Ngỡ ngàng nón lá sen
Ngỡ ngàng nón lá sen
TRẦY TRẬT VỚI CHIẾC NÓN XANH
Dành nhiều tình yêu với nghề truyền thống xứ Huế, khi còn là sinh viên ngành hội họa (Trường ĐH Nghệ thuật Huế), Nguyễn Thanh Thảo (36 tuổi) đã trăn trở làm sao phục hồi nghề chằm nón lá Đốc Sơ (P.An Hòa). Từ chỗ xử lý lá bồ đề để vẽ tranh, viết thư pháp…, anh nảy ra suy nghĩ biến lá sen thành vật liệu để các mẹ, các chị chằm nên những chiếc nón. Ý tưởng này khá táo bạo nên lập tức gặp nhiều trở ngại. Trước nay nón đều được làm bằng lá cọ – loại vật liệu dẻo dai, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, trong khi lá sen thì ngược lại, khi khô sẽ giòn và dễ vỡ. “Mất 2 năm tôi mới giải được “bài toán” này”, họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo mở đầu câu chuyện.
Anh Thảo nói, nón lá sen kết hợp giữa khung tre với lá sen, 2 vật liệu mang tính đặc trưng của VN, nên chiếc nón cũng mang đầy tính biểu tượng. Khi bắt tay làm, anh biết mình phải đối diện với những thách thức trong xử lý tạo độ bền cho lá sen, cách lên màu sao cho đúng tông xanh nguyên bản của lá… “Hồi đầu, tôi xử lý lá sen theo bản năng mà không có chút kiến thức gì về công nghệ nhuộm hay chống ẩm mốc cho lá. Tôi tự đặt câu hỏi rồi cố gắng giải mã. Tôi tìm đến những người thợ nhuộm quần áo, thợ hóa chất… để học hỏi và tự đúc rút cho mình giải pháp làm lá sen bền hơn, cũng như cách thức nhuộm lá bằng màu thực phẩm nhằm đảm bảo sự thân thiện với thiên nhiên”, anh Thảo nói.
Năm 2017, anh Thảo tìm ra bí quyết để nón lá sen có thể chịu được thời tiết nắng mưa với tuổi thọ lên đến 2 năm. Những chiếc nón có màu xanh tự nhiên được anh mang đi khắp TP.Huế giới thiệu, mời chào… Nhưng mọi việc không thuận lợi như anh nghĩ, khi phải đối mặt với sự bài xích từ nhiều tiểu thương. Họ cho rằng “lá sen thì chịu được mấy nắng?”, “nón lá kiểu chi mà xanh lè xanh lét”…
Dù hứng chịu nhiều lời dè bỉu và hoài nghi về chất lượng, anh Thảo vẫn không nản lòng. Anh mang sản phẩm đi dự thi và cùng năm đó sản phẩm nón lá sen đoạt giải A cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Thừa Thiên-Huế. Tiếp đó, một nghệ nhân nổi tiếng ở Huế đã đặt anh 20 chiếc nón để tặng đối tác Hàn Quốc. Năm 2020, tại hội thi thủ công mỹ nghệ VN do Bộ NN-PTNT tổ chức, nón lá sen được trao giải khuyến khích. “Nón lá sen Thanh Thảo” dần có chỗ đứng và được thị trường chấp nhận.
ỨNG DỤNG CỦA SEN
Một buổi chiều, tôi đến thăm xưởng sản xuất nón lá sen của họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo, khi những người thợ đang cần mẫn thu dọn hàng trăm chiếc nón sau một ngày phơi nắng. Một góc xưởng chất đầy nón bật lên tông xanh nguyên bản vẫn còn những đường gân lá sen trông rất bắt mắt. “Hiện tôi có khoảng 20 thợ chằm nón lá sen, được trả công 50.000 đồng/nón. Sau khi nhận nón về, nhóm thợ khác sẽ nhuộm 2 lần và phơi 2 nắng. Quá trình xử lý kỹ càng cộng với chất cầm màu, chiếc nón lá sen sẽ bền bỉ theo thời gian”, anh Thảo nói và cho biết mỗi chiếc nón thành phẩm được bán ra thị trường với giá 180.000 – 200.000 đồng, còn nón nghệ thuật có mức giá cao hơn…
Giờ đây, mỗi năm họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo bán ra thị trường cả nước hàng ngàn chiếc nón lá sen. Nón của anh được nhiều du khách nước ngoài yêu thích bởi tính độc đáo, mang đậm dấu ấn của mảnh đất cố đô. Cứ mỗi mùa lễ hội, đặc biệt vào dịp Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế hằng năm, nón sen làm ra không kịp bán. Anh Thảo kể, lá sen đạt chất lượng tốt nhất thường vào dịp rằm tháng 4. Đến mùa sen nở rộ, anh Thảo đi khắp Huế tìm mua lá về trữ. Ấy vậy mà nhiều đợt vẫn không đủ lá sen để làm nón, buộc anh phải nhập từ các tỉnh miền Tây.
“Là một họa sĩ, tôi vẫn luôn duy trì những chiếc nón lá sen đầy tính mỹ thuật để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Đó là những chiếc nón được vẽ, thêu tranh lên nền lá sen”, họa sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói. Làm chủ “công nghệ” xử lý lá sen, anh Thảo đã phát triển thương hiệu “Sen Thảo” với nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo khác như túi xách, quạt cầm tay… Đặc biệt, ở dòng tranh từ lá sen, anh sáng tác tranh thêu, tranh sắp đặt với đài sen, cánh sen lẫn lá sen… mang giá trị thẩm mỹ cao. Anh còn nghiên cứu và đưa sen vào nội thất trong các nhà hàng, khách sạn… (còn tiếp)