Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An

Tháng mười 9, 2024

Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An

Ra tận kinh thành Huế tìm thuê thợ giỏi

Từ trung tâm H.Cần Đước đến nhà trăm cột của họ Trần ở cù lao Long Hựu khoảng 15 km. Hôm chúng tôi đến, đúng lúc có một đoàn làm phim lấy bối cảnh Việt Nam thập niên 1940 đã dàn giá sẵn ở đây. Tiếp chúng tôi, bà Trần Thị Ngõ (75 tuổi, chủ ngôi nhà) cho hay thỉnh thoảng mới có khách tham quan, còn các đoàn làm phim và dịch vụ ảnh cưới thì thường xuyên đến.

Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An- Ảnh 1.

Nhà trăm cột xây dựng từ năm 1898

ẢNH: BẮC BÌNH

Theo bà Ngõ, chồng bà là ông Trần Văn Ngộ (đã mất cách đây vài năm) là cháu đời thứ 3 của ông Trần Văn Hoa và là người được tổ tiên truyền lại ngôi nhà này. Trong gia tộc truyền lại rằng, khoảng năm 1890, ông Trần Văn Hoa (Hội đồng quận Cần Đước, tỉnh Gia Định thời Pháp) có 15 kg vàng và muốn làm nhà. Khi đó, ông vận động mối quan hệ cha của mình (một người gốc Huế) để ông tự tìm đến kinh thành Huế thuê đội thợ giỏi khoảng 15 người về cù lao Long Hựu làm nhà. Song song đó, ông đi nhiều nơi tìm mua gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, căm xe… vận chuyển, tập kết về đây.

Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An- Ảnh 2.

Bà Trần Thị Ngõ hiện là chủ nhân ngôi nhà trăm cột

ẢNH: BẮC BÌNH

Năm 1898 (đời vua Thành Thái), ông Hội đồng Hoa cho khởi công nhà. Nhà trăm cột là cách gọi cho tròn trịa, dễ nhớ của ông Hội đồng Hoa và được người dân địa phương dùng chỉ ngôi nhà này cho đến tận bây giờ. Trên thực tế, ngôi nhà có đến 120 cây cột, gồm 68 cột chính (tròn) và 52 cột phụ (vuông).

Mất 3 năm chạm trổ, trang trí

Sau 2 năm xây dựng và 3 năm chạm trổ, năm 1903, ngôi nhà – được lấy ý tưởng từ kiểu nhà rường Huế – hoàn thành. Tổng diện tích nhà rộng gần 900 m2, gồm nhà chính 3 gian, 2 chái (thượng và hạ), lợp ngói âm dương theo đúng kiểu truyền thống. Nền nhà lát bằng đá tảng cao với mặt nền lát gạch tàu lục giác. Khung sườn kiểu bát trụ giúp cho bộ khung nhà luôn chắc chắn và không gian thoáng đãng. Cửa chính quay về hướng tây bắc, nhìn về những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn, hướng sông Soài Rạp. Khu nhà hiện vẫn nằm lọt giữa khu đất rộng 4 ha của họ Trần.

Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An- Ảnh 3.

Gian chính của ngôi nhà

ẢNH: BẮC BÌNH

Gian nội tự và ngoại khách là khu vực tập trung phần về thẩm mỹ với nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đầy tâm huyết của Hội đồng Hoa. Tại đây, các vách ngăn, bàn thờ, bàn tròn, bàn dài hay đồ đạc đều toàn bằng gỗ quý. Từng nét chạm trổ độc đáo, kết hợp trong đó là linh vật và hoa đặc trưng, là biểu tượng của sự cao quý và trường tồn, kết hợp với những nét đặc sắc của miền Tây sông nước. Đồng thời còn có “tứ linh hội tụ” (long, lân, quy, phụng) và “tứ quý danh hoa” (mai, lan, cúc, trúc); có hoa sen, lá sen, búp sen, hoa hồng và con cò, con dơi…

Đặc biệt, tại trung tâm của tất cả vật dụng, thờ cúng trong khu vực gian nội và ngoại khách là án thư. “Án thư như di huấn của tổ tiên dòng họ Trần vậy. Từ thời ông nội chồng là Hội đồng Hoa đến thời các con tôi đều chú trọng việc học tập và không có ai chịu làm nông cả”, bà Ngõ cho biết.

Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Kiệt tác nhà trăm cột Long An- Ảnh 4.

Nhà trăm cột được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997

ẢNH: BẮC BÌNH

Theo bà Ngõ, bà vốn là giáo viên tiểu học rồi lấy chồng là ông Trần Văn Ngộ, là hiệu trưởng của mình vào năm 1968. “Tôi về nhà chồng, làm dâu được 7 năm. Đó có lẽ là khoảng thời gian sung túc nhất của cuộc đời tôi. Rồi thống nhất đất nước, gia đình chồng tôi cũng được chia đất làm ruộng, nhưng ngặt là không có ai làm nghề nông nên cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn bà con ở cù lao Long Hựu.

Gia tài lớn nhất cũng là ngôi nhà trăm cột tổ tiên để lại. Sinh thời, có nhiều người hỏi mua với giá cao lắm nhưng chồng tôi dứt khoát không bán. Nay ông ấy không còn nữa, tôi cũng sẽ gìn giữ cẩn trọng để tiếp tục truyền lại cho đời sau”, bà Ngõ chia sẻ.

Nhà trăm cột được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1997. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, thăng trầm của các đời sở hữu và được trùng tu một ít hạng mục, đến nay ngôi nhà vẫn thể hiện được nét văn hóa, kiến trúc đậm nét phong cách người dân vùng đất phương Nam vào cuối thế kỷ 19.

Nhà trăm cột cù lao Long Hựu là biểu tượng văn hóa, là di tích có vị trí của trọng trong bản đồ quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Long An.