Nghe cho thấu, hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng của kiều bào
Nghe cho thấu, hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng của kiều bào
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị là dịp hội ngộ, trùng phùng để cùng thảo luận những vấn đề quan trọng, thiết thực về sự phát triển của đất nước, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, hiến kế.
Thủ tướng cho rằng đây là dịp thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, đồng thời nhắc lại lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổ quốc và Chính phủ luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trao đổi, chia sẻ một số suy nghĩ về 3 nội dung chính: về tình hình thế giới và khu vực; các yếu tố nền tảng, quan điểm, thành tựu và định hướng phát triển của VN nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng người VN ở nước ngoài trong thời gian tới.
“Chúng ta thống nhất nhận thức là thế giới đang thay đổi nhưng bản sắc, giá trị của dân tộc, con người VN không thay đổi để chúng ta tự hào, bản lĩnh, tự tin vươn lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vốn quý của đất nước
Về vấn đề phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của cộng đồng người VN ở nước ngoài thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, quan điểm của Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác người VN ở nước ngoài, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách liên quan công tác này.
Thủ tướng cho biết từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước và nhân dân ta đã luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình và đóng góp quý báu của bà con đồng bào khắp năm châu bốn biển.
Nhiều bà con, trí thức, doanh nhân đồng bào đã nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc và Bác Hồ, phát huy trí tuệ, đóng góp công sức cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong những năm đầu đổi mới, đóng góp của bà con đồng bào cả về nguồn lực vật chất lẫn tri thức, kinh nghiệm quản lý, hiến kế… góp phần giúp đất nước vượt qua khó khăn để có được thế và lực như ngày nay.
Người xưa đã dạy “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng và Nhà nước xác định rõ, bà con đồng bào là vốn quý của đất nước.
Chia sẻ thông điệp đối với bà con cộng đồng người VN ở nước ngoài, Thủ tướng khẳng định, cộng đồng người VN ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc VN là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
3 thông điệp, 3 định hướng, 3 trọng tâm
Thông tin về các định hướng lớn phát triển đất nước thời gian tới; trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của cộng đồng người VN ở nước ngoài, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ 3 thông điệp đối với bà con, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người VN ở nước ngoài.
Về “3 thông điệp”, Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người VN ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc VN là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm tuyên bố độc lập, 50 năm Ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.
Bên cạnh đó, đất nước kỳ vọng và tin tưởng vào cộng đồng người VN ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thủ tướng khẳng định, thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước.
“Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài. Đất nước trân quý tình cảm, nghe cho thấu, thấy cho rõ và hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng và đánh giá cao ý kiến đóng góp quý báu của cộng đồng người VN ở nước ngoài dành cho quê hương, đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Về “3 định hướng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, công tác về người VN ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.
Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người VN ở nước ngoài.
Công tác đối với người VN ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.
Về “3 trọng tâm”, Thủ tướng nêu, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng.
Tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước. Không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động kiều bào đóng góp xây dựng đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh của người VN ở nước ngoài để đóng góp cho quê hương, đất nước, xây dựng bản sắc người VN ở nước ngoài.
“Trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người VN ở nước ngoài là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người VN ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng và phát triển cộng đồng người VN ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay.
Hiến kế về KH-CN để phát triển đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ luôn tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con về đất đai, nhà cửa, quốc tịch, cư trú, môi trường đầu tư, kinh doanh…
Thủ tướng nêu lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo thuận lợi cho các hoạt động đóng góp xây dựng đất nước.
“Bà con hãy tiếp tục là những sứ giả của nước Việt, làm rạng danh dân tộc VN, nòi giống con Rồng cháu Tiên, phát huy và làm lan tỏa văn hóa Việt, giá trị Việt. Đất nước cũng luôn kề vai sát cánh, cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào ta”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng gửi lời mời gọi cộng đồng người VN ở nước ngoài hiến kế về KH-CN để phát triển đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng khi biết rằng cộng đồng trí thức, chuyên gia người VN đang có sự hiện diện mạnh mẽ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Thủ tướng khuyến khích tiếp tục đề xuất những dự án cụ thể, góp phần trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.
Kiến nghị tạo thuận lợi cho kiều bào trở lại quốc tịch VN
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết cộng đồng người VN ở nước ngoài có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Từ khoảng 4,5 triệu người ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2016, đến nay đã có hơn 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, số người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10%, tương đương 600.000 người. Ở hầu hết địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, kiều bào ngày càng khẳng định vị thế trong xã hội sở tại và đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa quốc gia sở tại và VN. Bên cạnh đó, kiều bào còn trở thành một nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Trong hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối gửi về VN đạt hơn 200 tỉ USD, ngang với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án với tổng vốn đăng ký 1,72 tỉ USD, cùng với hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người VN định cư ở nước ngoài.
Ông Hoàng Đình Thắng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Chủ tịch Liên hiệp Hội người VN tại châu Âu, cho rằng cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch VN, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.
Nhiều quốc gia thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch VN để vào quốc tịch nước ngoài, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch VN đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Ông Thắng cho biết nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với nhà nước VN và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch VN đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh, bổ sung quy định cho phép người VN ở nước ngoài được quyền tham gia ứng cử, bầu cử vào Quốc hội. Ngoài ra, mở rộng việc cho phép các hội đoàn người VN ở nước ngoài trở thành thành viên các tổ chức chính trị – xã hội trong nước…
Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở VN, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại VN. Về thu hút nhân tài, ông cho rằng Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia dự án cộng đồng tại VN để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới. Ông cũng đề nghị Chính phủ nên cho phép thử nghiệm công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới mà không đòi hỏi nhiều giấy phép. Có những doanh nhân công nghệ trẻ gốc Việt đã từng tiên phong sáng tạo ra những công nghệ mới chưa từng có trên thế giới; nhưng khi họ đem về VN thì còn bị hạn chế bởi chính sách của VN chưa tương thông với quốc tế.
Ông cũng đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch VN mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở VN.
VN đã có những bước tiến rõ rệt thúc đẩy chuyển đổi số, tuy nhiên vẫn cần quy hoạch các “cụm công nghệ” với hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, đặt tại TP lớn và vùng kinh tế trọng điểm, nơi doanh nghiệp và các start-up công nghệ có thể tương tác, chia sẻ tri thức, hợp tác nghiên cứu. “Chúng ta nên có cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các vườn ươm công nghệ, đầu tư mạo hiểm vì đó là những thành tố chính trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, giúp cho những người sáng tạo thuận lợi trong việc tạo ra công nghệ mới và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ đó”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất.
Bạn đang đọc Nghe cho thấu, hiểu cho hết tâm tư, nguyện vọng của kiều bào tại website hungday.com