Người dân có nhà ven kênh rạch phập phồng tiền bồi thường, chỗ ở mới sau di dời
Người dân có nhà ven kênh rạch phập phồng tiền bồi thường, chỗ ở mới sau di dời
Thời gian qua, nhiều người dân sống ven kênh rạch ở TP.HCM đang thấp thỏm không yên về tương lai.
Trong những ngôi nhà tạm bợ, ai nấy đều mong ngóng khi biết tin được thuê, mua nhà ở xã hội, khi thực hiện dự án di dời để chỉnh trang đô thị. Nhiều người vì chưa có sổ, lại chưa biết rõ số tiền bồi thường, hỗ trợ cụ thể cũng như nơi tái định cư nên khá phập phồng.
Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu bồi thường 6.500 căn nhà. Đến hết quý 2/2024 mới di dời được 983 căn. Dự kiến đến hết năm 2025, TP.HCM chỉ di dời 4.928/6.500 căn (đạt 76% chỉ tiêu). Trọng tâm di dời là dự án rạch Xuyên Tâm (di dời 2.134 căn) và dự án bờ bắc kênh Đôi (di dời 1.580 căn).
Nguyên nhân chính khiến tiến độ các dự án di dời nhà ven kênh ở TP.HCM nhiều năm qua rất chậm là do các đối tượng nhà trên và ven kênh rạch gồm những hộ không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp, sẽ không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo Quyết định 28 năm 2018 của UBND TP.HCM, cũng không được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường đang đề xuất một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân sống ven kênh rạch. Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch trước tháng 7.2014.
Ông Lưu Minh Đạt, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng quận 12, cho biết trên địa bàn quận có hơn 7.000 trường hợp nhà ven kênh rạch, nhà đất của người dân đều có chủ quyền nhưng thuộc phạm vi hành lang kênh rạch, khi chỉnh trang đô thị vẫn phải di dời.
Theo quy định hiện hành, các trường hợp này được xem xét chính sách hỗ trợ, tái định cư bình thường bằng nền đất hoặc căn hộ, như vừa qua áp dụng đối với dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên.
Tuy nhiên, khi xét hồ sơ bồi thường thì phải tính thời điểm xây dựng. Như quận 12 có nhiều đồ án được phê duyệt quy hoạch từ rất sớm (năm 1999, năm 2004), nếu nhà dân xây dựng sau thời điểm quy hoạch được duyệt thì không được bồi thường đất ở mà chỉ được bồi thường đất nông nghiệp, thông thường đơn giá đất nông nghiệp thấp hơn nhiều so với đất ở.
Ông Lưu Minh Đạt cho rằng những trường hợp này về bản chất là sinh sống ổn định và không có nhà ở nào khác trên địa bàn TP.HCM, thì nhà nước xem xét tái định cư cho người dân bằng nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.
Bạn đang đọc Người dân có nhà ven kênh rạch phập phồng tiền bồi thường, chỗ ở mới sau di dời tại website hungday.com