Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10
Những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 10
(Xây dựng) – Một loạt những chính sách liên quan vấn đề kinh tế như: Điểm mới của định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng, Chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2024.
Ảnh minh họa. |
Điểm mới của định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 09/2024/TT-BXD ngày 30/8/2024 sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng tại Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Thông tư 09/2024/TT-BXD sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng đã ban hành tại Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bao gồm định mức dự toán xây dựng công trình; định mức dự toán lắp đặt máy và thiết bị công nghệ; định mức dự toán sửa chữa và bảo dưỡng công trình xây dựng; định mức sử dụng vật liệu xây dựng; định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, Thông tư 09/2024/TT-BXD cũng quy định rõ việc chuyển tiếp áp dụng định mức xây dựng sửa đổi, bổ sung ban hành tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 44 Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2024.
Chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BCT ngày 15/8/2024 quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp, cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Thông tư này quy định chế độ báo cáo định kỳ về cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước và một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến quản lý, đầu tư và hoạt động của cụm công nghiệp.
Theo Thông tư quy định, đối tượng thực hiện chế độ báo cáo là Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở Công Thương); ủy ban nhân dân cấp huyện; chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Thời gian chốt số liệu báo cáo 6 tháng (đầu năm) được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/6 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo hằng năm được tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo.
Định kỳ trước ngày 20/6 và trước ngày 20/12 hằng năm, các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư trong cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi ủy ban nhân dân cấp huyện.
Định kỳ trước ngày 20/6 và trước ngày 20/12 hằng năm, chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trong 6 tháng và cả năm gửi cơ quan thống kê cấp huyện, đồng thời gửi ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Công Thương.
Định kỳ trước ngày 25/6 và trước ngày 25/12 hằng năm, UBND cấp huyện báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng và cả năm gửi UBND cấp tỉnh và Sở Công Thương.
Định kỳ trước ngày 30/6 và trước ngày 31/12 hằng năm, Sở Công Thương báo cáo tình hình cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh trong 6 tháng và cả năm gửi ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương).
Thông tư nêu rõ báo cáo định kỳ được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử, được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức như gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua trục liên thông văn bản quốc gia, thư điện tử hoặc phương thức khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước đã được xây dựng và vận hành thì Sở Công Thương gửi báo cáo định kỳ tới Bộ Công Thương (Cục Công Thương địa phương) thông qua cập nhật dữ liệu, gửi báo cáo tại Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước.
Bên cạnh đó, Thông tư số 14/2024/TT-BCT cũng quy định về việc xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước. Theo đó, Cục Công Thương địa phương phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước.
Sở Công Thương có trách nhiệm cập nhật dữ liệu cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh vào Cơ sở dữ liệu cụm công nghiệp cả nước theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Thông tư số 14/2024/TT-BCT cũng ban hành quy định một số mẫu văn bản về quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại Phụ lục II kèm theo, bao gồm văn bản đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; Quyết định thành lập/mở rộng cụm công nghiệp; Quyết định ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh và Quy chế kèm theo; Quyết định ban hành Quy chế quản lý các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp và Quy chế kèm theo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/10/2024.