Nếu ai cũng đi làm trễ, em còn đi làm đúng giờ không?
Tháng bảy 2, 2024
Một bài chém gió
Thú thật những bài viết kiểu này không phải là những thứ tôi muốn viết, bởi vì tôi là kẻ có khuynh hướng ích kỷ và vị kỷ. Những thứ có vẻ tốt tốt thế này tôi hay để lại cho những người quen hoặc thân thuộc. Tôi viết bài thường để chê bai và chọc phá người khác hơn, bởi nó vui quá mà. Nhưng mà sau một buổi nói chuyện với đồng nghiệp về chủ đề này, tôi thấy có thể rút tỉa một tí và viết lên đây. Hy vọng kiếm chác được gì đó. Vì bài này rút từ một bài nói chuyện về việc phát triển phần mềm nên có thể sẽ có một số đoạn liên quan đến kỹ thuật nhưng tôi nghĩ nó cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều, nếu nhiều thì cho tôi cáo lỗi trước nhé. Bắt đầu nào.
Một vài câu hỏi để bắt đầu
1. Nếu một ngày kia bạn nhận ra rằng trong công ty bạn có rất nhiều người đi làm trễ và họ không hề bị phạt. Dù rằng công ty không cho phép điều này và quy định giờ giấc đi làm rõ ràng, chỉ là bạn chưa thấy ai bị phạt thôi. Thì bạn có còn đi làm đúng giờ không?
2. Bạn nhìn thấy nhiều người trong công ty thường làm những việc như làm ồn (bấm bút, gõ bàn) hoặc ngủ gật. Không ai ý kiến và bạn cũng chưa thấy ai bị phạt. Đến một ngày kia, bạn hơn buồn ngủ một tí. Bạn có chọn đánh một giấc cho khỏe người không?
3. Tại sao chúng ta lại viết những đoạn mã kiểm thử tự động?
Giải thích một chút cho câu thứ ba: Trong việc phát triển phần mềm, kỹ sư chúng tôi hay phát triển một hệ thống kiểm thử tự động song song với quá trình xây dựng phần mềm. Chủ yếu để giảm thiểu thời gian kiểm thử thủ công.
Tôi đưa ra những câu hỏi này cho đồng nghiệp vào hôm thứ năm và chúng tôi nói về nó trong buổi trò chuyện vào thứ hai. Tôi dặn bạn rất kỹ rằng cứ trả lời theo những gì mình nghĩ, đây không phải là một bài đánh giá thái độ làm việc hoặc cái gì giống thế. Nên không cần trả lời kiểu ve vuốt và đãi bôi tổ chức. Dù rằng dặn hơi thừa vì tôi thấy bạn đó (và đa phần các bạn trẻ Gen Z thời nay) không phải kiểu thích ve vuốt, đãi bôi.
Những câu trả lời từ chúng tôi
Thứ hai, chúng tôi có những câu trả lời cho ba câu hỏi kia. Dành cho hai câu đầu, bạn đều trả lời rằng vẫn sẽ đi đúng giờ hoặc chí ít là không đi trễ quá nhiều lần và quá nhiều thời gian trên một lần. Còn về câu liên quan tới kiểm thử tự động, bạn trả lời là viết kiểm thử sẽ giúp hạn chế lỗi trong quá trình xây dựng phần mềm.
Câu trả lời của tôi đó là tôi sẽ không bao giờ đi trễ và cũng không bao giờ ngủ gục trừ những tình huống bất khả kháng. Còn về câu kiểm thử tự động thì câu trả lời của tôi đó là: Chúng ta viết chúng vì chúng ta lười, thế thôi.
Vậy thì ai đúng và ai sai?
Đương nhiên là chẳng có ai đúng hoặc sai. Bởi từ đầu tôi đã nói với bạn đó rằng những câu hỏi này chỉ là mấy trò mở bài ba xu cho những cái mà chúng tôi sẽ nói thôi. Ném mấy cái đúng sai đi, hãy cứ trả lời thật lòng về cách mình suy nghĩ. Tôi cũng nhấn mạnh với bạn là câu trả lời chỉ chiếm 10% những gì tôi cần thôi, thứ tôi muốn nghe hay 90% còn lại đó là “Tại sao em trả lời như thế?”.
Vậy cuối cùng tôi muốn nói gì nhỉ?
Đi lòng vòng như thế thì cuối cùng thứ tôi muốn nói là gì nhỉ? Cái đó gọi là Tiêu Chuẩn Cá Nhân (hoặc là Tiêu Chuẩn Gốc trong phần sau của bài này). Tiêu chuẩn cá nhân với tôi là những tiêu chuẩn do chính bản thân chúng ta đặt ra cho bất cứ một hành vi trên đời này mà chúng ta làm và nó xuất phát từ bên trong chúng ta. Trong trường hợp của tôi, tôi là người đề cao sự đúng giờ từ lúc nhỏ đến giờ. Không phải vì tôi nghiêm chỉnh đâu, mà đó chỉ là một sở thích hoặc lối sống thôi, trong mấy thứ khác tôi cẩu thả lắm. Do đó mà từ lúc học cấp ba, đến đại học và đi làm, tôi gần như chưa bao giờ đi trễ. Bất kể công ty có cho phép đi trễ hay không, tôi điều chọn đi sớm vì đó là tiêu chuẩn sinh ra bên trong của tôi. Chuyện ngủ gục và làm ồn cũng thế, tôi rất ghét chuyện ai đó làm ồn hoặc lơ đãng trong công việc, nên tôi không bao giờ để bản thân mình làm ảnh hưởng đến công việc và môi trường xung quanh. Nghe đến đây thì có vẻ tôi hơi khoe mẽ về sự nghiêm chỉnh của mình. Nhưng không có đâu, chuyện đi đúng giờ với tôi chẳng có gì to tát và đáng để đúc làm huy chương và treo lên áo đâu. Thứ tôi muốn nói đó là những tiêu chuẩn đó đều đến tự bên trong tôi chứ không phải đến từ tổ chức (hoặc một thứ gì đó bên ngoài). Nên khi làm việc ở những nơi mà mọi người được đi trễ và đi trễ rất nhiều, tôi không bị đồng hóa theo. Ngược lại ở những nơi mà bị bắt đi đúng giờ, tôi cũng không cảm thấy khó chịu. Bởi vì thứ tôi phục vụ chính là tiêu chuẩn của chính mình, đến từ bên trong mình chứ không phải đến từ bên ngoài. Mà làm cho mình thì đương nhiên thấy nhẹ nhõm hơn làm cho người khác rồi. Nhưng đó chỉ là trường hợp khi chúng ta có tiêu chuẩn cá nhân cao, nếu tiêu chuẩn cá nhân thấp thì thế nào nhỉ? Tôi kể tiếp cho cậu đồng nghiệp một thí dụ.
Giả sử tiêu chuẩn ở mỗi công ty hoặc môi trường (quán lề đường, nhà hàng…) là một cái chai nước. Mỗi khi bước vào nơi đó chúng ta buộc phải đổ đầy chai nước kia. Mỗi người chúng ta cũng có cho mình riêng một chai nước. Mỗi ngày, chai nước của chúng ta sẽ được đổ đầy nước và việc của chúng ta làm đi đến nơi cần đến và đổ nước từ chai của mình và chai nước của chổ đó. Trong trường hợp chai nước của chúng ta lớn hơn chai nước của môi trường, quá dễ dàng, cứ đổ vào là xong. Nhưng đổi lại, nếu như chai nước của nơi chúng ta đến có dung tích lớn hơn chai nước của chai nước mà chúng ta sở hữu thì sao? Chúng ta buộc phải chạy ra sông, suối, ao hồ gì đó để có thể xách thêm nước để đổ đầy. Nếu không đổ đầy được thì chúng ta hoàn toàn có thể đối mặt với những tình huống không mấy vui vẻ như bị khiển trách, chê cười, coi thường… Đương nhiên, tính nặng nhẹ của những điều đó là tùy mỗi người (thí dụ như người nhà giàu sẵn thì chẳng lo bị trừ lương). Nhưng dù thế nào đi nửa thì chuyện chạy ra bờ sông xách nước để đổ đầy vào chiếc bình ở nơi chúng ta đến chắc chắn là mệt mỏi hơn hẳn chuyện đổ nước từ chiếc bình có sẵn, đặc biệt khi đó là một khối lượng nước lớn. Chúng ta có thể thấy điều đó ở khắp nơi trong cuộc sống này. Trong công sở, cùng một quy định thì sẽ có người thấy khó khăn khi chấp hành và cũng có người thấy dễ dàng để thực hiện. Trong khi làm việc, có những tiêu chuẩn mà một số người thực hiện nó mượt mà, một số khác luôn bỏ qua nếu không được nhắc nhở. Trong một nhà hàng cũng thế, sẽ có người tận hưởng và cũng có người thấy khó chịu với những quy tắc ứng xử…
Trong trường hợp bình chúng ta lớn thì quá dễ dàng rồi, chẳng có gì để nói nửa. Chúng ta hãy nói về trường hợp bình chúng ta nhỏ hơn cái bình của nơi chúng ta đến. Liệu chúng ta có thể làm gì nhỉ? Cách đầu tiên đó là cứ giữ nguyên hiện trạng thôi, ngày ngày chạy ra bờ sông lấy nước để đổ đầy cái bình kia. Cách thứ hai là tìm một nơi khác với một chiếc bình nhỏ hơn hoặc bằng chiếc bình của chúng ta, thế là khỏe re. Cách cuối cùng đó chính là tăng kích cỡ chiếc bình hiện tại của chúng ta để có thể chứa được nhiều nước hơn. Đương nhiên mỗi cách đều có cái hay và cái dở riêng. Nhưng tôi sẽ chỉ nói về cách thứ ba, đó cũng là chủ đề chính trong buổi nói chuyện hôm đó.
Chuyện nâng cấp cái bình của mình có một số điểm tốt như sau. Đầu tiên đó là sự đầu tư cho tương lai, thay vì ngày ngày phải chạy ra bờ suối lấy nước với cùng một khối lượng nước thì khi chúng ta nâng cấp cái bình của mình mọi thứ sẽ khác. Mỗi ngày, khối lượng nước phải lấy sẽ giảm dần và áp lực về chuyện lấy nước mỗi sáng sẽ dần nhẹ nhàng hơn. Nhưng điều quan trọng nhất đó chính là việc chúng ta sở hữu được cái bình của chính mình. Điều đó cho phép chúng ta có thể chuyển đổi đến những môi trường khác dù có tiêu chuẩn thấp hoặc cao hơn một cách mượt mà hơn. Trong trường hợp thấp hơn thì không cần bàn nhiều, quá khỏe. Nhưng mà thế thì có gì khác với cách thứ hai (chuyển xuống nơi thấp hơn) đâu nhỉ? Có chứ. Giả sử khi bắt đầu một công việc, chiếc bình của bạn có điểm là 5 và nơi đó yêu cầu đến 10. Sau hai năm, bạn nâng cấp chiếc bình của mình lên 10 để bằng với mức yêu cầu của nơi bạn làm việc. Đến một ngày, bạn thấy mặt sếp khó ưa quá và bạn quyết định nghỉ việc. Lúc này, bạn hoàn toàn có thể làm việc cho một môi trường có điểm số 8 hoặc 9 một cách thoải mái. Trong trường hợp tương tự nếu như bạn đi theo phương pháp thứ nhất và thứ hai (không nâng cấp chiếc bình của mình) thì bạn chỉ có thể thấy thoải mái ở những nơi có điểm số từ 5 trở xuống. Hoặc đến một ngày này đó, bạn muốn tìm thêm thử thách ( từng nói “Sức mạnh càng lớn, lương càng cao”). Đó có thể là một nơi có chiếc bình có giá trị 12 hoặc 13. Lúc đó bạn chỉ cần xách nước 2 đến 3 điểm một ngày thay vì 7 hoặc 8 điểm nếu bạn giữ nguyên chiếc bình 5 điểm.
Nhưng ngoài những điểm tốt kia thì chuyện nâng cấp chiếc bình không phải không có những điều hạn chế. Thứ nhất đó chính là nâng cấp chiếc bình không phải là chuyện dễ dàng. Thay đổi những tư tưởng, tư duy và chuẩn mực cố hữu bên trong mỗi con người không phải khi nào cũng dễ dàng. Càng thay đổi những thứ sâu bên trong thì sự khó khăn càng lớn hơn. Bẻ một ngọn lá thì thường dễ dàng hơn là bẻ một cành gần gốc hoặc là bẻ luôn gốc cây. Đây là con đường khó khăn vì đôi lúc chúng ta sẽ còn phải nghi ngờ và phủ định chính mình. Kế đến đó chính là… nâng cấp chiếc bình không nên nâng cấp. Cuộc sống này có hàng tỉ những quy chế và chuẩn mực, không phải cái nào cũng tốt và phù hợp với chúng ta. Nếu chọn sai thì thật là phí hoài công sức. Cuối cùng đó là việc duy trì một chiếc bình lớn không hề dễ dàng, bởi lẽ đó cũng chính là thứ bạn đeo theo nó suốt cả ngày. Duy trì nó sẽ khiến bạn phải tập trung nhiều hơn (cá nhân tôi khá vui với chuyện đó). Đồng thời, nếu không kiểm soát kỹ thì chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một người khó tính khi mà đem chiếc bình của mình làm chiếc bình chung. Ai đi làm cũng sẽ có thể gặp một người khó tính một cách thái quá so với yêu cầu và ai cũng ngán phải chạm mặt người đó. Hãy nghĩ cho người khác và nghĩ về môi trường làm việc của mình trước khi xét đoán ai đó, chúng ta yêu cầu cao và đạt được nó thì không có nghĩa tất cả đồng nghiệp đều phải thế.
Sẵn tiện kết lại phần này tôi sẽ nói sơ về những điểm yếu của hai phương pháp đầu tiên. Rõ ràng nhất thì là việc hai phương pháp này sẽ hạn chế việc phát triển của chúng ta khá nhiều. Đồng thời việc này cũng phí hoài cơ hội cũng như thời gian của những người được làm trong môi trường có yêu cầu cao, thậm chí khi trở lại môi trường thấp hơn chiếc bình của họ còn có nguy cơ bị hao mòn. Không ít lần tôi gặp những người làm việc trong các công ty Nhật Bản hoặc Việt Nam, nơi có yêu cầu và chế tài khắc khe về giờ làm. Đến một ngày kia, họ đi làm ở những nơi không quá khắc khe về giờ làm, nơi mà lâu lâu người ta vẫn đi trễ mà không bị phạt. Kết quả làm bùm, họ đi trễ còn nhiều hơn những người bình thường, đi trễ như một cách để trả thù vậy. Và các bạn biết gì không? Nâng cấp một chiếc bình thì khó khăn nhưng kéo kích cỡ nó xuống thì rất dễ dàng.
Trong góc nhìn của một người quản lý thì sao?
Sau khi nói hàm hồ những thứ ở trên thì tôi nói tiếp với bạn đồng nghiệp của mình về góc nhìn của tôi với vai trò là quản lý. Trong cách nhìn của tôi, có hai kiểu nhân viên cơ bản. Đó là kiểu nhân viên có chiếc bình cá nhân nhỏ hơn và lớn hơn chiếc bình của tổ chức, công việc. Đương nhiên cả hai đều đổ đầy nước mỗi ngày, chỉ khác biệt ở nguồn nước đổ vào thôi. Ở đoạn này, tôi trở lại với câu hỏi thứ ba ở trên. Tại sao chúng ta phải viết kiểm thử tự động? Câu trả lời của tôi lúc đầu là vì chúng ta lười. Còn một lý do nửa ở góc nhìn quản lý nhưng tôi sẽ nói sau. Tôi hỏi thêm bạn động lực nào để chúng ta viết kiểm thử hoặc kiểm tra những chức năng chúng ta đã làm. Câu trả lời của chúng tôi đều là vì chúng ta không muốn gây ra lỗi. Một chức năng hoặc một sản phẩm có thể có rất nhiều thứ để kiểm tra trước khi xuất xưởng. Một người cẩn thận sẽ kiểm tra lại sản phẩm đó trước khi xuất xưởng. Tùy vào mức độ cẩn thận và kinh nghiệm mà chúng ta sẽ có số lượng trường hợp cần kiểm tra. Trong trường hợp chúng ta là những người cẩn thận thì với những sản phẩm phức tạp đòi hỏi số lượng trường hợp kiểm tra cực kì lớn. Không phải ai cũng có thời gian cũng như đủ siêng năng để kiểm tra thủ công tất cả. Thế nên kiểm thử tự động sinh ra như một cách để giải quyết vấn đề trên. Đương nhiên câu hỏi có vẻ kỹ thuật này không quá liên quan đến kỹ thuật đâu. Khi giải thích câu trả lời của mình với bạn, tôi đưa ra một thí dụ như sau. Nếu bạn là một người cẩn thận và có tầm nhìn tốt, trong trường hợp không có kiểm thử tự động, họ hoàn toàn có thể kiểm thử thủ công để đảm bảo chất lượng (đương nhiên là rất cực). Nhưng tóm lại thì họ vẫn có thể làm được. Nhưng đổi lại nếu là một người không hề cẩn thận thì dù có cho họ bao nhiêu công cụ tự động thì cũng không đảm bảo được chất lượng đầu ra sản phẩm của họ vì họ cùng lắm chỉ viết cho có một vài trường hợp cơ bản cho xong chuyện. Viết kiểm thử (đặc biệt là khi bị bắt buộc) không hề chứng tỏ rằng người viết là một người cẩn thận. Chuyện đi làm đúng giờ (đi trễ trừ lương) cũng không hề chứng minh cho kỷ luật của một nhân viên. Bởi vì họ đi đúng giờ hoặc nghiêm chỉnh trong giờ làm chỉ vì bị ép buộc.
Kế đến, tôi nói với bạn đồng nghiệp về lý do thứ hai của việc kiểm thử cũng như tại sao một số công ty có luật lệ khá khắt khe. Nhưng để tránh lan man tôi sẽ không đề cập ở đây.
Sau đó, tôi chia sẻ rằng với tôi thì có hai loại nhân viên chính đó là loại có chiếc bình cá nhân cao hơn hoặc tiệm cận chiếc bình của công ty. Hoặc cũng có thể là thấp hơn nhưng có ý thức tự nâng cấp chiếc bình của mình. Loại còn lại thì là loại có chiếc bình cá nhân thấp hơn và không hề có ý thức nâng cấp. Loại thứ nhất, họ tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn vì với họ đó là cũng là những tiêu chuẩn của họ dành cho công việc của mình (hoặc muốn hướng tới tiêu chuẩn đó). Loại còn lại thì họ chỉ làm những gì họ yêu cầu làm, thế thôi. Tôi chia sẻ rằng là tôi sẽ có cách làm việc khác nhau với hai kiểu nhân viên kia. Loại nhân viên có tiêu chuẩn thấp tôi sẽ cho họ làm những công việc có tính rủi ro ít hơn, ít yêu cầu sự linh động và đương nhiên ràng buộc nhiều yêu cầu để đảm bảo họ không gây ra những rủi ro. Loại nhân viên có tiêu chuẩn cao hơn tôi sẽ tương đối cho họ tự do trong quá trình làm việc, đồng thời giao những công việc yêu cầu tính linh động và tự chủ cao hơn. Đồng thời, nếu họ có ý muốn nâng cao tiêu chuẩn cá nhân của mình, tôi sẽ hỗ trợ và giúp đỡ để họ có thể cải thiện bản thân nhanh hơn. Đương nhiên, đó cũng sẽ là những nhân viên dự bị cho vị trí cao hơn hoặc những đãi ngộ, cương vị tốt hơn.
Đôi khi cũng có người hỏi tôi rằng tại sao không dành thời gian để thúc đẩy loại nhân viên đầu tiên lên? Câu trả lời của tôi đó là tôi lười, vậy thôi. Nhưng tôi đã nói chuyện bắt bản thân mình thay đổi chiếc bình cũng mình đã không dễ rồi, nói gì đến chuyện đi bắt người khác phải thay đổi. Nhất là khi họ vẫn đang đổ đầy được chiếc bình của công ty đưa ra thì không có lý do để thúc đẩy họ. Còn loại nhân viên còn lại thì đương nhiên là giúp đỡ họ hết mức có thể. Bởi vì công sức bỏ ra ít hơn và hiệu quả cũng nhiều hơn. Đồng thời thì họ cũng chính là tương lai của nhóm. Một lý do nửa đó chính là tỉ lệ giữa hai nhóm này. Số lượng nhân viên loại hai luôn ít hơn. Thế nên nếu chọn nâng cấp hết số lượng nhân viên loại một lên thì sẽ tốn nhiều thời gian và thu lại không nhiều lợi ích. Tôi là người thích ưu tiên cho những người tinh anh và tôi không giấu giếm đều đó.
Chốt lại nào
Kết lại buổi nói chuyện thì tôi chốt lại một số ý sau với bạn đồng nghiệp của mình. Đầu tiên đó chính lại chúng ta luôn có hai loại tiêu chuẩn đó là tiêu chuẩn cá nhân và tiêu chuẩn bên ngoài (công ty, gia đình, hội nhóm…). Nếu như tiêu chuẩn của chúng ta cao hơn tiêu chuẩn bên ngoài thì chúng ta đang làm thực hiện vì chúng ta và khi chuyển đến một nơi có tiêu chuẩn thấp hơn thì những tiêu chuẩn đó hoàn toàn được giữ lại. Ngược lại thì khi đó chúng ta chỉ thực hiện vì nơi chúng ta đến yêu cầu. Khi chuyển đến nơi thấp hơn thì tiêu chuẩn đầu ra chúng ta cho ra cũng bị tuột xuống (mặc cho việc trước đó từng cho ra sản phẩm tiêu chuẩn rất cao). Chúng ta có thể nâng cấp tiêu chuẩn cả nhân của mình, và điều đó không phải lúc nào cũng nhanh lẹ và dễ dàng.
Nhưng nhìn nhận như thế không có nghĩa là ai cũng nên cắm đầu chạy theo tiêu chuẩn của tổ chức (hoặc một nơi nào đó). Bởi vì mỗi tiêu chuẩn đều được cấu thành từ rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau. Chúng ta không chỉ có một cái bình mà có rất nhiều cái bình. Những nơi chúng ta đến cũng vậy. Hãy nhìn lại bên trong mình và tự hỏi mình muốn hướng tới tiêu chuẩn nào, điều đó có cần thiết không (vị thế, kinh tế, niềm vui…) và khả năng của bản thân để vươn đến tiêu chuẩn đó. Không phải tiêu chuẩn nào cao cũng là tốt cả. Từ đó lựa chọn ra những mục tiêu khả dĩ mà mình muốn hướng tới. Trên hết đó là đừng chỉ đứng yên một chổ.
Kết
Đây chỉ là một phần hai nội trong lần nói chuyện đó của tôi và các đồng nghiệp. Nay rãnh chẳng biết làm gì nên tôi đưa đỡ lên đây. Nhưng thường lệ, tôi sẽ chẳng để bài này ở lâu trên đây. Tôi sợ ăn gạch lắm :))