Nghề livestream: ‘Thánh chốt đơn’ đời đầu
Nghề livestream: ‘Thánh chốt đơn’ đời đầu
Nó đã trở thành một nghề nghiệp và kéo theo nhiều công việc mới, đồng thời được xem là một hình thức truyền thông mới mà những người làm chính sách có thể tận dụng.
Lược sử livestream
Khi gõ từ “livestream” trên Google Scholar, những nghiên cứu gần nhất về sự bùng nổ của hình thức phát sóng trực tiếp này chủ yếu nằm trong khoảng từ năm 2020 trở đi. Theo Bách khoa toàn thư Britannica, livestream là hình thức truyền thông tin theo thời gian thực qua internet dưới dạng video. Điều này có nghĩa là các tệp video trong livestream không được ghi hay lưu trữ trước khi truyền đến người xem.
Cũng theo Britannica, hình thức livestream phát triển từ những năm 1990 và những sự kiện đầu tiên được phát trực tiếp là các buổi hòa nhạc và trận thi đấu thể thao. Năm 1995, Công ty RealNetworks lần đầu tiên sử dụng phần mềm RealPlayer để phát trực tiếp một trận đấu bóng chày qua internet. Vài năm sau đó, livestream được biết tới nhiều hơn nữa, đặc biệt là sau sự kiện “webcast tổng thống” diễn ra vào ngày 8.11.1999. Webcast (hình thức trình chiếu truyền thông qua internet bằng cách sử dụng công nghệ truyền phát trực tuyến) này do Excite@Home Network phát triển, được phát sóng từ Đại học George Washington với sự có mặt của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton để thảo luận về những chính sách quan trọng. Sự kiện đã thu hút hơn 50.000 người xem trực tuyến và gửi câu hỏi trong suốt thời gian livestream.
Dù vậy, loại hình livestream chỉ thực sự bùng nổ khi YouTube tổ chức sự kiện phát trực tiếp đầu tiên vào năm 2008, sau 3 năm nền tảng này ra mắt thị trường. Sau đó, những nền tảng như Twitch, Twitter (nay là X), Facebook, Instagram… cũng giới thiệu phương thức livestream cho người dùng. Ở VN, livestream ngày càng phổ biến và công chúng thường gắn nó nhiều hơn với TikTok – nền tảng cho phép người dùng tạo và chia sẻ video ngắn.
Livestream luôn có nội dung đa dạng và độ tương tác cao. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư. Người dân sợ con em có thể tiếp xúc các nội dung không phù hợp trên livestream, đặc biệt là nội dung khiêu dâm hoặc bạo lực. Cũng vì vậy mà đơn cử như nền tảng TikTok đã bị cấm cửa ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Bắc Âu.
“Thánh chốt đơn” lương mỗi tháng 9 chữ số
Không cần bàn cãi thêm về những lợi thế của livestream mang tới trên nhiều phương diện, từ giải trí, học tập cho tới thương mại… Nhất là từ thời điểm đại dịch Covid-19 trở đi, livestream đã làm bùng nổ thị trường mua sắm trực tuyến.
Nói tới lĩnh vực livestream ở VN thì khó mà không nhắc đến Phạm Thoại hay còn gọi TikToker Phạm Thoại (tên thật là Phạm Văn Thoại, 28 tuổi, quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng). Có lẽ không nên khẳng định liệu Phạm Thoại có phải là một KOC (Key Opinion Consumer, tức là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trong lĩnh vực của họ) nổi bật nhất trong lĩnh vực bán hàng hay không, tuy nhiên hầu như người dùng TikTok đều biết tới Phạm Thoại và người ta đặt cho Thoại biệt danh là “chiến thần livestream”, “thánh chốt đơn” hay “chúa tể vạn đơn” để chỉ số lượng sản phẩm khổng lồ được bán ra trực tuyến trong phiên livestream của Thoại.
Ngồi ở một góc phòng trang điểm, chuẩn bị cho phiên livestream ngày 8.8 của TikTok Shop, Thoại vẫn chưa khoác lên mình những bộ đồ “quái chiêu” thường thấy, chưa bắt đầu thể hiện kỹ năng hoạt ngôn đến mức “ồn ào” của mình trước máy quay. TikToker này tự nhận mình là một người hướng nội và thật sự rất ngại giao tiếp với người lạ chứ không giống như hình ảnh của một KOC luôn tỏa ra nguồn năng lượng mạnh mẽ mỗi khi có sự kiện.
Ngoài Thoại, trong phòng trang điểm còn có nhiều KOC khác. Bên ngoài, đội ngũ của TikTok Shop đang setup (bố trí, lắp đặt) khu vực livestream từ phông nền, sản phẩm bày bán cho tới kiểm tra đường truyền, điện thoại, máy quay, ánh sáng… để chuẩn bị cho phiên live lớn dịp 8.8 lúc 12 giờ.
Thoại kể xuất thân của mình là hộ nghèo, nên trong Thoại luôn có khát khao đổi đời mãnh liệt. Từ “đổi đời” được Thoại lặp lại nhiều lần trong cuộc phỏng vấn. Vì gia cảnh quá khó khăn, nên khi có mong muốn vào đại học, Thoại ý thức được rằng mình phải tự kiếm tiền nuôi bản thân và bán hàng là lựa chọn đầu tiên cũng như phù hợp nhất với Thoại.
“Tôi bán hàng từ năm 8 tuổi. Khi học quản trị kinh doanh ở Trường ĐH Mỏ – Địa chất (Hà Nội), tôi vừa bán hàng vừa đi làm thêm nhiều công việc khác để có tiền trang trải. Có thời gian tôi quá đam mê nghề bán hàng, làm một lúc 3 công việc để kiếm tiền kinh doanh. Tôi cũng điên cuồng tìm kiếm các nguồn hàng. Mặt hàng đầu tiên tôi bắt đầu bán là quần áo. Thời điểm đó, chắc tầm 6 năm trước, cũng là cột mốc đánh dấu cuộc đời mới của tôi, khi xu hướng livestream bắt đầu nở rộ”, Thoại kể lại và cho biết nhờ sự chuyên cần, Thoại kiếm được rất nhiều tiền vào thời gian ấy. Cái tên Phạm Thoại bắt đầu được biết đến và khi đó, người ta đặt cho Thoại cái tên là “thánh chửi” khi livestream.
Kiếm được nhiều tiền, Thoại bỏ học với suy nghĩ không có tấm bằng đại học thì vẫn hái ra tiền được. Tuy nhiên, sau 3 năm bỏ học, Thoại làm ăn thua lỗ. Lúc đó, Thoại tin chuyện mình bỏ đại học là một sai lầm.
“Tôi không quản lý được con người, quy trình vận hành, bán hàng nên thời điểm đó mọi thứ sụp đổ. Tôi mới nhận thức được mình đã được công chúng quan tâm rồi, vậy thì mình cần có gì đó chắc chắn hơn. Và nhìn lại thực tế thì đại học vẫn cho mình kiến thức rất chắc chắn. Sau này, mọi người cũng hỏi tôi đã đạt được nhiều thành công rồi, tại sao tôi không kinh doanh lại. Nhưng cho tới nay bản thân tôi cũng chưa tự tin hoàn toàn vào khả năng của mình. Tôi cần trau dồi thêm nhiều lĩnh vực, kỹ năng bán hàng, quản lý nhân sự. Thế nên tôi chỉ mong rằng các bạn sinh viên đừng bao giờ bỏ học đại học vì nó đang xây dựng nền tảng cho mình”, Thoại nhớ lại.
Phạm Thoại nói mình đã đi lên từ con số 0. Mong muốn đổi đời bằng con đường riêng của Thoại đã thành hiện thực. Thoại khoe với cộng đồng mạng căn nhà khang trang tiền tỉ xây cho mẹ hồi đầu năm 2023. Thoại cũng nói mình đã lo cho em trai học ở một trường đại học tư hàng đầu của VN. Không tiết lộ lương mỗi tháng cụ thể bao nhiêu, ngoại trừ thông tin là “có 9 chữ số” (tức từ 100 triệu đồng trở lên), Thoại tự tin nói kinh tế của mình hiện nay dư dả và có thể chi trả cho một đội ngũ riêng để hỗ trợ cho mình.
Phạm Thoại còn có thành tích đáng nể khi 2 thành viên của đội mình là quán quân và á quân của chương trình The Shoppertainer – “Ngôi sao chốt đơn” năm 2024. “Chiến thần livestream” này cũng hăng say trong các hoạt động cộng đồng và Thoại nói bản thân muốn cho đi vì gia đình Thoại đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm lúc còn khó nghèo.
5 – 10 năm tới, theo Phạm Thoại, nghề livestream sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và có một vị thế rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Tương lai, có khả năng rất cao xuất hiện các chương trình đào tạo chuyên nghiệp về livestream bán hàng…, bởi nghề này đang giúp các doanh nghiệp tạo ra được doanh số. Do đó, bản thân Thoại cũng có nhiều dự định và một trong số đó là phát triển công ty riêng chuyên về livestream bán hàng và mảng talent (quản lý tài năng).
Chúng tôi hỏi, nếu đó là một hành trình vươn lên từ nghèo khó mà nhiều người đều có thể nỗ lực vượt qua, vậy thì Phạm Thoại có gì khác biệt để khẳng định nghề nghiệp của mình? Thoại liền trả lời mình đến với nghề bán hàng bằng tất cả niềm đam mê và Thoại có một bản sắc cá nhân khi livestream. (còn tiếp)
Đây là nhà xưởng chuyên sản xuất kệ gỗ decor cho gia đình, spa .. Nhận sản xuất theo quy cách khách hàng yêu cầu. Từ màu sắc, kiểu dáng tới kích thước