nhật kí tản mạn của một học sinh cấp 3

Tháng mười 21, 2024

 17/10/2022
“name and reject your fear
reprogram your brain with different thoughts
take actions in the opposite side of your fear”
These are steps to overcome fear (source: ted talk)
Bước 1:
Hôm nay, mình muốn viết ra một nỗi sợ, một nỗi lo lắng bất an bấy lâu nay của mình. Thực ra trước đây hay bây giờ mình đều hình dung được trạng thái tâm lí này, sợ hãi, lo lắng, bất an và nó xuất hiện bất cứ lúc nào trước một bài kiểm tra hay một kì thi quan trọng. Hình dung, cảm nhận nhưng khó có thể gọi thành tên và xác định được vấn đề, nhưng một cuộc trò chuyện dạo gần đây với một người đã giúp mình chỉ ra được vấn đề, đó chính là nỗi sợ, hay nói cách khác là mình luôn sợ hãi.
Mình sợ hãi cái gì? Mình sợ Toán.
Nỗi sợ này tồn tại và âm ỉ qua nhiều năm nay, với tần suất và cường độ khác nhau vào mỗi giai đoạn, và cũng đôi lúc, cũng có khi nó biến mất. Mình sợ đến nỗi mình có thể chịu học bất cứ thứ gì ngoại trừ Toán. Đại ý là mình có thể học 3 tiết một môn học nào khác như Văn, Hóa, Vật lí còn hơn một tiết Toán. 
Nỗi sợ này có lẽ bắt đầu từ khi học cấp một nói chung và phát triển vào cấp hai. Hồi cấp 2, ngày nào có tiết Toán là mình lại mang với một tâm trạng cực hình đến lớp, ngược lại ngày nào không có thì như trút được gánh nặng nhưng cũng đồng thời mang một nỗi sợ hãi khi nghĩ đến chiều nay hay ngày mai lại có Toán. Thậm chí vào những năm học đó, một buổi tối hàng tuần mình đi học thêm Toán, và ngày hôm đó, mình sợ hãi từ khi thức giấc lúc 6h30, nỗi sợ đạt lên đỉnh điểm trong quá trình từ nhà đến giáo viên, và cạn kiệt sức lực khi trở về nhà. Lúc đó đối với mình nó đáng sợ và ám ảnh đến kinh hoàng. Thậm chí vào một buổi chiều nọ, khi giáo viên định thêm một buổi dạy Toán vào một buổi chiều để chuẩn bị cho kì thi sắp tới, nỗi sợ kinh khủng của mình lên đến đỉnh điểm. Và lúc ấy, mình thấy một (cũng có thể là một số) bạn trong lớp khóc. Hóa ra cũng không phải mỗi mình sợ. Nhìn bạn lúc ấy mà mình đồng cảm ghê gớm. Nhưng suốt từng ấy năm đối diện với nỗi sợ này mình lại chưa bao giờ khóc cả. Như thế cũng chả tốt hơn, vì hồi nhỏ mình nghĩ là khóc là một cái gì đó ghê gớm và đáng thương lắm, và nỗi sợ hãi một môn học có vẻ không đáng để mình khóc. Sau này mới biết khóc để giải tỏa còn tốt hơn nhiều, và không khóc cũng chả nói lên điều gì vì trong sâu thẳm thâm tâm mình biết những chuyện làm mình khóc từ trước tới lúc đó đều chả khiến mình sợ hãi so với khi đối diện với áp lực đó. Và mình vẫn còn nhớ bố mình từng nói: “Bố còn phải trải qua những điều tồi tệ và kinh khủng trong cuộc đời, con sợ những điều nhỏ nhặt thế này thì sau này ra đời phải làm sao?”. Điều này đúng thật, lúc đó hay bây giờ nhìn lại những điều không hay ập đến hay áp lực mà bố mẹ đã và đang phải đối mặt, mình lại cảm thấy mình không có tư cách để sợ những điều nhỏ nhặt như thế này, 
Nỗi sợ này có lẽ còn bắt nguồn từ một nguồn cơn, đó là mình sợ giáo viên. Hay nói cách khác là mình sợ giáo viên Toán sẽ đánh giá thấp mình nếu mình không giải được một bài Toán, và mỗi khi giải Toán đầu mình lại bị bủa vây bởi những suy nghĩ đó trong đầu, và nó thậm chí tệ hơn khi có những người bạn xung quanh mình giải được, lúc ấy thì có cố đến mấy cái đầu được bao vây bởi nỗi sợ hãi và áp lực tâm lí không còn đủ khoảng trống để giải Toán nữa. Chính vì thế, có giáo viên sẽ nghĩ mình học chắc nhưng không nhanh bằng các bạn khác, chính là kiểu không thông minh nhưng chăm chỉ bù lại trong truyền thuyết. Có lẽ lúc ấy mình cũng tự dán nhãn mình như thế, cho đến khi sau này mình mới nhận ra chăm chỉ thực sự là như thế nào, cái này mình sẽ viết ở những đoạn sau. 
Viết đến đây, bỗng dưng mình cảm thấy tâm trạng tốt hơn một chút rồi. 
Nỗi sợ hãi đó đỉnh điểm vào năm lớp 6, hạ xuống một chút vào năm lớp 7 và dường như giảm sâu ở năm lớp 8. Đó cũng là lúc lớp mình đổi giáo viên dạy Toán sau hai năm. Rút kinh nghiệm ở hai năm trước, năm này mình xác định học mà không muốn quan tâm tới suy nghĩ của giáo viên nữa. Cô nghĩ mình học trung bình hoặc khá cũng được, mình tin với suy nghĩ như thế thì mình cũng sẽ chỉ lo giải ra bài mà không cần quan tâm để biểu hiện tốt mình trước giáo viên (điều mà trước đó mình cũng chả làm tốt được). Và điều này cũng khá hữu dụng, làm tâm trạng mình tốt hơn rất nhiều và cũng như năng lực của mình được phát huy ổn hơn. Điều này cũng nhờ giáo viên dạy Toán lúc đó là một người cô nhẹ nhàng, không nghiêm khắc. Tức là cô không khiến mỗi học sinh phải khiếp sợ trong lớp khi lên bảng giải bài như lúc trước, hay không trả lời được khi giơ tay. Cô rất dịu dàng và hiền từ, dường như chưa bao giờ cô to tiếng. Và cô cũng có cách dạy hơi khác so với các giáo viên khác một chút, tức là bài vận dụng cao ở tiết học thường là cô nghĩ ra, hướng đến động não tư duy nhiều hơn là kinh nghiệm đã gặp trong sách tham khảo (điều giúp cho một bạn chăm học nổi bật trước đó). Không có sự sợ hãi khi phải trả lời chưa làm được tới giáo viên, không có sự canh tranh, và cô cũng không thường bắt ép hay kiểm tra phải làm những bài này, mình tin năm ấy là cái lúc có vẻ mình đỡ ghét Toán hơn một chút. Cuối năm ấy mình làm khá tốt ở một bài kiểm tra HSG Toán cấp trường, kết quả này đã gây bất ngờ cho nhiều người khi một cái đứa học chẳng mấy nổi bật như mình lại đạt được. Và sự tự ti sẵn có cũng khiến mình nghĩ mình đạt được chỉ nhờ may mắn hơn một xíu. 
Và rồi, lớp 9 cũng đã đến. Đến cái lúc mà mình phải chọn môn chuyên cho mình. Mình đã chọn theo Toán. Bởi vì sao? Có thể có vài lí do. Mình bị ảnh hưởng bởi gia đình chăng, khi mà đã có một người theo Toán và đạt được thành tích tốt. Hay do mình đạt kết quả tốt ở kì thi HSG đó và mình không giỏi ở môn khác nữa ngoài Toán? Không, tất cả không phải. Mình nghĩ và mình tin chắc rằng mình học tốt các môn xã hội như Văn và Anh vào lúc đó. Sau này mình nhận ra có lẽ mình có thể học một biết mười những môn đó, tuy nhiên Toán hay các môn tự nhiên thì có lẽ học một biết một. Quay trở lại vấn đề một chút, lí do chính mình theo Toán có lẽ là định kiến xã hội, khi mà học giỏi các môn tự nhiên dường như có vẻ “ngầu” hơn là các môn “chỉ cần chăm” như Văn, Anh, hay theo như cách bạn mình nói chính là “đú” theo Toán. Bên cạnh đó, học Toán cũng đem lại nghề nghiệp rộng mở hơn khi mình có thể theo những ngành kiếm được thật nhiều tiền như IT hay kinh tế, tài chính hơn là báo chí hay phiên dịch. 
Đến đây, một lí do mình sợ Toán nữa chính là mình chưa đủ chăm. Giống như mình nói trước đó, mình học khá tốt các môn khác vì môn đó dường như mình học ít hiểu nhiều, nhưng Toán thì mình học chừng nào hiểu chừng đấy. Thế nên, mình – một đứa chưa từng chăm chỉ trước đó, làm sao có thể học giỏi Toán được. Mình chưa chăm đúng nghĩa, thật sự là vậy. Điều mình chăm từ nhỏ đến lớn là hoàn thành thật tốt bài tập về nhà được giao (vì mình sợ giáo viên kiểm tra), đây cũng là điều mà giáo viên thường đánh giá mình chăm và học “chắc”. Tuy nhiên, mình có thể khẳng định mình chỉ hoàn thành những bài dễ, nhưng bài chỉ yêu cầu vận dụng hơn một chút hoặc khó hơn thì mình đều search google hoặc đi hỏi người quen. Thói quen này cũng dẫn đến lối lười tư duy của mình về sau này. Chính vì thế, trong lớp 9 này, mình lọt vào đội tuyển và mình đã có một khoảng thời gian vô cùng chật vật, khó khăn. Mình luôn cảm thấy mình thua kém hơn tất cả mọi người ở trong đó, một mình là con gái nữa nên mình cũng thấy “đau khổ như chưa từng đau khổ hơn”. Mình nghĩ mình vào được đây là do mình chăm (dù thực tế mình đâu có chăm đâu, mình chỉ nghĩ vậy theo các mác mà mọi người nghĩ thôi), và tất cả những bạn nam nhanh nhẹn về tư duy đó đều là do các bạn ấy thông minh. Suy nghĩ này đến một khoảng thời gian sau mình mới vỡ lẽ ra, những bạn nam nhìn thì suốt ngày lo ăn chơi, yêu đương và game ấy thì cũng thường cày và học thâu đêm, trái ngược với bản thân mình chỉ thường chỉ hoàn thành tàm tạm BTVN và đắm chìm vào nỗi sợ sệt, giải trí phim ảnh showbiz tiêu khiển. Nói tóm lại là mình có chăm học đâu mà đòi sợ. Tuy nhiên cường độ học đội tuyển sáng chiều tối (chủ yếu thời gian đi thách thức khả năng vật lộn với áp lực hơn là sợ) cộng với thời gian làm bài tập về nhà để đối phó thì mình cũng ẵm được một cái giải Ba tàm tạm nốt. 
Nói đến đây, nhắc đến vẻ bề ngoài của một đứa mang tâm thế nỗi sợ như thế, mọi người đều cảm thấy mình cứ trông “buồn buồn và khổ khổ như thế nào”. Điều này có thể do một phần người mình khá bé con và da khá ngăm, nhưng chắc chắn lí do chính chính là có một nỗi áp lực luôn ở trong mình và mình thậm chí không thể che giấu nó. 
Quay lại với hành trình lớp 9 gian nan lúc ấy. Thi xong HSG cũng là lúc mình thoát khỏi đội tuyển, thoát khỏi địa ngục. Đương nhiên hàng ngày mình cũng phải đối diện với một giáo viên Toán nghiêm khắc ở trên lớp, và mình cũng khiếp sợ giáo viên này giống với hai năm đầu THCS. Tuy nhiên vì lúc đó mình có khoảng thời gian ôn thi mà, cộng với việc học thêm 3 nơi Toán tổng thể 6 buổi một tuần thì mình cũng giỏi hơn tí, tức là có khả năng bớt sợ những bài cơ bản được dạy trên lớp. 
Và rồi dịch Covid19 xuất hiện, mình – một đứa học sinh sợ nhất là đến trường học Toán đã đắm chìm vào nỗi sung sướng và hạnh phúc chưa từng có, nghỉ dịch vài tháng. Mình vẫn còn nhớ cái ngày nhận được thông báo nghỉ ấy, mình cùng một đứa bạn đã cực kì vui mừng chia sẻ cho nhau. Như mọi người biết đấy, nỗi sợ hãi lớn bao nhiêu thì niềm vui được nghỉ lúc đó sẽ to lớn nhường nào. Mình nghĩ có lẽ mình cũng đó mình tới gần phát khóc, không hề nói quá thật. Và mình khẳng định nếu môn Toán biến mất thì việc đến trường với mình chưa bao giờ là miserable, chưa bao giờ là đáng sợ tới vậy.
Dịch bệnh đi liền với nghỉ ngơi sau khi thi xong, mình nghĩ mình đã chơi trong một đến ba tháng. Nhớ lại mới thấy khoảng thời gian này khá nhàm chán, mình theo phong trào cũng đã cày hết 7 tập Harry Potter, dù phần lớn trong quá trình xem phim mình không quá hiểu rõ thể loại fantasy này lắm. Nhưng để coi hết được thì mình đương nhiên cũng hiểu ở mức tàm tạm, phe phản diện, phe chính diện và mục đích cao cả cũng như xấu xa của các nhân vật, vậy thôi. Đó là tất cả những gì mình nhớ về kì nghỉ sung sướng đó, à còn có theo dõi từng phút một tình hình ca nhiễm bệnh trên đất nước nữa. 
Sau khoảng thời gian đó, cùng với học online cũng như quay lại trường, mình bị một hiện thực rọi thẳng vào tâm thức hay trước mặt. Mình phải thi chuyên, mình phải ôn Toán vào chuyên. Nếu trật, mình biết mình sẽ “die”, mình không thể đối diện với bố mẹ, cũng không thể đối diện với chính mình ở một ngôi trường khác. Nỗi sợ hãi này cực kì cực kì lớn, lớn hơn rất nhiều so với nỗi ám ảnh Toán đơn thuần trước đó, cộng với môi trường xung quanh, thế là mình bắt đầu học, học như điên. Như đã nói trước đó, mình học thêm tận 3 giáo viên Toán, mình cũng thỉnh thoảng nghỉ học trên trường để học ở nhà, mình đến thư viện sau giờ ở trường,..v..v. Mình nghĩ mình đã rất chăm vào lúc ấy. Thế nên cố gắng thì sẽ có trái ngọt, mình đậu vào chuyên với kết quả tốt ngoài dự đoán trước đó. 
Tốt là vì đi thi mình đã gặp nhưng bài mình làm hoặc đọc qua. Đó là nhờ sự may mắn cũng như sự chăm chỉ không ngừng của mình. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cách học không bắt nguồn từ rễ mà nhồi nhét vào lúc nước đến chân mới nhảy kiểu đó chưa bao giờ khiến mình giỏi thật sự. Và năm đó mình thi muộn hơn một tháng so với các năm trước vì dịch bệnh, cũng dường như là cơ hội trời ban để cố gắng vì nếu không có một tháng đó sẽ khó mà có thời gian để mình thức tỉnh và cố gắng như vậy.
Và từ đây lại mở ra một chân trời, một thế giới mới chuyên Toán với một con nhóc sợ Toán. Viết đến đây thật muốn kể nốt về những ngày tháng cấp 3 vừa qua quá, nhưng có lẽ dành một lúc nào đó để viết thôi. 
18/10/2022
Khi viết những dòng này cũng là thời điểm mình lại thấp áp lực về Toán, về các bài kiểm tra và thi cử. Bình thường mình đều sẽ chọn cách chịu đựng, cố gắng theo kịp và để thời gian trôi qua, không hiểu sao lúc này, đến lần cuối cùng rồi mình lại chọn cách viết ra. 
Mình nhận ra một điều nữa, là mình còn bị ảnh hưởng bởi các bạn ngồi cạnh. Có một số bạn, khi ngồi cạnh, mình sẽ vẫn học được như bình thường nhưng một số bạn khác, mình lại bị áp lực kinh khủng. Mình không hiểu sao những bạn đó giải ra được bài rồi, mình chưa được, nhưng những bài đó lại rất dễ. Năng lực của các bạn ấy đều như nhau, nhưng có một số bạn lại khiến mình không thoải mái và tạo một áp lực vô hình như vậy trong não, mình thật không hiểu nổi. Hay là vì các bạn ấy có vẻ không quá thân với mình? Có vẻ không đúng lắm. Hay là vì mình chưa học và chấp nhận với một sự thật rằng mình kém hơn các bạn ấy và mình sợ bị bỏ lại phía sau? Mình cũng không rõ nữa, nhưng nghe vậy cũng không chính xác lắm vì mình luôn tự nhận là kẻ chậm hơn từ rất lâu rồi. Dạo gần đây, mỗi khi cách giải và đáp án được nêu ra, mình đều khá ngỡ ngàng, một là vì có thể bài khá dễ, hai là vì mình cảm thấy mình chưa hề động não để nghĩ đến vấn đề đó của bài toán? Vậy trong suốt quá trình đó mình nghĩ về điều gì? Cứ lân la mập mờ, quan sát cảm nhận tốc độ của người xung quanh, tạo áp lực cho bản thân cũng phải nhanh được như vậy, và đầu óc chỉ có thể giải được những bài có tính chất lặp đi lặp lại chứ không thể giải những bài mới (dù dễ hay khó). Woa, viết đến đây mới thấy nhìn ngoài thì đơn giản nhưng vấn đề mình gặp phải có vẻ phức tạp hơn rất nhiều. Nhìn các bạn nhanh như vậy, trong đầu mình không phải là ngưỡng mộ tại sao đầu óc người ta có thể “load” nhanh như vậy trong khi mình thì không, mà là mình nhớ đến quá khứ mình cũng từng như vậy. Tự tin, không áp lực, giải được khá nhiều bài toán, được nhận xét là có tố chất. Vậy tại sao mình lại biến thành như bây giờ nhỉ? Có quá nhiều rào cản ngăn bước mình đến với vấn đề, tại sao đầu óc mình không thể đi một đường thẳng? Áp lực. Vậy tại sao tâm lí mình lại bị áp lực như vậy nhỉ? Do thói quen đã hình thành sẵn trước đó. Vậy sao từ trước đó mình lại bị như vậy? Do sợ bị đánh giá thấp trong mắt giáo viên. Vậy bây giờ mình cũng sợ vậy sao? Không hề, không hẳn. Mình không quan tâm thầy nghĩ nhiều như thế vì mình biết cái quyết định số phận của mình là kết quả của các bài kiểm tra. Vả lại khi thầy hỏi thì nếu không làm được mình cũng sẽ có thể nhận trợ giúp từ các bạn? Vậy liệu bây giờ mình có còn một lí do gì để áp lực như vậy nữa không? Có vẻ là không.
Vậy làm thế nào để khắc phục nhỉ? Thả lỏng bản thân ra, tập trung suy nghĩ vào bài toán thay vì tốc độ người khác. Quan trọng nhất là thư giãn, thả lỏng, để não thay vì căng như dây đàn thì có thể thư thái hiểu các lí thuyết công thức đó, cũng cho nó có không gian để đào sâu, khai thác vấn đề và bài toán. Và nghĩ đến việc mình chả có một lí do gì để đi vòng như vậy, hãy nghĩ đến mà tỉnh táo lại.
Mình cũng không chắc là mình làm được không, nhưng mình sẽ cố gắng. Có đôi lúc mình muốn đổi chỗ trở về như lúc trước quá đi mất. 
Môn gì cũng có vẻ ổn mà, trừ môn Toán. Tại sao mình lại có quá nhiều rào cản tâm lí với Toán thế cơ nhỉ. Có lẽ bắt đầu từ nhưng ngày tháng đó. Ôi thật kinh khủng mà không hiểu mình đã trải qua những gì. Chỉ có điều mỗi khi đi qua khu ngõ đó trái tim mình lại đập thêm một nhịp, nỗi sợ và ám ảnh bao trùm lấy. Ôi, tạo sao lại làm khổ chính mình như vậy nhỉ? Mình cũng chả hiểu nổi nữa. 
————————————
21/10/2024, 1h sáng
2 năm kể từ ngày mình viết những dòng trên. Sao bây giờ mình lại quay lại nơi này nhỉ, chắc có lẽ hiện tại cũng gặp chút khó khăn trong việc học nên mình muốn mò về những kí ức ngày xưa xem mình đã đối diện với nó như thế nào. 
Lần này, đọc lại những dòng này thì bản thân mình đứng với tư cách là độc giả hơn là độc thoại nội tâm. Lí do là bởi thời gian đã làm mờ nhạt đi những cảm xúc ngày ấy, và mình dường như chỉ đang đọc một nhật kí của một đứa trẻ 17 tuổi ngày ấy. Nói sao nhỉ, phản ứng đầu tiên mình muốn gửi đến bản thân lúc 17 tuổi hai năm trước đấy chính là: Rất khó khăn, rất vất vả đúng không? Nhưng bạn biết không, đấy dường như được xem là lần cuối cùng bạn phải đối mặt với nỗi sợ Toán đó đấy. Câu chuyện của khoảng thời gian sau đó chính là, bạn quyết định không thi kì thi HSG tỉnh Toán, dành thời gian tĩnh tâm và giải tỏa bớt áp lực. Sau đấy, nhìn bạn bè xung quanh được giải trong kì thi này mà bạn cũng chẳng hề có một chút áp lực hay ghen tị nào, bởi vì chỉ có chính bản mới biết quyết định từ bỏ ấy nhìn ngoài thì giống như đang bỏ cuộc nhưng bên trong thì hỗ trợ tinh thần cho bạn và cũng giúp bạn có thể thực hiện những mục tiêu khác. Câu chuyện của kì thi HSG tỉnh ấy kết thúc, bạn cũng phải đối mặt với học Toán để ôn thi đại học đúng không? Thực ra thì sau đấy bạn cũng không bứt phá hay giỏi toán hơn đâu, cũng không giải được mấy câu khó nâng cao như hồi thi chuyên bởi bạn cũng chả cố gắng “điên rồ” như ngày ấy. Phương thức học Toán năm đó có lẽ đã sai và rối rắm ngay từ ban đầu, dẫn đến cả quá trình sau đó không có đủ nền móng và thời gian để có thể dựa vào đó để tiến bộ được. Nhưng bạn là người xác định đúng hướng đi của mình, chuẩn bị những backup cho nguyện vọng thi đại học, học cách chấp nhận những sự lựa chọn khác. Và đúng như bạn kì vọng, không cần phải giỏi Toán lúc đó, những nỗ lực cố gắng của bạn từ năm lớp 9 đến lớp 12 đã giúp bạn có thể đậu ngành bạn muốn ở những trường top ngang hàng khác. Sau đó nhờ sự thúc đẩy của những người bạn, bạn tham gia thi ĐGNL nhiều lần và dành cho mình được một tấm vé sớm vào trường mình mong muốn. Và kết thúc câu chuyện đó, mặc dù đã xác định được khả năng đỗ cao, bạn vẫn lấy cho mình được 2 con điểm 9 – 9 ở 2 môn ngoài tiếng Anh. Nói sau nhỉ, thật thần kì khi cả năm học bạn luôn manifest với bản thân và những người xung quanh là “t aim 9 – 9′, đến cuối cùng khi không quá cần thiết nữa thì bạn lại đạt được nó, có lẽ nhiều phần là do tinh thần thoải mái khi làm bài và chút may mắt nữa. 
Sau những lời muốn gửi đến bạn thân mình ngày ấy, thì cảm xúc thứ hai sau khi đọc những dòng viết hai năm trước đấy chính là tôi ước bản thân có thể chia sẻ nốt câu chuyện sợ Toán ở cấp 3 đi. Hầu như ở trên chỉ là câu chuyện học toán ở cấp 2, còn cấp 3 thì đang bỏ ngỏ. Phải chăng tại vì bản thân bạn lúc đấy đang ở cấp 3, nên e ngại và lo sợ khi viết về những cảm xúc và tình hình hiện tại của mình vào đúng thời điểm lúc ấy? Bây giờ thì cảm xúc và kí ức về những năm tháng đó đã mờ dần để bản thân tôi có thể viết lại được dạt dào như vậy nữa. Nói tóm lại, vẫn là nên viết nhật kí và tâm tư về các sự kiện trong tương lại nhiều một chút…
Trong lúc học toán thì vất vả, bây giờ chọn chuyên ngành học không quá liên quan nhiều tới Toán lại bỗng thấy hơi nhớ nó rồi…