Nietzsche viết gì về Phật giáo!?

Tháng sáu 18, 2024

Nhiều học giả phương Tây đã nghiên cứu rất kỹ về Phật giáo Ấn Độ, đa số họ cùng chung nhiều quan điểm về sự phát triển-suy tàn của Phật Ấn Độ.
Trong số đó có Nietzsche (Nít-chơ 1844-1900)– một triết gia Đức nổi tiếng. Ông viết điều này trong tác phẩm DER ANTICHRIST!
Đừng đọc cái tên Anti-Christ mà vội cho là ông Chống-Tôn giáo. Con trai của dòng họ nhiều đời làm mục sư, từ khi nhỏ tuổi đã có thể đọc vanh vách những đoạn thánh kinh dài khi đứng trong giáo đường mà không cần nhìn vào sách. Không những thế, giọng đọc còn truyền cảm đến nỗi làm giáo dân cảm động khóc sướt mướt – thì khó có thể nói là chống Tôn giáo. Vậy ông chống cái gì? Giải thích cặn kẽ cần khá nhiều câu từ và dẫn những trường hợp cụ thể, nhưng ngắn gọn thì Nít-chơ chống ẢO TƯỞNG tôn giáo và đôi khi bị cho là cực đoan.
Nietzsche viết rằng: Phật giáo thực tế hơn Cơ đốc giáo gấp trăm lần – nó đại diện cho di sản của việc hình thành các vấn đề một cách khách quan và lạnh lùng, nó xuất hiện sau một phong trào triết học kéo dài hàng trăm năm; khái niệm “Chúa trời” đã bị kết liễu khi nó xuất hiện.
Dù câu từ nhiều trắc trở, nhưng có thể thấy khá rõ Nít-chơ đã dành thiện cảm cho Phật giáo phương Đông. Ông cho rằng, Phật giáo là một hiện tượng và là tôn giáo thực sự duy nhất trong lịch sử;
Theo Nít-chơ, không như Đạo Cơ đốc và “cuộc đấu tranh chống lại tội lỗi”, mà Phật giáo, với sự nhận thức đầy đủ về thực tế có “cuộc đấu tranh chống lại đau khổ”. Nó từ bỏ sự tự lừa dối về các khái niệm đạo đức và là điểm khác biệt sâu sắc của nó với Cơ đốc giáo. Phật giáo đứng ở phía bên kia của thiện và ác. Ở Phật, có thể thấy 2 mặt: một là sự nhạy cảm tinh tế, đôi khi quá mức với nỗi đau khổ của nhân loại, và hai là đời sống tinh thần được đề cao. Tuy nhiên, khi (Phật giáo) tồn tại quá lâu trong những khái niệm về bản năng nhân cách, nó đã gây tổn hại cho chính nó và nhường chỗ cho “vô nhân cách”.
Phật giáo là tôn giáo của một nền văn minh đã đi đến chỗ mệt mỏi và sắp kết thúc. Cơ đốc giáo vẫn chưa đến một nền văn minh như vậy – còn trong những hoàn cảnh thuận lợi, chính nó thiết lập nên nền văn minh đó. Cơ đốc giáo muốn khai hoá văn minh cho thú rừng, nhưng công cụ của nó lại làm cho việc này trở thành tồi tệ, làm suy yếu công thức thuần hóa của chính Cơ đốc giáo, của “nền văn minh” – Để minh hoạ cho đoạn văn này của Nít-chơ, có thể dẫn trường hợp thực dân Pháp đến châu Phi khai hoá văn minh thì sau đó, Paris hoa lệ, kinh đô ánh sáng bị khai hoá ngược thành Thổ dân châu Phi!
Nít-chơ cho rằng: Đức Phật là một Triết gia sâu sắc. “Triết lý” của ông không nhầm lẫn với những thứ đáng thương hại như Cơ đốc giáo, điều khiến hành động của Phật phụ thuộc vào việc chiến thắng sự oán giận: giải phóng linh hồn khỏi đó là bước đầu tiên hướng tới sự bình phục. “Hận thù không kết thúc bằng thù hận, thù hận kết thúc bằng tình bạn” – đây là lời mở đầu trong các lời dạy của Đức Phật.
Phật giáo, Nít-chơ nhắc lại một cách lạnh lùng, chân thật – khách quan hơn Cơ đốc giáp gấp trăm lần.
Sự sâu sắc mang tính triết lý của Nít-chơ khi viết về Phật giáo thể hiện ở chỗ, ông thấy rằng Cơ đốc giáo đang cố “che đậy” những vấn đề thực sự đằng sau các ảo tưởng cấu trúc, các ý tưởng và giá trị logic để bằng cách nào đó đạt đến trật tự thế giới. Còn  Phật giáo phủ nhận những hình thức ảo tưởng này và hướng con người đến thế giới thực tại mà họ chỉ cần nhận ra thông qua trải nghiệm tâm linh bên trong.
Viết như vậy có nghĩa là Nít-chơ đã cùng thế giới quan với Phật, đó là tìm kiếm khám phá sự thật từ bên trong, thông qua tiềm năng tinh thần bên trong của ý thức con người mà không phải từ bên ngoài như Cơ đốc giáo của ông.
Đức Phật nói, ngay cả mọi thú vui đều là đau khổ, bởi vì nó đạt được nhờ nỗ lực, lao động và do đó là đau khổ. Về vấn đề này, Đức Phật đã đưa ra “Tứ diệu đế”; có đau khổ; có nguyên nhân của đau khổ; có sự chấm dứt đau khổ; có con đường để giải thoát khỏi đau khổ.
Điểm khác biệt ở Nít-chơ so với Phật là không từ bỏ cuộc sống hiện tại để đến Niết bàn, mà là từ bỏ những quan niệm sai lầm, từ bỏ những giá trị chỉ đưa con người rời xa chân lý của cuộc sống.
Sau những câu từ thậm chí chua chát về Cơ đốc giáo, có lẽ Nít-chơ chỉ mềm lòng trước Đức Giêsu khổ hạnh thành Nazareth, người hy sinh đau đớn trên thập tự. Theo Nít-chơ, Cơ đốc giáo đã mắc ảo tưởng, trước hết, vì đã nâng tầm quan trọng quá mức cho con người, khiến con người không thể chịu đựng đau khổ hay chấp nhận hy sinh. Cơ đốc giáo không tương thích với nguyên tắc chọn lọc tự nhiên, nó luôn giảm thiểu và làm suy yếu sức mạnh tinh thần, ý thức trách nhiệm cao cả. Trong 2000 năm, Cơ đốc giáo đã không làm được gì ngoài hạ thấp và làm suy yếu ý thức trách nhiệm, tinh thần cao cả của con người, dẫn đến sự huỷ diệt bạo lực hàng triệu người yếu đuối và bất hạnh, nhưng lại tuyên bố một cách trơ trẽn về sự vĩ đại như vậy – Mặc dù không đề cập đích danh, nhưng có thể hiểu là Nít-chơ đã nhắc đến những cuộc Thập tự chinh đẫm máu.