bị mở thẩm mỹ viện hay có người quen làm spa thì giới thiệu giúp em trang Giường spa giá rẻ này với nhé. Xin cảm ơn.