NHỮNG ĐIỀU MÌNH CHỈ THẬT SỰ HIỂU BỐ MẸ KHI ĐÃ KẾT HÔN VÀ CÓ EM BÉ

Tháng năm 28, 2024

Cuộc sống của gia đình mình bắt đầu từ một thị trấn nhỏ gần mỏ than, xung quanh đều là những người bác, người cô, người chú cố gắng chạy vạy để có một chân làm trong mỏ. Người làm lò, người làm cơ điện, người khấm khá hơn thì hành chính văn phòng, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai thoát ra được cái gông cùm của mỏ than. Bố mình cũng không khấm khá hơn, làm lò gần hai chục năm rồi quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 40. Mẹ mình thì thoát ly đi xuất khẩu lao động từ khi mình mới được 20 tháng tuổi, được vài năm trở về, quyết đưa cả gia đình lên thành phố làm ăn sinh sống.
Hồi mới rời xa cái thị trấn, nơi có cả ông bà, các bác, anh chị, mình khóc thét. Mỗi đoạn đường đi là cái bóng của thị trấn cũng mờ dần, khuất sau những dãy đồi thấp thoải và cái bụi mù mịt từ những chiếc xe than. Mình chuyển đến một căn phòng trọ nhỏ khoảng 20m2. Mình học cách sống với mẹ, người mà mình chỉ được biết qua những bức ảnh, những cuộc điện thoại một tuần một lần, những bức thư mà bố thường đến bưu điện lấy rồi đọc cho cả nhà nghe. Mẹ – một người vừa quen lại vừa lạ theo một cách nào đó – bước tới làm xáo trộn cuộc sống vốn êm ả của mình, đưa mình vào những khuôn thước giáo dục khắt khe. Đến tận khi bước chân vào đại học, mình đôi lần vẫn không hiểu được sao mẹ trong ký ức của mình lại khắc nghiệt đến thế.
Mình lấy chồng năm 26 tuổi. Chồng mình là người Hà Nội, hiền lành, thương vợ. Bố mẹ chồng đều cơ bản, có điều kiện, yêu thương và chiều chuộng con cái. Lễ cưới diễn ra suôn sẻ, trong sự chúc phúc của họ hàng, bạn bè, mình đã thực sự hạnh phúc trong giây phút trọn vẹn đó. Hai vợ chồng quyết định về sống với bố mẹ một thời gian để đỡ gánh nặng về mặt kinh tế.

Mình đã có một chiếc Wedding trọn vẹn cảm xúc. Nguồn ảnh: #diephoho
Ngày đầu mình về ở nhà chồng, vừa bước chân vào cửa, liền nghe thấy tiếng ông nội mắng té tát. Nói đến bối cảnh gia đình chồng mình, nhà vẫn sống cùng với ông bà nội cho đến khi bà mất cách đây 2 năm, còn mình ông nội. Ông nội khái tính, thỉnh thoảng lại chửi mắng vô cớ, quan trọng là ông ghét gia đình mình. Hôm đó, ông chửi từ bố mẹ chồng mình, đến chồng mình, rồi đến mình, bằng tất cả những lời lẽ cay nghiệt mà mình chưa từng được nghe. Mình từng nói đến từ “khắc nghiệt” khi nhắc đến mẹ, nhưng riêng ông nội chồng mình, tường chừng như từ “cay nghiệt” còn chưa đủ để nói về những lời lẽ mình phải nghe. Hôm đó mình không khóc, cũng không nói nhiều với chồng, lặng lẽ lau nước mắt rồi làm mấy việc như lẽ thường. Hồi còn nhỏ, khi đêm về, hai mẹ con ngủ chung trên chiếc giường nhỏ, mình vẫn nghe thấy những đêm mẹ ôm mình lén khóc. Hóa ra, có những lúc, người ta chẳng muốn để ai khác thấy giọt nước mắt của chính mình. Nhiều ngày sau, nỗi đau ngày hôm ấy vẫn được dịp lại cắn xé, rấm rức, đến nỗi một đêm nọ, về nhà bố mẹ đẻ, mình vừa dưng dưng vừa thuật lại chuyện với mẹ. Lúc đó, mình mới thấy bình yên, cảm giác được vỗ về những tổn thương của những người chỉ gặp nhau vài lần đã nghiễm nhiên mang đến cho nhau. Mình chưa từng nghĩ ngày đầu tiên rời xa vòng tay bố mẹ lại khó khăn đến vậy, cũng là lần đầu tiên mình thấy hóa ra mẹ mình lại ấm áp như vậy, một loại năng lượng chữa lành.
Đêm giao thừa đầu tiên xa gia đình, cách đó 2 ngày mình đã về bố mẹ đẻ, rồi lại lên Hà Nội. Đêm hôm đó, mình khóc òa lên, mình nhớ bố mẹ khủng khiếp. Ngày này mọi năm, đáng nhẽ mình sẽ ở nhà nấu cơm thắp hương cùng mẹ, đi xem pháo hoa cùng bố mẹ và em trai, cùng nhau ôn lại những chuyện của năm cũ. Năm nay, trong một không gian thật xa lạ, mình thấy lạc lõng vô cùng, cho dù bố mẹ chồng tuyệt vời của mình đã cố gắng tạo nên một không khí ấm cúng khá trọn vẹn. Mẹ chồng mình bảo: “Hồi chị L mới đi lấy chồng, mẹ hụt hẫng lắm. Nhưng mẹ con chắc đỡ hơn, vì hồi đi học con đã xa nhà quen rồi”. Mình nhẹ nhàng cười nhẹ, thực ra phần nào cũng đúng vì bản thân mình, vốn dĩ thích một cuộc sống độc lập không phụ thuộc vào gia đình, nhưng cho dù mình có xa nhà bao lâu, chắc chắn đêm giao thừa hôm ấy, mẹ mình cũng sẽ vừa tụng kinh vừa khóc. Cho dù khung cảnh xung quanh có vui vẻ thế nào, một phần trong mình và trong mẹ, vẫn khuyết một vầng lạnh lẽo như vậy.
Thỉnh thoảng mình muốn ôm mẹ lắm, nhưng phải là lúc thật ồn ào để cảm nhận được sự ấm êm của mẹ.

Thỉnh thoảng mình muốn ôm mẹ lắm, nhưng phải là lúc thật ồn ào để cảm nhận được sự ấm êm của mẹ.
Một ngày đẹp trời, mình biết mình có em bé. Một cảm giác rất đỗi kỳ diệu và thiêng liêng chảy qua từng tế bào trong người mình, mình thấy một mầm sống đang lớn lên, một món quà bất ngờ mà tạo hóa vừa ban cho cơ thể mình. Rồi mình nghén, mỗi ngày đều đối diện với sự sợ hãi từ việc ăn uống, những cơn đau lưng bắt đầu đến, và thỉnh thoảng bụng mình lại nhói một cơn khiến mình cực kỳ lo lắng. Mẹ gọi điện cho mình hằng ngày, hỏi han sức khỏe mình và em bé, mỗi lần thấy tiếng mẹ mình đều chực khóc. Mình muốn hỏi mẹ rằng: “Sao có em bé lại khó khăn vậy hả mẹ? Mỗi ngày con đều thấy mệt, mệt đến muốn điên lên”. Nhưng, mình ghìm lại, mình rất ngại khóc trước mặt mẹ vì một lẽ, mình cảm thấy rằng những nỗi buồn và khó khăn mà mình đang gặp phải chẳng bằng một góc nhỏ xíu những điều mẹ đã và đang trải qua. Mẹ mình, một người phụ nữ gai góc vượt lên mọi thứ rắc rối mà cuộc đời đem lại, nuôi lớn hai chị em mình từ một xó xỉnh đen kịt toàn than đến một thành phố hoa lệ, nơi chị em mình được hưởng những điều kiện tốt nhất. Vậy mà mình, chỉ vì một sinh mệnh bé xíu chưa thành hình trong bụng, mỗi ngày đều thấy thật khó khăn.
Một ngày đẹp giời, em bé trổ bông.

Một ngày đẹp giời, em bé trổ bông.
Mình cũng bắt đầu có những lo lắng đầu tiên trong chặng đường làm mẹ. Mình mong muốn đem đến cho em bé của mình những điều tốt nhất trong khả năng, muốn một sự đảm bảo nhất định cho sự chào đời bình an của em bé. Vì vậy, những áp lực tài chính bắt đầu xuất hiện, những xét nghiệm quan trọng vừa đòi hỏi tiền bạc, đồng thời cũng tạo ra những lo lắng nhất định. Trộm vía mọi việc vẫn suôn sẻ đến giờ phút này. Và, mình khâm phục mẹ thật sự, bằng sự kì diệu nào đó, mẹ đã nuôi lớn được một đứa to đùng như mình. Liệu rằng, mình có giống mẹ? Có đủ khả năng để được một mầm sống kỳ diệu gọi “mẹ” bằng một giọng thân thương?
Đến bây giờ, mình yêu bố mẹ vô điều kiện. Mình cố gắng mỗi ngày đều gọi cho bố mẹ, cố gắng để thật bình tĩnh trong những cuộc tranh luận với bố mẹ, và cố gắng để có thể dành từng chút, từng chút trân quý cho bố mẹ tuyệt vời của mình.
Gửi đến bố mẹ, nguồn động lực dồi dào của con và em bé!
Linha. 20240528.