Người nuôi ong thành Aleppo: Nỗi đau chiến tranh, sự mất mát, tình yêu và một tương lai mới
Tháng bảy 1, 2024
Hãy thử tưởng tượng, bạn sống ở một đất nước loạn lạc, với tiếng súng bắn đạn nã khắp nơi, bạn mất con trai ngay trước mắt trong một chiều hè đầy nắng vì bom nổ, những người thân thuộc đã rời đi, hằng ngày bạn chứng kiến các toán lính đe doạ, giết chóc người dân vô tội, vợ bạn mất thị lực do cú sốc mất con, bạn phải trốn chạy, vượt biên nửa vòng Trái Đất với cái chết rình rập mà không biết mình có thực sự đến được nơi mình muốn. Nếu bạn rơi vào hoàn cảnh ấy, bạn có can đảm để sống tiếp cuộc đời đó không? Nuri – người nuôi ong thành Aleppo, người “sở hữu” cuộc đời đầy mất mát và khổ đau ấy đã không từ bỏ.
Cuốn tiểu thuyết của tác giả Christy Lefteri cho chúng ta thấy, khi chiến tranh xảy đến, nỗi đau, sự mất mát có thể “ăn mòn” tinh thần và “đóng băng” tình yêu, nhưng bằng sự cố gắng và niềm tin mãnh liệt, chúng ta có thể chiến thắng và một tương lai mới vẫn luôn chờ ta ở phía cuối con đường.
Nỗi đau chiến tranh và một câu chuyện tị nạn ngập tràn đau thương, đầy rẫy mất mát
“Người nuôi ong thành Aleppo” là cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên những trải nghiệm của tác giả Christy Lefteri khi làm tình nguyện viên cho các trung tâm tiếp nhận người tị nạn vào hai năm 2016 và 2017 tại Athens. Cuốn tiểu thuyết xoay quanh hành trình tị nạn đầy nguy hiểm của cặp vợ chồng trẻ Nuri và Afra Ibrahim khi họ trốn khỏi Aleppo và di chuyển đến Anh.
Được kể theo ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của Nuri với các chương đan xen giữa hiện thực và quá khứ, Christy Lefteri đã cho thấy tài năng của mình trong việc làm “sống dậy” trước mắt người đọc một thành Aleppo duyên dáng, đẹp đẽ, yên bình trước chiến tranh, để rồi sau đó bị cuộc chiến làm cho lụi bại, đồng thời cô cũng khắc họa một cách rõ nét tình trạng tị nạn đầy khó khăn của người dân Syria – cơn ác mộng của sự đông đúc, hỗn loạn, thiếu an toàn đầy đe dọa.
Khác với những câu chuyện mô tả chung chung về người tị nạn như: hàng triệu người chạy trốn, nghèo đói và áp bức, sợ hãi và chết chóc,.. “Người nuôi ong thành Aleppo” đem đến người đọc cái nhìn sâu sắc về những thay đổi của cuộc sống và tinh thần của một cặp vợ chồng khi phải đối mặt với chiến tranh khốc liệt và buộc phải dứt áo rời khỏi quê hương mình từng yêu quý.
Là con gái của một gia đình đã từng di cư, Christy Lefteri miêu tả rất rõ những khốn khổ và hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Đây có lẽ cũng là phần khó đọc nhất đối với độc giả. Một trích đoạn trong cuốn sách có thể “giết chết” cả những con tim mạnh mẽ nhất:
“Anh đến gần hai gã có súng và chúng đang cá cược gì đó. Chúng định dùng thứ gì đấy làm mục tiêu tập bắn. Lúc chúng thống nhất với nhau xong anh mới nhận ra thứ đấy là một đứa bé tám tuổi đang chơi một mình bên vệ đường. Cái thằng nhận cược đã bắn vào đầu thằng bé. Mọi người chạy hết và con phố vắng tanh. Phát đạn ấy không gọn, thằng bé không chết ngay. Mẹ nó đang ở trong nhà, ngôi nhà ngay trên con phố đó và gào thét. Cô ấy muốn chạy đến bên nó nhưng thằng kia vẫn xả súng. Chúng hét “Mày không được lấy xác nó, mày không được lấy xác nó”.
Không chỉ phải chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh, hành trình di cư của Nuri và Afra cũng liên tiếp phải đối mặt với những đau khổ, nỗi sợ và cả sự thiếu an toàn. Đó có thể là sự áp bức của những tên lính, sự bạc nhược của bọn buôn lậu, thái độ thờ ơ của các nhân viên hỗ trợ nhập cư và thậm chí là sự gian trá của những người di cư khác.
Đối mặt với những khó khăn ấy cộng thêm những đau buồn trong quá khứ, về hình ảnh quê hương đổ nát, người dân vô tội bị sát hại, cái chết của cậu con trai nhỏ, bạo lực và vi phạm nhân quyền ở các trại tị nạn được bao bọc trong dây thép gai, tên buôn lậu cưỡng hiếp vợ mình,… Nuri đã quyết phải đi bằng được, phải đến được vùng đất an toàn, tự do, bởi anh biết, nếu không làm vậy, anh có thể mất tất cả, thêm một lần nữa. Có một khoảnh khắc, ở Anh, khi Nuri liếc nhìn vợ mình, một nghệ sĩ bị mù sau khi chứng kiến con trai chết, và nghĩ:
“Có một biểu cảm trên khuôn mặt cô ấy mà tôi đã nhận ra từ nhiều năm trước, và nó khiến nỗi buồn của tôi như có gì đó sờ thấy được, giống như nhịp đập, nhưng nó cũng khiến tôi sợ hãi, sợ số phận và cơ hội, sợ tổn thương và tổn hại, sợ sự ngẫu nhiên của nỗi đau. , cuộc sống có thể lấy đi mọi thứ của bạn cùng một lúc như thế nào.”
Cuộc sống thật sự rất khắc nghiệt và đôi khi, mọi đau khổ diễn ra bất ngờ buộc bạn phải đứng lên đấu tranh để không mất tất cả. Bằng cách sử dụng một ngôn ngữ đơn giản nhưng sâu sắc, Christy Lefteri đã khiến một cốt truyện đau lòng trở nên đẹp đẽ đầy ám ảnh.
Hy vọng về một cuộc đời mới có thể tìm lại sau đống đổ nát và những tổn thương?
Hành trình rời bỏ quê hương đổ nát đầy rẫy những thương tổn để tới một vùng đất mới hoàn toàn không dễ dàng. Thế nhưng trong hành trình gian khó đó, họ chấp nhận biến nỗi đau thành động lực, để bước đi và để hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Nuri và Afra chứng kiến cái chết của Sami – đứa con trai đầu lòng của họ, tất cả những xúc cảm của hai vợ chồng dường như đã tan vỡ. Afra lạc lối trong bóng tối còn Nuri thì bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Cuộc chiến cá nhân của Nuri với chính tâm trí anh là một cuộc chiến đặc biệt. Người đọc sẽ thấy anh ở những thời điểm tồi tệ, nhưng đó cũng chính là lúc họ cảm thông với anh, với số phận đời anh. Hy vọng là sợi dây mà Nuri đánh mất, nhặt lại được rồi lại đánh mất. Nhưng cho dù hiện tại của họ có ảm đạm đến đâu, niềm hy vọng vẫn xuất hiện khi họ cần nó nhất – trong những giấc mơ, trong những ảo ảnh, trong email, trên một con ong bị thương, trên bầu trời xanh, trong ký ức. Không phải tất cả ký ức đều là bóng tối, một số tràn ngập ánh sáng.
Dù tình yêu của Afra và Nuri gặp nhiều thách thức trong suốt cuộc hành trình, song cuối cùng, chính nó đã giúp họ “nhìn” thấy nhau, tha thứ cho nhau. Câu chuyện tình của Nuri và Afra có thể coi là trọng tâm của cuốn sách và Lefteri đã thực sự thành công trong việc khắc họa nó một cách khéo léo và lộng lẫy giống như cách cô tạo ra cảnh chiến tranh tàn khốc nhất. Sau cùng, mọi thứ có thể mất đi nhưng tình yêu sẽ mãi còn và nó có thể giúp ta tìm ra hy vọng về một tương lai tốt hơn.
Cuối cùng, giống như chú ong nhỏ mất cánh Nuri thấy trong vườn. Nó phải đối mặt với việc không bay được, sống trong điều kiện không phù hợp, nhưng nó vẫn sống, vẫn cố gắng từng ngày. Nuri và Afra đến được nơi họ cần đến dù đó không phải quê hương thân yêu của họ, nhưng bằng cách khép lại nỗi đau, chia sẻ nó với những người còn lại, họ sẽ tiếp tục cuộc sống của mình cũng như sống cho phần đời của Sami – con trai yêu quý của họ.
Cảm động, mạnh mẽ, ám ảnh và đau lòng, “Người nuôi ong thành Aleppo” là minh chứng cho sự chiến thắng của tinh thần con người trong nghịch cảnh, nhắc chúng ta về sự trân quý mọi điều tồn tại xung quanh. Đồng thời nó cũng truyền cho người đọc động lực sống, để thêm yêu, thêm mến sự may mắn khi được tự do trong thời bình và quý trọng những người thân luôn ở cạnh ta.
Anh chị cần mua bàn ghế ăn gia đình thì tham khảo trang này bên em với nhé này ạ. Xin cảm ơn.