Những “khách sạn tình yêu” kỳ lạ nhất Nhật Bản
Với thiết kế sáng tạo, từ lâu đài châu Âu đến tàu vũ trụ hay cá voi khổng lồ, những khách sạn này vừa thể hiện sự phá cách trong kiến trúc, vừa là minh chứng thú vị về sự pha trộn giữa chủ nghĩa bảo thủ và thái độ cởi mở của xã hội Nhật Bản.
Trong một hành trình dài 3.000 km khắp Nhật Bản, nhiếp ảnh gia người Pháp François Prost đã khám phá và ghi lại những hình ảnh độc đáo về các “khách sạn tình yêu” – một nét văn hóa đặc biệt của “Xứ sở hoa anh đào”. Những công trình này không chỉ là nơi lưu trú thông thường mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo trong kiến trúc Nhật Bản hiện đại.
Giống như một con tàu vũ trụ hạ cánh, Khách sạn UFO ở Chiba là một trong những thiết kế khác thường nhất mà nhiếp ảnh gia Pháp bắt gặp trong chuyến đi của mình. (Ảnh: Francois Prost/CNN)
Trái ngược với những gì nhiều người nghĩ, các khách sạn này không hề kín đáo hay lẩn khuất. Thay vào đó, chúng nổi bật với kiến trúc vui nhộn, màu sắc rực rỡ và những thiết kế độc đáo không thể lẫn với đâu được. Một số khách sạn còn có biển hiệu hình trái tim hoặc đôi môi, với những cái tên đầy ấn tượng như Hotel Passion, Hotel Joy hay Hotel BabyKiss.
“Bạn có thể thấy tàu vũ trụ, thuyền và cả một con cá voi lớn, trông rất trẻ con”, ông Prost chia sẻ qua cuộc phỏng vấn từ Pháp. Trong số khoảng 200 khách sạn mà ông chụp được, có rất nhiều công trình được thiết kế theo phong cách lâu đài, tạo nên một bức tranh đa dạng về kiến trúc đương đại Nhật Bản.
Một trong những ví dụ điển hình là Khách sạn UFO ở Chiba với hình dáng như một phi thuyền vừa hạ cánh từ không gian. Một công trình khác ấn tượng không kém là Khách sạn Festa Qugiela ở Okayama, được xây dựng theo hình dáng một chú cá voi khổng lồ. Những thiết kế này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn tạo nên bản sắc riêng cho từng khách sạn.
Được thiết kế mô phỏng theo hình ảnh một chú cá voi, Khách sạn Festa Qugiela ở Okayama là một phần của truyền thống kiến trúc độc đáo ở Nhật Bản. (Ảnh: Francois Prost/CNN)
Lịch sử của các khách sạn tình yêu này có nguồn gốc từ những nơi nghỉ trọ có lối vào kín đáo từ nhiều thế kỷ trước ở Nhật Bản. Tuy nhiên, hình thức hiện đại của chúng bắt đầu phát triển từ năm 1958, khi Nhật Bản ban hành lệnh cấm mại dâm.
Ngày nay, thay vì gắn với những hoạt động phi pháp, các khách sạn này chủ yếu phục vụ các cặp đôi trẻ sống trong những căn hộ nhỏ hoặc chung nhà với gia đình. “Ngày nay, chúng không chỉ dành cho tình dục. Các khách sạn còn cung cấp nhiều tiện ích giải trí như phòng karaoke”, nhiếp ảnh gia Prost giải thích. Khách có thể thuê phòng theo đêm hoặc chọn hình thức “kyukei” (nghỉ ngắn theo giờ).
Thiết kế độc đáo của các khách sạn tình yêu bắt đầu phát triển mạnh vào thập niên 1960-1970, khi các cơ sở này trở nên cao cấp hơn. Meguro Emperor, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất thời kỳ này, đã tạo ra trào lưu xây dựng theo phong cách lâu đài châu Âu. Ngoài ra còn có những công trình mô phỏng nhà nông thôn Pháp và thậm chí là cung điện kiểu Arab như Khách sạn Aladdin ở Okayama với mái vòm hình củ hành đặc trưng.
Mặc dù có vẻ ngoài lộng lẫy, thiết kế của các khách sạn này đều rất chú trọng đến việc bảo vệ sự riêng tư của khách. “Mọi thứ đều được thiết kế để đảm bảo bạn không đi ngang qua ai đó khi vào tòa nhà. Vì vậy, lối vào khác với lối ra, và có thể có một thang máy đi lên và một thang máy khác để đi xuống”, nhiếp ảnh gia trên giải thích.
Khách sạn Baby Kiss đầy màu sắc rực rỡ nằm ở thành phố Himeji của Nhật Bản. (Ảnh: Francois Prost/CNN)
Đến những năm 1990, phong cách kiến trúc này bắt đầu thay đổi khi các khách sạn hướng đến đối tượng khách hàng nữ nhiều hơn. Thêm vào đó, luật mới được thông qua vào giữa những năm 1980 đặt các khách sạn tình yêu dưới quyền quản lý của cảnh sát, khiến nhiều cơ sở mới chọn thiết kế tinh tế hơn để tránh bị phân loại là khách sạn tình yêu.
Theo số liệu ngành dịch vụ khách sạn từ cuối những năm 1990, ước tính có khoảng 500 triệu lượt khách ghé thăm các cơ sở này mỗi năm. Hiện nay, mặc dù khó xác định chính xác số lượng, người ta ước tính có hơn 20.000 khách sạn tình yêu đang hoạt động tại Nhật Bản.
Mặc dù loại hình khách sạn này cũng xuất hiện ở các nước châu Á khác như Hàn Quốc và Thái Lan, nhưng chúng vẫn gắn liền nhất với Nhật Bản. Nhiều cơ sở đã cố gắng đổi tên thành khách sạn “giải trí” hoặc “thời trang” để tránh những định kiến tiêu cực.
Ông Prost tin rằng những khách sạn này phản ánh sự tương phản thú vị trong văn hóa Nhật Bản: giữa chủ nghĩa bảo thủ và thái độ cởi mở trong xã hội. Ông cho rằng kiến trúc này “nói nhiều hơn về đất nước Nhật Bản” so với các tòa nhà mang tính biểu tượng nổi tiếng. Hiện ông đang lên kế hoạch xuất bản một cuốn sách ảnh về đề tài này thông qua chiến dịch gây quỹ cộng đồng Kickstarter.