Những tác động của ông Trump đến ngành công nghệ trong nhiệm kỳ đầu tiên
Những tác động của ông Trump đến ngành công nghệ trong nhiệm kỳ đầu tiên
Ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ trong nhiệm kỳ từ năm 2017 tới 2021. Trong 4 năm làm tổng thống đã qua, ông Trump để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ đến ngành công nghệ không chỉ riêng nước Mỹ mà ở quy mô toàn cầu đến thời điểm hiện tại.
Giảm phụ thuộc Trung Quốc dưới thời ông Donald Trump
Xuất thân là một tỉ phú kinh doanh, ông Trump đã mang đến nhiều quyết sách về mặt kinh tế chung đối với nước Mỹ. Ở lĩnh vực công nghệ, mục tiêu lớn của ông trong mảng công nghệ là giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, cả ở lĩnh vực phần cứng, linh kiện điện tử lẫn phần mềm.
Washington thời điểm đó thực thi hàng loạt biện pháp bảo vệ, từ chính sách thuế quan đến cấm doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào thị trường và nền kinh tế Mỹ. Trong giai đoạn đương nhiệm, ông Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh nhằm giảm thâm hụt thương mại, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của doanh nghiệp Trung Quốc tới ngành công nghệ chủ chốt ở Mỹ.
Thời điểm đó, nhiều mặt hàng thuộc danh mục hàng thiết bị viễn thông, điện thoại di động, linh kiện điện tử… có xuất xứ Trung Quốc bị đánh thuế quan lên tới 25%. Thống kê từ Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng Mỹ cho thấy, các đơn vị nhập khẩu đã phải trả hơn 32 tỉ USD tiền thuế trong giai đoạn giữa năm 2018 đến cuối 2021, với gần một nửa số này là sản phẩm điện tử, máy tính.
Những lệnh cấm thương mại dẫn đến sự sa sút của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như ZTE hay Huawei cũng diễn ra dưới thời chính quyền ông Trump. Với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, Washington đã cấm doanh nghiệp Mỹ có giao thương với nhiều hãng Trung Quốc, đồng thời cáo buộc thiết bị Trung Quốc tiềm ẩn lỗ hổng cho phép Bắc Kinh thu thập thông tin người dùng Mỹ cũng như doanh nghiệp, tổ chức tại đây.
Các quyết định thời ông Trump đã khiến nhiều công ty công nghệ Mỹ gặp khó khi đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng, nhiều đơn vị buộc phải chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác ngoài Trung Quốc để tránh bị đánh thuế cao. Tuy vậy, tình thế đó cũng mang đến những tác động tích cực cho nền công nghệ Mỹ khi tìm được nguồn cung ứng thay thế, đẩy doanh nghiệp Mỹ vào tình thế phải đầu tư tự phát triển trong nước, đẩy nhanh tiến trình phát triển mạng viễn thông 5G.
Bảo vệ hạ tầng viễn thông, đẩy mạnh 5G
Mạng viễn thông 5G và vấn đề an ninh mạng cũng được quan tâm đặc biệt dưới thời ông Trump khi một trong những trọng tâm công nghệ là đẩy mạnh khả năng tự triển khai và bảo vệ hạ tầng viễn thông quốc gia.
Trong vòng 4 năm lãnh đạo Nhà Trắng, nội các của ông Trump mang đến nhiều sáng kiến thúc đẩy Mỹ trên tiến trình đi đầu trong công tác triển khai mạng 5G. Vào năm 2020, ông Donald Trump ký hai đạo luật thúc đẩy sự phát triển và triển khai mạng di động băng rộng tại Mỹ. Mục tiêu là duy trì vị thế toàn cầu của Mỹ ở lĩnh vực viễn thông, bảo vệ hệ thống khỏi sự xâm nhập của tác nhân nước ngoài.
Chính phủ Mỹ khi ấy cũng cam kết đầu tư vào hạ tầng 5G, khuyến khích doanh nghiệp viễn thông nội đẩy nhanh công nghệ mạng này. Dù vậy, lệnh cấm thương mại với Huawei – doanh nghiệp hàng đầu về thiết bị viễn thông đã gây khó khăn cho các nhà mạng Mỹ bởi không ai khác, Huawei lại là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông giá rẻ đang làm đối tác. Điều này buộc nhà mạng phải đi tìm đối tác khác không phải từ Trung Quốc, gây gia tăng chi phí và làm chậm tiến trình triển khai mạng 5G dự kiến.
Nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ cũng được triển khai nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng từ bên ngoài nhắm vào nước Mỹ. Tháng 9.2018, người đứng đầu Nhà Trắng ban hành Chiến lược Không gian mạng quốc gia (đầu tiên của Mỹ), đến tháng 11 cùng năm, ông phê duyệt đạo luật đồng thuận thành lập CISA – Cơ quan An ninh cơ sở hạ tầng và An ninh mạng.
Đơn vị này chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Mỹ khỏi mối đe dọa trên không gian mạng lẫn tác nhân vật lý, phối hợp với nhiều tổ chức chính phủ lẫn tổ chức ở khối tư nhân.
Kiểm soát nội dung và mạng xã hội
Khi còn đương nhiệm, ông Trump là tổng thống Mỹ tích cực hàng đầu trong các hoạt động liên quan đến mạng xã hội, cũng như gặp vấn đề trên những nền tảng trực tuyến này. Dưới thời của ông, kiểm duyệt nội dung, tự do ngôn luận trên mạng xã hội trở thành vấn đề nhạy cảm. Ông thẳng thắn chỉ trích một phần trong Đạo luật Truyền thông đã giúp nền tảng như Facebook, Twitter (nay đổi thành X) được miễn trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải trên đó.
Theo cựu lãnh đạo nước Mỹ, Điều 230 trong luật nói trên đã bị các công ty công nghệ lợi dụng để kiểm duyệt quan điểm chính trị chủ quan, bất công bằng. Do vậy, chính quyền ông Trump khi ấy muốn sửa luật, buộc công ty quản lý mạng xã hội phải có nhiều trách nhiệm hơn về các nội dung đăng tải trên nền tảng của họ.
Sự bất đồng với mạng xã hội và truyền thông nói chung cũng là một phần khiến hàng loạt nền tảng như Facebook, Instagram, Twitter, Reddit, Snapchat… khóa tài khoản hoặc xóa các chủ đề liên quan đến ông Donald Trump. Sau khi tỉ phú Elon Musk mua lại Twitter, một trong những hành động đầu tiên của ông là gỡ khóa tài khoản chính thức của ông Donald Trump trên nền tảng. Ông Elon Musk cũng là người tích cực trong việc ủng hộ ông Trump trên đường đua tới chiếc ghế tổng thống thứ 47 vừa qua.