Những cách sử dụng uranium kỳ lạ trong lịch sử Ngà voi hoặc Kem trứng
Ngoài sử dụng cho lò phản ứng hạt nhân và chế tạo vũ khí, uranium còn có những ứng dụng kỳ lạ từ răng giả tới điều trị bệnh.
Ở Mỹ vào cuối thập niên 1880, công ty thủy tinh La Belle phát triển loại kính mang tên Ngà voi hoặc Kem trứng bằng cách tăng tỷ lệ uranium oxit, giúp tạo hiệu ứng mờ đục hơn. Hóa chất nhạy nhiệt như vàng được thêm vào hỗn hợp, sau đó nung lại trong quá trình sản xuất, dẫn tới hiệu ứng chuyển màu từ vàng trong suốt tới trắng sữa ở rìa. Dù có nhiều tông màu, hiệu ứng vàng – xanh lá cây trở thành lựa chọn phổ biến nhất ở người mua. Nhiều công ty khác cũng sử dụng uranium để tạo màu kính vào thời kỳ này. Các nhà sản xuất cạnh tranh với nhau để tạo ra màu sắc và hiệu ứng chuyển màu mới.
Uranium tạo ra ánh huỳnh quang ở đồ thủy tinh dưới đèn tia cực tím. (Ảnh: James L. Amos).
Tuy nhiên, một trong những cách sử dụng uranium kỳ lạ nhất được ghi nhận vào năm 1847, khi tạp chí Scientific American đưa tin uranium, cùng với platin, titan và cobalt, có thể ứng dụng như chất tạo màu cho răng giả làm từ tràng thạch và thạch anh. Bằng cách thêm uranium vào ở bước cuối cùng trong quá trình sản xuất thủy tinh, ngay trước khi nung, răng giả sẽ có ánh vàng cam. Đây là hiệu ứng được yêu thích dù trong lịch sử, răng giả thường được làm với ngà voi, vàng, bạc, xà cừ và phủ đồng. Mãi tới cuối thế kỷ 19, loại răng này mới bị thay thế với sự ra đời của răng sứ trông tự nhiên và thật hơn.
Uranium oxit, cùng với một lượng nhỏ hợp chất kim loại khác, cũng được coi là thuốc chữa bệnh quan trọng. Giả thuyết đó có lịch sử lâu dài từ thời Paracelsus, một bác sĩ, nhà thực vật học và giả kim thuật người Đức gốc Thụy Sĩ chuyên sử dụng khoáng chất độc và kim loại để trị bệnh. Được xem như cha đẻ của ngành độc học, Paracelsus cho rằng, sức khỏe tốt là sự tổng hòa của 4 “chất dịch cơ bản” trong cơ thể người gồm máu, đờm, nước mắt và mật. Nếu chúng mất cân bằng, con người sẽ mắc bệnh. Ở thế kỷ 16, Paracelsus cho rằng cách điều trị là lấy độc trị độc, chỉ cần kiểm soát liều lượng thích hợp và ngăn chặn tác động có hại.
Một số nhà nghiên cứu cho biết họ có thể sử dụng uranium để tạo ra triệu chứng cụ thể, do đó nó có thể hữu ích trong điều trị bệnh. Ví dụ, bệnh viêm thận là biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường, nhà nghiên cứu C. Le Conte quan sát thấy “đường trong nước tiểu của chó bị đầu độc bởi lượng nhỏ uranium nitrate”.
Samuel West, một bác sĩ ở bệnh viện St Bartholomew tại London, củng cố tiềm năng sử dụng uranium để điều trị bệnh thận khi công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng với uranium trên tạp chí British Medical Journal năm 1895 và 1896. West cho 8 bệnh nhân uống muối uranium hòa vào nước sau khi ăn. Ban đầu, ông cho họ dùng 1 – 2 hạt muối, sau đó tăng dần cho tới khi họ tiêu thụ 20 hạt 2 – 3 lần một ngày. West nhận thấy glycosuria, glucose trong nước tiểu, biến mất, nhiều bệnh nhân có sự cải thiện về triệu chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân trong thử nghiệm gặp vấn đề dạ dày – ruột. Khi ngừng điều trị, những tác động của bệnh lập tức quay trở lại.
Dù không thể kết luận chắc chắn kết quả của những thử nghiệm như vậy, uranium tiếp tục được sử dụng trong y học cho nhiều loại bệnh đa dạng.