Nên làm gì với “Dòng máu anh hùng”?
Tháng bảy 17, 2024
“Dòng máu anh hùng” là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại hành động – dã sử được đạo diễn bởi Charlie Nguyễn, do hãng phim Chánh Phương phát hành vào năm 2007. Bộ phim là đòn bẩy cho những cái tên Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Dustin Nguyễn bước lên hàng ngôi sao điện ảnh của Việt Nam. “Dòng máu anh hùng” cũng được xem là bộ phim đánh dấu cột mốc mở màn cho dòng phim hành động, võ thuật tại nước ta.
Dù nhận về nhiều lời tán dương trong suốt nhiều năm sau khi phát hành, thực tế thua lỗ là sự thật nghiệt ngã mà NSƯT Nguyễn Chánh Tín – Giám đốc Hãng phim Chánh Phương phải ngậm ngùi thừa nhận. Hoàn cảnh nợ nần đeo bám vị cựu diễn viên – đạo diễn cho đến cuối đời. Đạo diễn của của “Dòng máu anh hùng” là Charlie Nguyễn cũng cho biết, phải đến nhiều năm sau đó, số tiền nợ từ bộ phim mới được giải quyết xong xuôi.
Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt Nam đang có doanh thu tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây, kí ức về “Dòng máu anh hùng” khiến cho những chuyên gia và người hâm mộ không khỏi bồi hồi tiếc nuối. Chính chấp niệm đó đã đưa đến một ý tưởng táo bạo được đề xuất trong thời gian gần đây, đó là đưa “Dòng máu anh hùng” – một bộ phim được phát hành từ năm 2007 tái xuất phòng vé.
Đề xuất chiếu lại bộ phim từ 17 năm trước
Ý tưởng đưa những bộ phim xuất sắc như “Dòng máu anh hùng” một lần nữa được trở lại với khán giả yêu điện ảnh nước nhà, được nhà báo Lê Hồng Lâm bột phát nghĩ ra tại buổi gặp gỡ và giao lưu với đạo diễn Charlie Nguyễn – sự kiện được tổ chức vào đầu tháng 05 năm 2024. Chứng kiến sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả sau khi xem lại bộ phim, đề xuất của nhà báo Lê Hồng Lâm cũng nhận được phản hồi tích cực từ vị đạo diễn. Đạo diễn Charlie Nguyễn cho hay: “Thay vì chỉ chiếu lại thì mình làm một bản Redux sẽ thú vị hơn.”
Hai bài viết liên tiếp được đăng trên trang cá nhân của nhà báo Lê Hồng Lâm, kéo theo đó là nhiều lời động viên đến từ khán giả. Nhiều đầu báo lớn cũng vào cuộc với các bài viết đưa lên quan điểm, đánh giá về ý tưởng đưa “Dòng máu anh hùng” trở lại rạp chiếu sau nhiều năm. Theo nhận định, những cơ hội và thách thức là luôn song hành cùng với ý tưởng này.
Nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải cho thất bại phòng vé của “Dòng máu anh hùng” năm đó, chính là việc bộ phim ra mắt không đúng thời điểm. Khi anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn về Việt Nam, đó là giai đoạn thị trường phim Việt vừa hồi phục sau cuộc khủng hoảng những năm 90. Sự thành công của những bộ phim như “Gái nhảy”, “Những cô gái chân dài”,…phần nào đó tạo động lực cho giới làm phim Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề tương quan kinh phí giữa các thể loại phim vẫn là một yếu tố then chốt khi đem ra so sánh. Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt Nam thời điểm đó có quy mô nhỏ hơn hiện tại rất nhiều lần, thì canh bạc 1.6 triệu USD cho “Dòng máu anh hùng” quả là một pha đầu tư liều lĩnh.
Khi chưa có hình dung và nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường phim điện ảnh tại Việt Nam, những nhà làm phim Việt Kiều đã không tránh khỏi cú sẩy chân đáng tiếc. Ở cả những năm về sau, cũng ít khi thấy nhà đầu tư nào vung tay ở dòng phim dã sử, chứ chưa nói đến chuyện đạt được thành công về mặt thương mại. Ngoài các bộ phim do nhà nước đặt hàng, thì những bộ phim dã sử được sản xuất tư nhân như “Thiên mệnh anh hùng” vẫn phải chịu cảnh lỗ vốn, dù đã gặt hái được những 6 giải “Cánh diều vàng”.
Do đó, có thể thấy rằng, vấn đề mấu chốt cho thành bại của “Dòng máu anh hùng” nói riêng, và thể loại phim dã sử ở Việt Nam nói chung, nằm ở cán cân chi phí – doanh thu. Thực trạng này đã từng diễn ra tại thời điểm những năm 2010, khi thể loại phim hài “nhảm” kinh phí thấp oanh tạc phòng vé, trong khi các bộ phim được đầu tư nghiêm túc chịu cảnh thất thu. Đến hơn 10 năm sau, khi điện ảnh Việt Nam có bước phát triển với nhiều thành phần làm phim tư nhân gia nhập thị trường, thì thể loại dã sử vẫn ít khi được lựa chọn để đầu tư. Có lẽ, thể loại này vẫn là một đề bài tương đối khó so với năng lực, nguồn lực hiện tại của các ekip sản xuất phim điện ảnh ở Việt Nam.
Ở hiện tại, doanh thu khổng lồ từ các bộ phim Việt Nam ăn khách đã có chút gì đó đem lại sự kỳ vọng cho những ai từng tiếc nuối với “Dòng máu anh hùng”. Song, để hiện thực hoá kỳ vọng, tránh va phải “kỳ vọng sai lầm”, thì những người khởi xướng chiến dịch “giải cứu Dòng máu anh hùng” và ekip sản xuất phim cũng cần cân nhắc đến một số phương án để có bước đi mang tính khả dĩ nhất.
Những trở ngại của việc tái phát hành sau 17 năm
Việc đưa một bộ phim đã phát hành từ gần 2 thập kỷ quay trở lại rạp chiếu là điều không bất khả thi, tuy nhiên cũng không đảm bảo một kết quả mỹ mãn về mặt thương mại. Tính riêng tại thị trường Việt Nam, một số bộ phim nổi tiếng của điện ảnh nước ngoài đã được tái chiếu sau nhiều năm, nhằm mục đích kỷ niệm hoặc “làm nóng” cho tác phẩm mới sắp ra mắt.
Năm 2022, nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 20 năm công chiếu Harry Potter, 8 phần phim chuyển thể đã được tái chiếu tại rạp. Ở Việt Nam, dù Harry Potter là một thương hiệu vô cùng quen thuộc, nhưng dĩ nhiên, khi cả 8 phần phim đều đã được chiếu đi chiếu lại quá nhiều lần trên các kênh truyền hình, cũng như phát hành rộng rãi trên các nền tảng xem trực tuyến, sự hào hứng dành cho màn tái xuất tại rạp sẽ là không quá cao. Theo thống kê của Box Office Việt Nam, doanh thu mỗi phần phim Harry Potter được chiếu lại dao động từ hơn 500 triệu đến hơn 4 tỉ đồng.
Tương tự, các phần phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” khi được chiếu lại tại các hệ thống rạp phim Việt Nam cũng tạo ra doanh thu “tượng trưng” là từ hơn 1 tỉ đến 2,5 tỉ đồng/phần phim. Trong khi đó, phiên bản phim kỷ niệm 25 năm của “Titanic” thu về hơn 6 tỉ đồng. (Các số liệu thống kê từ Box Office Việt Nam)
Quay trở lại với “Dòng máu anh hùng”, việc thua lỗ vào 17 năm trước là một điều khiến giới chuyên môn và khán giả tiếc nuối. Tuy vậy, đúng như nhiều chuyên gia đã nhận định, không dễ dàng có thể đặt kỳ vọng vào doanh thu ở lần chiếu lại sau quá nhiều năm. Doanh thu đạt được sau khi tái chiếu tại rạp có thể đem lại phần nào “kết quả” bổ sung cho lần ra mắt trước đó, nhưng để đòi hỏi một sự “bù đắp” thực sự thì khá khó khi lạm phát và tỉ giá hối đoái đã thay đổi nhiều theo thời gian.
Nếu có thể, việc tái chiếu “Dòng máu anh hùng” có lẽ phù hợp hơn với kế hoạch làm bước đệm để cho ra mắt một tác phẩm mới.
Cuối tháng 9 năm 2022, nhằm mục đích “làm nóng” trước khi chính thức thả xích cho phần 2 sau 13 năm, siêu phẩm “Avatar” đã tái xuất trên màn ảnh rộng tại Việt Nam với phiên bản nâng cấp, cùng các định dạng IMAX, 3D, 4DX chất lượng cao. Doanh thu hơn 19 tỉ đồng ở thị trường Việt Nam cũng là một kết quả không tồi sau 13 năm ra mắt trên toàn cầu của “Avatar”. Hơn hết, việc tái chiếu phần đầu còn là bước đà cho sự ra mắt bùng nổ của “Avatar 2: Dòng chảy của nước” ngay sau đó. Phần phim mới đã bỏ túi doanh thu ấn tượng là hơn 278 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam.
Tháng 2 năm 2024, trước khi “Dune 2” ra rạp, các nhà rạp tại Việt Nam đã có quyết định chiếu lại phần 1 của series với định dạng IMAX. Hoạt động này cũng nhằm mục đích pre-marketing cho phần phim mới nhất, hơn là thúc đẩy một doanh thu đáng kể cho phần phim cũ đã ra mắt từ cách đó 3 năm.
Giải pháp nào cho giấc mơ hồi sinh một bộ phim chết yểu?
Theo chia sẻ của đạo diễn Charlie Nguyễn, anh đang ấp ủ một dự án “Dòng máu anh hùng 2” về người ông nội có biệt danh “Nhạn trắng Cà Mau”. Khi đạo diễn nói rằng anh “viết vì thích, thành hay không còn nhiều yếu tố”, khán giả phần nào đoán được hiện tại còn các trở ngại nhất định cho khâu sản xuất và phát hành dự án này.
Sau “Dòng máu anh hùng”, Charlie Nguyễn tiếp tục với vai trò đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất cho nhiều bộ phim, trong đó có những bộ phim thành công như “Để Mai tính”, “Long ruồi”, “Tèo em”, “Em chưa 18”,… Nhưng bên cạnh đó, cũng có bộ phim bị “xếp xó” do không qua ải kiểm duyệt là “Bụi đời chợ lớn”. Tuy tỏ ra năng nổ với hoạt động trong ngành phim ảnh, nhưng có thể thấy Charlie Nguyễn đã ít nhiều thận trọng hơn, khi anh không còn dồn sức đầu tư vào các bộ phim có kinh phí quá lớn.
“Dòng máu anh hùng 2” hay “Nhạn trắng Cà Mau” được dự đoán phải có kinh phí lớn, vì là dự án phim võ thuật – dã sử đòi hỏi phải dựng đại cảnh quy mô lớn. Do đó, vấn đề cốt yếu lúc này lại là câu chuyện kinh phí. Thu hút được nhà đầu tư là một chuyện, làm sao để sản xuất chỉn chu và canh đúng “điểm rơi” khi tung ra thị trường, cùng với các hoạt động marketing sao cho hiệu quả. Đó là một kế hoạch cần sự đầu tư dài hơi và có tầm nhìn.
Hai ông hoàng phòng vé phim Việt hiện nay là Trấn Thành và Lý Hải đều đã vào form sau nhiều bộ phim thành công. Theo đà tăng trưởng của thương hiệu, các bộ phim của Trấn Thành và Lý Hải đều được nhắm cho những dịp lễ lớn trong năm. Trong 3 năm liên tiếp, Trấn Thành xưng vương ở phòng vé dịp Tết Nguyên Đán, trong khi Lý Hải thâu tóm phòng vé dịp lễ 30/04.
Dù thành công rực rỡ với thể loại phim tâm lý – tình cảm, nhưng khi dấn thân vào thể loại phim sử thi là “Đất rừng phương Nam”, Trấn Thành vẫn không tránh khỏi những cú vấp. Bên cạnh những ý kiến trái chiều về vấn đề tạo hình, chi tiết lịch sử, doanh thu của “Đất rừng phương Nam” chỉ vượt qua mốc 140 tỉ, chứ không vươn đến con số 400 tỉ như những “Bố già”, “Nhà bà Nữ” hay “Mai”. Cùng với doanh thu ngày càng tăng của các phần mới “Lật mặt”, tấm gương phản chiếu thị trường cho thấy thể loại phim tâm lý – tình cảm vẫn đem lại doanh thu vượt trội cho ngành điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Đối chiếu với thực trạng đó, có thể thấy việc lựa chọn sản xuất một thể loại như phim dã sử vẫn đòi hỏi sự nhạy cảm và tính toán kỹ lưỡng để không bị yếu tố kinh phí cao nhấn chìm. Việc đầu tư sản xuất “Dòng máu anh hùng 2” sẽ nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Song, để tối ưu hiệu quả cho dự án, thì cần rất nhiều suy tính và dự trù.
Có một tham vọng lớn hơn nữa, đó là là phát triển “Dòng máu anh hùng” trở thành một thương hiệu phim hành động – dã sử Việt Nam. Bộ phim ra mắt năm 2007 là phần đầu tiên, và sẽ là nguồn cảm hứng cho các phần phim tiếp theo. Theo ý tưởng đó, thị trường điện ảnh Việt Nam sẽ được đón nhận các bộ phim thuộc thể loại hành động – dã sử nhiều hơn. Ý tưởng khai thác yếu tố lịch sử, võ thuật cũng là một hướng đi khác biệt, trong bối cảnh các bộ phim Việt Nam về tâm lý – tình cảm đang chiếm ưu thế tại rạp.
Việc tái chiếu “Dòng máu anh hùng” chính là phát súng khai màn cho kế hoạch đầy tham vọng đó. Cụ thể, “Dòng máu anh hùng 2” sẽ được chính thức ra rạp sau khi “Dòng máu anh hùng” phiên bản redux được giới thiệu đến với khán giả. Khi này, việc tái chiếu bộ phim từ năm 2007 sẽ có tác dụng pre-marketing cho bộ phim mới. Dựa vào các phân tích đã nêu, thì việc để “Dòng máu anh hùng” thực hiện nhiệm vụ làm “đòn bẩy” cho phần phim tiếp theo, là một phương án tương đối khả dĩ.
Có một tham vọng lớn hơn nữa, đó là là phát triển “Dòng máu anh hùng” trở thành một thương hiệu phim hành động – dã sử Việt Nam.
Kết
“Dòng máu anh hùng” tuy thất bại tại rạp vào thời điểm năm 2007, nhưng bộ phim đã trở thành “huyền thoại” trong lòng khán giả yêu điện ảnh nước nhà. Bộ phim của Charlie Nguyễn đánh dấu cột mốc khai màn cho dòng phim võ thuật tại Việt Nam. Người đi đầu bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, sứ mệnh của “Dòng máu anh hùng” cũng đã hoàn thành khi mở đầu cho một thời kỳ mới của điện ảnh Việt Nam, khai phóng một thể loại phim mà trước đây Việt Nam chưa khai thác.
Với tất cả những lý do đó, đối với màn trở lại rạp được mong chờ của “Dòng máu anh hùng”, có lẽ việc làm “bệ đỡ” để nâng bước cho các tác phẩm mới, sẽ là một nhiệm vụ khả thi hơn là nhiệm vụ “gỡ gạc” doanh thu đã thất thu từ nhiều năm về trước. Khi đó, “Dòng máu anh hùng” cũng sẽ tiếp tục sứ mệnh mà nó đã dẫn dắt điện ảnh Việt Nam trong suốt những năm qua.
Viễn cảnh về một thương hiệu cho dòng phim hành động – dã sử “made in Việt Nam” là một giấc mơ đẹp, mà nếu được thực hiện thành công, thì sẽ tiếp tục đánh dấu một cột mốc mới trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Hy vọng, với sự đam mê và tâm huyết, không chỉ Charlie Nguyễn, không chỉ Johnny Trí Nguyễn, mà sẽ còn nhiều hơn nữa những cá nhân và tổ chức sẵn sàng cống hiến tài trí, để xây dựng và phát triển nền điện ảnh Việt Nam theo hướng ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp hơn.
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.