Người dùng Việt Nam bị bội thực content Tàu

Tháng sáu 22, 2024

Tháng 9 năm 2016, Trương Nhất Minh – người sáng lập Bytedance cho ra mắt Douyin (Đấu Âm). Nó được sử dụng để tạo các video ca nhạc ngắn, hát nhép, khiêu vũ, hài kịch và tài năng từ 3 giây đến 10 phút, và các video lặp lại ngắn từ 3 đến 60 giây. Một năm sau đó, Tik Tok – tên ở thị trường quốc tế được ra mắt đã mở ra một thời kỳ của short video – nội dung ngắn.

Việt Nam là một nước luôn giao thương với Trung Quốc, có tỷ lệ người trẻ cao nên ảnh hưởng của nền tảng này rất nhanh chóng. Và nó cũng mở ra một mô hình kinh doanh mới dễ tiếp cận với người dân Việt Nam bằng những video ngắn. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những nội dung rác tràn lan cả của người Việt lẫn người Trung Quốc được reup lại với mục đích câu view. Đặc biệt là những nội dung về tình yêu, tổng tài, chủ tịch giả nghèo. Đây là những nội dung ảnh hưởng trực tiếp tới giới trẻ – một thế hệ tương lai sẽ cho ra rất nhiều nội dung, ý tưởng thúc đẩy việc sản xuất nội dung ở Việt Nam đi lên.
Tôi tìm kiếm trên mạng, cụ thể là nền tảng Tik Tok. Có rất nhiều nội dung của bên Trung Quốc được reup lại. Một số có tư duy hơn hoặc những người học tiếng Trung sẽ dịch lại đoạn video rồi up lên các nền tảng mạng xã hội. Suy nghĩ như vậy cũng tốt thôi. Nhưng cái họ không ý thức được rằng những nội dung của họ khi được dịch rồi reup là những nội dung như thế nào? Có ảnh hưởng tới những người khác ra sao. Tất nhiên, họ sẽ nói:
“ Ai quan tâm bạn chứ! Tôi làm điều đó cho tôi, bạn không xem thì lướt xuống được cơ mà”.
Đúng vậy, ai thèm quan tâm chứ. Và thế là hàng loạt các series video tổng tài, chủ tịch giả nghèo, tình yêu của bên trung được reup lại tràn lan trên mọi nền tảng mạng xã hội từ Tik Tok, Youtube, Facebook đến cả Instagram.
Một số người sản xuất nội dung các tư duy hơn chút nữa họ sẽ đi biên kịch, viết lại nội dung dựa trên nội dung của các video bên Trung Quốc sau đó đem đi xào nấu, diễn lại y nguyên như vậy rồi up lên các nền tảng mạng xã hội.
Tổng quan là như vậy. Tuy nhiên, một vấn đề thì luôn có mặt lợi và mặt hại. Tôi sẽ nói về cái lợi trước, vì nó ít quá ( đây là suy nghĩ của riêng cá nhân tôi, bạn không đồng ý có thể để lại bình luận bên dưới).
Nói gì thì nói Trung Quốc cũng là nơi đi đầu của những nội dung ngắn, nên chúng ta những người đi sau luôn học hỏi được khá nhiều về cách họ tư duy làm nội dung. Cụ thể như:

Tiếp cận được xu hướng mới.

– Chúng ta có thể tiếp cận với nhiều nội dung mới, xu hướng bên Trung. Có rất nhiều KOLs người Việt Nam học được cách làm, cách tư duy sản xuất nội dung của bên họ như những video biến hình, video về trang phục truyền thống của các thời kỳ lịch sử, trang phục của các dân tộc này, những nội dung về thời trang theo style với những hiệu ứng video mới lạ.

Học được nhiều kỹ thuật edit, tư duy edit mới.

– Nói đến video, thì phải nói đến những cách edit mới lạ của bên xứ Trung cho chúng ta được mở mang tầm hiểu biết, học được rất nhiều. Trên Youtube có rất nhiều editor người Việt hướng dẫn dạy mọi người làm sao edit với những hiệu ứng, chuyển cảnh mượt mà theo trend rất tỉ mỉ, công phu.
edit video giật giật các kiểu

edit video giật giật các kiểu
Nhưng nội dung ngắn tuy nhanh, dễ tiếp cận nhưng cũng có rất nhiều cái hại, đặc biệt là mấy nội dung reup chẳng đem lại một lợi ích gì cho thị trường sản xuất nội dung. Tôi có mấy cái gạch đầu dòng, nếu bạn đọc thấy còn thiếu xin bổ sung ở phần bình luận nhé.

Nội dung reup giảm khả năng sáng tạo của người Việt.

-Nội dung ngắn được sinh ra đã thay đổi hoàn toàn tư duy của những người viết kịch bản. Thời gian ngắn, chất xám bỏ ra cũng ít hơn. Đến người dùng phổ thông cũng có thể tạo ra kịch bản 15 đến 60 giây miễn sao có nhiều view. Vậy thì những nội dung reup lại sẽ như thế nào. Chúng chẳng mất thời gian đầu tư kịch bản, chỉ cần tải video về rồi up lên là được. Quá dễ dàng.
Những nội dung vô thưởng vô phạt, không đem lại lợi ích

Những nội dung vô thưởng vô phạt, không đem lại lợi ích
-Nhiều quá sẽ thành nội dung rác.Một trong những content được biên kịch và reup lại nhiều nhất trên các nền tảng mạng xã hội là: Chủ tịch giả nghèo và cái kết, tổng tài và nhân viên. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất nội dung của người Việt Nam. Nếu cứ bám theo motip, kịch bản bên Trung thì khả năng tư duy, viết kịch bản của người viết sẽ giảm đi rất nhiều thậm chí còn có thể mất đi luôn vì lười không muốn tư duy về nội dung mà chỉ hướng tới những thứ ăn liền đánh vào xu hướng. Hệ luỵ là có hàng trăm người sản xuất nội dung ăn theo dẫn đến cả một nền tảng ngập tràn những nội dung ăn theo, thiếu tính sáng tạo, chỉ để câu view.
phim đạo lý tràn lan

phim đạo lý tràn lan
-Tệ hơn nữa là có nhiều người dùng còn reup lại nội dung chỉ để bán hàng. Khiến người dùng mua hàng nhưng đến khi mua hàng lại tá hoá vì hàng không như trong video quảng cáo. Vô hình chung làm người dùng mất tin tưởng, nếu quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cả một nền tảng thương mại điện tử.
screenshot by me

screenshot by me

Ảnh hưởng đến giới trẻ.

-Giới trẻ ở Việt Nam có số lượng người dùng đông đảo. Việc tiêu thụ quá nhiều nội dung reup chưa được kiểm duyệt dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng. Có hàng tỷ video reup nội dung bên Trung được xuất hiện trên điện thoại của người Việt Nam mỗi ngày. Những nội dung có thể quá độ tuổi của người dùng như các bạn 13, 14 tuổi đã xem chủ đề về tình yêu, tổng tài, tình anh em xã hội đen. Khi tiêu thụ quá nhiều nội dung như vậy khi người trẻ có những nhận định chưa đúng đắn, đầy đủ về nội dung họ đang tiêu thụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhân sinh quan của họ. Điều này cũng một phần do sự kiểm soát của phụ huynh với các bạn trẻ.
– Làm tăng động giảm chú ý.Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn bao gồm suy giảm sự tập trung chú ý, hoạt động thái quá và hấp tấp, bốc đồng. Khi tiêu thụ quá nhiều nội dung ngắn(không chỉ content TQ). Người dùng dù lớn tuổi hay trẻ tuổi khát nội dung và muốn xem tiếp. Một cách làm nội dung tiếp cận người dùng bằng những tình huống bất ngờ làm tăng dopamine sau đó lại dừng video ở chỗ kịch tính khiến người xem muốn xem nữa. Cách tiếp cận này đã có từ rất lâu ở trên những phim truyền hình dài tập. Nhưng với video ngắn bạn không cần phải đợi lịch chiếu để có thể xem. Họ chỉ cần chia nhỏ nội dung dài đã quay ra làm nhiều phần rồi để video kết thúc ở những phân đoạn kịch tính sẽ làm người xem khó chịu và muốn xem nhiều hơn nữa.
-Thật dễ dàng để có thể tóm tắt những gì đang xảy ra trên mạng xã hội, mọi người sẽ dần xao nhãng những mục tiêu thực của cuộc sống. Thay vì cố gắng để hiện thực hóa ước mơ bằng cách trở thành một người thực sự tài năng, giỏi giang thì giới trẻ có xu hướng phấn đấu trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội.
-Trẻ con quá nhỏ đã được phụ huynh cho xem điện thoại với những nội dung ngắn. Nhiều bậc phụ huynh vì muốn dỗ con hay muốn cho bé ăn, có thể dễ dàng trông trẻ mà không bị quá tầm mắt khi có làm việc nhà, hay để các bạn nhỏ không hờn dỗi đã cho các bạn nhỏ từ 4 – 5 tuổi trở lên tiếp xúc với điện thoại để xem Tik Tok, Youtube Short,.. Trẻ con học rất nhanh dẫn đến hệ luỵ trẻ có thể bị trầm cảm

Nội dung dài bị thu ngắn lại.

-Có thể bạn cũng đã thấy hoặc bắt gặp hàng ngày những đoạn nhạc kịch tính kèm theo giọng đọc của chị google đang tóm tắt một tập phim, bộ truyện nào đó rồi phải không? Ngay cả tôi cũng có lúc cuốn vào những video như vậy. Người dùng tìm đến những nội dung tóm tắt như này đa phần là những người khát thông tin. Họ đã xem một phần phim, truyện nào đó nhưng do khả năng thiếu tập trung và bị xao nhãng nên họ cần một thông tin nhanh gọn, có kết quả cuối cùng để thỏa mãn sự tò mò. Cái hay của phim, truyện là những phân cảnh, tình tiết,câu thoại nhưng những nội dung ngắn tóm tắt lại nội dung như vậy đã cướp đi khá nhiều người tiêu dùng các sản phẩm liên quan đến phim ảnh, truyện. Vì họ đã biết được nội dung không cần phải tìm hiểu nữa.
bật nhạc là biết ngay đang xem gì luôn

bật nhạc là biết ngay đang xem gì luôn
-Ngay cả những bài post trên mạng dù hay dở nếu quá dài chúng ta sẽ bắt gặp những comment như : dài quá ai tóm tắt hộ tác giả đang nói gì được không?”.
Vậy làm sao để giảm bớt những nội dung Tàu reup nói riêng và nội dung ngắn nói chung như vậy?
Mọi vấn đề xảy ra đều cần những người tiên phong giải quyết. Những vấn đề này quá lớn, có hàng trăm triệu người dùng Việt trên các nền tảng mạng xã hội. Người dùng và người sản xuất nội dung đều cần có ý thức hơn trên môi trường không gian mạng.
Nội dung ngắn dễ tiếp cận, dễ học nhưng lại không chuyên sâu. Không có giá trị bền vững.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian ra đọc bài viết này. Đây là bài viết đâu tiên của tôi, nên khả năng diễn đạt còn kém. Bạn đọc có thể góp ý dưới phần bình luận bên dưới.