Nên mở rộng bán vàng bình ổn?
Nên mở rộng bán vàng bình ổn?
Động thái rất tích cực
Căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giá bán vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước ngày 17.6 vẫn là 75,98 triệu đồng/lượng, giữ nguyên như mức giá bán các ngày 6 – 7.6 và 10 – 14.6.
Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên giá bán vàng miếng ra thị trường trong 11 ngày bán vàng ra thị trường (từ 3.6).
Như thường lệ, 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC duy trì mức bán ra cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá Ngân hàng Nhà nước bán ra. Điều đó có nghĩa là, suốt hơn 1 tuần qua, giá vàng trên thị trường căn bản bình ổn ở mức 76,98 triệu đồng/lượng.
Trao đổi với Thanh Niên ngày 17.6, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC, qua đó kéo giá từ mức đỉnh điểm 92 triệu đồng/lượng xuống gần 77 triệu đồng/lượng là động thái rất tích cực.
“Trước đây, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước quá cao, có lúc lên tới 20 triệu đồng/lượng, giờ chênh lệch được thu hẹp lại chỉ khoảng 5 triệu đồng/lượng”, ông Hiếu nói.
Dù vậy, vị chuyên gia phân tích, để ổn định thị trường vàng cần 2 yếu tố là giá và lượng vàng bán ra, nhu cầu vàng trên thị trường phải được đáp ứng.
Nhu cầu vàng trên thị trường dường như đang trong tình trạng “thùng không đáy”. Giá vàng giảm sâu nên càng kích thích người dân mua vàng. Thực tế, nhu cầu vẫn đang được thỏa mãn một cách chậm chạp.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng: “Động thái của Ngân hàng Nhà nước chưa làm thỏa mãn nhu cầu của người muốn mua vàng”.
Nên mở rộng quy mô bán vàng bình ổn trên cả nước
Trên thị trường vàng những ngày gần đây, đáng chú ý là đã xuất hiện tình trạng vàng 2 giá. Một là giá bán ra tại các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC; hai là giá bán vàng tại các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác.
Có những thời điểm, mức giá bán vàng của các đơn vị ngoài 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC cao hơn đáng kể.
Theo ông Phương, không chỉ tại các ngân hàng thương mại cổ phần và các doanh nghiệp kinh doanh vàng, tình trạng niêm yết giá vàng miếng SJC cao hơn hẳn so với giá bán của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC cũng diễn ra tại các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ lẻ.
“Khi cầu lớn hơn cung sẽ xuất hiện tình trạng vàng 2 giá. Điều này giống như thực trạng tồn tại 2 loại tỷ giá VND/USD hiện nay, ngoài tỷ giá do các ngân hàng thương mại công bố, còn có tỷ giá ngoài thị trường tự do”, ông Phương nói.
Nhấn mạnh chênh lệch giá vàng miếng SJC giữa ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC với phần còn lại chỉ có thể thu hẹp mà khó có thể xóa nhòa, ông Phương cho rằng: “Những khách hàng không muốn chờ đợi sẽ tìm đến với kênh bán hàng ngoài các ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC”.
Theo ông Phương, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nên mở rộng quy mô bán vàng thay vì chỉ bán ở Hà Nội và TP.HCM như hiện nay. “Nên triển khai thêm ở các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh…”, ông Phương nói.
Về vấn đề này, ông Hiếu thậm chí còn cho rằng, nên mở rộng quy mô bán vàng bình ổn trên cả nước chứ không chỉ tập trung ở các thành phố lớn.
“Hiện tượng vàng hóa đang manh nha trở lại. Việt Nam đã thành công tiêu trừ hiện tượng vàng hóa trong hơn 10 năm qua, người dân không còn đổ xô mua vàng; ngân hàng không huy động, cho vay vàng nữa… Tuy nhiên, tâm lý găm giữ, tiết kiệm, lưu trữ vàng vẫn còn trong xã hội và đang được khơi dậy, thúc đẩy bởi giá vàng hạ nhiệt sau khi bị đẩy lên rất cao trước đó”, ông Hiếu phân tích.
Cũng lo ngại tình trạng “vàng hóa” quay trở lại, theo ông Phương, duy trì tình trạng vàng 2 giá còn tạo cơ hội cho những người kiếm chênh lệch thông qua mua vàng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC rồi bán ra “chợ đen”.
Mọi biện pháp Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai được các chuyên gia đánh giá có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, trong dài hạn, các chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh căn cơ vẫn phải sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
“Để có thị trường vàng bình ổn và phát triển, 2 quy định cần thay đổi, một là độc quyền vàng SJC và hai là độc quyền nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu nói.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam mới đây có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị cho doanh nghiệp mua vàng miếng SJC để bán can thiệp.
Cụ thể, để thị trường vàng sớm ổn định, mua bán thông thường, giảm nhu cầu người dân tích trữ vàng, hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC cho cả các doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép mua bán vàng miếng chỉ để trực tiếp bán cho người dân.
Về thời gian, số lượng và phương thức bán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Bạn đang đọc Nên mở rộng bán vàng bình ổn? tại website hungday.com