Người trẻ và những lo toan tiền bạc (#3 – Kết)
Tháng mười 16, 2024
Lời tựa:
Trong Z-lab, một trang nghiên cứu giới trẻ của Kênh 14, có 1 dòng khiến mình rất chú ý, đó là:
Gen Z bước vào thế giới việc làm với tư duy bất an về tài chính
Cái này làm mình cảm thấy khá tò mò, không biết thực trạng hiện nay đã đến mức độ như thế nào, đâu là những nguyên nhân cốt lõi, và có chăng một vài biện pháp thiết thực để có thể cải thiện tình hình. Vậy nên series 3 phần này sẽ tập trung vào những nội dung chính ấy.
Rất mong bạn sẽ ủng hộ, cho ý kiến và tiếp tục theo dõi series nhé!
PHẦN 3: NHỮNG BIỆN PHÁP KHẢ THI
Hầu như tất cả mọi người đều có một chút gì đó không thoải mái, và thậm chí có cái nhìn khinh khi với những kẻ quá tôn thờ đồng tiền, vì đồng tiền mà quỳ lạy, hay đạp trên tất cả mọi thứ khác trong cuộc sống.
Nhưng chúng ta quên mất rằng việc tôn thờ một thứ có quyền năng như đồng tiền thực ra là một điều hoàn toàn tự nhiên, và thậm chí là không thể tránh khỏi – vì tiền bạc có thể chuyển hóa thành gần như bất cứ thứ gì mà ta có nhu cầu, trong những hoàn cảnh cụ thể.
Mọi thứ khác đều chỉ có thể giải quyết một nhu cầu, hay mong muốn nhất định:
– như đồ ăn khi đói;
– rượu hay những chất kích thích khi cảm thấy nhàm chán, buồn rầu;
– thuốc thang khi đau ốm;
– áo lông khi gió lạnh về;
– tình yêu với tuổi trẻ, vv.
Những thứ đó đều mang tính tương đối (vì chúng chỉ có tác dụng khi nhu cầu xuất hiện).
Chỉ có tiền là thứ gần như có quyền lực tuyệt đối, vì nó không chỉ đem lại sự thỏa mãn những nhu cầu cụ thể, mà còn mang lại một tâm lý yên tâm cho người sở hữu trước những thứ không chắc chắn trong tương lai, trong cuộc sống.”
—
– trích tiểu luận “Wisdom of life” – Arthur Schopenhauer
Như câu quote trên đây của Schopenhauer, có lẽ giá trị lớn nhất của tiền bạc không nằm ở khả năng trao đổi của nó, mà nằm ở việc nó khiến ta bình tâm trước những biến động của thời cuộc trong tương lai – trong số đó rất nhiều biến động ta thậm chí khó có thể lường trước.
Như trong bài nhạc này chẳng hạn.
Mong ước đi du lịch thế giới của Ellie khiến 2 vợ chồng có mục tiêu hướng tới để tiết kiệm, và chính số tiền tiết kiệm đã khiến họ có thể bình thản và nhẹ nhàng vượt qua những hoạn nạn không thể lường trước: hỏng xe, Carl bị gãy chân, và cả việc gió bão khiến cây đổ sập nhà (nhắc cái này tự dưng nhớ bão số 3. Và mọi người chắc cũng hiểu thiên nhiên bây giờ đáng sợ thế nào rồi đúng không?).
Vậy thì, cũng tương tự như thế, việc có một khoản tiết kiệm kha khá sẽ khiến bạn vững tâm hơn rất nhiều để đối mặt với mọi thứ.
– Khi không có tiền, bất cứ vấn đề gì cũng có thể khiến bạn hoang mang lo lắng.
– Nhưng khi có 50 triệu, thì việc bị phạt giao thông, hay làm sai điều gì, phải bồi thường hàng hóa, sẽ không còn quá khó khăn để xử lý. Điều quan trọng là bạn sẽ không phải nghĩ xem phải vay ai, hay lấy từ khoản nào khác để bù vào, khiến mọi thứ cứ rối tung lên trong lo lắng bất an.
– Đến khi có vài trăm triệu, thì tâm lý tự nhiên nó khác, làm việc như mình muốn làm, chẳng lo bị sếp chửi. Sếp chửi đúng thì thôi, chửi sai hay dốt quá thì bố mày/bà mày nghỉ luôn việc cho biết. Có tiền đủ để cover 1 2 năm chi phí sống, chẳng lẽ còn phải lo không kiếm được việc mới hay sao.
– Và khi có vài tỷ, thì bạn sẽ có thể làm hơn thế – chọn lấy công việc mà mình muốn làm, hay thử thách cam go mình muốn thử sức bản thân.
Nhưng, cái khó lớn nhất của việc tiết kiệm và để tiền có thể đẻ thêm tiền, chính là bước đầu tiên: bạn phải thực sự hiểu bản thân mình.
Và đó là điều mà tư bản và chủ nghĩa tiêu dùng lo sợ nhất!
Vì khi bạn hiểu được bản thân,
biết rằng thời điểm nào trong ngày mình thường đưa ra quyết định không sáng suốt, tiêu xài vô độ;
hay cái gì thường sẽ đánh vào tâm lý mình, khiến mình chú ý, và không thể suy xét chín chắn;
thì việc quản lý và kiểm soát tài chính cá nhân sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
*******************
Vậy thì, những biện pháp cụ thể bạn nên làm là gì?
1. NHẬT KÝ CHI TIÊU
Hãy ghi một nhật ký chi tiêu rõ ràng và đầy đủ nhất có thể, bao gồm cả giờ giấc quyết định order, lý do order hàng (vì đọc bài báo, vì cảm thấy lo lắng abc xyz, vv.)
Từ đó sau mỗi tuần, mỗi tháng, đánh giá lại những thứ chi tiêu cần thiết và không quá cần thiết, có thể giảm bớt. Cũng như hiểu được thói quen chi tiêu của mình.
Sau đấy, nếu cảm thấy vẫn quá khó khăn để có thể kiểm soát hành vi tiêu dùng, thì hãy nhờ đến những công nghệ, như chặn các website mua hàng vào những khung giờ nhất định (khi bạn cảm thấy mệt mỏi, dễ bị chi phối cảm xúc dẫn đến click đặt hàng hàng loạt) vv.
2. TÂM TĨNH LẶNG GIỮA ĐỜI VẠN BIẾN
Biện pháp thứ 2 nhắm đến việc bình ổn tâm lý trước những biến động của thời cuộc
Nó bao gồm 3 thứ nho nhỏ bạn có thể làm.
2.1. là cố gắng nhanh chóng gia tăng khoản tiết kiệm, dù có phải thắt lưng buộc bụng một chút. Như đã viết, nếu bạn có mấy trăm triệu, ít nhất bạn biết kể cả nền kinh tế có biến động đến đâu, bị mất việc đau khổ thế nào, thì bạn sẽ vẫn có thể cầm cự được trong 1 2 năm. Thời gian đó đủ để mọi thứ thay đổi, nền kinh tế có thể sẽ khá hơn, hoặc bạn có đủ thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng, đủ để tìm được một công việc mới phù hợp cho mình.
2.2. là hãy thực hành bài tập sống đơn giản hết mức có thể. Đây là bài tập Khắc Kỷ mà Seneca nhắc đến trong các bức thư của ông, và được những người như Tim Ferriss thực hiện thường xuyên:
Dành ra một vài tuần trong năm để sống cần kiệm hết mức có thể – sống chỉ với những nhu yếu phẩm quan trọng nhất.
Từ đó bạn sẽ hiểu mình vẫn có thể sống tốt chỉ với một số tiền rất nhỏ.
Tin mình đi, khi đã thực sự trải nghiệm và hiểu được điều đó rồi, tiền bạc sẽ khó có thể khiến bạn trở nên quá hoang mang lo sợ nữa.
2.3. là viết. Hãy dành thời gian và viết ra những biến động lớn có thể xảy ra trong tương lai, và cách mà bạn sẽ đối phó với nó. Một lần nữa, như Seneca đã viết trong thư, mỗi biến động đều sẽ trở nên khó kiểm soát hơn rất nhiều nếu nó khiến bạn bất ngờ. Vậy nên hãy cứ viết ra, để chắc chắn rằng mình có một kế hoạch cho những thứ biến động về kinh tế ấy.
Có lẽ bạn sẽ thấy cái này quen quen, đúng không? Đúng rồi đấy, thực ra đây chính là bài tập “Tưởng tượng tiêu cực” của Khắc Kỷ, nhưng được áp dụng trong một lĩnh vực cụ thể: tài chính cá nhân.
3. LỰA CHỌN & XÂY DỰNG CỘNG ĐỒNG XUNG QUANH MÌNH
Biện pháp thứ ba sẽ giúp bạn đối phó với nỗi sợ FOMO và không để những xu hướng khoe khoang trên MXH ảnh hưởng đến việc chi tiêu và thái độ với tiền bạc của bạn
Đó là hãy xây dựng cho mình một cộng đồng xung quanh thật vững chắc – những người có cùng đam mê, sở thích với bạn.
Vì cộng đồng sẽ giúp bạn được 2 điều:
_ Củng cố niềm tin cho bạn, hướng đến tiếp tục theo đuổi sở thích đam mê một cách lành mạnh, đồng thời khiến bạn có ít thời gian hơn để chú ý đến những so sánh vật chất trên mạng.
_ Và hai là, khi ở trong những cộng đồng như thế, bạn sẽ hiểu cái gì mới thực sự giá trị.
Ví dụ, cứ mỗi lần đến với cái CLB sách nho nhỏ ở London của mình, gặp mấy ông bác già, nhìn vừa minh mẫn vừa phúc hậu, quần áo thì giản dị, mà nói năng uyên bác, uyển chuyển, phân tích về sách hay thôi rồi, là mình lại có thêm chút niềm tin vào con đường mình đã chọn – tập trung vào tâm trí, thay vì trau chuốt chỉnh chang vẻ bề ngoài.
4. TÌM HIỂU VỀ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN VÀ LÀM CHỦ TIỀN BẠC
Khi đã làm được những điều trên, bạn sẽ thấy tâm lý với tiền bạc của mình khác lắm.
Và khi đấy, có lẽ bạn sẽ bình tâm và kiên nhẫn hơn trong việc học cách làm giàu.
3 nguồn chính mà mình hay recommend cho mọi người:
a. Sách “Tâm lý học về tiền” – Morgan Housel
b. Sách “Your money or your life” – Joe Dominguez, Vicki Robin
c. Podcast “How to get rich” – Naval Ravikant trên Youtube
KẾT: Hy vọng series đã giúp bạn hiểu hơn về vấn đề, từ thực trạng, đến những nguyên nhân và các biện pháp khả thi để kiểm soát và cải thiện tình hình.
Mọi người muốn mình viết thêm về phần nào có thể đề xuất ở comment nhé.
Thanks for reading!
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai)
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782
Ngân hàng: Vietbank
Chủ TK: Lương Minh Hoàng