Người bệnh tim có nên tập thể dục?
Người bệnh tim có nên tập thể dục?
Bệnh nhân mắc bệnh tim thường được khuyên nên nghỉ ngơi đầy đủ. Vậy họ có nên tập thể dục?
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y khoa PLOS One, các nhà khoa học tại Đại học Trier (Đức), sau khi khảo sát 185 bệnh nhân suy tim, đã phát hiện nhiều người suy tim rất sợ tập thể dục, theo chuyên trang y khoa Medical Express.
Tiến sĩ Heike Spaderna, giáo sư Tâm lý học sức khỏe tại Đại học Trier (Đức), giải thích: Khi người bị suy tim đi bộ hoặc leo cầu thang, họ thở không ra hơi và cảm giác tim không thể chịu nổi. Do đó, họ tránh tập thể dục.
Nhưng ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể bị hụt hơi khi leo cầu thang. Điều quan trọng là không phải tất cả các triệu chứng mệt mỏi đều do bệnh tim gây ra, tiến sĩ Heike Spaderna cho biết.
Tiến sĩ Heike Spaderna nói: Ngoài việc điều trị bằng thuốc, khoa học đã chứng minh lợi ích của việc tập thể dục đối với bệnh tim. Nó có thể giúp người suy tim có chất lượng cuộc sống tốt hơn và kéo dài tuổi thọ.
Tác dụng của tập thể dục đối với bệnh tim
Tập thể dục thường xuyên là điều quan trọng đối với người bệnh tim. Nó có thể tăng cường cơ tim, giúp kiểm soát huyết áp và mức cholesterol, theo chuyên trang y khoa Medicine Plus.
Tập thể dục có thể giúp cơ tim khỏe hơn. Nó cũng có thể giúp người bệnh tim hoạt động nhiều hơn mà không bị đau ngực hoặc các triệu chứng khác.
Tập thể dục cũng giúp hạ huyết áp và cholesterol.
Người bệnh tim nên tập thế nào?
Người bệnh tim nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập thể dục. Cần đảm bảo bài tập phải an toàn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh tim bị đau hoặc tức ngực, khó thở; mắc bệnh tiểu đường; vừa trải qua thủ thuật tim hoặc phẫu thuật tim.
Ngoài ra, người bệnh tim cũng cần lưu ý khi thực hiện các bài tập sau đây:
Bài tập aerobic. Loại bài tập này vận dụng tim và phổi trong thời gian dài. Nó cũng giúp tim sử dụng oxy tốt hơn và cải thiện lưu lượng máu. Nên để tim hoạt động nhiều hơn một chút mỗi lần, nhưng đừng quá sức.
Bắt đầu từ từ. Chọn một bài tập aerobic như đi bộ, bơi lội, chạy bộ nhẹ hoặc đạp xe. Thực hiện ít nhất 3 – 4 lần một tuần.
Luôn khởi động và hạ nhiệt. Luôn thực hiện 5 phút giãn cơ hoặc di chuyển xung quanh để làm nóng cơ và tim trước khi tập thể dục. Dành thời gian để hạ nhiệt sau khi tập thể dục bằng cách giảm tốc.
Nghỉ ngơi trước khi quá mệt. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc có bất kỳ triệu chứng tim nào, hãy dừng lại.
Tránh tập dưới trời quá nóng hoặc quá lạnh. Vào thời tiết nóng, hãy tập thể dục vào buổi sáng hoặc buổi tối. Không mặc quá nhiều lớp quần áo.
Tự điều chỉnh tốc độ và biết giới hạn của mình. Nếu tập thể dục gây quá nhiều áp lực lên tim, người bệnh có thể bị đau và gặp các triệu chứng như chóng mặt hoặc choáng váng, đau ngực, nhịp tim không đều, khó thở, buồn nôn.
Điều quan trọng là người bệnh tim phải chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo; luôn mang theo thuốc trị đau thắt ngực nitroglycerin nếu bác sĩ kê đơn; uống nhiều nước và nghỉ giải lao thường xuyên trong khi tập, theo Medicine Plus.