Người thu nhập thấp vẫn khó vay tiền mua nhà ở xã hội
Người thu nhập thấp vẫn khó vay tiền mua nhà ở xã hội
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong bối cảnh hậu Covid-19, người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân nên không thể đi vay để sở hữu nhà.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay nhà ở xã hội
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn |
Sáng 11-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết các giải pháp của NHNN để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết của Chính phủ.
Trả lời nội dung này, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chương trình một triệu căn hộ nhà xã hội là chủ trương lớn, nhân văn, giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp, cần rất nhiều nguồn vốn như ngân sách Nhà nước.
Trong đó, NHNN cũng báo cáo Chính phủ về việc các ngân hàng thương mại tự nguyện đưa ra gói 120.000 tỷ đồng, đến nay đã lên đến 145.000 tỷ đồng. Vốn do các ngân hàng huy động từ người dân, lãi suất giảm 1,5-2% so với mức thông thường trong 3 năm với người có thu nhập thấp và 5 năm với chủ đầu tư.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Tuy nhiên, giải ngân vốn thấp, do địa phương phải công bố các dự án đủ điều kiện tham gia chương trình, việc cho vay thông thường nên khách vay vẫn phải bảo đảm đủ điều kiện. “Trong bối cảnh hậu Covid-19, người bình thường đã rất khó khăn, huống chi người có thu nhập thấp và công nhân. Nên họ không thể đi vay để sở hữu nhà”, bà Nguyễn Thị Hồng giải thích.
Thống đốc NHNN cho biết, đây là giai đoạn đầu triển khai, chưa tăng giải ngân được, khi kinh tế bớt khó khăn sẽ tăng giải ngân. Vì thế, Bộ Xây dựng và địa phương cần đánh giá xem nhu cầu sở hữu và thuê nhà ở của người thu nhập thấp để có giải pháp phù hợp.
Nêu câu hỏi với Thống đốc, đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản Việt Nam chiếm khoảng 20%, trong khi Trung Quốc có thời điểm cao hơn 30%. “Như vậy, còn dư địa cho vay bất động sản hay không và quan điểm của Thống đốc thế nào?”, ông Đỗ Huy Khánh hỏi.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc các ngân hàng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của họ, dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động. Với mỗi người dân huy động từ người dân cho vay với kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được vốn dài hạn nhưng có ngân hàng chỉ huy động được vốn ngắn hạn, vì vậy nếu cho vay trung và dài hạn thì họ phải cân đối.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam tiền gửi huy động đến 80% là vốn ngắn hạn, nên khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để bảo đảm khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.
“NHNN không có quy định cấm không cho vay bất động sản”, bà Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thực trạng thị trường bất động sản đang mất cân đối cung – cầu về các phân khúc, nhất là đối với phân khúc người thu nhập thấp chưa được phát triển mạnh mẽ. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành Nghị quyết số 33 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư bất động sản.
Theo đó, NHNN đã tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn không trả được nợ. NHNN đã ban hành các thông tư để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp cận nguồn vốn vay mới. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm và miễn lãi các dự án, trong đó có các dự án bất động sản.
Liên quan đến nguồn lực đối với nhà ở cho người thu nhập thấp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định lại, nguồn lực chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. NHNN đã đề xuất gói 120 nghìn tỷ đồng và NHNN sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới.
Đối với những đối tượng thuộc nhóm cho vay hỗ trợ nhà ở, đất ở của các chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã chủ trì tham mưu ban hành các nghị định liên quan và khi được bố trí nguồn thì các giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai thực hiện Chương trình.
Hoạt động tín dụng gắn với phát triển kinh tế xanh
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Đặt vấn đề chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu như bão lũ, thiên tai… nên đòi hỏi hoạt động tín dụng của ngân hàng phải gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc thực hiện các hoạt động tín dụng về nội dung này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng có giải pháp gì để chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ này?
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 11-11. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời nội dung này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vừa qua, tình hình bão lũ thiên tai đặt ra yêu cầu cho các cơ quan, bộ ngành phải tập trung rà soát những giải pháp của ngành để ứng phó hiệu quả. Ngành ngân hàng có nhiều giải pháp với vấn đề này, đặc biệt là quan tâm triển khai tín dụng xanh. Trong đó, NHNN đã ban hành các kế hoạch để triển khai và đạt được các kết quả cụ thể.
Về đánh giá rủi ro đối với môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, khó khăn hiện nay là chưa có danh mục phân loại xanh. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục phân loại xanh thì ngành ngân hàng sẽ quyết liệt chỉ đạo để khi các tổ chức tín dụng cấp tín dụng, cho vay thì đánh giá rủi ro để nâng cao dư nợ tín dụng, giúp việc cấp tín dụng gắn với đánh giá tác động môi trường.