Người phụ nữ có ‘trái tim hồng’
Người phụ nữ có ‘trái tim hồng’
Đó là câu chuyện của nữ giám đốc Đinh Thị Quỳnh Nga (sinh năm 1977) tại Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (xã Hồng Kỳ, H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) suốt 9 năm nay.
Hàng chục lần mang hồ sơ đi xin việc chỉ nhận được cái lắc đầu
Người phụ nữ tất bật nhưng lúc nào cũng cười tươi hết cỡ, để lộ hàm răng trắng muốt là ấn tượng đầu tiên của tôi với chị Quỳnh Nga. Không bao giờ bằng lòng với số phận, chị luôn tìm cách vươn lên và cho dù đã vươn lên có cuộc sống không khác gì người bình thường thì chị lại muốn vượt lên thật cao nữa, để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Chị thật xinh đẹp! Xét về dạng khuyết tật thì chị Nga chỉ bị khuyết tật nhẹ về thể xác nhưng ở góc độ tinh thần, khiếm khuyết đó đã ngăn cản chị hòa nhập, tự tin. Đôi khi chị lủi thủi một mình, chẳng dám mặc váy, chẳng dám bước đi một cách tự nhiên trước đám đông.
Trong căn nhà chung của HTX, tình người có lẽ là thứ ấm áp nhất khi chẳng bao giờ có sự phân biệt, mọi người đều coi nhau như anh chị em trong gia đình với người chị cả Quỳnh Nga. Chị Nga kể hồi 6 tháng tuổi, chị chẳng may bị ngã. Bố mẹ đưa chị tới bệnh viện nhưng vô tình bác sĩ tiêm vào dây cơ nên chị bị teo mất chân trái. Đến giai đoạn phát triển, chân trái bị ngắn hơn chân phải 3 cm khiến bước đi của chị không đều. “Mỗi lần bước đi tôi thường bị người đời chế giễu: “Long lanh như bát nước chè, đẹp thì có đẹp nhưng què một chân” khiến tôi rất mặc cảm”, chị Nga nghẹn ngào cho biết.
Tuy thiệt thòi là vậy nhưng vốn sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, chị Nga vẫn biết phụ giúp bố mẹ bán hàng, chăm sóc em út. Khi học xong phổ thông, chị thi vào ngành âm nhạc nhưng do trường xét thêm hình thể nên chị ngậm ngùi rút lui. Năm sau, chị rẽ hướng sang mỹ thuật và đã trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Sự khó cứ bủa vây những thân phận thiệt thòi. Ra trường dẫu với tấm bằng giỏi, chị Nga không tài nào xin được việc. Mỗi lần đi phỏng vấn chị mang theo bao hy vọng thì khi ra về ngần ấy thất vọng lại bám lấy chị. Chị đã cố đi thật thẳng trước mặt nhà tuyển dụng để họ không phát hiện ra tật chân nhưng không được. Họ đều nhận thấy điều bất thường trong dáng đi của chị, vậy là mấy năm trời, bao bộ hồ sơ xin việc cũng đã nhàu nhĩ theo nếp gấp của thời gian.
Khát khao được cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, chị viết tâm thư gửi Phòng Giáo dục H.Sóc Sơn, trình bày hết tâm tư và nguyện vọng được về Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ khuyết tật Sóc Sơn làm việc. Bức thư đã chạm đến trái tim của nhà quản lý và chị được chấp nhận dự thi. Chị xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển và có số điểm cao thứ 5 toàn huyện. Một chương mới trong cuộc đời mở ra với người phụ nữ tràn đầy nghị lực Đinh Thị Quỳnh Nga.
Thương người như thể thương thân
Nếu như yên phận thủ thường, chị Nga đã không tính đến chuyện thành lập HTX. Ngược lại, chị chọn khó khăn, thử thách để đem đến hạnh phúc cho người cùng cảnh ngộ. Chị hiểu rằng để giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, không gì khác bằng việc trao cho họ chiếc cần câu cơm, một công việc phù hợp với năng lực của họ.
Nghĩ là làm, năm 2015 chị vận động một số anh chị em khuyết tật thành lập HTX Trái tim hồng. HTX hoạt động với 6 ngành nghề sản xuất kinh doanh gồm các nghề thủ công như đan xâu đệm lót ghế văn phòng, gối mỹ nghệ, hoa cưới, các loại vòng đeo tay, khoác ghế ô tô… Đúng một năm sau, HTX được Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội công nhận là “Cơ sở sản xuất của người khuyết tật”.
HTX ra đời trong bối cảnh muôn vàn khó khăn khi vốn liếng không có nhiều, niềm tin của khách hàng về sản phẩm của người khuyết tật chưa cao. Ngay đến trụ sở làm việc cũng là trên đất nhà của chị, còn việc đào tạo nghề cho người khuyết tật phải thật sự kiên trì, vừa dạy vừa dỗ. Chị Nga lặn lội đến từng nhà thuyết phục chị em khuyết tật đến học nghề vì hầu hết chị em đều rất rụt rè, thiếu tự tin với bản thân khiếm khuyết.
Cô Đào Thị Nhật, thành viên của HTX, chia sẻ: “Tôi bị liệt hai chân, chủ yếu đi lại bằng nạng tay. Từ khi đến với HTX, tôi có công việc ổn định, có thu nhập trang trải sinh hoạt và tư tưởng rất thoải mái, vui vẻ. Chị Nga là tấm gương sức sống mãnh liệt ở đây để chị em phấn đấu, chị luôn tạo không khí làm việc vui vẻ, ấm áp khiến ai cũng muốn gắn bó lâu dài”.
Tất cả học viên đến với chị Nga đều được miễn phí dạy nghề và lo toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt. Tính đến nay đã có hơn 100 bạn ra nghề, một số bạn trở thành bạn đời của nhau và bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng.
Ngoài ra, chị Nga còn hướng đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Khi thấy lượng lớn mùn cưa thải ra từ việc chế tạo hạt gỗ, chị Nga đã nảy ý tưởng sản xuất than sạch không khói từ mùn cưa, tiến đến không dùng than tổ ong. Và ý tưởng đã thành hiện thực khi đến nay, HTX đang sản xuất than sạch nướng BBQ rất hiệu quả. Rồi, chị đi thu thập vải vụn thừa để may thành những chiếc áo dài và trang trí mỹ thuật độc đáo…
Chị Nga cho biết hiện HTX có 38 lao động làm việc trực tiếp và hơn 40 lao động làm việc tại nhà. HTX có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của TP.Hà Nội và doanh thu khoảng 1 tỉ đồng/năm. Mức thu nhập của người lao động dao động từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Truyền lửa tự tin cho chị em phụ nữ
“Ngày xưa đi học chủ yếu phải đi bộ, khi tôi nhìn thấy những đám đông ngồi bên đường thì tôi không dám bước chân đi. Tôi phải đợi người ta đi khuất hoặc tìm đường khác vì rất sợ bị chế giễu”, chị Nga kể. Thấu hiểu sự mặc cảm, chị Nga luôn động viên chị em phụ nữ khuyết tật tự tin thể hiện bản thân, chăm chút làm đẹp, diện tà áo dài và sải bước thướt tha trong những ngày lễ đặc biệt.
Chị Phạm Thị Lương bị liệt cả hai chân từng là thành viên của HTX Trái tim hồng, nay đã trở thành bà chủ của một cửa hàng thực phẩm sạch tại Sóc Sơn, chia sẻ: “Trước đây làm với bạn Nga, một thời gian thì mình về nhà. Nga hỏi, chị về nhà làm gì thì tôi loay hoay cũng chưa biết làm gì. Nga định hướng cho tôi mở cửa hàng bán hoa quả. Tôi sợ thua lỗ không bán được nhưng Nga đã động viên và hỗ trợ rất nhiều. Trước tiên, Nga sẽ kêu gọi bạn bè, người thân mua ủng hộ. Điều mình nhận được lớn nhất từ Nga chính là sự tự tin, thoát ra khỏi vỏ bọc nhút nhát”.
Gần đây, chị Nga mở thêm tiệm photocopy tạo thêm sinh kế cho người khuyết tật. Chị bảo mỗi người có khiếm khuyết khác nhau và phù hợp với mỗi công việc cụ thể, điều cốt yếu là tìm được công việc phù hợp với họ. Và, chị cứ cố gắng như thế hằng ngày để mỗi người khuyết tật tìm đến chị là tìm đến tình yêu thương, sự sẻ chia và hạnh phúc.
Bạn đang đọc Người phụ nữ có ‘trái tim hồng’ tại website hungday.com