Nhà đầu tư trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường ra sao?

Tháng tám 5, 2024

Nhà đầu tư trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường ra sao?

Chiều 5.8, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt cựu Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) Trịnh Văn Quyết 21 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Bản án xác định, ông Quyết đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) để niêm yết 430 triệu cổ phiếu, từ đó chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của hơn 25.000 nhà đầu tư.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cùng một số bị cáo còn thực hiện thao túng 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 700 tỉ đồng.

Nhà đầu tư trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường ra sao?- Ảnh 1.

Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm

PHÚC BÌNH

Bồi thường phần giá trị cổ phiếu nâng khống

Theo hội đồng xét xử, do không biết cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, 25.000 nhà đầu tư đã bỏ tiền mua, vì thế họ được xác định là bị hại.

Về nguyên tắc, các bị cáo sẽ phải bồi thường số tiền ban đầu mà nhà đầu tư bỏ ra mua cổ phiếu bị nâng khống. Nhưng thực tế cho thấy, có nhà đầu tư mua nhiều lần, khối lượng bị trộn lẫn giữa các lần; có người mua và đã bán hết, hoặc có người không biết bị lừa đảo nên không yêu cầu bồi thường.

Tại thời điểm các bị cáo bán cổ phiếu nâng khống, có nhà đầu tư mua giá cao, nhưng cũng có người mua giá thấp. Việc giao dịch kéo dài trong nhiều năm, đến nay không xác định được chính xác việc mua bán cho từng lần khớp lệnh.

Chưa kể, việc mua bán cổ phiếu được xác lập từ hàng triệu tài khoản trên thị trường chứng khoán, không thể xác định nhà đầu tư đã mua bán cổ phiếu với ai, ở thời điểm nào.

Đồng thời, ngoài giá trị gốc niêm yết, giá của cổ phiếu còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và tâm lý nhà đầu tư, cùng các yếu tố chủ quan và khách quan khác…

Từng những căn cứ trên, để đảm bảo công bằng, hội đồng xét xử buộc các bị cáo bồi thường cho các nhà đầu tư dựa trên số tiền đã nâng khống của mỗi cổ phiếu đã bán ra thị trường nhân với số cổ phiếu họ còn nắm giữ.

Theo tính toán của hội đồng xét xử, tại thời điểm phát hành 430 triệu cổ phiếu ROS, số tiền mỗi cổ phiếu (giá niêm yết 10.000 đồng) bị nâng khống hơn 7.200 đồng.

Sau khi phát hành 430 triệu cổ phiếu, Công ty Faros có thêm 2 lần nâng vốn với tổng số hơn 5.600 tỉ đồng, dưới hình thức phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức. Các lần tăng vốn này đều là hệ quả từ việc nâng vốn khống trước đó, nên các bị cáo cũng phải bồi thường cho cả những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở giai đoạn sau.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử xác định, 2 lần tăng vốn nêu trên không bị xác định là nâng khống, do đó số vốn thực của Công ty Faros tăng lên hơn 2.500 tỉ đồng, số vốn khống là hơn 3.100 tỉ đồng.

Chia theo mỗi cổ phiếu đã phát hành (10.000 đồng), hội đồng xét xử tính toán giá trị bị nâng khống là hơn 5.400 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường ra sao?- Ảnh 2.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án

PHÚC BÌNH

Liên đới bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng

Với phương pháp bồi thường như đã nêu, tòa buộc các bị cáo Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế liên đới bồi thường hơn 1.700 tỉ đồng đối với hành vi lừa đảo. Với hành vi thao túng chứng khoán, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng phải liên đới truy nộp hơn 680 tỉ đồng. Hiện, các bị cáo đã nộp khắc phục hơn 264 tỉ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, đến nay có 85 nhà đầu tư có đơn gửi đến tòa, cho biết đã được gia đình bị cáo Quyết bồi thường thiệt hại. Các bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho các bị hại còn lại theo nguyên tắc mà tòa đã xác định.

Với những nhà đầu tư hiện chưa có yêu cầu bồi thường, họ được quyền tiếp tục yêu cầu sau khi phiên tòa kết thúc, trong một vụ án dân sự khác.

Riêng với những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu bị nâng khống và bán cho người tiếp theo (tức là chuyển phần giá trị nâng khống cho người khác), họ có quyền tự thỏa thuận về việc hoàn trả giá trị bị nâng khống, nếu các bên phát sinh tranh chấp thì giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Riêng về các tài sản bị kê biên, phong tỏa (bất động sản, tài khoản ngân hàng)…, hội đồng xét xử đề nghị tiếp tục duy trì biện pháp ngăn chặn để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Hội đồng xét xử cũng ghi nhận đề nghị của vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết có nguyện vọng lấy hết tài sản của mình đang bị kê biên, phong tỏa để bồi thường thay cho chồng…

Trong một diễn biến khác, trước khi tuyên án bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm, có khoảng hơn 100 người gửi đơn đến TAND TP.Hà Nội. Nhóm này cho biết là nhà đầu tư mua căn hộ condotel (căn hộ khách sạn) tại dự án FLC Grandhotel Hạ Long do Tập đoàn FLC mở bán, sau đó cho Công ty TNHH đầu tư và phát triển FLC Hạ Long (Công ty FLC Hạ Long) thuê lại.

Cho rằng Công ty FLC Hạ Long không thực hiện đúng cam kết hợp đồng thuê và quản lý tài sản, nhóm nhà đầu tư khởi kiện doanh nghiệp ra TAND TP.Hạ Long (Quảng Ninh). Đến nay, vụ án chưa được đưa ra xét xử.

Nhóm nhà đầu tư đề cập tới lời khai của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về việc ước tính khối tài sản trị giá hàng ngàn tỉ đồng, trong số này có cả những căn hộ khách sạn thuộc sở hữu của họ.

Những nhà đầu tư nêu trên kiến nghị hội đồng xét xử “xem xét cẩn trọng” khối tài sản trên nhằm thu hồi số tiền chiếm đoạt và thu lợi bất chính; cần phân định rạch ròi tài sản nào của công ty, tài sản nào đã bán (nhất là với các căn hộ khách sạn) để tránh xung đột lợi ích của người liên quan trong các vụ án khác.


Bạn đang đọc Nhà đầu tư trong vụ án Trịnh Văn Quyết được bồi thường ra sao? tại website hungday.com