Nhân loại lần đầu ghi lại khoảnh khắc cuối đời của một ngôi sao khổng lồ

Nhân loại lần đầu ghi lại khoảnh khắc cuối đời của một ngôi sao khổng lồ

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được hình ảnh cận cảnh một ngôi sao khổng lồ nằm bên ngoài ngân hà bằng Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài quan sát Nam Âu có trụ sở tại Chile.

Trong một đột phá khoa học lớn, các chuyên gia nghiên cứu đã chụp được cận cảnh hình ảnh một ngôi sao khổng lồ đang ở giai đoạn cuối đời.

Ngôi sao này được đặt tên là WOH G64, nằm cách Trái đất khoảng 160.000 năm ánh sáng, trong thiên hà lân cận Đám Mây Magellan lớn.

 Hình ảnh ngôi sao WOH G64 bên cạnh một bản tái tạo nghệ thuật.
Hình ảnh ngôi sao WOH G64 bên cạnh một bản tái tạo nghệ thuật. (Nguồn: ESO/K. Ohnaka).

Hình ảnh hơi mờ được chụp bằng Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Đài quan sát Nam Âu có trụ sở tại Chile. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chụp được hình ảnh cận cảnh một ngôi sao trưởng thành bên ngoài ngân hà.

Những hình ảnh chụp được cho thấy một lớp vỏ khí và bụi hình trứng bao quanh ngôi sao – dấu hiệu báo hiệu sắp diễn ra một vụ nổ sao. Đây cũng là lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát trực tiếp được quá trình này, mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu sự tồn tại và biến mất của các vì sao.

Nhà thiên văn học Keiichi Ohnaka của Đại học Andrés Bello ở Chile, tác giả chính của nghiên cứu được công bố ngày 21/11 trên tạp chí Thiên văn học & Vật lý thiên văn cho biết, ngôi sao này đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời trước khi phát nổ.

Theo đồng tác giả nghiên cứu Jacco van Loon của Đại học Keele ở Anh, WOH G64 được ước tính có khối lượng lớn gấp khoảng 25 đến 40 lần khối lượng của Mặt trời, điều này có nghĩa là ngôi sao này đã tồn tại trong khoảng 10 đến 20 triệu năm.

Trong vòng 10 năm qua, ngôi sao đã mờ dần đi đáng kể, trong khi đường kính của WOH G64 đang tiếp tục phồng lên trước vụ nổ. Nếu ngôi sao này được đặt ở trung tâm hệ Mặt trời, đường kính của WOH G64 sẽ mở rộng đến tận quỹ đạo của Sao Thổ, hành tinh thứ 6 tính từ Mặt trời.

Thông thường, các ngôi sao khổng lồ có tuổi thọ ngắn hơn các ngôi sao có khối lượng nhẹ hơn. Điển hình như Mặt trời đã hơn 4,5 tỷ năm tuổi và dự kiến còn tồn tại hàng tỷ năm nữa.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm ngôi sao WOH G64 sẽ nổ tung. Tuy nhiên, họ tin rằng sự kiện này sẽ xảy ra trong tương lai gần theo thang thời gian vũ trụ.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *