Những quy định khó hiểu của Liên hoan Kịch nói toàn quốc

Tháng sáu 12, 2024

Những quy định khó hiểu của Liên hoan Kịch nói toàn quốc

Quy chế “không không có có” đẩy vở diễn vào thế phạm quy

Thông cáo báo chí (TCBC) về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 được Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) gửi tới một số phóng viên ngày 5.6. Theo đó, liên hoan do Cục NTBD chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu VN và một số đơn vị liên quan tổ chức từ 11 – 26.6 tại TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Năm nay liên hoan có 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập tham gia với 24 vở diễn.

Những quy định khó hiểu của Liên hoan Kịch nói toàn quốc- Ảnh 1.

Đêm trắng của Nhà hát Kịch VN

NHÀ HÁT CUNG CẤP

Trong TCBC có đoạn: “Không sử dụng kịch bản sáng tác trước năm 2005 và kịch bản của nước ngoài. Trường hợp kịch bản sáng tác trước năm 2005 sau khi đã chỉnh lý cho phù hợp với hiện tại phải có sự đồng ý của tác giả (hoặc người đại diện hợp pháp) được phép tham gia liên hoan”. Quy định này khiến người yêu sân khấu kịch rất băn khoăn. Thứ nhất, tại sao lại chọn mốc 2005 để “loại” các kịch bản sáng tác trước đó. Thứ hai, tại sao lại không sử dụng kịch bản của nước ngoài. Thứ ba, như thế nào là chỉnh lý cho phù hợp hiện tại.

Với việc chọn mốc 2005 làm chuẩn cho thời điểm sáng tác kịch bản, điều này khiến công chúng sân khấu ngay lập tức đặt vấn đề với hai vở diễn trong liên hoan: Hồn Trương Ba da hàng thịt (Sân khấu Việt Nữ) và Đêm trắng (Nhà hát Kịch VN). Đây đều là vở diễn có kịch bản từ thế kỷ trước, đều là những vở diễn đã nổi tiếng từ những năm 1980 – 1990. Đặc biệt, Đêm trắng là vở diễn nói về Bác Hồ và chống tham nhũng.

Việc loại bỏ các vở diễn kịch bản nước ngoài cũng vô lý và không phù hợp với đời sống kịch nói hiện nay. Trên thực tế, trong thời gian qua, có nhiều vở diễn được mua kịch bản từ nước ngoài như Chuyện chú mèo dạy hải âu bay, Người lạ hoàn hảo. Những tác phẩm này đều được diễn đều đặn, được đánh giá cao về chuyên môn. Chưa kể, sân khấu hiện có nhiều vở diễn dựng từ kịch bản nước ngoài khác có sự tìm tòi trong dàn dựng, có thay đổi kịch bản để gửi gắm những ẩn dụ thời sự trong nước như Quan thanh tra, hay Ả cave nhà hàng Maxim. Việc các tác phẩm này bị “loại từ vòng gửi xe” khiến sự sôi động của sân khấu hiện tại không thể hiện được nổi bật trong liên hoan.

Liên hoan cũng có quy định: “Nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân”. Khái niệm “người được đào tạo chuyên môn” rất khó hiểu, vì trên thực tế có những chương trình đào tạo diễn xuất ở bậc đại học, sau đại học, cũng có chương trình ngắn hạn vài tháng. Vậy, điều Cục NTBD muốn nhắm tới là dạng thức đào tạo nào.

Thêm vào đó, quy định đào tạo và biểu diễn 3 năm trở lên này rất kỳ quặc nếu nhìn trên tinh thần nâng đỡ các tài năng sân khấu kịch. Việc được đào tạo hoặc làm việc liên tục 3 năm trở lên không có nghĩa một diễn viên sẽ là người giỏi chuyên môn, cũng như những người chưa đủ tiêu chuẩn như vậy lại không phải là một diễn viên không thể đóng vai khó.

Văn bản nội bộ?

Báo Thanh Niên đã chủ động trao đổi ngay với Cục NTBD khi nhận được TCBC về Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 để có được văn bản chính thức quy định quy chế liên hoan này. Đáp lại, phía Cục NTBD cho biết toàn bộ nội dung quy chế đã thể hiện trong TCBC. Phía cục cũng cho biết không thể cung cấp văn bản vì đây là văn bản nội bộ. Cục NTBD cũng không trả lời được vì sao một văn bản không phải là văn bản mật, liên quan đến các nghệ sĩ ở quy mô toàn quốc, lại là một văn bản nội bộ.

Những quy định khó hiểu của Liên hoan Kịch nói toàn quốc- Ảnh 2.

Quan thanh tra là vở diễn tốt của cả diễn viên, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật nhưng không được tham gia liên hoan vì kịch bản ngoại

NHÀ HÁT KỊCH VN

Báo Thanh Niên liên lạc với ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục NTBD – Trưởng ban tổ chức, để hỏi về các vấn đề như: cơ sở nào để quy định kịch bản phải từ 2005 về trước; tại sao không chấp nhận kịch bản nước ngoài; vì sao người vào vai chính, thứ chính phải qua đào tạo hoặc biểu diễn liên tục trong 3 năm tại đơn vị có tư cách pháp nhân; vì sao không thể cung cấp quy chế cho báo chí rộng đường theo dõi. Mặc dù vậy, ông Trần Hướng Dương từ chối trả lời, trong khi chính ông cho biết mình là người rà soát văn bản quy chế nói trên.

Những câu hỏi ông Dương từ chối trả lời sau đó đã được Thanh Niên chuyển tới văn phòng Bộ VH-TT-DL ngày 7.6. Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt là người tiếp nhận những câu hỏi này, và theo thẩm quyển, chuyển tới cho Cục NTBD để cục trả lời. Tuy nhiên, tới ngày 11.6, ông Việt cho biết vẫn chưa nhận được thông tin trả lời từ phía Cục NTBD.

Một lãnh đạo Hội Nghệ sĩ sân khấu VN chia sẻ: “Quy chế này không ủng hộ nghệ sĩ, cũng cho thấy không hiểu về sân khấu kịch. Quy chế ra rồi thì nghệ sĩ là người thiệt thòi nhất vì những quy định đó”.

Trong TCBC về liên hoan mà phía Cục NTBD gửi phóng viên có đoạn: “NSND Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục NTBD chia sẻ, các công tác chuẩn bị cho liên hoan kịch nói năm nay được triển khai chu đáo về kế hoạch tổ chức và đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với các bên đơn vị liên quan để tổ chức, với mong muốn sự kiện diễn ra thành công tốt đẹp”. Mặc dù vậy, thông tin từ phía Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho biết, hội không hề được yêu cầu góp ý quy chế trước khi ban hành. 


Bạn đang đọc Những quy định khó hiểu của Liên hoan Kịch nói toàn quốc tại website hungday.com