Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Nhà tháp được cụ ông gầy dựng hơn 20 năm
Những ngôi nhà độc nhất miền Tây: Nhà tháp được cụ ông gầy dựng hơn 20 năm
Cụ ông một mình dựng nhà, đắp tượng
Theo lời kể của cụ ông Mai Huyên, khi còn nhỏ, cụ được cha mẹ cho vào chùa tu và học chữ Khmer. Sau này, dù đã hoàn tục, những lúc nông nhàn cụ luôn chịu khó tìm hiểu kinh Phật. Năm 2000, khi con cái đã yên bề gia thất, cụ bắt đầu hành trình sưu tầm sách Phật giáo. Đến nay, cụ sở hữu hơn 100 đầu sách viết bằng tiếng Khmer.
Cũng từ năm 2000, cụ Huyên quyết tâm hiện thực hóa những điều dạy trong kinh Phật bằng cách xây dựng nhà mát làm nơi nghỉ chân cho người đi đường và nhà tháp để bà con phum sóc gửi tro cốt người thân.
“Đồng bào Khmer theo Phật giáo đều sống vị tha, theo đó nhà mát xây được ven đường cho người qua lại nghỉ chân. Người Khmer còn có tục đi tu báo hiếu, xây nhà tháp để thờ cúng người đã khuất. Từ đó, tôi xây dựng 2 công trình này như cách hiện thực hóa những điều được học qua kinh Phật và lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”, cụ Huyên kể.
Khi dựng nhà mát và nhà tháp, cụ Huyên được bà con trong phum sóc hết lòng ủng hộ. Nhiều người đến góp tiền, góp vật tư xây dựng. Thậm chí, nhiều người muốn chung tay xây dựng, nhưng cụ từ chối vì muốn tự mình làm cho đúng ý. “Tôi muốn tự mình thực hiện công trình này để đảm bảo ý nghĩa và thể hiện đúng với kinh sách. Tôi tập trung toàn sức lực làm việc ngày đêm để xây dựng, làm suốt hơn 20 năm rồi, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện”, cụ Huyên chia sẻ.
Nhà tháp hút du khách quốc tế tham quan
Khu nhà mát rộng 3 m, dài 4 m, cao 5 m, xung quanh trang trí nhiều phù điêu Phật giáo, trong nhà có ghế đá cho người đi đường nghỉ chân. Đi qua ngôi nhà mát là đến nhà tháp rộng khoảng 100 m2, bên trong thờ Phật và đặt tro cốt. Đặc biệt, phần mái và tường nhà được trang trí hàng trăm phù điêu lớn, nhỏ. Trong nhà sắp đặt hơn 300 tượng Phật đủ kích cỡ.
“Phần mái nhà tháp tôi đặt hàng ngàn tháp nhỏ, tượng Phật 4 mặt, trọng lượng đến hơn 200 kg. Tất cả đều do một mình tôi di chuyển thủ công lên mái nhà”, cụ Huyên cho biết.
Những tượng Phật được đặt theo tính toán kỹ lưỡng, mỗi tượng là một hình tượng khác nhau. Những phù điêu đặt nối tiếp nhau đều kể về những điển tích trong kinh Phật như: Phật nhập niết bàn, Phật khất thực, Phật ngồi gốc bồ đề… Với năng khiếu thiên bẩm, cụ Huyên không qua trường lớp điêu khắc, hội họa nào nhưng các bức tượng đắp thủ công đều rất sinh động.
Bên cạnh ngôi nhà tháp, cụ Huyên còn xây nhà căn nhà 3 gian để gia đình sinh hoạt. Ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, sơn chủ đạo bằng màu vàng. Phần vách và trần nhà trang trí nhiều tranh vẽ với những câu chuyện và ý nghĩa khác nhau. Bên trái gian nhà có một giường đá dài khoảng 10 m, ngang 3 m để tổ chức các bữa tiệc, đám phước hay biểu diễn văn nghệ phục vụ khách đến tham quan.
Thời gian qua, có nhiều người đến tham quan nhà tháp độc đáo này, trong đó có cả du khách từ Đức, Bỉ, Pháp, Mỹ… Hiện, cụ Huyên sử dụng luôn căn nhà 3 gian làm nơi phục vụ khách đến tham quan nghỉ qua đêm. Từ đó, giúp du khách tận hưởng cảm giác sống trong không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer ở vùng quê, khám phá nét sinh hoạt, ẩm thực nơi đây.
Ông Đồ Thanh Hoàng, Trưởng ấp Bưng Cốc cho biết, cụ ông Mai Huyên có 12 người con. Gia đình có hơn 7 ha đất ruộng, ai cũng chăm chỉ làm ăn nên khá giả. Cụ Huyên là người rất đặc biệt khi đã tự tay xây nhà mát, nhà tháp, cũng như ngôi nhà 3 gian cụ đang ở. Hàng xóm, con cháu chỉ giúp đỡ vật chất như xe cát, xi măng. Những công trình này vẫn đang được cụ tiếp tục hoàn thiện.