Người đưa bóng đá An Giang lên tầm cao 30 năm trước không còn nữa
Người đưa bóng đá An Giang lên tầm cao 30 năm trước không còn nữa
Nói đến bóng đá An Giang không thể không nói đến ông Trần Thu Đông, người được giới thể thao, các cầu thủ và những người hâm mộ ở Long Xuyên rất quý mến.
Bởi chính ông với vai trò Giám đốc Sở TDTT từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước đã đưa thể thao tỉnh này vươn tầm có một vị trí xứng đáng trên bản đồ cả nước. Riêng bóng đá từ một đội bóng không tên tuổi đã trở thành thế lực mạnh ở miền Tây, 2 lần giành hạng ba giải vô địch toàn quốc năm 1987 và 1990. Không những thế ông Tám Đông còn đưa đội giành vô địch các đội A1 phía nam, 3 lần hạng ba Cúp quốc gia và 1 lần đại diện Việt Nam tham dự Cúp C2 châu Á vào năm 1995 (gặp CLB Sabah của Malaysia).
Thời đó vai trò của các giám đốc sở rất mạnh, có ảnh hưởng đến sự sống còn của thể thao địa phương. Cũng như ông Lê Bửu ở TP.HCM, ông Trần Vĩnh Lộc ở Khánh Hòa, ông Lê Thì ở Bình Định, ông Phạm Ngọc Thành ở Đồng Tháp, ông Võ Sỹ Huệ ở Lâm Đồng hay ông Lê Văn Nô ở Long An thì ông Tám Đông cũng được xem là “phù thủy” bằng nhiệt huyết và cách chỉ đạo, rót tiền đầu tư một cách mạnh mẽ đã giúp thể thao An Giang lột xác rất nhanh.
Từ việc xây sân vận động Long Xuyên, nhận tổ chức một vài trận SKDA, quyết liệt đưa các môn võ thuật, thể hình, cử tạ, điền kinh, bơi lội của An Giang luôn có một chỗ đứng ổn định, vững chắc trong tốp 10 các tỉnh, thành ngành tại đại hội TDTT toàn quốc.
Riêng bóng đá dưới bàn tay chỉ đạo của ông Tám Đông, lứa cầu thủ từ Châu Hồng, Dương Thiện Phúc, Lưu Quốc Tân, Võ Văn Bé Ba, Trần Ngọc Thái Tuấn, Nhan Thiện Nhân, Trần Quang Dũng, Trần Hoàng Linh, Trần Tấn Lợi đã bật lên rất nhanh, trở thành một đội bóng rất có bản sắc, là điểm tựa mạnh mẽ cho bóng đá miền Tây khi đó. Đội An Giang đã từng quật ngã những đội bóng rất mạnh như Cảng Sài Gòn ở tứ kết giải vô địch quốc gia năm 1987 để sau đó thắng đậm Phú Khánh (tức Khánh Hòa bây giờ) 3-1 để giành hạng ba.
Dĩ nhiên khi có thành tích thì cũng khó tránh những giai thoại, nhất là chuyện nhường điểm, dàn xếp tỷ số cũng râm ran trong giới. Nhưng ông Tám Đông luôn thể hiện một sự cương trực pha lẫn tính cách lạnh lùng của mình. Có lần ông từng nói: “Bóng đá phải có lúc này lúc khác, đâu ai có thể thắng mãi hay thua hoài. Đội bóng An Giang cũng vậy, chúng tôi biết mình mạnh cái gì và đang đứng ở đâu. Đừng để cho người hâm mộ coi thường thì niềm tin mới sống mãi”.
Tôi còn nhớ lần đầu trực tiếp gặp ông Tám Đông là trận bán kết giải vô địch quốc gia năm 1990 tại Nha Trang. Năm đó tôi cùng theo tổ trọng tài Đỗ Đình Hùng, Hồ Thiệu Quang đi xe đò từ TP.HCM ra phố biển để xem trận đấu chéo giữa CLB Quân đội và An Giang. 2 anh Hùng và Quang khi đó làm trọng tài chính và trợ lý. Đó cũng là năm mà Nguyễn Hồng Sơn là gương mặt mới rất nổi bật trong màu áo đội bóng lính. Chúng tôi ở một khách sạn gần Sở TDTT bất ngờ gần chỗ đội An Giang trú ngụ. Khi đó khác với nhiều anh em khác của đội bóng luôn sôi nổi thì ông Tám Đông thường hay đứng lặng lẽ, trầm ngâm.
Tôi từng hỏi ông vài câu thì luôn nhận được nụ cười “bí ẩn”. Chẳng hạn ông giải thích về việc có cần ai khóa Hồng Sơn không bằng câu nói: ” Một cá nhân thì không nguy hiểm, nhưng cả đội CLB Quân đội thì phải có đối sách để khóa tất cả”. Một vài cựu cầu thủ An Giang khi đó giải thích ngắn gọn: “Ông Tám luôn nhiều đêm suy nghĩ, góp ý cho đấu pháp dữ lắm. Nhờ vậy An Giang chơi rất chì cầm chân đối thủ mạnh và chỉ thua bằng đá 11m”. An Giang sau đó đương nhiên đứng hạng ba do sự cố ở trận bán kết còn lại giữa Quảng Nam Đà Nẵng và Hải quan nên không có đối thủ tranh huy chương đồng.
Khi bóng đá An Giang bước vào giai đoạn thoái trào mà bắt đầu từ năm 1997 khi xuống hạng, ông Tám Đông cũng dần rút khỏi vai trò quản lý ở địa phương và tham gia tích cực hơn vào công việc Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 3 năm 1997-2001 (trước đó ông đã là ủy viên Ban chấp hành 2 nhiệm kỳ 1, 2). Ông Tám Đông cũng từng “đứng mũi chịu sào” xử lý vụ tiêu cực ở trận cuối vòng bảng Tiger Cup 1998 giữa Thái Lan và Indonesia trên sân Thống Nhất nhằm tránh đội tuyển Việt Nam ở trận bán kết. Khi đó tôi nhớ cuộc họp khẩn do VFF tổ chức để báo cáo với AFF diễn ra tại khách sạn Amara (đường Lê Văn Sỹ) rất khẩn trương và cũng rất nhanh khi ông Tám Đông với tư cách phó ban tổ chức ở phía nam sau khi nghe ý kiến các bên đã kết luận bằng việc phải cảnh cáo 2 đội và kỷ luật cầu thủ Effendi vì cố tình đá phản lưới nhà tạo ra một trận cầu xấu xí làm hoen ố hình ảnh của giải. Sau đó thì hậu vệ của Indonesia đã bị treo giò vĩnh viễn.
Lần cuối trong vai trò còn liên quan đến thể thao mà tôi gặp ông Tám Đông là khi Báo Thanh Niên tổ chức giải U.21 năm 2003 tại Long Xuyên. Khi đó dù rút về phía sau, nhưng ông luôn dành nhiều tình cảm cho bóng đá trẻ, luôn có mặt ở sân An Giang để xem các trận đấu và hay gọi điện tư vấn cho chúng tôi làm sao để thúc đẩy sự tiến bộ của cầu thủ trẻ nhiều hơn nữa. Sau này ông bị bạo bệnh một thời gian tưởng không qua khỏi, nhưng bằng cách nào đó ông đã chữa được và vẫn tiếp tục trao đổi, có những “hiến kế” cho thể thao An Giang cũng như bóng đá nước nhà. Dù vậy ở tuổi 81, sức khỏe đã đi xuống, ông Tám Đông đã vĩnh viễn ra đi vào chiều 23.8.
Chia tay ông, một nhà quản lý thể thao xuất sắc, một ‘công thần” đã góp phần đưa bóng đá An Giang bật lên hơn 30 năm trước. Dẫu biết ông còn nhiều trăn trở xen lẫn nỗi buồn khi vùng đất trù phú miền tây này đang “trắng’ trên bản đồ bóng đá cả nước, nhưng hy vọng An Giang sẽ được đầu tư và bật lại để “sau cơn mưa trời lại sáng”. Ông hãy yên nghỉ và ra đi thanh thản ông Tám Đông nhé!
Bên này chuyên sản xuất kệ gỗ phòng tắm, anh chị đang quan tâm sản phẩm này liên hệ ngay nhé. Giá kệ gỗ rẻ trực tiếp tại xưởng.