Nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh

Tháng chín 15, 2024

Nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh

Ở các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, sau khi bão đi qua, các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh đã huy động nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Cán bộ, công nhân được yêu cầu trở lại làm việc, sản xuất, bảo đảm tiến độ, kế hoạch cung ứng hàng hóa cho thị trường, bàn giao sản phẩm đã ký kết đối tác từ đầu năm.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh
Công nhân Công ty TNHH LS ELECTRIC Việt Nam (Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng) vẫn bảo đảm sản xuất sau mưa lũ.

Chủ động, bảo đảm kế hoạch sản xuất, kinh doanh

Thành phố Hải Phòng đã và đang huy động mọi nguồn lực, quyết liệt khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân và khẩn trương khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh… Tại Công ty cổ phần DAP-Vinachem trong Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), đúng một ngày sau bão, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đã trở lại bình thường.

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Ngọc Sơn phấn khởi thông báo, nhờ chủ động phòng, chống bão số 3 chu đáo từ sớm mà toàn bộ máy móc, thiết bị của doanh nghiệp đều an toàn. Chỉ một ngày sau bão, công ty đã được cấp điện trở lại, công nhân vẫn đi làm và toàn bộ dây chuyền sản xuất duy trì hoạt động bình thường…

Với quyết tâm cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách nhanh chóng và quyết liệt, chưa đến một ngày sau bão số 3, hệ thống giao thông ở Hải Phòng đã thông thoáng trở lại; chỉ ba ngày sau bão, Hải Phòng đã cơ bản khôi phục hệ thống cấp điện, nước, mạng viễn thông cho phần lớn khách hàng tại các địa phương và khu công nghiệp. Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như cuộc sống của người dân thành phố Cảng đã dần trở lại như thời điểm trước bão.

Theo Tổng Giám đốc Công ty xi-măng Vicem Hải Phòng Trần Văn Toan, bão số 3 “tàn phá” công ty, gây thiệt hại khoảng 15-16 tỷ đồng, đường cấp điện bị đứt, lò bị ướt, hệ thống bảo ôn thiết bị hư hỏng tới 1/3… Nhưng với tinh thần khẩn trương nhất, toàn bộ cán bộ, công nhân lao động công ty đã được huy động làm cả thứ bảy, chủ nhật để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ngày 11/9, công ty đã xuất trở lại những lô xi-măng đầu tiên sau bão.

Mặc dù chưa có điện, công ty sử dụng nhân lực xuất hàng thủ công, chưa có mạng viễn thông thì sử dụng bộ đàm liên lạc… Liên tục từ ngày 11/9 đến nay, mỗi ngày công ty xuất 6.000 tấn hàng hóa cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, công ty khẩn trương khắc phục hư hỏng thiết bị, nhà xưởng, tổ chức sấy lò, bắt tay ngay vào sản xuất và ngày 15/9, những mẻ xi-măng mới lại tiếp tục ra lò…

Ban đã đến động viên, hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương xử lý thiệt hại, nhà xưởng. Chưa đến một tuần sau bão, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng đã được khôi phục hoàn toàn, bảo đảm các đơn hàng cung cấp cho khách hàng theo thỏa thuận…

Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên

Tại Bắc Ninh, các nhà máy, doanh nghiệp không bị gián đoạn sản xuất. Trong những ngày mưa bão, hơn 350 công nhân lao động của Công ty trách nhiệm hữu hạn LS ELECTRIC Việt Nam, chuyên sản xuất tủ, bảng điện tại Khu công nghiệp Yên Phong mở rộng, vẫn đứng máy tại các dây chuyền. Ông Hong Soon Mong, Giám đốc Nhà máy cho biết: Bão số 3 với mưa to, gió mạnh đã làm hư hỏng một số bộ phận khu vực nhà xưởng và khu vực văn phòng; nước mưa tràn chung quanh xưởng.

Tuy nhiên, toàn bộ lãnh đạo cũng như cán bộ, công nhân công ty chuẩn bị kỹ lưỡng công tác phòng chống nên nhà máy vẫn duy trì vận hành sản xuất bình thường. Điều đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho người lao động, trong những ngày bão, công ty triển khai ăn, ở tại chỗ. Đến nay, sản lượng sản xuất của công ty tăng 30% so với năm 2023; số lượng đơn hàng là trạm biến áp cho các tòa nhà lớn, dự án công nghiệp… của khách hàng tiềm năng cũng tăng cao; góp phần giúp doanh nghiệp tăng doanh thu năm 2024 lên 120 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết: Do hạ tầng các khu công nghiệp tốt và sự chủ động chuẩn bị công tác phòng, chống bão nên các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của Bắc Ninh đã hoạt động ổn định, không có thiệt hại về người. Trước, trong và sau bão số 3, các doanh nghiệp lớn như Samsung Electronics, Samsung Display, Canon, Hồng Hải Foxconn, ABB, Amkor, Goertek, LS… không bị mất điện, mất nước, sản xuất bình thường.

Phát huy tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” của thợ mỏ, vượt khó, khắc phục khó khăn, tại Công ty Tuyển than Cửa Ông, mọi công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 đã cơ bản hoàn tất, các đơn vị tập trung sửa chữa hệ thống điện nội bộ để phục vụ sản xuất, đồng thời, huy động công nhân, đoàn thanh niên tham gia khơi thông tuyến đường sắt huyết mạch vận chuyển, tiêu thụ than của đơn vị.

Cùng với bảo đảm cấp điện an toàn, ổn định cho các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp còn hướng dẫn hơn 2.000 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất xây dựng kế hoạch, triển khai biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa bão, góp phần hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra cũng như bảo đảm an toàn cho người lao động. Ngay sau những ngày bão, 100% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhanh chóng ổn định sản xuất.

Ông Đỗ Văn Tăng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Tuyển than Cửa Ông cho biết: “Đến thời điểm này, điện lưới được cấp trở lại bảo đảm an toàn cho sản xuất, kinh doanh; trong ngày 13/9, sản lượng kéo mỏ của công ty đạt 27.500 tấn than; bốc nhập khẩu là 1.800 tấn than và tiêu thụ là 26,5 nghìn tấn than”.

Đến thời điểm này, địa bàn tỉnh Quảng Ninh có ba khu công nghiệp hoạt động 100% công suất sau bão là khu công nghiệp Hải Yên ở thành phố Móng Cái, khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà; khu công nghiệp Việt Hưng ở thành phố Hạ Long.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết: Tỉnh nỗ lực khắc phục sau bão, bên cạnh ưu tiên bảo đảm ổn định đời sống nhân dân thì công việc sớm khởi động lại hoạt động sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm.

Tháo gỡ khó khăn, tập trung đón khách du lịch trở lại

Tính đến chiều 14/9, các địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh đã dần trở lại nhịp sống thường ngày. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch từng bước bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực. Các cơ sở lưu trú ở Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí và Vân Đồn đã cơ bản sẵn sàng đón khách du lịch; 67/87 điểm du lịch sẵn sàng đón khách trở lại; 20 điểm du lịch đang khắc phục sự cố, chưa đón khách.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long Phan Thị Hải Hường cho biết: Ngay sau khi bão tan, lãnh đạo thành phố đã tích cực chỉ đạo các địa phương, kêu gọi người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Đến nay nhịp sống đã dần quay trở lại. Điều đáng mừng là nhiều đoàn du khách đã chọn Hạ Long là điểm đến, nhất là khách quốc tế.

Hiện nay, một số điểm tham quan đã đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thông báo việc tổ chức đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại các điểm đủ điều kiện là: Tuyến một, điểm tham quan Thiên Cung-Đầu Gỗ; Tuyến hai, điểm tham quan Sửng Sốt, Hang Luồn, Ti Tốp; Tuyến 5 trừ Ba Hang; Bên cạnh đó, các điểm lưu trú nghỉ đêm cũng đã đủ điều kiện để đón khách là: Hòn 587-nhà Lát-hang Luồn; điểm trung chuyển xuồng cao tốc Hòn Cát Lán.

Tuy vậy, công tác khắc phục sự cố tàu bị đắm gặp phải khó khăn vì các cơ sở sửa chữa đang bị quá tải; chủ tàu phải mất thời gian dài và chi phí lớn mới có thể khôi phục. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch mong muốn tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo, hỗ trợ công tác khắc phục sau bão; tiếp tục xúc tiến du lịch, rà soát đưa thêm một số điểm tham quan mới vào khai thác nhằm giảm tải cho các khu vực truyền thống; trục vớt ngay các tàu chìm đắm nhằm bảo đảm hoạt động vận tải ổn định, an toàn; có các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ từ ngân hàng, chậm nộp bảo hiểm xã hội… Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh đã đề nghị tỉnh xem xét, đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nói riêng, hệ thống doanh nghiệp nói chung, bị thiệt hại sau bão…

Dưới đây là list các sản phẩm ghế gỗ decor. Quý khách hàng cần tìm hiểu thêm mẫu tham khảo trực tiếp ở đây: https://hungiota.com/ghe-go-decor/