Networking ở Việt Nam: Hiểu đúng về “xây dựng quan hệ xã hội”

Tháng chín 3, 2024

“Vấn vương với sợi tơ trời
Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan” 
(Đoàn Thị Tảo)
Networking, hay “xây dựng mạng lưới mối quan hệ xã hội”, là một chủ điểm rất quan trọng trong xây dựng sự nghiệp, phát triển bản thân. Nhưng khác với tất cả các chủ đề khác (như thuật lãnh đạo, quản lý hiệu suất và tài chính cá nhân…), chủ đề networking rất hay bị hiểu chưa trọn vẹn, hiểu sai, thậm chí là ngược hoàn toàn. Trong bài này của series Networking ở Việt Nam, chúng ta sẽ đi từ những cái sai trước, trước khi tạo cho lĩnh vực này một nền tảng. Series được phát triển bởi ban biên tập, tập trung vào hai cột trụ chính: (1) cốt lõi của networking như một công việc có tính hệ thống và (2) ứng dụng của nó trong thực tế bối cảnh và văn hoá Việt Nam.
Trước hết, việc xây dựng mối quan hệ để làm ăn, gia tăng chất lượng đời sống, để tìm một mối giao cảm hoặc tạo đồng minh trong một tổ chức vân vân… là việc xưa nay của loài người. Nó cũng giống hệt như thuật lãnh đạo (leadership), tài chính (finance), thuật quản lý (management) hay thuật đối nhân xử thế. Nó là một trong những lĩnh vực, bộ kỹ năng không bao giờ mất đi tầm quan trọng qua thời gian. Cơ bản vì con người là giống loài tình cảm, tò mò và là giống loài của giao tiếp, của xã hội… Thực tế trong công việc, những người hay tạo được các mối quan hệ tốt, nhiều mối quan hệ rộng rãi thì thường thành công hơn và đồng thời vất vả hơn. Rất nhiều khi networking là chìa khoá của mọi vấn đề. Nhiều năm làm quản lý marketing và chủ doanh nghiệp, tôi thấy các marketers giỏi đều không hẳn là người giàu kỹ năng và lý thuyết, mà là người biết linh hoạt và có mạng lưới quan hệ rất rộng, đủ để kéo cả dự án đi lên, bù đắp cho phần còn yếu ở các lĩnh vực khác (như kinh doanh, nghiên cứu & phát triển sản phẩm). Và ngược lại, rất nhiều khi networking lại là con đường dẫn đến thất bại: làm tốt tất cả mọi thứ, nổi bật giữa tập thể nhưng chính vì nổi bật mà bị thù ghét hay quan hệ. Trao gửi niềm tin sai người dẫn đến mọi công sức đổ bể. Trầm cảm vì các mối quan hệ trục trặc, mất đi thành quả vì ngại giao thiệp…

Đấy là ở riêng lãnh vực công sở. Còn rộng ra trong cuộc đời, duy trì, kiểm soát và vun đắp các mối quan hệ là con đường tất yếu của tất cả mọi người trong cõi sống. Thậm chí kể cả bạn là người hướng nội, đã tự do tài chính, ưa sống một mình…thì những chiêm nghiệm của bạn trong lúc ấy vẫn đến từ những ngọt đắng của đời sống xã hội mà bạn đã trải. Bạn vẫn phải tự networking với chính mình.
Ở Việt Nam, ta có cả kho tàng ca dao tục ngữ về giá trị của mối quan hệ: buôn có bạn bán có phường; ngựa chạy có bầy chim bay có bạn; giàu vì bạn sang vì vợ; bán anh em xa mua láng giềng gần; hay về đối nhân xử thế như: một điều nhịn chín điều lành;   Khó mà biết lẽ biết trời / Biết ăn, biết ở hơn người giàu sang; hay cảnh báo những ngây thơ trong mối quan hệ như: càng quen càng lèn cho đau…

Các sai lầm về networking – quan hệ xã hội

Các khoá học hay sách vở về giao tiếp, xây dựng mối quan hệ thì rất rất nhiều… Tiêu biểu và kinh điển nhất chúng ta có Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie hay Đừng bao giờ đi ăn một mình của Keith Ferrazzi. Ngoài ra còn một số sách khác dạy cách xử thế theo cổ học, tồn tại nơi công sở, thương thuyết và tài ăn nói… dù nằm ở lĩnh vực khác nhưng vẫn chứa ít nhiều liên đới với chủ đề networking. Cộng dồn tất cả lại ta cũng có một bộ kỹ năng không tồi, hoặc ít nhất là nhận thức đủ sắc nét về tầm quan trọng của networking.
Không phủ nhận giá trị của sách kinh điển, và sách ấy rất tốt để bồi đắp thêm vốn sống khi ta còn rất trẻ. Nhưng nếu bám theo chủ đề networking và đi đến cùng, chúng ta sẽ thấy cái hại ở chỗ:
Các sách trên đều thiên về tối đa hoá lợi ích trong networking. Tức là một nhóm nghệ thuật sống gì đó giúp chúng ta lấy lòng thiên hạ và rồi có được những ích lợi trước mắt.
Các sách trên phù hợp nhiều hơn với các nước phương Tây và Á Đông; nhưng lại rất nhiều khi không phù hợp thậm chí… sai hoàn toàn trong bối cảnh Việt Nam.
Networking không đơn giản là giữ những suy nghĩ tích cực, ăn mặc lịch thiệp, cư xử đĩnh đạc, giao tiếp chuyên nghiệp, đọc vị người khác vân vân… Đó chỉ là những mảnh vụn nhỏ. Networking vừa giản dị hơn nhưng lại vừa mang tính hệ thống hơn. Và nếu nắm được nó, thì ta nắm được một chìa khoá cực kỳ quan trọng, không kém thuật lãnh đạo hay quản lý tài chính, thậm chí đưa đời ta đi vượt xa hơn thế.
Hơn nữa ở VIệt Nam bối cảnh rất đặc thù (ta sẽ đi sâu trong một bài khác). Đành rằng cũng là một quốc gia trong vùng văn hoá Á Đông, nhưng các bạn cứ thử lấy những thuật xử thế, lễ nghĩa của cổ học người Hoa ra áp dụng sẽ thấy vừa trật lất vừa buồn cười. Truyền thống kinh trên nhường dưới, hiếu kính thuận hoà… là truyền thống thiêng liêng; nhưng áp dụng trong đời thực không linh hoạt thì đôi khi lại thành cách hiểu ngây thơ. Chẳng hạn ở gia đình tôi, thím tôi và bà tôi có mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu không thật sự lành, thỉnh thoảng lại có dịp tranh luận hơi sôi nổi quá mức. Nếu xét về hiếu kính, thím tôi chắc chắn chỉ đạt điểm 6 nếu nhân nhượng. Nhưng thực tế, không ai chăm sóc bà giỏi bằng thím, và đến cùng, vẫn chỉ có thím ở bên bà so với những người con đang đi xa trời biển. Và nhìn một cách rộng lòng, bà tôi sống thọ và khoẻ là vì có đối tượng để suốt ngày chì chiết, cãi cọ.Cũng là một cách tương tác giải toả rất thú vị. Một trong hai người đi vắng thì người kia hụt hẫng. Thế thì trong cái lý và cái tình cái nào ăn cái nào? Ông bác rể tôi cũng không có quan hệ thật sự tốt với tôi, cho đến một ngày ông bác phát hiện tôi cũng thích những sở thích đời thường, bình dân, bỗ bã… như ông bác và tự nhiên tìm được điểm yêu quý.
Ví dụ vui như vậy để thấy trong bối cảnh Việt Nam, với con người ưa lao động, yêu thích sự thoải mái tự nhiên, nhưng lắm lúc rất nghiêm túc hấp thụ được đủ tư duy Đông – Tây; networking không phải là điều dễ dàng, cứ áp công thức phương Tây hay Trung Hoa mà được. Ta cũng có câu tục ngữ một trăm cái lý không bằng một tí cái tình. Trong công trình Kinh Thi Việt Nam, GS Trương Tửu nói tuy người Việt ảnh hưởng bởi nho giáo, nhưng Nho Giáo chỉ là công cụ để ta soi sáng những gì có sẵn, chứ không phải chân lý.
Sau đây ta cùng điểm qua các hiểu biết thông thường về networking và cùng bình luận về nó.

Danh sách 7 hiểu sai về networking

Hiểu lầm 1: Networking CHỈ là tìm kiếm, xây dựng các mối quan hệ để tìm kiếm lợi ích

Đây là cách hiểu vô cùng phổ biến, có thể tìm hiểu trên mạng. Cách hiểu này không hoàn toàn sai, và có thể coi là nghĩa hẹp nhất của networking. Nhưng nếu chỉ hiểu vậy thì quá giản tiện và chỉ nói một nửa sự thật.
Tất cả mọi người đều tìm kiếm lợi ích trong các mối quan hệ với kẻ khác. Lợi ích đó có thể là tình cảm, có thể là tiền bạc, hay danh tiếng. Nhưng thậm chí chỉ vì ta thấy thích khi gặp gỡ và trò chuyện người đó, không cần người đó thích lại. Vậy nếu networking chỉ là thế thì quá hiển nhiên. Và cũng nếu chỉ thế thì rất dễ nghĩ networking chỉ còn là những thủ thuật mon men làm quen, để lấy lòng, hòng trục lợi.
Chắc gì ta đã kiếm được chút lợi ích nào từ ai đó. Không phải cứ muốn là được.
Khi bạn sinh ra, bạn đã có sẵn network rồi. Khi bạn còn vô cùng thơ ngây và bản năng, bạn đã có những người yêu quý bạn, ghét bạn, và có những người đi cả đời với bạn. Như vậy, trong một mạng lưới mối quan hệ đã ẩn chứa sẵn những mối quan hệ tự nhiên, dường như số phận ban cho. Networking phải là nhìn một cách hệ thống và tổng thể sơ đồ các mối quan hệ đó, và tìm ra con đường tái tạo, nuôi dưỡng hoặc xây dựng mối quan hệ mới. Tất cả các mối quan hệ đều tiềm ẩn tốt và xấu, trong tốt và xấu có những phần không tránh được, networking là để ta kiểm soát, quản trị được các phần ấy.
Dân gian có câu “Chọn bạn mà chơi” ở đây nên được hiểu rằng cần có sự tỉnh táo để quản lý, bên cạnh trái tim nồng hậu trong các mối quan hệ.

Hiểu lầm 2: Networking là chơi với những người giàu có, giá trị

Khi bạn càng phát triển hơn, đúng là bạn có nhu cầu chơi với những người tạo ra thêm giá trị cho bản thân bạn, hoặc được học hỏi thêm những người đi trước. Song, networking không phải chỉ là chơi với người có giá trị.
Bởi vì, một là, biết được ai giàu có và giá trị đây? Hai là, có quá nhiều người giàu có và giá trị, biết chơi với ai trước là cả một vấn đề. Ba là, những gì tốt cho ta có thể đến từ tất cả mọi tầng lớp, mọi người thậm chí người dưng. Biết gọi ai giữa đêm nếu khu tập thể bị chập điện?
Ngoài ra, có những người không hề giàu có, không hề giá trị, chắc chắn 100% không mang lại gì tốt đẹp cho ta… nhưng ta vẫn thích chơi vì quý người đó ở một điểm trùng hợp, hay đơn giản ta thấy mình thoải mái hơn, vui hơn khi ở cạnh kẻ đó. Nhóm người này không phải là ưu tiên nhưng cũng không phải là không tồn tại trong đời sống. Tôi từng có những người bạn như vậy; một hôm tôi phát hiện ra một người bạn tưởng như vô dụng nhưng lại rất hợp tính với một đối tác lớn của tôi. Tôi không thể có được những thuận lợi nếu không duy trì cả hai mối quan hệ với bọn họ.
Networking chính là tổ chức, phân loại và nhìn nhận đúng giá trị các mối quan hệ để đặt mọi thứ vào vị trí tự nhiên nhất, đúng chỗ nhất để tạo nên một tổng thể vận hành.

Hiểu lầm 3: Networking là đi nhậu

Networking là đi giao lưu, đi tham gia các hội thảo, các CLB, hội nhóm… là hoàn toàn đúng. Nhưng nó chỉ là một mảnh vụn của networking. Có những người mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho các cộng đồng, các mối quan hệ sơ giao mà như một giang hồ mạng gọi là các “mối quan hệ ối dồi ôi” chẳng có ích lợi gì. Như thế là biết một mà không biết hai.
Một suy nghĩ khác ở chiều ngược lại cũng lại sai luôn, là lọc bớt dần những cuộc đi hội thảo, hội nhóm vô nghĩa… thế cũng là tự cắt đi một phần cơ hội lẫn niềm vui, một phần để ta duy trì trái tim nồng nhiệt với cuộc sống. Vậy phải làm thế nào? Chúng ta sẽ cùng đi sâu hơn ở các entry sau.

Hiểu lầm 4: Networking là xã giao rộng, ăn mặc đẹp, tác phong chuyên nghiệp lịch sự

Đây là hình mẫu của các nước công nghiệp nhất là phương Tây. Điều này có phần đúng nhưng không hợp với Việt Nam hiện tại và thậm chí là còn tương lai rất xa.
Tất cả những lễ nghĩa, thuật ứng xử, giao đãi ta được cha mẹ, nhà trường dạy từ khi còn nhỏ thì luôn luôn đúng; nhưng ứng biến với cuộc sống thì lại đòi hỏi một chiều sâu hiểu biết, trí tuệ cảm xúc được đào luyện. Tác phong và lịch thiệp là bước đầu chứ không phải cốt lõi của networking.
Một khía cạnh khác là “xã giao rộng” cũng là một mục đích tốt của networking. Nếu ta còn phải mưu sinh, còn phải lo cho gia đình thì còn phải mong ước có nhiều mối quan hệ đa dạng. Nhưng networking còn là quản lý các mối quan hệ cũ, bao gồm cả các mối quan hệ trung tính (lờ đờ, không lành không vỡ), đã tiêu cực, nuôi dưỡng ác cảm… và đây mới là phần giá trị và đáng quan tâm bậc nhất của lĩnh vực quan hệ xã hội. Networking cũng có nghĩa là đi vào chiều sâu và tạo ra trật tự cho vạn vật quanh ta.

Hiểu lầm 5: Networking là thảo mai

Không phải bạn cứ làm một bộ vest, đi đâu cũng cười, cảm ơn và xin lỗi luôn luôn thì mới là biết quan hệ xã hội. Thậm chí sự khéo miệng cũng không phải là cốt lõi của networking. Nếu bạn không tự tin, không là chính mình, không soi chiếu được mình trong các mối quan hệ thì rồi các mối quan hệ cũng sẽ phai lạt, đổ vỡ hoặc vô ích. Và networking như thế chả để làm gì, thà ta tự nhiên còn tốt hơn.
Nhiều người “lấy chồng bỏ cuộc chơi”, tức là sau khi đã có chồng thì giải toả được cơn khát tình cảm, liền đóng cửa với tất cả những bạn bè đã cùng chông chênh trong tuổi trẻ trước đó. Như thế không chỉ là lãng phí mà còn là ngốc nghếch. Tuổi hoa niên của chúng ta đều chứa những sự dại dột, nhưng nó cũng phản ánh một phần bản chất con người ta, cái bản chất sẽ đi theo ta cả đời và nó sẽ vô cùng hữu dụng để xây dựng sự nghiệp sau này, dù là sự nghiệp nuôi dạy con cái đi chăng nữa.

Hiểu lầm 6: Networking là một loại kỹ năng, đòi hỏi tư duy tích cực

Cũng lại sai luôn bạn ơi. 
Khác với các thuật quản trị khác, chúng tôi khẳng định networking đi theo chiều hoàn toàn ngược lại: càng gần với tự nhiên, càng bớt kỹ thuật thì càng hiệu quả
Bạn hãy thử nhìn lại checklist mà xem:
Bạn không cần phải học các khoá học để có những người bạn tri âm
Nhiều người đang quý mến và giúp đỡ bạn không đến từ kỹ năng quan hệ của bạn
Bạn bị người ta ghét mà không hiểu tại sao, đó là lẽ thường.
Bạn không cần phải đọc bất cứ một bài viết, một quyển sách nào, gồm cả bài viết này, để trở thành người có tư chất ngoại giao. Bạn chỉ cần là chính mình và hiểu chính mình thôi!
Tất cả đều đúng không nào?
Networking không phải là bộ kỹ năng để xông lên và chiến thắng, mà là bộ kỹ năng để sắp xếp mọi thứ thuận tự nhiên, qua đó tạo ra một tổng thể hiệu quả tối đa. Kỹ năng là để chân thành chứ không phải để giả tạo. 
Tuy nhiên, dẫu có như vậy, chúng ta rất cần quan tâm đến networking là vì:
Chúng ta không hiểu các mối quan hệ tốt xấu đến từ đâu
Chúng ta không hiểu tại sao một mối quan hệ hôm nay tốt còn ngày mai sẽ thành xấu
Chúng ta không biết phải làm gì với những mối quan hệ do duyên mà có
Và ngoài phần vốn đã thuận tự nhiên của bản năng rồi, có rất nhiều điều bị lãng phí trầm trọng trong cuộc đời vì chúng ta không bao giờ đưa bàn tay săn sóc và uốn nắn nó. 

Hiểu lầm 7: Networking là thứ tốn kém rất nhiều thời gian để tạo ra và duy trì các mối quan hệ tốt

Bạn không thể chơi với cùng lúc hai nghìn người được, dù bạn có quý cả hai nghìn người đó. Gần gũi hơn, bạn không thể nhớ hết những người trong network của mình để mà quan tâm, chăm lo hết được. Nói dại mỗi người trong network tích cực của bạn chỉ cần đổ bệnh một ngày thôi thì riêng phần thăm hỏi bạn đã thấy mất thời gian trầm trọng rồi.
Điều này đúng. 
Trong một bối cảnh cụ thể của một mạng lưới quan hệ, không phải lúc nào chúng cũng tốt, không phải lúc nào người ta cũng cần bạn, và ngược lại, có nhiều lúc bạn chỉ muốn yên thân một mình. Hai người gặp nhau lúc một người cần còn một người không thì rất dễ cả hai cùng tiêu cực và ác cảm với mối quan hệ của mình.
Ở đây, chúng tôi dùng thuật ngữ “networking” thay cho từ “quan hệ xã hội” vì từ này có ít nhiều định kiến và chưa được giải lý cặn kẽ dựa trên văn hoá Việt Nam. Thuật ngữ đó ít nhiều phản ánh một mạng lưới với nhiều nút giao, và mở ra một gợi ý rằng bạn không cần tự tay chạm đến tất cả mọi nút giao: bạn không phải là dâu trăm họ hay trọng tài của thế giới, bạn là một phần của mạng lưới. Làm đúng cái phần của mình một cách tích cực chính là một cấp độ cao của thuật networking rồi. 
Tựu trung, từ những hiểu lầm trên đây, ta tạm thời có thể thấy networking là một hoạt động quản lý hướng đến giá trị cốt yếu và hài hoà tự nhiên của các mối quan hệ, trong đó có những mối quan hệ chủ động, mối quan hệ được có sẵn, những mối quan hệ tốt và không tốt do quá khứ. Nếu nhìn rộng hơn, chỉ qua networking thôi, chúng ta có thể phát triển bản thân một cách hợp lý, đúng đắn và nhìn ra con đường của chính mình. 
Nhưng networking còn những điều gì mà ta đang bỏ qua, nó dựa trên các nền tảng nào, nó có bí thuật gì bên trong và nó quyết định đến sự nghiệp, hạnh phúc và hoài bão của chúng ta như thế nào. Cùng gặp nhau ở entry tiếp theo của series
Trong lúc đó, đừng quên Course Thế Kỷ Hư Cấu đang open cho mọi người: